NHỮNG NẺO ĐƯỜNG
MANG ĐẠO CHO ANH EM MÌNH
CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
VÀ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO.
Duyên Thập Tự
Chúng ta đã từng nghe nói tại Âu Mỹ, “sống đạo” là việc cá nhân và thuộc lãnh vực riêng tư. “Đạo” không còn ảnh hưởng và gắn kết vào đời sống. Nó thuộc lãnh vực tâm linh và mỗi người lo lấy công việc đó. Chính vì thế, ý thức về Giáo Hội bị suy yếu rất nhiều và việc truyền giáo được giảm thiểu trong lãnh vực xã hội như thể việc thăng tiến con người về văn hoá và kinh tế là tất cả hoăc trên hết. Chiều hướng đó cũng đang tác động trong lối sống đạo của những người công giáo Việt Nam chúng ta. Rất nhiều người quan niệm rằng việc cứu rỗi linh hồn là chuyện riêng tư, chẳng có chút liên hệ đến người khác. Tôi chỉ có việc ăn ngay ở lành là đủ, là bảo đảm có tấm vé thông hành vào thiên đàng.
Một quan niệm như thế đánh mất rất nhiều nội dung và chính căn bản của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã khẳng định Ngài là con đường (x. Ga 14,6), để qua Ngài Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa. Kitô giáo cũng được giới thiệu là con đường, là Đạo; và Giáo Hội có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, để dẫn đưa mọi người vào “ một đoàn chiên và một mục tử duy nhất ” (x. Ga 10,16). Như vậy, sống đạo chính là mang đạo đến cho người khác, để họ cũng “được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Nhưng Thiên Chúa không cứu độ con người một cách riêng lẻ, nhưng với tính cách cộng đoàn, tập thể.
Trong bài viết thứ tư về cha Biển Đức Thuận, tôi muốn giới thiệu với độc giả vị Tổ Phụ của Hội Dòng Thánh Gia với khuôn mặt của một người “mang đạo cho anh em mình”. Cộng cuộc này ngài đã thực hiện trong suốt cuộc đời, nhưng với những “nẻo đường” khác nhau tuỳ theo định hướng của ơn gọi mà ngài dấn thân.
I. MỘT KHÁT VỌNG LỚN LAO CỦA VỊ THỪA SAI : LÀM NÊN NHỮNG CON NGƯỜI CÓ ĐẠO
Trong bài “Cha Biển Đức Thuận và Lời Chúa kêu gọi ra đi”[1], tôi đã mời độc giả dõi theo hành trình của cha Biển Đức Thuận (lúc đó mang tên là Henri Denis) trong những năm tháng của thời huấn luyện tại Pháp. Ngài đã rời bỏ Đại chủng viện Arras (còn gọi là đại chủng viện thánh Thomas) để gia nhập Hội Thừa Sai Paris. Lý do của sự chuyển đổi ơn gọi này, chính ngài nói rõ trong lá thư gởi cho cha Giám đốc của Hội Thừa Sai : “Thưa Cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm đê lục, con đã cảm thấy nỗi khát khao dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương…”
1. Một viễn ảnh suốt cả cuộc đời
“Dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa” trở thành một đích nhắm duy nhất của cuộc đời Cha Biển Đức Thuận và châm ngôn độc nhất của sự hiện hữu của ngài. Điều đó cho phép chúng ta hiểu hơn một chút nữa tâm hồn và tình yêu của vị thừa sai tương lai dành cho những người chưa biết Chúa, những “người ngoại”[2] sống trong những miền đất xa xôi.
Chúng ta không biết rõ những năm tháng huấn luyện tại Hội Thừa Sai Paris, vì ngài không để lại một bút tích gì cho phép chúng ta đi sâu vào thế giới thâm sâu của ngài. Nhưng nhờ những diễn tả được dùng trong lá thư trên, chúng ta có thể nhìn thấy mục đích của vị thừa sai trẻ Henri Denis nhắm tới trong suốt hành trình cuộc đời. Và một khi dấn thân trên mảnh đất truyền giáo, tất cả năng lực và nhiệt tâm của ngài được phát triển tối đa để hiện thực ước mong đưa những người chưa biết Chúa trở về với Đạo.
