Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MỘT NÉT CANH TÂN THEO GIÁO HUẤN CỦA CHA TỔ PHỤ_M.Giuse Ngọc Nữ VP  

 

MỘT NÉT CANH TÂN

THEO GIÁO HUẤN CỦA CHA TỔ PHỤ

–ooOoo–

Maria Giuse Ngọc Nữ VP    

    

Trong xã hội đề cao “chủ nghĩa cá nhân” như hiện nay, sự cạnh tranh giữa người với người ngày càng phức tạp và gay gắt; việc ghen tương, đố kỵ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ghen tương và đố kỵ hầu như thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực và mọi mặt trong cuộc sống, len lỏi cả vào đời sống tu trì. Vì thế, “trong “Di Ngôn” của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, ngài có đề cập đến vấn đề ghen tương, đố kỵ trong cộng đoàn và giải pháp giúp vượt qua thực trạng này”. Vậy ghen tương, đố kỵ là gì? Do đâu mà có? Cách khắc phục như thế nào?

 

1.Ghen tương, đố kỵ là gì?

Theo tâm lý học, người ghen tương, đố kỵ là người hay so sánh mình với những người cùng điều kiện như mình, chẳng hạn: Bạn cùng lớp, đồng nghiệp cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng, thậm chí anh chị em ruột thịt trong nhà… Đối với những người càng ở gần, càng dễ nảy sinh ra lòng ganh tỵ. Khi họ phát hiện ra những người quen biết xung quanh có một vài mặt nào đó hơn mình thì thường họ cảm thấy trong lòng kém vui, sốt ruột, lo lắng, buồn phiền, xấu hổ, ngờ vực… rồi sinh bực bội, căm ghét, thấy mình bị xúc phạm, muốn trả thù… Tất cả các tâm trạng đó tổng hợp lại thành một trạng thái tâm lý phức tạp, khó lý giải. Đó chính là tính ghen tương, đố kỵ. Dễ nhận thấy nhất là khi ai đó có thành tích, địa vị, vinh dự, chuyên môn, bằng cấp, của cải, thành đạt… là nảy sinh ganh ghét, đố kỵ. Có người thể hiện lòng ghen tương, đố kỵ ra ngoài, nhưng có người lại “chôn kín” ở trong lòng. Nhưng dù bất cứ hình thức nào, lòng ghen tương, đố kỵ đều ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống và công việc. Có thể nói, một người có lòng đố kỵ sẽ không bao giờ ngừng so sánh bản thân với người khác như một việc làm vô thức. Họ luôn không hài lòng với bản thân mình và thường so sánh với người khác dù trong bất kỳ cảnh huống nào.

Do đâu nảy sinh trạng thái này? Các nguyên nhân thầm kín ẩn sâu trong sự ghen tương chính là ước muốn thống trị, ước muốn được chấp nhận và được yêu thương [1]. Cũng có thể do các nguyên nhân khác như: thiếu tự tin, tự ti mặc cảm; hoặc do tính tự cao, tự đại; hay do lối sống cô độc, ít giao tiếp, cuộc sống thiếu tình cảm. Cũng có thể do thói quen hay chỉ trích, đả kích người khác hoặc thường xuyên gặp thất bại trong cuộc sống.

Trên đây là chân tướng và nguyên do của sự ghen tương, đố kỵ. Vậy làm cách nào để hạn chế cố tật này? Có nhiều giải pháp giúp khắc phục: Trước hết, ta phải tôn trọng quyền sở hữu cá nhân và quyền tự do, độc lập của mỗi con người. Phải nhận biết cái người ta có, không phải tự dưng nó đến mà phần lớn là do công sức lao động, học tập kết hợp với tài năng, trí tuệ mới hình thành. Kế đến, nên học cái hay cái tốt của “đối phương” để bổ sung và hoàn thiện chính mình. Phát huy “Sở Trường” với tất cả “Đam Mê” và “Hiệu Suất làm việc” (sự cần cù chăm chỉ) [2]. Cố gắng hạn chế sở đoản và tìm kiếm những giá trị mới; Bởi mình thua kém mặt này thì phát huy mặt khác, phương diện khác, vì ai cũng có những ưu điểm tiềm tàng của riêng mình. Nếu như thế mà vẫn không thể xóa bỏ được tâm lý ganh tỵ vì nó đã ăn quá sâu vào tâm trí ta, thì hãy làm cho nó có ý nghĩa tích cực hơn lên. Hãy cạnh tranh một cách lành mạnh, chính đáng. Tác giả Antje Balters cho rằng về bản chất, lòng đố kỵ là cuộc chiến của chúng ta với chính bản thân: “Chúng ta chỉ có thể vượt qua sự đố kỵ bằng cách thay vì mải mê nhìn theo người khác thì hãy nhìn lại mình. Mỗi người cần phải bằng lòng với bản thân trong giới hạn khả năng cho phép. Đó là cách hiệu quả nhất để xoá bỏ lòng ghen tị”. Nếu ai cũng hiểu và thực hành được như thế, thì việc ghen tương, đố kỵ nhau sẽ giảm đi rất nhiều, làm cho cuộc sống ngày càng an vui hạnh phúc hơn.

