Mồng Hai Tết: Hc 44,1.10-15; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15,1-6
Thờ Cha Kính Mẹ
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Thật là ý nghĩa ngày Mồng Một Tết chúng ta đã xum họp bên nhau để “mừng tuổi” Thiên Chúa – là Cha muôn loài. Và hôm nay Mồng Hai Tết chúng ta hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ thầy cô của chúng ta để tri ân báo hiếu các ngài. Vì ai trong chúng ta cũng được sinh ra từ cha từ mẹ không ai từ lỗ nẻ chui lên. Thành ra, tâm tình báo hiếu tổ tiên được coi là đạo lý tự nhiên của loài người, ở mọi nơi, mọi thời. Dân tộc ta đã sống đạo lý ấy qua câu nói đầy ý nghĩa “sống tết – chết giỗ”.
Không biết tự bao giời cha ông ta đã khéo răn bảo chúng ta về đạo làm người qua câu ca dao:
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
Hơn thế nữa, đối với Kitô giáo chúng ta, hiếu kính ông bà cha mẹ thầy cô không chỉ là tình cảm tự nhiên mà thôi, nhưng là điều răn Chúa dạy: “Mến Chúa và Yêu Người”. Nếu xét đạo hiếu trong điều răn “mến Chúa” thì chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì cha mẹ là người đã trực tiếp cộng tác với Thiên Chúa sinh thành dưỡng dục chúng ta. Còn nếu xét đạo hiếu trong điều răn “yêu người” thì cha mẹ là người thân cận nhất, là vị ân nhân vĩ đại nhất đã cho ta hiện hữu với máu thịt này, bởi vậy chúng ta có bổn phận thảo kính các ngài.
Phụng vụ Lời Chúa Mồng Hai Tết nêu bật cho chúng ta ý nghĩa này. Bài trích sách Huấn ca (44,1.10-15) dạy chúng ta ghi nhớ ca ngợi công đức – đạo hạnh của tổ tiên hầu tiếp nối sự nghiệp tốt đẹp của các ngài.
Và thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêxô (6,1-4.18-23) cũng là đang nói với mỗi người chúng ta: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ… Ngài cũng không quên nhắc “những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy”.
Đặc biệt, trong bài Tim mừng (Mt 15,1-6) Chúa Giêsu cương quyết nhắc lại cho những ai đang cố tình tránh né bổn phận đối với cha mẹ: “Ngươi phải thờ cha kính mẹ”. Vâng, đây là luật Chúa truyền, mà đã là luật Chúa thì mọi người phải thi hành, không ai được chuẩn miễn. Chính Chúa Giêsu đã không tự chuẩn miễn cho mình, trái lại Ngài hằng hiếu thảo với Cha trên trời và với cha mẹ trần gian. Cho nên, không có cớ gì để chúng ta vin vào đó mà nói rằng: Tôi đã đi tu hiến dâng cho Chúa, nên đã làm xong bổn phận với cha mẹ, hoặc Tôi đã xây dựng gia đình riêng, tôi phải lo cho con cái, nên không còn nghĩa vụ với cha mẹ nữa. Không! mỗi chúng ta dù lập gia đình hay đi tu cũng đều phải chu toàn điều răn thứ bốn Thảo Kính Cha Mẹ.
Khi thành tâm phụng dưỡng cha mẹ hẳn chúng ta cảm nhận rõ lắm sự yếu đuối bất lực của cha mẹ mình: muốn đi thăm những người thân thuộc mà không tự đi được, muốn mình khỏe mạnh để khỏi phiền hà đến con cháu mà sao cứ đau yếu hoài, muốn tự mình đút miếng cơm vào miệng mà không làm được… Vâng, đó là hình ảnh của mỗi người chúng ta thuở ấu thơ đó, và cũng là hình ảnh chúng ta lúc về già có lẽ nào khác được.
Vậy thì không có lẽ nào mà chúng ta lại không lo nghĩ tới tương lai của mình. Thực ra, khi thi hành đạo hiếu không phải là ta làm ơn cho cha mẹ đâu, nhưng ta mới phần nào báo đáp công ơn các ngài mà thôi, cũng là đang xây dựng thiên đàng hay hỏa ngục cho chính chúng ta, như ca dao đã nói: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.
Tạ ơn Chúa nơi các xứ họ đạo của chúng ta, con cháu vẫn giữ lòng thảo kính ông bà cha mẹ; cho dẫu rằng cha mẹ già thường sinh ra trái tính trái nết… làm cực lòng con cháu. Qua đó chúng ta đang tôn vinh Chúa trước mặt thiên hạ, chúng ta góp phần tích cực trong công cuộc truyền giáo, xóa đi những nghi kị sai lầm rằng người Công giáo thờ Chúa là bất hiếu, là từ bỏ cha mẹ ông bà tổ tiên.
Với các tu sĩ, có lẽ khoan nói về những động lực thiêng liêng thúc đẩy người tu sĩ theo ơn gọi dâng mình cho Chúa, trước tiên phải nói đến chính ý hướng và tinh thần đạo hạnh của cha mẹ đã có sức thúc đẩy tu sĩ nên can đảm và trung thành trong ơn gọi tu trì, vốn nhiều thử thách gian nan. Bên cạnh đó, các anh chị em, cô dì chú bác, cậu mợ, dòng tộc… chẳng những không ngăn cản mà cùng động viên khích lệ giúp đỡ cho tu sĩ vững bước theo Chúa. Thế thì người đi tu, đâu phải là người trốn tránh trách nhiệm, họ là những người đang giữ đạo hiếu theo nghĩa là nuôi chí lớn, làm viên thành ý hướng tốt lành của cha mẹ, làm vinh danh Chúa, làm rạng danh cha mẹ, dòng họ, quê hương đấy chứ!
Suốt cuộc đời người tu sĩ sốt sắng dâng lễ, cầu nguyện, phục vụ Chúa và tha nhân, không có nghiã là họ vô cảm với gia đình. Trái lại hằng ngày với những hi sinh âm thầm họ cầu xin phúc lành của Chúa cho cha mẹ ông bà tổ tiên, quê hương, xứ sở… Với trái tim của một người con, tu sĩ nhớ thương cha mẹ nhiều lắm khi vui, buồn, cô đơn, lúc được người ta tiếp đãi của ngon vật lạ, dúi cho đồ quý giá, rồi khi cha mẹ già cả, đau bệnh thương các ngài mà không giúp được gì thì nỗi quặn đau lại càng da diết! Có những trường hợp ông bà cố không còn con cháu nào phụng dưỡng thì tu sĩ đành phải bỏ dở đời tu để chu toàn điều răn thảo hiếu.
Vâng. Điều răn thảo kính cha mẹ là điều răn quan trọng chỉ sau điều răn mến Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục Thánh Giuse và Đức Mẹ, Chúa cũng tuyên dương mẹ Ngài giữa đám đông, và trước khi trút hơi thở Chúa đã trao phó Đức Mẹ cho Thánh Gioan phụng dưỡng.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta những môn đệ của Chúa hôn nay, cũng biết sống trọn đạo hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong năm mới này. Amen