Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

MỘT VỊ VUA DÁM CHỊU THUA, ĐỂ CHIẾN THẮNG (Lc 23,45-43)

 

 Suy niệm Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Năm C
2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,45-43

Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc (28.7.1914 – 11.11.1918), con người đã được chứng kiến và được sống các kinh nghiệm về những hậu quả tang thương do những cuồng vọng của mình gây ra. Rất nhiều người đã tin tưởng và hy vọng những hậu quả ấy sẽ giúp con người có cơ hội thật tốt để nhìn lại và lượng giá những nhu cầu hoặc tham vọng của mình hầu tìm ra những giải pháp khắc phục những hậu quả ấy. Nhưng sự việc lại không diễn ra như thế.

Thay thế cho việc cố gắng dấn thân đi tìm những giải pháp tích cực để khắc phục những hậu quả của chiến tranh, nhiều người lại nỗ lực tìm kiếm những cơ hội và phương tiện tinh vi hoặc hữu hiệu hơn để nuôi dưỡng và củng cố những tham vọng quyền lực của mình. Các tham vọng đó đã là điều kiện tốt để những chủ nghĩa phát-xít hay những nhà độc tài cực đoan xuất hiện. Đây là hệ quả của việc con người không tìm được hướng đi và giải pháp hữu hiệu đáp ứng những nhu cầu chính đáng của mình. Do đó cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai tất yếu đã xảy ra và trở thành lời chứng cho những khẳng định này.

Trước tình cảnh đó và trong tư cách là vị chủ chăn trong Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ (vào năm 1925) để giới thiệu cho toàn thể thế giới biết Đức Giêsu chính là Vị Vua Đích Thực, Vị Vua Tối Cao, Vị Vua Tình Yêu và chỉ nơi Ngài, con người mới tìm được giải pháp tối ưu và siêu việt cho những nhu cầu chính đáng của mình. Lời giới thiệu này của Giáo Hội được ghi nhận và triển khai nơi nội dung của ba bài đọc trong thánh lễ.

1. Một nhu cầu

Cả trên bình diện bản thể và xã hội, thật sự con người có nhu cầu cần được quy tụ, hướng dẫn và bảo vệ. Nhu cầu này giúp con người sẵn lòng hoặc dễ dàng suy tôn hay đón nhận một ai đó làm người lãnh đạo, làm người chỉ huy hoặc làm vua của mình.

Bài đọc I ghi nhận việc toàn thể kỳ mục Israel đến gặp Vua Đavít tại Khép-rôn để “xức dầu tấn phong Đavít làm vua của Israel” (2Sm 5,3). Toàn thể dân Israel “xức dầu tấn phong” Đavít làm vua của họ vì họ muốn được quy tụ lại như lời họ nói: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài” và “chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Israel” (2Sm 5,1-2). Toàn thể dân Israel nói với Vua Đavít như vậy vì từ rất sớm họ đã biết mình là một dân nhỏ bé đang sống giữa các dân tộc lớn khác. Họ cũng biết rõ rằng sức của một người trong họ không thể sánh bằng sức của một con bò, con ngựa. Do đó, họ biết mình cần được quy tụ lại quanh một vị vua để tạo nên sức mạnh hợp quần vì không gì mạnh bằng sức dân. Đây là nhu cầu quy tụ, hợp quần.

Nhưng nếu toàn dân quy tụ và hợp quần mà không có người hướng dẫn hoặc lãnh đạo thì sự hợp quần ấy chỉ tạo nên đám đông chứ không làm thành cộng đoàn. Chính vì thế, các vị kỳ mục trong dân Israel, tức những người lớn tuổi và có nhiều kinh nghiệm, đã nhắc lại lời của Thiên Chúa nói với Vua Đavít như một bảo đảm rằng: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel” (2Sm 5,2). Không có sự bảo đảm này, đám đông sẽ có thể trở thành một đoàn người bị kích động hoặc một sức mạnh thách thức, mà đám đông của những người Do Thái trên “Đồi Sọ” trong Bài Tin Mừng là một điển hình (Lc 23,35-43). Sự khác biệt giữa đám đông và cộng đoàn khẳng định nhu cầu con người cần được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo.

Hệ quả của việc được hướng dẫn đồng nghĩa với việc được bảo vệ. Dân Israel đón nhận sự hướng dẫn của Vua Đavít để được vua bảo vệ họ như những người cốt nhục của ông, nghĩa là từ nay sự sống và cái chết của họ có liên quan đến sự sống và cái chết của vua; vinh nhục của họ cũng tùy thuộc vào vinh nhục của vua; an sinh của họ cũng ràng buộc với an sinh của vua … Nhưng toàn dân Israel chỉ biết mình được vua bảo vệ nơi cuộc sống này còn sự sống đời sau thì họ không thể biết. Chính Đức Giêsu, Vị Vua Đích Thực, Vị Vua Vĩnh Cửu sẽ là Đấng bảo vệ họ trong cuộc sống đời sau, như nội dung giáo lý của Bài Tin Mừng đã ghi nhận.

