Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MỘT CÁM DỖ

MỘT CÁM DỖ:

CHÂN TRONG CHÂN NGOÀI

 

Duyên Thập Tự

 

     Nội san Hạt Giống Chiêm niệm số 13 triển khai chủ đề “CÁM DỖ” như một lời mời gọi khẩn thiết phải tỉnh thức trước những mưu mô của ma quỉ, thế gian và xác thịt. Thật vậy, chúng ta rất dễ bị mê hoặc bởi những lời mời dụ dỗ của thế gian, cho dù phát xuất từ bên ngoài hay từ nội tâm. Những tiếng nói làm chúng ta không dám đối diện với sự thật, không sống những vấn đề thực tế với một ý thức sáng suốt và sống động. Khuynh hướng “chạy trốn” như là một phản xạ trước những khó khăn, những điều làm chúng ta nhức nhối.

     Trong những Lời Giáo Huấn, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã đặt vấn đề về một thực tế của đời sống tu trì, trong các cộng đoàn đan tu: đó là vấn đề “sa sút” hay nói theo ngôn ngữ ngày nay là “xuống cấp”.

“Khi chúng ta thấy trong nhà xem ra sút kém sự nọ sự kia. Sự ấy không phải chi lạ, là điều thường có trong các nhà dòng. Vậy, phải làm sao? Chúng ta ai nấy phải hãm mình, cầu xin Chúa ban lại sự sốt sắng ngày xưa… Đừng có ở như kẻ hễ thấy nhà mình sút kém, lại chiêm bao, muốn đi dòng khác. Vì lẽ rằng, dòng ấy e sốt sắng hơn, mình dễ nên thánh hơn, lưỡng lự suy tính, chân trong chân ngoài. Còn khốn hơn nữa, là cứ để lòng mình như vậy, để mấy tháng mấy năm, mà chưa đi được một bước nào trong đàng nhân đức. Vậy chúng ta chớ bắt chước hạng người này, một noi gương thầy dòng tốt lành, thánh thiện. Cha nói dự phòng trước, vì sự ấy dễ có trong các nhà dòng lắm. Đàng khác ma quỉ cũng vẽ thêm cho một phần nữa, làm cho linh hồn ấy phải hư mất: là bỏ dòng, bỏ ơn Chúa…”[1]

     Qua lời giáo huấn trên, tôi muốn chia sẻ với độc giả, đặc biệt với anh chị em trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia, về một cái nhìn thực tế trong đời sống chúng ta và tìm ra phương cách để vượt qua. Bài viết này xin chỉ hạn hẹp trong phạm vi lời giáo huấn của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận.

               1. LÝ TƯỞNG VÀ THỰC TẾ

     Để có một cuộc sống tốt đẹp, con người luôn cần đến lý tưởng. Lý tưởng là “tầm cao” giúp vươn lên để cuộc sống không trở nên tầm thường.

     Trước khi thành lập dòng Đức Bà An-Nam, Cố Thuận luôn mang trong mình những “ước mơ”. Những ước mơ đó chính là “lý tưởng” mà ngài hằng ấp ủ trong lòng. Trong thư gửi Đức Cha Lý (Allys), giáo phận tông tòa Bắc Đàng Trong (Huế), Cố Thuận đã đề cập đến lý tưởng đời đan tu:

“Năm nay đúng 800 năm thánh Benado nhập dòng, con có thể theo chân ngài nội năm 1912 này không?… Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An-Nam, nơi đó Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một “chuyện thời xưa”, nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa.”[2]

     Và trong cuộc sống của mình cũng như qua các giáo huấn trao cho các môn sinh, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã phác họa chân dung đan sĩ với hai từ căn bản “thật”“thánh”:

