NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU
(Lc 3,15-16.21-22)
M. Clara, CĐ Phước Thiên
Tình yêu là một thực tại vượt quá lý trí của con người nên nhiều lúc, tình yêu hiện diện như một nghịch lý với cả người cho lẫn người nhận. Biến cố Chúa Giêsu xuống dòng sông Giođan chịu phép rửa phải chăng là một sự nghịch lý? Đấng làm phép rửa trong nước và Thánh Thần đã lãnh nhận phép rửa của ông Gioan, Đấng vô tội đã chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Người là Thiên Chúa thật, là con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng mà Chúa Cha muốn chúng ta “hãy vâng nghe lời Người”.
* Đấng là Thiên Chúa đã chịu phép rửa của phàm nhân
Ông Gioan được vinh dự làm phép rửa cho Chúa Giêsu, Đấng mà chính ông tuyên bố: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16a). Người là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ…” mang lấy thân phận yếu đuối của con người (x. Pl 2,6-8). Đó là một vị Thiên Chúa hiệp hành với con người. Người đi chung với chúng ta, chia sẻ kiếp người mỏng dòn của chúng ta. Khi chịu phép rửa của ông Gioan, Người đã chôn vùi trọn vẹn con người cũ của Adam để khai mạc một triều đại mới, triều đại nước Thiên Chúa. Vì con người và cho con người, Người đã khai mở mùa cứu rỗi cho nhân loại.
* Đấng vô tội đã chịu phép rửa tỏ lòng sám hối
Người ta chỉ sám hối sau khi đã phạm tội. Nhiều lúc chúng ta phạm tội nhưng cứng lòng không chịu sám hối. Đức Giêsu thì ngược lại. Người là Đấng hoàn toàn vô tội nhưng đã bước xuống dòng sông Giođan chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã chấp nhận thân phận của một tội nhân. Sự tự hủy và tinh thần khiêm nhường của Người là mẫu gương cho chúng ta về lòng sám hối. Chỉ khi chúng ta khiêm nhường nhìn nhận mình là hư không trước mặt Thiên Chúa thì chúng ta mới có đủ khả năng mở lòng đón nhận tình thương và sự tha thứ của Người. Niềm vui là một quà tặng nhưng không, nhưng chúng ta chỉ có thể đón nhận trong tinh thần hoán cải, khi mà chúng ta trở về với lòng thương xót của Chúa. Sự hoán cải luôn cần thiết để chúng ta trở về.
* Hãy vâng nghe lời Người
Khi Người khiêm nhường hạ mình xuống cũng là lúc Người được Chúa Cha tuyên dương: “Đây là con yêu dấu của Ta”. Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa đánh dấu mốc thời gian Con Thiên Chúa rời bỏ ngôi nhà Nadaret để khai mạc sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Dưới sức năng động của tình yêu, Người vâng lời Chúa Cha trong mọi sự. Chúa Cha muốn chúng ta vâng nghe lời Con Yêu Dấu của Ngài để chúng ta cũng trở thành con yêu dấu của Chúa Cha. Lời của Người ở đâu? Đó là lời được khắc ghi trong lương tâm là cung thánh của cõi lòng. Lời ấy nhắc nhở ta hướng về điều thiện, ăn ngay ở lành. Hơn nữa, đó là lời trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Quả là điều nghịch lý khi Con Một của Đấng Tối Cao lại hạ mình xuống mang thân phận con người, đã xếp hàng với đám người tội lỗi để chịu phép rửa sám hối. Nhưng sự nghịch lý đó chứa đựng một tình yêu khôn lường. Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta kết thúc mùa Giáng sinh nhưng niềm vui còn mãi trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Người đã xuống thế làm Người, đã tái sinh chúng ta trong phép rửa bởi nước và Thánh Thần. Chấp nhận cái nghịch lý của tình yêu cũng có nghĩa là chấp nhận sống tinh thần tự hủy để cho tình yêu được lớn lên. Chúng ta hãy vâng nghe lời Người để sẵn sàng bước tới, dấn thân cho con người thời đại hôm nay. Để cùng với Người, chúng ta làm nở hoa mùa cứu rỗi cho nhân loại.