Thật vậy, trong muôn vàn nỗi sợ, con người luôn sợ cái chết, nhưng đó chưa phải là nỗi sợ lớn nhất của con người. Nỗi sợ lớn nhất của con người là họ không biết mình sẽ ra sao sau khi chết. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu trên thập giá với “tên gian phi”, mà chúng ta quen gọi là “người trộm lành”, cho chúng ta biết chính Ngài sẽ bảo vệ chúng ta sau cái chết. Chúa Giêsu không bảo vệ để người trộm lành khỏi phải chết ở đời này bởi chính Ngài cũng sẽ chết, nhưng Ngài đã bảo đảm với anh rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Như thế, chính Đức Giêsu là Đấng đã đáp ứng nhu cầu cần được bảo vệ của con người.

Tuy nhiên, vì chưa biết hoặc chưa tin vào giải pháp của Đức Giêsu, nhiều người đã tự đi tìm những giải pháp cho mình nên đã bị sa vào những chước cám dỗ, nhất là những cám dỗ trong các trò chơi quyền lực.

2. Một cám dỗ

Nhu cầu quy tụ của con người có thể trở thành những cám dỗ về sức mạnh ảo tưởng của quyền lực. Thực tế ghi nhận “quyền” thường đi với “lực” nên người có chức quyền cũng thường được cho là người có sức mạnh. Vì thế, cám dỗ đầu tiên của người có quyền là thể hiện sức mạnh của mình. Các cuộc chơi “điều binh khiển tướng” của đám trẻ em là một minh họa.

Vì muốn “điều binh khiển tướng”, nhiều người đã đoạt ngai chiếm quyền của người khác để được làm vua.

Vì muốn được nổi tiếng, nhiều người đã “tự phong” mình là vua trong một vài lãnh vực nào đó để thể hiện sự “vượt trội” hơn người của mình.

Nguy hiểm hơn, vì muốn thể hiện quyền lực, nhiều người đã thách thức người khác bằng những cuộc thi đấu hơn thua để khẳng định sự chính danh của mình.

Nhiều nhân vật được Bài Tin Mừng ghi nhận đã vạch trần những cơn cám dỗ như thế. Những người thủ lãnh Do Thái muốn chứng tỏ quyền lãnh đạo của mình nên đã “buông lời cười nhạo” Đức Giêsu (Lc 23,35). Những người lính tráng Do Thái muốn khẳng định tính chính danh của mình nên đã thách thức Đức Giêsu thể hiện quyền bính của Ngài: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi” (Lc 23,37). “Tên gian phi” thường được gọi là “người trộm dữ” muốn biện hộ hoặc tìm sự đồng lõa cho việc làm của mình đã đồng hóa sự tuyệt vọng của anh với sự vâng phục của Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã không làm theo các lời thách thức của tất cả những người này. Ngài chấp nhận chịu thua trước những yêu cầu thách thức của họ để được chiến thắng vì Ngài tin rằng Chúa Cha đã đưa Ngài lên thập giá thì chỉ có Chúa Cha mới có quyền đem Ngài xuống khỏi thập giá. Và khi chấp nhận chịu thua những lời thách thức của con người, Đức Giêsu đã khẳng định việc Ngài đang sống những nghịch lý của Tin Mừng mà chính Ngài đã từng công bố và rao giảng.

Nghịch lý của Tin Mừng mà Ngài đang sống là: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). Đức Giêsu không dạy người ta thực hành điều gì mà Ngài lại không sống trước điều đó.

Đức Giêsu chấp nhận chịu thua để chiến thắng và đây cũng chính là nghịch lý Tin Mừng mà Ngài đã từng sống khi Ngài chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ trong sa mạc. Sự chấp nhận của Đức Giêsu đã nói lên giải pháp cứu độ trong Vương Quyền của Ngài.

3. Một giải pháp

Trước những tuyệt vọng và thách thức xuống khỏi thập giá của con người, Đức Giêsu đã dám chịu thua để chiến thắng. Qua sự chiến thắng này, Đức Giêsu cung cấp cho con người một giải pháp tối hảo, giải pháp duy nhất mà con người có thể dùng để chiến thắng các cơn cám dỗ trong khi đi tìm những đáp ứng cho các nhu cầu chính đáng của mình. Giải pháp được Đức Giêsu đề nghị là: Hãy cùng với Ngài ở lại trên Thánh Giá – Thánh Giá cứu độ của Đức Giêsu và Thánh Giá trong cuộc đời mình.