“Chúng tôi phải trở nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta. Họ gởi thơ xin chúng tôi cầu nguyện, họ tưởng chúng tôi là những người nhân đức lắm, toàn là những ông thánh, ông thánh hết… Chúng tôi phải lo kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, vâng ý Chúa mọi đàng, tỉnh thức luôn luôn mà nhớ đến Chúa, thì lời cầu nguyện mới có sức, mới được thần thế trước mặt Chúa, mới làm cho người ta tin cậy chúng tôi không ra vô ích…”[3]

“Chúng tôi đã biết, làm nên một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu. Thật là một điều khó, nhưng chúng ta có khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được. Một thầy dòng “contemplativi”(chiêm niệm) hãm mình, trở nên một thầy dòng thánh, thì làm ích cho Hội Thánh, và rạng danh dòng mình… Cả ngày, thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi người khác, đến đỗi xem ra như chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ở thế gian vậy, “solus cum solo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội Thánh ước ao về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội Thánh cách kín nhiệm. Ấy chính là việc bổn phận chúng ta, nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa.”[4]

     Nếu hiện thực trong cuộc sống hằng ngày “lý tưởng” đó, các đan sĩ sẽ cảm nghiệm thấy phước của đời tu” không gì khác là việc “gặp Chúa, kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, và làm cho nhiều người cũng kính mến Chúa”. Đan viện sẽ trở thành “trường phụng sự Thiên Chúa”, nơi của thiên đàng, của hạnh phúc, của niềm vui.

     Lý tưởng là thế, nhưng Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng là một người thực tế. Ngài biết rõ những “sa sút” như trong trích dẫn nơi phần nhập đề, và nhất là những “thói đời” len lỏi vào cuộc sống tu trì. Ngài đã dành một giáo huấn cho vấn đề này:

“Chúng ta hãy cứ đức tin, theo Phúc Âm mà sống, bằng không thì nhà dòng ra hư, không đáng chi. Khi nào gọi là nhà dòng hư? Là khi anh em trong nhà ăn nói như người đời; là khi anh em không thương yêu nhau, là khi anh em không bằng lòng với bề trên và với nhau; là khi anh em tập hợp xầm xì mà tra xét việc bề trên; là khi anh em chê trách nhau, chê trách đồ ăn thức uống không ngon… khi ấy nhà dòng ra hư rồi đó, không còn chi là nhà dòng nữa… Sự làm gương mù gương xấu trong Nhà Chúa, là điều thiệt hại lắm. Một trăm thầy dòng trễ nãi cũng không bằng một thầy dòng sốt sắng. Các thánh đều nói như vậy, không phải chỉ cha nói mà thôi… Vậy, cha nói lại, ai nấy hãy xét mình trước mặt Chúa mà tự vấn mình xem: Chúng ta có phải là người đến đây cho được đi đàng nhân đức chừng ấy mà thôi sao? Nếu chúng ta xét mình rồi, thấy cách ăn nết ở của mình như người thế gian, không muốn sửa mình lại, cha xin kẻ ấy về cho rồi, thà làm một người bổn đạo thường cũng được, chớ đừng ở đây mà làm gương mù gương xấu cho anh em. Ngăn trở kẻ khác đi đàng nhân đức, là điều rất thiệt hại cho nhà dòng…”[5]

     Ánh sáng và bóng tối, lý tưởng và thực tế: cả hai xen lẫn vào nhau. Lịch sử Giáo Hội, lịch sử của đời thánh hiến tu trì và của từng cộng đoàn, đều đan chen giữa thánh thiện và tội lỗi. Vậy đâu là phản ứng của chúng ta trước vấn đề này?

               2. NGUY CƠ “TRỐN CHẠY THỰC TẾ”

     Trong lời giáo huấn về sự kiện “khi thấy trong nhà dòng xem ra sa sút thì phải làm sao?”, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã phòng ngừa bằng cách nêu lên một vài thái độ “TRỐN CHẠY” qua các kiểu nói: chiêm bao muốn đi dòng khác, lưỡng lự suy tính chân trong chân ngoài, khốn hơn là chưa đi được bước nào trong đàng nhân đức. Đó là phía con người. Còn ma quỉ có hành động gì không? “Đàng khác ma quỉ cũng vẽ thêm cho một phần nữa, làm cho linh hồn ấy phải hư mất: là bỏ dòng, bỏ ơn Chúa”.

