“BA MỨC ĐỘ CỦA ĐỨC KHÔN NGOAN”
(Cn 2, 1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19, 27-29)
Tại sao phụng vụ Giáo hội lại chọn ba bài đọc này trong ngày lễ thánh phụ Biển Đức hôm nay? Đâu là ý nghĩa Lời Chúa muốn nhắn gởi cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là cho con cái của thánh Biển Đức? Nếu đọc kỹ và nghiền ngẫm, chúng ta nhận thấy ba bài đọc này liên kết chặt chẽ và bổ túc cho nhau để làm nổi bật lên một chủ đề quan trọng trong mặc khải Kinh Thánh đó là “mầu nhiệm khôn ngoan”, hay “Đức Khôn Ngoan” của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan ở đây có ba mức độ tăng triển khác nhau theo ý nghĩa của mỗi bài đọc.
Ở mức độ thứ nhất, Đức Khôn Ngoan là kính sợ Đức Chúa. Qua bài đọc một, tác giả sách Châm Ngôn (Cn 2,1-9) nói về những phúc lành do Đức Khôn Ngoan ban tặng. Đo là công bình, chính trực và hạnh phúc. Ai tìm kiếm lẽ khôn ngoan sẽ hiểu biết thế nào là kính sợ Thiên Chúa. Như vậy, khôn ngoan ở đây không phải là sự khôn ngoan của triết lý, của khoa học hay khôn ngoan theo kiểu thế gian, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, bắt nguôn từ TC. Tác giả khẳng định: “Vì chính Đức Chúa ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có” (Cn 2,6). Chỉ những ai kính sợ Chúa mới có được sự khôn ngoan này. Tác giả thánh vịnh cũng khẳng định điều đó: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 110,10). Kính sợ Chúa là nền tảng, là đáy của sự khôn ngoan. Ngoài Chúa ra, con người không tìm đâu được sự khôn ngoan đích thực. Cuối cùng tác giả kết luận, chỉ có sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới là đường đưa con người đi tới hạnh phúc (x. Cn 2,9).
Ở mức độ thứ hai, Đức Khôn Ngoan là thập giá Đức Kitô. Trong Bài đọc hai (1Cr 1,26-31), thánh Phaolô đối lập giữa sự khôn ngoan của thế gian và Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa trái ngược và khác hẳn với sự khôn ngoan của người đời. Thánh nhân nói: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 27-29). Đức Khôn Ngoan này không là gì khác ngoài thập giá Đức Kitô. Chỉ có sự khôn ngoan của thập giá mới đem lại ơn cứu độ, đem lại hạnh phúc đích thực cho con người, chứ không phải là sự khôn ngoan của triết lý, hay sự khôn ngoan của thế gian. Thánh Phaolô xác quyết điều đó, khi nói rằng “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 22-25). Quả thật, dưới gầm trời này, không có ơn cứu độ nào khác ngoài danh Đức Kitô (x. Cv 4,12). Vì thế, thánh Phaolô kết luận rằng: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em” (1Cr 1,30).
Ở mức độ thứ ba, Đức Khôn Ngoan là mầu nhiệm tự hủy (kenosis). Dưới lăng kính của đoạn Tin Mừng Matthêu 19,27-29, Đức Khôn Ngoan là con đường khiêm hạ, và từ bỏ. Ai bỏ mọi sự vác thập giá mình theo Chúa Kitô sẽ được lợi gấp trăm và chiếm được phần thưởng là sự sống đời đời làm gia nghiệp. Trong bài Tin Mừng thánh Phêrô đã chất vấn Chúa Giêsu rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Chúa Giêsu đã trả lời rõ ràng rằng, ai bỏ mọi sự vì danh Thầy thì chẳng những sẽ được “ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en”, mà còn “được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. Vì thế, người khôn ngoan là người đ theo con đường tự hủy của Đức Kitô. Ai từ bỏ mọi sự để theo Chúa, ai tự hủy mình đi vì danh Chúa Kitô thì sẽ tìm được Đức Khôn Ngoan đích thực là sự sống đời đời nơi Thiên Chúa.
Thánh Biển Đức đã hiểu được mầu nhiệm của Đức Khôn Ngoan và đã cảm nếm được cả ba mức độ của Đức Khôn Ngoan này. Thánh Biển Đức là người kính sợ Đức Chúa, và còn được gọi là “người của Thiên Chúa”. Thánh nhân đã chọn sự khôn ngoan và sự điên rồ của thập giá Đức Kitô chứ không chạy theo sự khôn ngoan và vinh hoa lợi lộc trần thế. Thánh nhân cũng đã chọn con đường tự hạ, từ bỏ mọi sự thế gian để sống với Chúa trong cô tịch và thanh vắng, ngài đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời để phụng sự một mình Thiên Chúa là đầu mối khôn ngoan. Ngài đã “không lấy gì quý hơn tình yêu Chúa Kitô”, nên đã chiếm được phần thưởng là sự sống đời đời.
Mừng lễ thánh phụ Biển Đức hôm nay, mỗi người chúng ta hãy tự chất vấn lương tâm mình xem tôi đang đi tìm sự khôn ngoan nào? Tôi đang đi tìm Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, hay đang đi tìm sự khôn ngoan, danh lợi, vật chất của Thế gian? Amen.
M. Hiếu Liêm.