Thật vậy, trong các lá thư gởi song thân, cha diễn tả lòng ước muốn của mình là được đi rao giảng Tin Mừng hầu đưa “dân ngoại” trở về tin kính Chúa và tình yêu mến thiết tha ngài dành cho dân tộc Việt Nam. Ngài muốn làm điều tốt nhất cho dân tộc này, và thiện hảo tuyệt vời là nhận biết Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Người.
Nếu tất cả cuộc sống của cha Biển Đức Thuận xoay quanh trục là ơn cứu độ của người khác, vì ngài nhìn thấy mục đích duy nhất của cuộc sống không phải là ơn cứu độ của cá nhân mình, thì chúng ta có thể nói rằng ngài đã được tình yêu Chúa bắt chộp lấy, một tình yêu thúc bách ngài ra đi rao gỉang Tin Mừng.
Chính trong sự ý thức về sự khẩn cấp của công cuộc Phúc Am hoá mà cha đã cảm thấy bị xâu xé bao lâu chưa thực hiện được công cuộc này. Chúng ta đã thấy ngài như bị “giam tù” trong khuôn viên của Tiểu chủng viện An Ninh, trong khi bao người ngoại chưa được nghe rao giảng Tin Mừng.
Dầu chu toàn trách nhiệm đối với các chủng sinh, nhưng ý tưởng ra đi làm những người ngoại thành “người có đạo” không bao giờ rời bỏ ngài. Trong lá thư đề ngày 31 tháng 3 năm 1913, ngài nói lên sự giằng co của mình trước sự cấp bách của việc hoán cải các lương dân :
“Kính thưa Đức Cha,
Thật ra con rất mạnh khoẻ, và con cảm thật nhục nhã về điều này! Khi con suy nghĩ về những người khác đang cực nhọc và làm việc, mà con, với tuổi 33, tràn đầy sức khoẻ, lại ung dung chiêm ngưỡng vẻ đẹp của văn chương và những tinh tế của môn tu từ! Nếu Đức Cha thấy việc con giúp đỡ những dự tòng là tốt, con sẽ vui lòng ngay…”
Những dòng chữ trên cho phép thấy làm sao cuộc sống của cha Biển Đức Thuận luôn hướng về việc hoán cải những lương dân và trong mức độ nào ngài đam mê việc cứu độ những người chưa biết Chúa.
Sau đây chúng ta xét xem làm sao lòng nhiệt thành của ngài được cụ thể hoá trên mảnh đất truyền giáo.
2.Như một mục tử tìm kiếm con chiên lạc
Cũng trong bài viết đăng trong Hạt Giống Chiêm Niệm số 2, tôi đã trình bày gương mặt của cha Denis Thuận khi ở giáo xứ Nước Mặn. Đó là một nhà truyền giáo lưu động, không muốn nhốt mình trong khuôn viên nhà xứ, nhưng ra đi gặp gỡ các kitô hữu hoặc các lương dân để đưa họ về lại đàn chiên của Chúa:
“[…] Con đã phải đi tìm kiếm họ tại tư gia hay tìm gặp họ trên đường lao động về.”[3]
Nhưng hình ảnh này không luôn dễ dàng được chấp nhận dưới mắt của các giáo hữu của ngài. Trong một lá thư ngài đã bộc lộ cho Đức Cha biết ý nghĩ của họ và quan điểm của ngài về cách hành xử của một vị thừa sai:
“Dân Thọ sơn cương quyết không đi xưng tội. Con tính đến nhà thăm họ. Các chức việc tỏ ra không hài lòng vì con hạ mình đi kiếm con chiên như thế; họ không chấp nhận con đi đến thăm từng nhà. Thưa Đức Cha, Đức Cha nghĩ như thế nào? Nhờ những lần đi viếng thăm như thế, con đã lôi kéo ít nhất sáu hoặc bảy người vốn muốm bỏ đạo…Thật tình mà nói, nhiều người vẫn thích một ông cha sở oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa hoặc cáng trên võng, hơn là một ông cha sở đi dép, che dù…”[4]
