“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”.
NGHỊCH LÝ ĐỜI NGƯỜI MUÔN ĐỆ
M. Jos. Ba, PV
Muốn lan tỏa một thông điệp, hoặc muốn người khác làm theo mình, thông thường chúng ta sẽ đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn, những điều kiện đơn giản… đại loại “việc nhẹ lương cao”. Ngược lại, Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Như vậy, ai muốn làm môn đệ Chúa Kitô thì phải từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình trong cuộc sống hằng ngày. Đây là điều kiện khắt khe và quyết liệt đòi chúng ta phải nỗ lực không ngừng, nhưng nó sẽ dẫn ta tới sự sống đời đời. Bởi với Chúa: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”. Quả là Nghịch Lý cho những ai muốn làm Môn Đệ của Ngài.
Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở thành Kitô hữu- Nghĩa là thuộc về Chúa Kitô. Đã là Kitô hữu thì phải theo Chúa Kitô. Mà theo ở đây không phải chỉ tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” như thánh Phêrô đã tuyên xưng (tuần trước chúng ta đã nghe). Theo Chúa không phải là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, cũng không phải chỉ thực hành một số tục lệ và nghi lễ do tôn giáo ấn định.
Hành trình theo Chúa được tiệm tiến: Sau khi Chúa Giêsu tỏ mình là “Đấng Thiên Sai” (Mt 16,16); Ngài mở ra một giai đoạn mới, trong giai đoạn mới này Chúa muốn mạc khải về mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Ngài. Quả vậy, đây là lần thứ nhất trong ba lần (Mt 16,21; 17,22; 20,17) Ngài báo về mầu nhiệm đó. Mỗi lần loan báo như đánh dấu một chặng đường tiến về Giêrusalem. Để chuẩn bị đức tin và sự can đảm cho các môn đệ đương đầu với cuộc khủng hoảng sắp tới, Ngài mời gọi họ “Hãy theo Thày”.
Trong lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta nên để ý đến hai từ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, không có không được.
Nói cách khác: THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải chỉ là mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài là làm lẽ sống “sống đối với tôi là Đức Kitô” (GL2,20 ).
Ví như trường hợp tiên tri Giêrêmia trong Bài đọc 1: Gr 20,7-9: Ngài đã quyến rũ và đã thắng được ông.
Mặc dù Chúa biết Giêrêmia là con người nhút nhát, nhưng Chúa cũng vẫn gọi ông làm tiên tri, mà là tiên tri tuyên bố những lời chói tai đến nỗi người ta gọi ông là “nhà tiên tri loan tin dữ”. Sứ mạng của ông gặp nhiều khó khăn: người ta chống đối, chế nhạo ông, thậm chí còn lên án ông nữa, vì ông công kích cuộc sống tội lỗi của họ, lại còn loan báo án phạt của Thiên Chúa. Bị đau khổ tư bề, nhiều lần ông đã định bỏ cuộc, nhưng dù sao, ông cũng phải thú nhận là ông không thể nào từ bỏ sứ mạng đau khổ đó, vì “Chúa đã quyến rũ được con, Chúa đã hùng mạnh hơn con và đã thắng con”.
Vâng, theo Chúa là phải can đảm, quảng đại và đến cùng.
(Bài đọc 2: Rm 12,1-2)
Đời sống của những ai dấn thân theo Chúa được thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em thân mến, tôi nài xin anh em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Người muôn đệ theo Chúa là người từ bỏ cách sống xu thời của mình, và hơn nữa là từ bỏ chính mình, tự hiến toàn thân cho Chúa như một của lễ dâng. Thánh Phaolô cho biết: làm như thế là một việc rất đẹp lòng Chúa, và đó chính là việc phụng thờ hợp lý và đáng trân trọng nhất.
Nói đến hiến dâng, người ta liên tưởng đến việc khấn giữ các lời khuyên phúc âm qua các nghi thức truyền chức hoặc khấn dòng. Đúng là những người sống đời dâng hiến như chúng con đã nghe được tiếng Chúa và cảm nhận được sự quyến rũ của Chúa, như Rêremia: “Ngài đã quyến rũ con, và Ngài chiếm đoạt con”.
Đời tu, từ bỏ nhiều thứ, nhưng từ bỏ cái tôi, tức là hủy mình ra không theo gương Chúa là khó nhất ; từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ…, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi cho phần rỗi của mình và niềm vui, hạnh phúc của kẻ khác- đòi hỏi rất nhiều hy sinh. Bù lại cảm nghiệm được niềm vui và bình an sâu thẳm trong Tình Chúa và tình người.
Còn quí ông bà và anh chị em sống đời Kitô hữu trong bậc sống hôn nhân gia đình, anh chị em có theo Chúa không, có phải vác thánh giá mỗi ngày không? Con nghĩ là có, vì Chúa hiện thân trong người yêu, trong vợ, trong chồng của mình. Bằng chứng là anh chị em đã quyến rũ và chiếm đoạt được nhau… yêu thương nhau và diễn tả Tình Yêu giữa Đức Kito và Hội thánh.
Để yêu thương và chung thủy, anh chị em có phải từ bỏ gì không? Phải nói là rất nhiều. Có phải vác thập giá mình không? Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý. Đó là chết đi mỗi ngày để vun chồng và hướng tới TÌNH YÊU VĨNH CỬU.
Rõ ràng người môn đệ Đức Kitô đã hiểu và chấp nhận cái nghịch lý trong hành trình theo Chúa hầu chiếm được sự sống đời đời. Thánh Phanxicô đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.