     Về phía con người, chúng ta có thể khám phá ra ba cấp độ trong việc trốn chạy này.

– Cấp độ thứ nhất: CHIÊM BAO

     Cha Tổ Phụ đã sử dụng từ “chiêm bao” để nói lên những suy nghĩ mang tính hoang tưởng, phi thực tế. Chiêm bao có thể đồng nghĩa với tưởng tượng. Thật vậy, tưởng tượng là một hoạt động đóng góp tích cực vào việc bị cám dỗ. Đây là một cuộc chiến nội tâm mà các ý tưởng đóng vai trò hết sức quan trọng. Những tư tưởng do trí tưởng tượng vẽ ra về một viễn ảnh của một nơi khác luôn đậm sắc mầu hồng. Chúng có mục đích ru ngủ người trong cuộc, sống trong ảo ảnh của một tương lai hảo huyền. Và chính sự ru ngủ này dần dần làm tiêu hao khí lực, không còn tập chú vào cuộc sống hiện tại.

     Chúng ta có thể so sánh việc chiêm bao của người muốn từ chối thực tế như tình trạng của những con nghiện ma túy tìm quên lãng trong cái “lâng lâng”, cái “huyền hoặc”. Những người sống trong tình trạng “bất mãn với hiện tại” sẽ đi tìm những ý tưởng ru ngủ mình. Và đó là một thiệt hại trên con đường vươn lên, trưởng thành.

Cấp độ thứ hai: CHÂN TRONG CHÂN NGOÀI

     Đây là tình trạng của một tâm hồn bị phân tán, sống trong sự bất an và không thể nào tiến bước cho đúng hướng. Một đàng họ chưa dám rút chân ra khỏi môi trường cũ – trong trường hợp chúng ta đang bàn đến là đời sống đan tu – vì vẫn còn một chút gì đó an toàn; đàng khác, họ không dám tiến bước vào “vùng đất mới”, vì mới lạ chưa biết thế nào và gặp không ít cản trở khách quan. Họ như người cứ đi dọc theo “đường biên”, và như thế cũng chẳng thuộc về vùng đất nào cho đúng đắn và trọn vẹn.

     Nếu cứ để tâm hồn mình bị xâu xé, vỡ vụn thành từng mảnh với những tư tưởng làm phân tán chi phối, cuộc sống họ mất đi tính duy nhất là yếu tính của chính đời tu nói chung và đời đan tu nói riêng. Mất đi tính duy nhất thì cũng mất đi đối tượng duy nhất là chính Chúa, Đấng làm duy nhất hóa mọi tư tưởng và hành động. Cha Tổ Phụ đã rất chính xác khi diễn tả tâm trạng của những anh em “lưỡng lự suy tính chân trong chân ngoài”. Lưỡng lự suy tính? Nhưng suy tính điều gì? Phải chăng là dấn thân hơn hay là tìm cách tiến thân? Thần khí nào hướng dẫn? Thần Khí Thiên Chúa hay những tính toán của thế gian? Thật là một cuộc chiến trong lòng những người anh em đang muốn tìm “con đường thoát thân”, không trung thực với sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa. Lưỡng lự tính toán sẽ làm mất đi tính chất “liều” của Tin Mừng và sẽ làm nguội đi nhiệt tâm, can đảm kiên trì trong ơn gọi.

Cấp độ thứ ba: DỪNG BƯỚC TIẾN

     Cha Tổ Phụ diễn tả cấp độ này bằng kiểu nói: “khốn hơn là chưa đi bước nào trong đàng nhân đức”. Khốn hơn, nghĩa là đáng tiếc nhất, là rơi vào tình trạng nguy hiểm nhất, và hậu quả đương nhiên là khốn khổ cho chính đương sự và cho cả cộng đoàn.