Cũng trong lá thư này, cha Denis Thuận còn kể một vấn đề xảy ra ngay trong lòng giáo xứ, vấn đề liên quan đến việc ngài thay thế cha xứ cũ tên là Mirineau. Qua sự cố này, chúng ta khám phá thêm cách hành xử của ngài:
“[…] Khi họ tụ họp lại, con ngỏ lời với họ vài câu để họ hiểu rằng họ có thể yêu mến và kính trọng cha Morineau mà không cần phải ghét và sỉ nhục con, rằng nếu họ trách con không hành xử như ngài, không đánh đón và phạt nộp tiền, đó là vì con thấy điều đó ngày nay không còn thích hợp và rằng chính cha Morineau bây giờ cũng phải hành động khác như con đang hành động. Con cũng thêm rằng, và có thể là hơi quá, là chính Đức Cha đã truyền lệnh con hành động thư vậy. Con cũng đã nói với bốn người mà trước kia cha Morineau đã áp đặt uy quyền trên họ để vinh quang Thiên Chúa hơn, nhưng đáng tiếc ngày nay uy quyền đó không còn gì cả; và nếu ngài còn ở đây, thì chính ngài cũng bắt buộc phải hành động khác đi.”
“Hành động khác đi”, đó là chọn lựa của cha Denis Thuận. Phải chăng ngài đã học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, đi tìm kiếm con chiên lạc? “Và khi tìm thấy nó, vui mừng vác nó trên vai…” (Lc 15,3-7).
Nếu sự hoán cải lương dân luôn là viễn ảnh và đích nhắm của suốt cuộc đời cha Biển Denis Thuận, thì sự hoán cải này phải bắt đầu từ chính cộng đoàn giáo xứ. Cách hành xử của chính vị thừa sai đóng góp một phần rất lớn vào việc gia nhập đạo của những người chưa biết Chúa. Nếu cha Denis Thuận quyết định hành động một cách khác, nghĩa là hành động như Chúa Kitô, chính là trong mục đích đưa những người xa lạc trở về một cách tự nguyện chứ không ép buộc.
Sự chọn lựa thái cử đó đi đôi với nhiệt tâm trong việc giáo huấn thiêng liêng trao ban cho những người xin được gia nhập đạo. Trách vụ này, dù rất mệt mỏi, nhưng cũng đem lại cho vị thừa sai của chúng ta niền hạnh phúc và niềm vui dạt dào.
3. Niềm vui của vị thừa sai
Trách vụ đầu tiên mà vị thừa sai của chúng ta phải chu toàn, là gặp gỡ những người muốn gia nhập đạo. Trong một lá thư gởi cho vị tân giám mục Đức Cha Allys, cha Denis Thuận diễn tả niềm vui vì có nhiều người muốn gia nhập đạo và số này càng ngày càng tăng:
“Hôm qua con đã nhận được hai người xin trở lại, làm thành con số 20 những người xin được dạy dỗ. Nếu con có thể giáo huấn và rửa tội ít nhất là 5 hay 6 người, thì con cũng rất vui mừng.”[5]
Để giúp những người ngoài Kitô giáo, vị thừa sai của chúng ta đã dùng những phương pháp đã từng được sử dụng qua bao đời các vị thừa sai, đó là việc giúp đỡ vật chất. Phần đông những cư dân sống trong các giáo họ đó và các vùng phụ cận rất nghèo khổ. Họ thiếu thốn mọi thứ. Vì nghèo khổ, họ mang đủ thứ bệnh tật; và vì thiếu thuốc men, nên bệnh tật của họ ngày càng trầm trọng. Trong khi thi hành tác vụ rao giảng Lời Chuá, cha Denis Thuận không quên những hoàn cảnh thương tâm của những người mà ngài sát cách hằng ngày. Trong các thư của ngài, chúng ta khám phá sự thương cảm và lòng quảng đại đối với những người nghèo: cho họ có cái gì để ăn, chữa lành các bệnh tật, giúp con cái họ được đi học, v.v.