 

2.Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận nói gì về ghen tương, đố kỵ?

Về vấn đề này, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã để lại những lời giáo huấn rất sâu sắc trong “Di ngôn” của ngài. Trong đó, ngài có đề cập đến vấn đề ghen tương, đố kỵ trong cộng đoàn và những giải pháp giúp chữa trị “căn bệnh trầm kha” này. Ngài cho rằng: “Thường cha mẹ không phân bì con cái, con cái cũng không phân bì cha mẹ; còn anh em với nhau trong nhà thì hay phân bì ghen ghét nhau. Những người một trường lớp với nhau, hay phân bì nhau. Cũng như các người làm cùng một nghề với nhau, như thợ rèn với thợ rèn, thợ mộc với thợ mộc, thợ này chê bai thợ kia[3]. Loại ghen tương, đố kỵ này theo nhà tâm lý học Alfred Adler (1870-1937) thì nó thể hiện sự yếu kém của bản thân với người khác. Trong thâm tâm, họ muốn vượt trội người khác, để thành người nhất hoặc là thích khoe khoang thành tích của mình cách quá mức [4]. Vì thế, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã đưa ra những phương thế giúp ta khắc phục tâm thái này. Trước hết ta hãy sống đúng thứ vị của mình: “sự khiêm nhường là ưng muốn ở bậc Chúa muốn. Ví như tấm ngói nó muốn xuống lót nền, đó là làm ngược, không phải khiêm nhường đâu. Cho nên, sự khiêm nhường là bằng lòng chịu lấy hết mọi nỗi vui buồn Chúa gởi đến cho chúng ta. Kẻ khiêm nhường thì chi cũng được, việc chi cũng xong; bữa nay được nhắc lên thì cũng được, đến mai lại bị hạ xuống thì cũng vâng, chi cũng xin vâng hết. Trong một ngày chúng ta kêu ngạo nhiều lần, song người khiêm nhường vẫn ở bình an luôn[5]. Có một phương thế hữu hiệu giúp phá tan sự ghen tương là: định vị bản thân, hay khám phá giá trị căn bản đích thực trong tương quan với Thiên Chúa. Mỗi người trở nên Vĩ Đại không phải do mình , nhưng nhờ cái mình đang . Mình là “con người”, là “con Thiên Chúa” và được Thiên Chúa “yêu thương[6]. Tương tự như thế, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận khuyên: “nhìn biết mình có sự gì lành, là bởi Chúa ban cho mới có. Cho nên trong chúng ta có kẻ có trí khôn hơn. Vậy, anh có trí khôn hơn vì Chúa ban cho anh hơn, còn em có trí khôn thua vì Chúa ban cho em ít; anh có trí sáng học mau, em thì tối trí học lâu, vì Chúa muốn vậy; anh có sức mạnh vì Chúa ban cho anh, em yếu vì Chúa ban cho em như vậy. Cho nên không phô trương cậy mình, vì có nhiều có ít cũng bởi Chúa ban cho. Kẻ có nhiều, cũng không cậy mình mà khinh dể người khác; người có ít cũng không phân bì. Làm thế khác thì thật là dại dột và điên cuồng. Như vậy, Chúa ban cho tôi nhiều, thì tôi cũng không khoe khoang; anh em tôi có ít, tôi cũng không khinh chê; mà tôi có ít, tôi cũng không phân bì[7]. Tiếp đến, ngài nhắn nhủ phải sống vị tha, yêu thương và đồng cảm với mọi người: “Chúng ta là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, lại phải thương yêu hết mọi người. Mà muốn cho được thương yêu anh em, thì phải ra khỏi mình là bỏ mình đi, thì mới thương yêu anh em được. Chúng ta hay yêu mình quá, cả ngày chỉ nghĩ đến mình, còn anh em thì không được nghĩ tới. Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo Chầu Thánh Thể, cái đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo. Nhân đức thương yêu là khi thấy kẻ khác buồn thì mình cũng buồn, như thể là chính sự buồn của mình. Khi thấy kẻ khác vui thì mình cũng vui, như thể chính sự vui của mình vậy. Cái nhân đức ấy, là nhân đức đại độ, là nhân đức thật. Những kẻ ấy là người đại độ, không phải là tiểu nhân[8].