     Cuộc sống con người được ví như một hành trình, ngụ ý nói lên sự tiến triển, vươn lên và tiến tới. Dừng lại là chết. Nếu cuộc sống là thế, phương chi đời sống thiêng liêng hay nhân đức. Các nhà tu đức ví hành trình này như là bơi ngược dòng, leo dốc. Dừng lại là thoái lui. Người đi tìm những hình ảnh sắc hồng do tưởng tượng vẽ ra để trốn chạy thực tế, người đó dễ rơi vào tình trạng “bất động”, “tê liệt”. Họ “án binh bất động” ngay trong hướng đi và trong cụ thể cuộc sống. Có thể ví như người “nằm chờ sung rụng”, “hồn con đâu mà xác con đây!”. Họ không còn tích cực, nhưng uể oải và buồn chán. Tình trạng của người bị “con quỉ ban trưa” khống chế và áp đặt. Đó là một thứ “liệt kháng thiêng liêng”, có nguy cơ cho mọi thứ vi-rút xâm nhập và tàn phá. Vì không còn mặn mà với việc sống nhân đức, họ mở rộng tâm hồn cho những cám dỗ, những nết xấu ùa vào. Và đó là tình trạng nặng nề cho chính họ và cho cộng đoàn. Cái nặng nề là chính họ và cộng đoàn cứ phải loay hoay đi tìm những giải pháp, nhưng đâu phải giải pháp nào cũng khả thi và nhất là đúng theo ý Chúa.

Còn về phía ma quỉ thì sao?

     Ngày nay, người ta chẳng tin vào việc ma quỉ cám dỗ, và đó lại là một sai lầm nguy hại lớn. Cứ nhắm mắt đưa chân để cho ma đưa lối quỉ đưa đường…Chúng ta có thể phân tích một vài thủ đoạn ma quỉ sử dụng để như Cha Tổ Phụ nói: “làm cho linh hồn ấy hư mất, là bỏ dòng, bỏ ơn Chúa”.

     Chúng ta có thể nhận ra hành động của ma quỉ qua những mưu thuật cốt để người nó cám dỗ rơi vào bẫy. Ma quỉ thường hành động qua những TƯ TƯỞNG gợi cho thấy một “viễn ảnh tươi sáng”“bên kia” sườn đồi, bên ngọn núi kia. Đứng núi này trông núi nọ. Linh phụ Evagre thành Pont đã khẳng định là đối với người sống trong thế gian, ma quỉ cám dỗ bằng đối tượng cụ thể; nhưng với các đan sĩ, ma quỉ cám dỗ bằng những “tư tưởng”. Trước đó, chính linh phụ Origène đã xác định trái tim là trung tâm của cuộc chiến thiêng liêng.

     Liên quan đến điều chúng ta đang nói tới – tức là thái độ “chân trong chân ngoài”, ma quỉ rất thường dùng đến kế “kéo co” này để làm cho linh hồn mất thời gian, tiêu hao khí lực và nhất là làm cho tình yêu dần dần nguội lạnh mà linh hồn không cảm thấy hậu quả ngay lập tức. Ma quỉ gây nên một nỗi “chán chường thiêng liêng” mà chúng ta đã gọi tên là “con quỉ ban trưa”. Linh hồn kéo lê cuộc sống và không biết định hướng phía nào, không biết chọn lựa và nhất là không còn đủ năng lực để kiên trì trong những gì mình đã quyết định.

     Trước tình trạng xem ra “tiến thoái lưỡng nan” đó, linh hồn cần hành động thế nào?