Để giúp các người mới gia nhập đạo kiên vững trong đức tin và gây sự chú ý của các người ngoài Kitô giáo, cha Denis Thuận lợi dụng các dịp lễ đạo như Giáng Sinh, để tổ chức những cuộc gặp gỡ trong đó mọi người được mời dùng bữa, các thanh niên nam nữ đàn hát luân phiên.
Vào dịp một cuộc viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Cha Allys tại giáo xứ nước Mặn và trao ban bí tích Thêm Sức, cha Denis Thuận đề nghị với Đức Cha một cuộc tiếp đón độc đáo để các Kitô hữu và những người ngoài Kitô giáo được lôi kéo bởi sự hiện diện của một chức sắc cao nhất của giáo phận Huế.
“Con muốn tiếp đón Đức Cha một cách tốt đẹp, nhưng con lại chẳng có gì cả. Giáo xứ Phủ Cam có thể cho chúng con mượn một vài thứ của cải của họ (cờ, quạt, v.v.) Chúng con phải cẩn thận để không làm hư hại. Nếu Đức Cha xét là cần thiết, thì chính con sẽ thân hành lo việc đó. Đương nhiên là sẽ không sáo, không kèn, chỉ có một cái trống nhỏ.”[6]
Xuyên qua những hoạt động đó, chúng ta biết rằng nỗi lo lắng duy nhất của cha Denis Thuận là đưa nhiều người về với Chúa Kitô, đưa họ gia nhập Đạo và sống trong trong Giáo Hội. Niềm vui của vị thừa sai, đó là niềm vui của người có thể làm một cái gì tốt nhất cho người khác, và cái tốt nhất đó chính là đức tin vào Tin Mừng của Chúa.
Nhiệm vụ thứ hai của cha Denis Thuận, đó là dạy giáo lý, không những cho người lớn mà còn cho trẻ em. Đó là một nhiệm vụ nặng nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Dầu vậy, công việc này cũng mang lại cho ngài nhiều an ủi và niền vui. Trong thư gởi song thân, ngài đã kể chuyện về lớp giáo lý của ngài và diễn tả niềm vui sướng hạnh phúc[7].
Qua các dòng chữ ngài viết, chúng ta có thể tưởng tượng rằng niềm vui của cha Denis Thuận lớn đến nỗi ngài dành mọi thời giờ và sức lực cho việc hoán cải những người ngoài Kitô giáo. Nhưng niềm vui cũng cận kề nỗi buồn, thành công thường tiếp theo những thất bại. Nhiệt tâm của vị thừa sai của chúng ta trong trách vụ đưa Đạo cho người cũng gặp phải những bức tường của sự thiếu hiểu biết và cả sự thiếu kinh nghiệm.
4.Những thất bại : trường học đức tin
Chúng ta đã đề cập trên kia vấn đề đặt ra cho cha Denis Thuận là việc ngài được bài sai thay thế cha xứ cũ tại Nước Mặn. Các giáo hữu, đã từ lâu quen với nững phương pháp đã sử dụng, khó lòng chấp nhận phương pháp mới rao giảng Tin Mừng. Vấn đề này gây cho cha Denis Thuận những tình cảm khác nhau. Một đàng, ngài tuân phục quyết định của Đức Cha bằng cách hoàn toàn tín thác vao Chúa; mặt khác, nói một cách nhân loại, ngài trải qua những lúc tăm tối, chán nản và đau khổ. Chúng ta hãy nghe những lời tâm sự được diễn tả trong các lá thư của ngài.