Trước những lời đề nghị của Đức Giêsu trong giải pháp này, chúng ta cùng nghe lại những lời giải thích của Đức Thánh Cha Phanxicô: “‘Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy cứu chính mình và cứu chúng tôi nữa!’ (Lc 23,39). Tiếng kêu này làm chứng cho sự âu lo của con người trước mầu nhiệm của cái chết và ý thức thê thảm rằng chỉ có Thiên Chúa có thể là câu trả lời giải thoát: vì thế không thể nào nghĩ rằng Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Chúa gửi đến lại có thể ở trên thập giá, mà không làm gì để tự cứu lấy mình. Họ đã không hiểu điều này. Họ đã không hiểu mầu nhiệm hiến tế của Chúa Giêsu. Nhưng trái lại, Chúa Giêsu đã cứu thoát chúng ta bằng cách ở lại trên thập giá. Tất cả chúng ta đều biết rằng thật không dễ ‘ở lại trên thập giá’, trên các thập giá bé nhỏ của cuộc sống mỗi ngày. Nhưng Ngài, trên thập giá lớn này, trên sự khổ đau lớn lao này, đã ở lại như vậy, và trên đó, Ngài đã cứu chúng ta; trên đó, Ngài đã cho thấy sự toàn năng của Ngài, và trên đó, Ngài đã tha thứ cho chúng ta.

Và trên đó thành toàn việc trao ban tình yêu thương của Ngài và nảy sinh ra ơn cứu rỗi luôn mãi cho chúng ta. Khi chết trên thập giá, vô tội giữa hai kẻ tội phạm, Ngài chứng nhận rằng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có thể đến với bất cứ ai, trong bất cứ điều kiện nào, cả trong điều kiện tiêu cực và đau đớn nhất. Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa là cho tất cả mọi người, không ai bị loại trừ” (Linh Tiến Khải – Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Buổi tiếp kiến chung ngày 28.9.2016).

Như vậy, ý nghĩa phụng vụ và ý nghĩa của Lời Chúa trong thánh lễ mừng Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ mời gọi chúng ta suy nghĩ về Vương Quyền cứu độ của Ngài trong đời sống khi chúng ta biết tự đấm ngực và chất vấn mình rằng: Suốt một Năm Phụng Vụ qua, cái gì cai trị lòng trí tôi? Trong cộng đoàn, nơi gia đình của tôi, ai hoặc Đấng nào là người đầy quyền lực đang làm chủ? Những sở thích, những nhu cầu nào đang điều khiển tôi? Trong mối liên hệ với người khác, ai là mẫu mực để tôi bắt chước, để tôi vâng phục? Vì Đức Giêsu Kitô là Vua mà lại không giống với bất cứ một vị vua nào trên thế gian nên chúng ta hãy tôn phục Ngài không phải như một tôi tớ nô lệ nhưng với tâm tình của những người con đã được Ngài ‘cứu chuộc’ và ‘tha thứ’ (x. Cl 1,14).

                 Fm Gioan Maria Vianey (Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn)

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18: Chúa Giêsu – Mục Tử của các mục tử

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18 Chúa Giêsu Mục Tử Của Các Mục Tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để diễn tả mối...

Chúa Nhật IV PS, B, Ga 10,11-18: Đan sĩ với sứ vụ mục tử

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH ĐAN SĨ VỚI SỨ VỤ MỤC TỬ (Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18) M. Mazzarello, CĐ Phước Thiên Phụng vụ...

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48: Chúa Kitô luôn hiện diện giữa chúng ta

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48 Chúa Kitô Luôn Hiện Diện Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sau khi hai môn đệ...

Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Có Chúa đồng hành trong cuộc đời

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI (Lc 24,35-48) Tùng Linh, Phước Lý Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38: Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38 Xin Mẹ Dạy Con Hai Tiếng “Xin Vâng” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi...

Lễ Truyền Tin – Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện

Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện (Lc 1,26-38) Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Trước khi suy niệm về ngày Lễ...

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31: Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31 Chúa Ấp Ủ Tôi Suốt Cả Cuộc Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm...

Chúa nhật II Phục Sinh: Niềm tin của ông Tôma và niềm tin của chúng ta

CHÚA NHẬT II PS - B NIỀM TIN CỦA ÔNG TOMA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA (Ga 20,19-31)   Lm. Vĩnh Nghiêm, An Phước Không có điều gì...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Chúa đã sống lại thật, Alleluia!

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9 Chúa Đã Sống Lại Thật Alleluia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc các bài báo về những vụ án hình sự...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: “Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh”

“CHÚA GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN, NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH” (Ga 20,1-9) Vp. Bảo Tịnh, Phước Lý  Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là trọng tâm...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...