MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp chúng ta tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa đã thể hiện những kỳ công vĩ đại trên quê hương đất nước và dân tộc thân yêu của chúng ta. Khi chiêm ngưỡng dung mạo và chí khí quật cường kiên trung trong niềm tin yêu của các bậc tiền bối, chúng ta cùng quyết tâm nỗ lực phát huy sự nghiệp hào hung các ngài để lại bằng đời sống đức tin của mình.
Với Lời Chúa và Phụng Vụ hôm nay, thiết tưởng chúng ta cùng phát họa đôi nét chân dung các thánh tử đạo Việt Nam. Vâng, lịch sử Giáo Hội Việt Nam còn ghi đậm nét hơn một trăm ba mươi ngàn chứng nhân tử đạo, đặc biệt 118 thánh tử đạo Việt Nam kéo dài suốt 218 năm tính từ vị tử đạo đầu tiên: Chân phước Anrê Phú Yên (1644). Một trăm năm sau, cuộc bắt đạo trở nên gắt gao, kể từ thánh Phanxicô Federe Tế và thánh Matthêu Luciana Đậu (1745) đến vị cuối cùng là thánh Phanxicô Đa, bị thiêu sinh (1862), trải qua các triều đại vua Lê, Chúa Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Nếu xét lịch sử theo niên biểu 1553, khởi đầu là giáo sĩ Inhakhu được nhắc đến cách chính thức trong Khâm Định Việt sử thì thời các thánh tử đạo được kể là hoa quả của gần ba thế kỷ Lời Chúa đã được gieo vãi trên quê hương đất nước Việt Nam thân yêu.
Các ngài thuộc mọi thành phần tôn giáo và xã hội, giám mục, linh mục, thầy giảng, tu sĩ, giáo dân, quan chức, quân nhân, chánh tổng, lý trưởng, thường dân nam phụ lão ấu, gồm mọi ngành nghề: lương y, thương gia, thợ thuyền, nông dân…các ngài đã thể hiện:
Sống Tin Mừng yêu thương:
Dung mạo đích thực các thánh tử đạo Việt Nam khá nổi bật là lòng yêu thương chan hòa với mọi người bằng cả một tấm lòng lòng nhân ái quảng đại và phục vụ tận tình như y sĩ Simon Hòa đã tận tâm giúp đỡ mọi bệnh nhân, đặc biệt với với người nghèo khổ: chữa bệnh miễn phí và còn giúp đỡ tiền bạc, lúa gạo nữa. Ông Năm Thông là ân nhân của cô nhi viện trong vùng. Ông trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi. Đức cha Minh Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí không phân biệt lương giáo, giàu nghèo, khiến cho họ hết lòng biết ơn, quý mến và trân trọng. Đối với vua quan, các đấng hết mực hiếu trung và luôn khuyên bảo mọi người chu toàn nghĩa vụ công dân và tích cực xây dựng đất nước. Khi tiếp xúc với quan quyền dù trong cảnh ngộ nào các ngài vẫn tỏ vẻ kính trọng: nói năng lịch sự, ôn hòa và lễ độ. Nhưng nếu cần minh chứng và bảo vệ đức tin thì các ngài luôn kiên cường bất khuất trước mọi thử thách đau khổ với niềm tin và hy vọng.
Cậy trông Mẹ Maria phù hộ:
Một nét khá ấn tượng nơi dung mạo các đấng tử đạo là lòng kính Mẹ Maria; chẳng hạn: Đức cha Valentio Vinh trong thư gửi cho bà thân mẫu (thư 61) đã viết: “Mẹ à! Với tràng hạt Mân côi trong tay, với lời kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn gì đẹp xinh hơn? Mẹ hãy thưa với Mẹ Maria về con lời cầu nguyện sốt mến ấy sẽ đánh gẫy nanh vuốt ác quỷ”.
Đến khi bị bắt, Kin Mân Côi vẫn là lời kinh hằng ngày của các chứng nhân đức tin. Có khi các đấng còn chia làm hai bè cùng cầu nguyện ngay trong cả ngục tù! Đức cha Phêrô Cao, hai cha Vinh sơn Điểm và Phêrô Khoa đã hát vang cả ngục thất bài ca “Ave Maria Stella” (kính chào Mẹ Maria là ngôi sao sáng). Cha Đa minh Hạnh, thay vì đạp lên ảnh Đức Mẹ như nhà chức trách bắt buộc, thì ngài đã quỳ mọp xuống hôn kính ảnh Đức Maria và bị đánh một trăm roi. Bà Anne Lê Thị Thành tâm sự: “Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức tôi không cảm thấy đau đớn khi bị đòn vọt máu me dầm dề. Cha Gioan Tân dù bị nhốt trong cũi vẫn hát những bài thánh ca kính Đức Mẹ. Và hầu hết các đấng tử đạo đều tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ Maria từ ái!
Như một hiến tế cuộc đời:
Một nét khá sâu đậm nơi chân dung các thánh tử đạo Việt Nam đó là các ngài đã không chết vì một ý thức hệ hay một tham vọng nào khác, nhưng đối với các ngài chính là muốn hiến tế thân mình vì một Đấng mà các ngài trọn tình yêu mến tôn thờ suốt cuộc đời là Đức Giêsu Kitô. Ông An tôn Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất còn nói: “Xưa Chúa cũng dang tay như thế này để chịu đóng đinh”. Đức Cha Giuse An viết: “Chớ gì máu tôi được hòa làm một với máu Đức Kitô trên đồi calvê rửa sạch muôn vàn tội lỗi”. Cha Isiđôrô Gagelin Kính nói: “Ước chi tôi trở thành tro bụi để kết hợp với Chúa Kitô: Chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi chịu mọi đau khổ và cả cái chết nữa. Cha Toma Đinh Viết Dụ nói: “Chúng ta chịu bao khổ hình để cứu độ nhân loại, tôi cũng sẵn lòng chịu các đau khổ này để nên giống Chúa Kitô phần nào”. Còn cha Giuse Hiển lại nói: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”. Hay chân phước Anrê Phú Yên nói: “Tình yêu đáp lại tình yêu. Mạng sống đáp đền mạng sống!” Tóm lại tất cả các đấng tử đạo đều cảm nhận cái chết của mình như một hy tế, nên các ngài hằng nguyện cầu cho việc hiến dâng đời mình đến giây phút cuối cùng như Hy Lễ Tình Yêu!
Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân. Các thánh tử đạo Việt Nam đã làm chứng cho đức tin bằng cả sự chết lẫn sự sống. Các ngài đã cùng chia sẻ nỗi thống khổ và vinh quang của Chúa Kitô, thì ước gì chúng ta là con cháu các ngài luôn xác tín và thể hiện cho bằng được “Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người! Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Ngài” (2 Tm).