               3. CẦN THIẾT KHỔ CHẾ, CẦU NGUYỆN VÀ CANH TÂN

     Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận khuyên “phải khổ chế, cầu nguyện và sửa sai”. Đây là những thái độ căn bản khi đối diện với tâm trạng hay đúng hơn với tình trạng “chân trong chân ngoài”, tâm hồn bị xâu xé bởi những tư tưởng và những đề nghị xem ra hấp dẫn nhưng thực tế ngầm chứa những mưu chước của ma quỉ.

     Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã nói đến một thứ khổ chế rất quan trọng trong truyền thống đan tu, đó là “giữ trí lòng”. Ngài nói:

     “Nếu Cha Thánh Biển Đức, ngài có ở trong nhà này, ngài có ăn ở như chúng ta không? Hẳn thật, ngài hằng lo tìm Chúa, kết hợp với Chúa mà thôi. Chúng ta cũng phải lo cho được như vậy. Khi làm việc mà chăm chỉ, có ý làm việc cho Chúa, thì có quên Chúa đi nữa, cũng không sao. Nhưng mà trong các việc, có việc không cần phải chăm chỉ, hãy lo mà nhớ đến Chúa, bằng không thì trí khôn ta hay chiêm bao luôn: khi thì chiêm bao về xứ sở, cha mẹ, bà con, gặp người nọ người kia… Bởi đó sinh ra chước cám dỗ, có khi vui buồn cũng tại đó…

     Vậy chúng ta phải cầm giữ trí khôn cho lắm. Đó là cách hãm mình có ích hơn hết, mà khỏi sinh lòng kiêu ngạo. Chớ cho nó lo ra, là điều hại lắm; nhưng hãy lo tưởng nhớ đến Chúa. Sự bắt trí khôn hằng tưởng nhớ đến Chúa là một điều rất tốt và rất khó, cho nên có kẻ không làm…”[6]

     Như đã nói trên, tình trạng “chân trong chân ngoài” là hậu quả của một thái độ “thả rông” cho trí lòng. Tâm trí lúc đó như con ngựa bất kham, phóng nước đại và chạy khắp phía. Tâm hồn bị xâu xé và trí năng bị phân tán. Vì thế, phương thế thứ nhất cần thiết là “dừng lại”: tâm trí phải “định” lại với đối tượng chính và duy nhất. Đối tượng đó không gì khác là chính Chúa. Tập trung vào Chúa và định hướng “trí lòng” vào Chúa. Rồi dần dần, linh hồn tìm lại tính duy nhất hóa, sự an nghỉ và niềm vui sống trong ơn gọi, trong cuộc sống cụ thể.

     Khi sống lâu dài trong cảnh “chân trong chân ngoài”, linh hồn rơi vào chỗ không còn thiết tha cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây là sống mối tương giao thân tình với Chúa và nhiệt tâm với việc cử hành phụng vụ cùng cộng đoàn. Có thể vẫn hiện diện đấy, nhưng rất có thể như một “xác chết không hồn”. Hồn cầu nguyện có thể đã rời xa!!! Chính vì thế, để có thể sáng suốt nhận định bước đường phải dấn thân, không gì khác hơn là cầu nguyện và cả việc tìm lại “hương vị của cầu nguyện”.

     Thật vậy, sống trong tình trạng “chân trong chân ngoài”, mơ ước đến phương trời đầy mầu hồng và nồng ấm ở sườn núi bên kia – vì đang đứng núi này trông núi nọ, cuộc sống hiện tại trở thành nặng nề và đậm vị đắng cay. Tất cả những ngọt ngào của cuộc sống, của cảm nghiệm trước kia, nay chỉ còn thấy day dứt và vị đắng. Đó là hậu quả của việc đánh mất cầu nguyện. Như vậy, không có phương thế cần thiết và phù hợp nào khác hơn là trở về với cầu nguyện. Có thể rất khó khăn khi thực hiện cuộc trở về này; nhưng Thánh Thần Chúa luôn sẵn sàng “cầu thay nguyện giúp bằng những tiếng kêu rên siết khôn tả”, miễn là chúng ta dám mở rộng con tim và sẵn sàng để cho Ngài hành động. Vì cách thế ma quỉ sử dụng để lôi kéo linh hồn xa lìa Chúa và cuộc sống đích thực là ngăn cản không cho cầu nguyện. Khi linh hồn bắt đầu thực hiện những bước đầu của cầu nguyện, ma quỉ liền “trình chiếu” trong tâm hồn biết bao hình ảnh và tư tưởng để làm linh hồn phân tâm. Và nếu cứ để ma quỉ dẫn đưa ra khỏi chính mình và Thiên Chúa, linh hồn sẽ dấn từng bước vào “miền đất xa lạ”, để rồi không biết phương hướng nào mà định vị được.

