NGƯỜI CHA ĐAN VIỆN NHIỆT TÂM LOAN BÁO TIN MỪNG
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Tìm hiểu ơn gọi trong Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn, tôi được chứng kiến nhiệt tâm Loan Báo Tin Mừng của Viện phụ Phanxicô Phan Bảo Luyện – người cha Đan viện.
Viện phụ Phanxicô Phan Bảo Luyện, sinh ngày 09/03/1937, trong một gia đình đạo đức, tại Giáo xứ Quất Lâm, Giáo phận Bùi Chu.
Chú Luyện sống ở gia đình một khoảng thời gian ngắn, sau đó đi học nội trú tại Trường Tập Trung Linh. Do hoàn cảnh chiến tranh, Chủng Viện bị ngưng hoạt động, một số lớn các chủng sinh đã chuyển hướng ơn gọi. Thế nhưng, “chú chủng sinh trẻ” vẫn kiên vững với lý tưởng dâng mình cho Chúa, quyết định vào Nam, gia nhập Đan Viện Châu Sơn (07/10/1958), sống cuộc đời Đan tu chiêm niệm, âm thầm cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh.
Thầy bước vào năm tập theo Giáo luật, và những năm Khấn Tạm. Ngày 02 /07/1963: Thầy hân hoan tuyên Khấn Trọn đời thánh hiến cho Thiên Chúa.
Liền sau đó, Đan sĩ Phanxicô Phan Bảo Luyện nhận sứ vụ du học Thụy Sỹ, và được thu phong Linh mục tại đây (22/08/1968).
Ngày 15/06/2000: Đan sĩ Linh mục Phanxicô Phan Bảo Luyện đắc cử làm Viện phụ của Đan viện.
Theo thánh Biển Đức: “Viện phụ là người cha Đan viện” (Tu luật 2,1). Với trọng trách này, ngài thực là một người cha cương quyết, đặc biệt hơn, người cha này mang trái tim của một người mẹ. Ai đã một lần ghé thăm Đan viện, nếu chỉ nhìn từ xa mà không gặp gỡ trực tiếp với Viện phụ Phanxicô thì có lẽ sẽ đánh giá ngài thật bình thường qua cách ăn mặc, lại có vẻ nghiêm nghị, ít nói, ít cười, hạn chế tương giao… Nhưng lầm, bởi ẩn dưới cách ăn vận giản dị, nói năng nhỏ nhẹ của ngài là sự khiêm tốn sâu lắng. Ai đã tiếp chuyện với ngài hẳn không thể quên được nụ cười rất đôn hậu, toát lên nét chân thành, sự quan tâm, quý mến. Tôi biết có một người đến Đan viện xin tu nhưng thể trạng anh ốm yếu khó có thể kham nổi cuộc sống đan tu khắc khổ. Người anh em đó đến xin Viện phụ Phaxicô, ngài chẳng những không từ chối lại còn khuyến khích: “Con gắng tu đến cùng nhé!” Rồi ngài tế nhị dặn dò thầy y tá chăm thuốc men, bồi dưỡng cho anh, nhờ thế anh khỏe mạnh nhiệt thành sống đời đan tu. Như thế, “tình mẹ” nơi Viện phụ đã nuôi dưỡng và làm triển nở ơn gọi này. Có nghiêm nghị chăng là khi ngài sửa dạy những sai lỗi của môn sinh mà thôi!
Hơn nữa, Viện phụ luôn tinh tế lo lắng, chăm sóc từng người con trong Đan viện. Chúng tôi có kinh nghiệm rất rõ, ngay khi vào dòng ngài ân cần thăm hỏi tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, quê hương, sở thích… Cho nên, dù Đan viện chúng tôi có hơn trăm anh em, thế mà ngài thấu cảm hoàn cảnh của từng người và uyển chuyển đối đãi hợp tình đạt lý. Đặc biệt, ngài nhiệt thành hướng dẫn đàng thiêng liêng cho chúng tôi. Qua các giờ huấn đức, ngài trao đổi, gợi ý để chúng tôi trình bày ý kiến hoặc chia sẻ những băn khoăn trong ơn gọi… Để từ đó ngài tháo gỡ khó khăn, có lẽ nhờ thế mà chúng tôi an lòng khi trải qua những khoảnh khắc khủng hoảng trong đời tu.
Đặc biệt, ngài không chỉ dạy bảo môn sinh mà chính ngài sốt sắng thi hành: “Không lấy gì quý hơn Chúa” (Tu luật 4,21). Dù thể trạngđau yếu nhưng hiếm khi ngài vắng mặt trong các Thánh lễ, các Giờ Kinh Phụng Vụ, hay giờ cơm chung… Có thể nói ngài đã trung thành thực thi giáo huấn của thánh tổ Biển Đức: Viện phụ dùng lời nói và việc làm để giáo hóa môn sinh (x. Tu luật 2,11-12).
Đối với các giáo dân thuộc Giáo xứ Châu Sơn, giáo dân làng Diom A, Diom B và anh chị em Thôn Kinh Tế Mới Châu Sơn được Đức Giám mục Giáo phận Đà Lạt ủy thác cho Đan vện coi sóc. Người cha của Đan viện đã tận tâm tận lực chăm sóc cho họ toàn diện về vật chất, tri thức và tâm linh, giúp họ có điều kiện học hành mở mang tri thức, thông qua đó ngài củng cố và phát triển Đức tin nơi họ.