“Kính thưa Đức Cha,
Con dám thưa với Đức Cha rằng tờ “ái mộ” đó không gây cho con một giao động nào, và nếu Đức Cha chấp nhận lời cầu xin của họ, con sẽ bằng lòng đi nơi khác, bất cứ nơi nào…”[8]
Dầu vậy, cũng trong lá thư này, ngài nói lên tâm trạng của mình:
“Ở Tiểu chủng viện, con cảm thấy công việc dồn dập và gấp gáp bao nhiêu, thì ở đây con lại thấy mình rảnh rỗi bấy nhiêu và không có gì để làm. Con nghiên cứu thần học, trò chuyện với nhiều người, đọc sách, xem xét những nét chữ Hán, dù vậy ngày qua ngày cứ dài vô tận.”
Tình cảnh trở nên cực kỳ khó khăn đến nỗi một ngày kia ngài bị nhục mạ một cách công khai:
“Cuối cùng, hoan hô Chúa! Đó là lần đầu tiên con bị nhục mạ một cách công khai. Con trấn an Đức Cha rằng con không có buồn về việc đó.”
Đối diện với hoàn cảnh mới này, vị thừa sai của chúng ta không biết làm gì và hành động ra sao.
“Con chỉ là người tập sự… và con luôn sợ sẽ làm một vài điều dại dột…”[9]
Chúng ta thấy bằng cách nào cha Denis Thuận đã trải qua 5 năm hoạt động để mang người ta về vời Đạo. Ngài đã học được nhiều điều trên mảnh đất truyền giáo. Những bài học đó theo suốt cuộc đời ngài, để ngài nhận ra rằng việc kêu gọi người ta gia nhập Đạo không phải là kết quả của những nỗ lực con người, mà là ân huệ của Thiên Chúa.
5. Công trình của Thiên Chúa
Đối diện với những tình cảnh mới mà chúng ta cố gắng phác hoạ ở trên, vị thừa sai của chúng ta, trong mọi lúc, đã luôn phó thách những hoạt động của mình cho Thiên Chúa, vì ngài ý thức rằng mình sẽ không làm gì được nếu không có sự trợ lực của Chúa. Trong những lá thư đầu tiên viết cho Đức Cha Allys trong thời gian vừa về Nước Mặn, khi báo cáo những hoàn cảnh éo le và buồn thảm. Cha Denis Thuận kết luận:
“Kính thưa Đức Cha,
Trong khi hoạt động, con chỉ mong chờ sự trợ giúp từ Thiên Chúa nhân lành. Con thấy rõ ràng rằng không bao giờ con có khả năng đưa một tâm hồn trở lại Đạo, vì thế, con xin Đức Cha cầu nguyện nhiều cho con…”[10]
Với tư cách là cộng tác viên của Thiên Chúa trong công cuộc hoán cải lương dân theo Đạo, cha Denis Thuận vận dụng mọi khả năng tinh thần, vật chất để hiện thực mong ước của mình. Vì biết rằng việc gia nhập Đạo là một ơn Thiên Chúa, nên ngài không thụ động, trái lại, ngài làm những gì tốt nhất.
Mặc dầu có những sai sót, nhưng ngài đã làm cho nhiều người gia nhập đạo và sống Đạo ngày càng tốt đẹp hơn.
Chúng ta đã nhìn ngắm cha Denis Thuận, trong suốt 5 năm tại Nước Mặn, như một vị thừa sai học nghề. Thật vậy, trong suốt thời gian đó, ngài đã học biết bao điều xuyên qua việc tiếp xúc với người Việt Nam có Đạo cũng như ngoài Đạo. Sống theo nhịp của sự luân phiên giữa niềm hạnh phúc khi đưa người vào Đạo và sự cô đơn cá nhân, cha Denis Thuận đã lớn lên một cách thiêng liêng. Nhiệt tâm thôi thì không đủ, thiện chí thôi cũng không đủ; nhưng phải có một tinh thần thực tế để bắt tay vào công việc quan trọng là Đưa người vào Đạo. Chính những kinh nghiệm tích luỹ trong suốt 15 năm với tư cách là một thừa sai đã giúp cha Denis Thuận tìm ra những nẻo đường khác, mà đối với ngài, có thể là kiến hiệu hơn để đưa người chưa biết Đạo được gia nhập Đạo.