     Chính vì vậy, phải can đảm “rút chân ngoài” đưa vào trong bằng việc cầu nguyện. Hai chân trụ trong cầu nguyện sẽ tạo cho linh hồn đứng vững và tiến vững trong bầu trời của Thiên Chúa. Linh hồn sẽ biết “tham vấn” Chúa mỗi khi “tư tưởng” hiện đến và cũng sẽ biết “hồi đáp” bằng tư tưởng của Chúa.

     Phương thế thứ ba là sự canh tân. Linh hồn sống trong tình trạng “chân trong chân ngoài” – như đã phân tích trên kia – cảm thấy một “sức ì” trước mọi sinh hoạt và cuộc sống. Không tiến bước và sống “qua ngày đoạn tháng”. Việc canh tân là “khởi đầu lại”, là lấy lại “nhiệt tâm thuở ban đầu”. Bước đi này khó nhưng mang tính quyết định. Thật vậy, canh tân là chính việc “đưa chân ngoài” vào con đường bên trong. Khi để chân ra ngoài, linh hồn rất dễ dàng bị lôi cuốn bởi bất cứ “luồng gió” hay “tiếng mời gọi” nào. Vì vậy sự canh tân là đưa chân vào trong, để hai bàn chân cùng nhịp bước trong mọi sinh hoạt của đời đan tu. Và khi “cùng nhịp”, linh hồn sẽ dần dần “bắt nhịp” cuộc sống hiện tại, và tiến bước đúng định hướng đã từng chọn lựa.

     Nhưng việc canh tân này không thể thực hiện chỉ do thiện chí con người, vì chúng ta rất dễ bị chao đảo và ý chí của chúng ta không phải lúc nào cũng kiên vững. Chúng ta cần “LỜI CHÚA” canh tân và định hướng cuộc sống. “Lời Chúa là ánh sáng, là đèn dọi bước con đi”. Chính vì thế, canh tân là bước vào trong, vào trong TƯ TƯỞNG của Chúa, trong LỜI của Ngài. Chính Lời Chúa ban cho chúng ta sức mạnh đưa chúng ta ra khỏi sự ù lì để vươn lên và tiến tới.

               KẾT

     “Đứng núi này trông núi nọ”, “chân trong chân ngoài”: đó là thái độ dễ nhìn thấy trong rất nhiều lãnh vực như công ăn việc làm, tình yêu, và cả trong đời tu. Thái độ này diễn tả tâm trạng bất thỏa đối với hiện tại và mong chờ cái tốt hơn trong tương lai. Phải chăng đó là một sự cầu tiến? Một khát khao vươn lên? Có thể. Nhưng làm sao đạt tới một tương lai tốt hơn, nếu không hết mình với hiện tại! Người ta vẫn thường nói “có công mài sắt có ngày nên kim”. Có hiện tại vất vả mới có tương lai sáng ngời.

     Phải chăng trong đời tu, khi gặp những thử thách về một lý tưởng không được hiện thực cho cá nhân và cộng đoàn, chúng ta lại xoay xở đi tìm một nơi khác và tự nhủ sẽ tìm thấy ở nơi kia một sự thành toàn nào đó. Và nếu thật sự trung thực với lòng mình, chúng ta cũng sẽ dễ dàng khám phá ra những “hậu ý” không tiện và không dám nói lên. Như vậy, việc mong ước tìm thấy màu hồng ở núi bên kia lại có thể trở thành một CÁM DỖ thật sự và một gánh đè nặng cho những ai đang bị thử thách bởi cuộc sống với quá nhiều giằng co và phân tán.