Tuy nhiên, để thực hành được những phương thức Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận nói, cần phải có Động Cơ thúc đẩy ta làm, đó là: “chúng ta phải ước ao nên thánh”[9] . Động cơ này phải là sự tự do chọn lựa có ý thức chứ không do ép buộc: “Chúng ta nên nhớ điều này, mọi sự thế gian thảy điều vô lối, vô ích, chóng qua cả, trừ sự kính mến Chúa và làm tôi Người, đáng cho chúng ta chăm lo mà thôi”[10] . Đồng thời, cần hội đủ ba điều kiện để có thể thực hiện được việc canh tân này: có sự Yêu Thích (đam mê tốt), có Ý Chí bền bỉ và có Sở Trường[11] . Đối với người Đan sĩ, sự Yêu Thích là: “Nếu chúng ta biết ấp yêu Thánh Giá vào lòng, thì mọi sự gian nan tân khổ đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh Giá thật, thì ở trong Nhà Dòng này rất đỗi vui mừng. Như vậy, ai mà làm chi được chúng ta! Bề trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là Thánh Giá, đó là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong Nhà Dòng này vui thích biết mấy”[12] . Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai là ta đã làm được, nhưng cần có Ý Chí bền bỉ mới có thể thực hiện: “Chúng ta đã biết, làm nên một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu. Thật là một điều rất khó, nhưng chúng ta có khởi công ra sức tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được”[13] . Vì thế, mỗi khi “thấy cách ăn nết ở của mình không tốt thì ra sức sửa lại, thấy mình không ưa một anh em nào thì tìm dịp cho được giúp đỡ hoặc xét ý lành cho kẻ ấy, dẫu một tội rất nhỏ mọn cũng ra sức lo cho khỏi”[14] . Đồng thời phải dùng đến Sở Trường của người Đan sĩ là cầu nguyện: “Bổn phận và nghĩa vụ của chúng ta là cầu nguyện[15] , mà cầu nguyện “là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng ta. Sự ấy, thế gian không hiểu được. Phước chúng ta là đó rồi: gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa. Biết có Cha chúng ta hằng ở với chúng ta, nào có ai làm chi được, cho nên được bình an vui mừng luôn. “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì; nơi đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi an nghỉ”(Tv 22,1). Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng”[16] . Quả thật: “Khi chúng ta được Chúa rồi, chúng ta đâu còn thiết điều gì nữa!”[17] . Bởi: “Giá trị cốt lõi của một người trở nên có giá trị bền vững và đích thực là giá trị của Tình Yêu. Mọi thứ khác đều quy về Tình Yêu mới có giá trị”[18] .

Sau khi bàn về vấn đề ghen tương, đố kỵ trong cuộc sống, ta thấy rằng: Trước hết sự ghen tương, đố kỵ phá hoại mối quan hệ giữa người với người, hòa khí vốn có trước đây bổng chốc vì ganh tỵ mà rạn nứt, đổ vỡ, sức mạnh đoàn kết và sự hợp tác của tập thể bị tổn thương. Thứ đến, lòng ghen tương, đố kỵ còn cản trở con người phát triển tài năng. Trong một tập thể chỉ cần phảng phất chút lòng ganh ghét, đố kỵ là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không sao sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau. Ngoài ra lòng ganh tỵ, có ảnh hưởng rất to lớn đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con người. Người có tính ghen tương, đố kỵ bao giờ cũng căng thẳng về tinh thần và tổn hại về sức khỏe. Họ luôn bị một chứng bệnh khổ sở “stress” hành hạ. Nhà văn Pháp De Balzac cũng đã từng nói: “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.
Tóm lại: Chúng ta đừng để sự ghen tương, đố kỵ khống chế mình để khỏi phải chán nản, đau khổ, buồn phiền. Càng không vì ganh tỵ mà thù oán, làm tổn hại người mà ta ghen tức. Làm như thế chỉ tỏ ra ta là người yếu thế và ảnh hưởng đến nhân cách ta mà thôi. Chúng ta không dấu ước mơ, hoài bão của mình, nhưng phải tỏ ra là người có ước mơ, hoài bão cao thượng và sẽ đạt được hoài bảo, ước mơ đó bằng các phương châm, phương thức và hành động đúng đắn. Mỗi người trong chúng ta, dường như ai cũng có một chút tính xấu hơn thua với người khác. Tuy nhiên, thay vì buồn với sự thành công của họ, chúng ta nên lấy đó là động lực để mình cần phải cố gắng hơn nữa. Có như vậy, tâm ta mới cảm thấy luôn nhẹ nhàng, thư thái và nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người.
Riêng đối với người Đan sĩ, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau, chúng ta cần thường xuyên phản tỉnh (metanoia) để nhận ra những sai lệch trong tâm thức mà chỉnh sửa. Đồng thời kiên trì sử dụng những phương thế tự nhiên và siêu nhiên nhằm kiện toàn bản thân mỗi ngày, hầu vươn lên một cuộc sống cao đẹp hơn và nhất là lo sao cho ngày càng nên giống Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện[19] .

 

  


[1] Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 54).

[2] Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 56).

[3] DN. 112

[4] Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 54).

[5] DN. 124

[6] Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 57-58).

[7] DN. 125

[8] DN. 112

[9]DN. 120

[10] DN. 107

[11]Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 19).

[12] DN. 126

[13] DN. 135

[14] DN. 120

[15] DN. 118

[16] DN. 141

[17] DN. 109

[18] Tham khảo tài liệu tâm lý của Giáo sư Phêrô Dũng – Nguyễn Đình Khi (trg 58).

[19] x. Mt 5,48

 

 

 

 

 

    

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...