Là người đan sĩ nhiệt tâm Loan Báo Tin Mừng, Viện phụ Phanxicô hằng thao thức có một nơi khang trang dành riêng để đón tiếp quý khách đến Đan viện hồi tâm cầu nguyện. Ước nguyện thật chính đáng, nhưng thực tế để thực hiện được ngài phải vượt qua nhiều trở ngại… Trong hoàn cảnh đó, ngài hoàn toàn tín thác vào tình thương của Chúa và mời gọi Cộng đoàn tha thiết cầu nguyện. Quả thực, nhờ ơn Chúa giúp chỉ trong 2 năm (2002-2003) Đan viện đã khánh thành khu nhà tĩnh tâm, giữa khuân viên thượng uyể rộng đẹp, với 40 phòng cá nhân được trang bị đầy đủ tiện nghi. Công trình này hiện nay thường xuyên được sử dụng hết công xuất để đón tiếp mọi thành phần Dân Chúa.
Hơn thế nữa, Viện phụ đã tinh tế nhìn thấy nhu cầu cấp bách của Giáo hội cần đào tạo hàng linh mục, tu sĩ, đan sĩ… hầu mang lại ích lợi cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Thế nên, ngày 04/08/2003 ngài thành lập Học Viện Châu Sơn để đào tạo các đan sinh về Triết học và Thần học. Ngài nhiệt thành mở mang cơ sở Học viện với 70 phòng hầu có thể đón tiếp nhiều sinh viên từ những nơi khác đến tu học. Công việc mang tính “cách mạng” này được nhiều người tâm đắc nhưng cũng có những lá thư nặc danh gửi đến ngài với những lời khiếm nhã… Ngài đã âm thầm đón nhận tất cả! Tính đến nay, đã có nhiều thế hệ sinh viên ra trường trở thành những linh mục, tu sĩ, đan sĩ hăng say mở mang Nước Chúa theo ơn gọi của mình.
Cũng với nhiệt tâm Loan Báo Tin Mừng khắp cùng thế giới, Viện phụ Phanxicô đã nhiệt tình khích lệ, tăng cường nhân sự thiết lập Đan Viện Châu Sơn Sacramento, bang Califonia, trên đất nước Hoa Kỳ. Công khó gieo trồng rồi cũng đến ngày gặt thu, ngày 01/10/2004 Đan Viên Châu Sơn Sacramento chính thức được Đức Giám mục William K.Weigand, Giám mục Giáo phận Sacramento, Hoa Kỳ, cấp văn thư thành lập. Từ ngày đó trở đi luôn có các đan sĩ Việt Nam hiện diện như những chứng nhân thầm lặng gieo Tin Mừng vào lòng đời. Qua cuộc sống chuyên cần cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh, các đan sĩ như những máng thông chuyển ơn Chúa xuống cho nhân loại (x. Công Đồng Vatican II, Đức Ái Trọn Hảo, số 7)
Nhìn lại cuộc lữ hành của Viện phụ Phanxicô, chúng tôi nhận thấy có sự rập khuôn với cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Giống như Chúa Cứu Thế suốt cuộc đời nhiệt thành Loan Báo Tin Mừng và hoàn tất sứ vụ trên đồi Calvê, thì người môn đệ của Chúa – Viện phụ Phanxicô cũng dâng hiến cả cuộc đời nhiệt tâm Loan Báo Tin Mừng cứu độ, và giờ đây Viện phụ đang lặng lẽ vác Thánh giá tiến lên đồi Calvê hoàn tất hy tế đời mình. Mặc dù tinh thần còn minh mẫn, nhưng thân xác Viện phụ ngày một héo hon, vì tuổi già, bệnh khô tủy, tim, phổi, xoang… Chúng tôi chia phiên nhau chăm sóc ngài cả ngày đêm và thấy Đức tin của ngài thật mãnh liệt… Đó là Tin Mừng!
Tạ ơn Chúa đã cho Đan viện chúng tôi có một người cha giàu tình mẹ, đầy nhiệt tâm loan báo Tin Mừng mang lại nhiều hoa trái cho Giáo hội.
Dẫu vậy, “nhân vô thập toàn”, nên có lẽ ngài cũng không tránh khỏi những thiếu sót với anh em… Nhưng với thời gian, ngài đã nỗ lực, lắng nghe, để đồng cảm với anh em. Phải chăng đó là những biểu hiện rõ ràng chứng tỏ ngài đang Canh Tân đời sống mỗi ngày để trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Phải chăng gương sống của ngài như muối, như men làm cho Tin Mừng đang lan tỏa đến nhiều người…
Người Cha Đan Viện Nhiệt Tâm Loan Báo Tin Mừng, đăng báo Nhịp Sống Tin Mừng, số 46 “Kinh Mân Côi Đổi Mới Cuộc Đời” (10-2020), tr. 96; Mục Đồng 17 “Mùa Xuân Tình Yêu” (2021), tr. 36