     Phải chăng thái độ “bằng lòng với hiện tại” là một bước chân đúng đắn đặt trên một tiến trình vươn lên? Chúng ta khám phá ra trong cuộc đời Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận thái độ căn bản này. Ngài là một con người của ƯỚC MƠ. Trong từng giai đoạn cuộc sống, ngài mang trong mình những ước mơ rất mạnh mẽ và chúng không ngừng thôi thúc ngài cũng rất mạnh mẽ. Chúng ta có thể đơn cử việc ngài ước mơ được đi truyền giáo cho những người chưa nhận biết Chúa. Khao khát đó mạnh đến nỗi ngài nhìn căn phòng tại tiểu chủng viện An Ninh – nghĩa là công việc của một giáo sư – như một nhà tù và như thể mình bị nhốt tù. Nhưng nếu Đức Cha, nghĩa là bề trên của ngài, muốn ngài tiếp tục công việc, ngài cảm thấy TỬ TẾ luôn (theo kiểu chuyển ngữ của tác giả sách Hạnh Tích), nghĩa là chấp nhận và bằng lòng. Khi khao khát sống đời đan tu và ước mơ thành lập một đan viện cho người Việt Nam, nhưng Đức Cha khuyên chờ đợi và chờ đợi, ngài cũng cảm thấy tử tế luôn và chu toàn công việc hiện tại. Ngài không bao giờ từ bỏ ước mơ, nghĩa là hướng tới tương lai, nhưng đồng thời ngài cũng không từ bỏ hiện tại. Ngay trong hiện tại ngài đã nhìn thấy tương lai. Có thể nói, ngài đứng núi này đã trông thấy cái tốt đẹp ở núi kia. Các thư tín ngài gửi cho Đức Cha Allys và song thân minh chứng cho “ánh nhìn vượt qua” đó. Nhưng một chọn lựa căn bản của ngài đó là hai chân luôn trụ lại, ở trong hiện tại với những gì thuộc về “nơi đây và lúc này”.

     Phải chăng đó cũng chính là ánh nhìn của Chúa Giê-su khi trên núi Tha-bô, lúc Ngài biến hình, đã hướng tới một ngọn núi khác là Can-vê? Hai ông Mô-sê và Ê-li-a đã hiện ra và đàm đạo với Ngài về cuộc XUẤT HÀNH Ngài sắp thực hiện tại Giê-ru-sa-lem. Hướng tới ngọn núi khác khi ngọn núi đó là nơi được hiện thực một sự dấn thân trọn vẹn. Núi Sọ là nơi Chúa sẽ hoàn tất công cuộc của Chúa Cha trao phó, trong khổ đau và cái chết. Như vậy, Can-vê không phải là điểm hẹn của những người trốn chạy mà là nơi gặp của những ai hiên ngang bước tới. Núi Sọ không phải là điểm tới của tiến thân mà là đích điểm của DẤN THÂN.

 

 

 


 

[1] Cha Biển Đức Thuận, Di Ngôn, “Khi thấy trong nhà dòng xem ra sa sút thì phải làm sao?”, tr.185-186.

[2] Di Ngôn, thư gửi Đức Cha Allys ngày 31 tháng 01 năm 1912, tr.19-20.

[3] Di Ngôn, “Nên thầy dòng thật”, tr.169-170.

[4] Di Ngôn, “Nên thầy dòng thánh”, tr.171-172.

[5] Di Ngôn, “Khi nào gọi là nhà dòng hư?”, tr.186-188.

[6] Di Ngôn. “Khuyên giữ trí lòng”, tr. 166-167.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...