NGÀY 14 – 15 THÁNG 09
SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊ-SU
VÀ KÍNH NHỚ BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC MẸ
Ngày 14/09: LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ CHÚA GIÊSU
I. BÀI TIN MỪNG: Ga 3,13-17
Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng:
Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
LUẬN PHẠT HAY CỨU ĐỘ?
Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng Gioan cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ.
“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian:
1. Phải bị “giương cao lên”.
Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi 3 Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.
Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương cao lên” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32).
Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.
2. Luận phạt hay cứu độ ?
Trong cách nhìn nhân loại, ai trong chúng ta nếu chỉ có một đứa con trai duy nhất, thì chúng ta sẽ coi nó như là tất cả của đời mình, của cả cuộc sống mình, của cả giống nòi mình, nên chúng ta sẽ hết sức cung phụng nâng niu, bằng mọi giá phải bảo vệ nó, và chỉ chấp nhận san sẻ khi cho đứa con xây dựng gia đình với một người con gái để duy trì dòng tộc.
Trong mầu nhiệm Thiên Chúa: Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con, và Chúa Con là đứa Con Duy Nhất của Chúa Cha từ đời đời. Vì yêu thương con người, Chúa Cha đã cho đứa Con Duy Nhất của mình đến với thế gian. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu được “văn Chương Gioan” coi Chúa Giêsu như là Tân Lang và Giáo Hội là hiền thê của Người, bởi Chúa Giê-su qua công trình cứu chuộc đã cưới “cô dâu nhân loại” về cho Thiên Chúa Cha.
Nhân loại là con Thiên Chúa theo nghĩa sáng tạo, chứ không theo tử hệ đản sinh như Chúa Con. Nhân loại đó đã ra hư hỏng, nên Chúa Cha đã sai Con mình đến để cứu chứ không phải đến để phạt.
“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.
Trong Tin Mừng Gioan, ngay từ đầu đã nhắc tới “Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1,29). Trần gian hay thế gian được nói tới ở đây có thể là toàn thể tạo thành, mà tạo thành thì tốt bởi vì là công trình của Thiên Chúa. Nhưng trọng tâm của công trình này là con người – đã trót đặt mình dưới ảnh hưởng của Satan (x.Ga 8,34.44); nghĩa là một sự xuống cấp sa đoạ, con người chịu ảnh hưởng của cái xấu, cái tội, bị cái xấu lợi dụng và làm biến dạng đi. Do đó mà Thiên Chúa “sai Con của Người đến để thế gian được cứu độ”.
Con đường cứu độ của Con Thiên Chúa là thập giá, nên ai muốn được cứu độ thì cũng phải chấp nhận “được treo lên” trên thập giá với Chúa Giêsu. Thế nhưng, giống như hai người con, một người lo làm việc vì yêu thương bố, một người bất đắc dĩ phải làm cho bố vì sợ bố đánh, kết quả là một người đạt được niềm vui nhẹ nhàng còn người kia cảm thấy nặng nề chán nản. Cũng thế, khi đón nhận thánh giá Chúa vì niềm tin vào Ơn Cứu Độ thì thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng và con người vui vẻ vác đi theo Chúa; ngược lại, nếu ai vác thánh giá vì sợ luận phạt thì thánh giá sẽ nên nặng nề và tuyệt vọng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian, xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án đồng loại. Xin cho chúng con biết chấp nhận được “giương cao lên”, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Amen.
Hiền Lâm
Ngày 15/09: Lễ nhớ ĐỨC MẸ SẦU BI
I. TIN MỪNG Ga 19, 25-27
Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay xác nhận vai trò làm Mẹ nhân loại của Đức Maria trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất:
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25- 27).
Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do: Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14, 21) . Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ. Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta, và bản văn Ga 19, 26 là bản văn nền tảng cho tín điều ấy .
“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô.
Đức Maria trong Tin Mừng Gioan nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập giá, Cana và Calvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ được “tôn vinh”. Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh. Đức Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu và Mẹ cũng hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao của tế hiến mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Bản văn Ga 19, 26 và Ga 2, 1- 12 như có một sự đối xứng nhau, dường như Đức Giêsu hẹn Đức Maria trong tiệc cưới Cana là “một giờ nào đó hãy đóng vai trò làm mẹ mà xin”. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình.
Có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của Đức Kitô , nhưng để tránh những so sánh thái quá, có thể thay từ “đồng công cứu chuộc” bằng từ “hiệp thông cứu chuộc”. Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.
Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ.
Lạy Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Chúa đã trao chúng con cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn biết nhận Người là Mẹ và sống tình con thảo với Người, hầu cùng với Người, chúng con cộng tác với Chúa trong công cuộc cứu độ thế giới. Amen
Hiền Lâm
A. Hoặc đọc TIN MỪNG Lc 2,33-35
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
B. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng vẽ lên hình ảnh Đức Maria trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh là sẵn sàng chịu đau khổ. Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Đức Maria, và từ đó cùng với Con mình, Đức Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người.
Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Đức Maria; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Đức Maria phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót . Đặc biệt, báo trước dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Đức Maria chia sẻ vào mầu nhiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Đức Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Đức Maria cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà” .
“Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ” . Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.
Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Ngài, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Đức Maria thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó.
Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Đức Maria cũng thật lớn lao. Điều này được truyền thống Hội Thánh kính nhớ qua diễn ca: “Bảy sự Thương Khó Đức Mẹ” .
Sự đau khổ tự nguyện của những người vô tội có giá trị cứu chuộc, như thánh Phaolô tuyên bố: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Điều này cho thấy rằng, việc Đức Maria hiệp thông trong sự đau khổ của Đức Kitô, góp phần vào việc khai sinh Hội Thánh, tức là làm phát sinh một nhân loại mới hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, qua biến cố Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh ngời sáng lên tinh thần sẵn sàng chấp nhận chịu thử thách đau khổ để mưu cầu phần rỗi cho nhân loại, xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi nghịch cảnh gian lao để chuộc lấy các linh hồn về cho Thiên Chúa. Amen.
Hiền Lâm.