II. CÁC ĐAN SĨ, “NHỮNG TÁC NHÂN” CỦA VIỆC LÀM NÊN NHỮNG CON NGƯỜI CÓ ĐẠO
Như chúng ta nói trên kia, việc đưa những người ngoài Kitô giáo gia nhập Đạo là đích nhắm của suốt cuộc đời cha Biển Đức Thuận. Dầu vậy, sau bao nhiêu năm tháng miệt mài với công cuộc truyền giáo, ngài thấy rằng việc tông đồ bằng những hoạt động bên ngoài không mang lại nhiều kết quả, và cả chiều sâu của đời sống Kitô, nên đã tìm những nẻo đường khác mà ngài tìm gặp ngay trong đời sống đan tu. Ngài vẫn giữ lòng nhiệt thành hoán cải những người chưa biết Chúa, nhưng đã thay đổi vị thế : từ một tiền phong nay trở thành hậu phương.
Sự chuyển đổi vị trí này kéo theo một cách hành động khác, và triệt để hơn, một cách nhìn vấn đề theo chiều hướng khác.
1. Đan sĩ: cộng tác viên của Thiên Chúa
Chúng ta có thể nhận xét rằng tất cả những gì cấu thành đan viện Đức Bà Việt Nam (Phước Sơn) phản ảnh một phần rất lớn não trạng của Đấng Sáng Lập. Thật vậy, những xác tín, những kinh nghiệm, cha Biển Đức Thuận đã diễn dịch chúng trong các tài liệu chính thức, trong việc tổ chức cuộc sống đan tu. Chúng ta đoc thấy trong bản Hiến Pháp do ngài biên soạn:
“Phần thứ nhất : về mục đích của Dòng chúng ta:
Mục đích riêng của Dòng chúng ta là:
– Cung cấp cho các linh hồn được Chúa mời gọi nên trọn lành trong nếp sống tu trì này những thuận lợi của đời sống chiêm niệm và sám hối;
– Làm thành một Tu Hội các đan sĩ chuyên lo việc cứu giúp các người chưa nhận biết Chúa, bằng sự cầu nguyện và hãm mình.
Trong tập “Tóm Lược về Dòng Đức Bà Việt Nam”[11], cha Biển Đức Thuận diễn tả cũng một ý tưởng:
“Mục đích của chúng tôi :
-Hướng tới sự hoàn thiện qua việc thực thi các lời khấn phúc âm;
-Qua cầu nguyện và hãm mình, vì phần rỗi các lương dân.”
Để thực hiện dự án này, cha Biển Đức Thuận tổ chức đan viện xoay quanh hai mục đích trên, như ngài đã diễn đạt trong lá thư đề ngày 1 tháng 8 năm 1924 gởi cho cha Radelet để trả lời việc ngài ưng thuận nhận một số ứng sinh do vị thừa sai trên giới thiệu; ngài nhấn mạnh đến mục đích của đan viện là cứu rỗi các linh hồn qua việc cầu nguyện và hy sinh của mọi đan sĩ[12]. Chính ngài cũng đã trước tác một kinh nguyện cầu cho lương dân Việt Nam trở lại.
Nỗi khao khát bỏng cháy muốn cứu các linh hồn, cha Biển Đức Thuận quảng diễn cho các môn sinh; ngài cho họ biết đâu là vai trò họ giữ trong công cuộc này. Chúng ta nghe lại lời giáo huấn của ngài:
“Thường Chúa để phần rỗi các linh hồn trong tay người ta. Đó là mầu nhiệm cũng là vinh hạnh cho chúng ta. Vì xem người muốn dùng chúng ta mà làm việc cho Người… Vậy, chúng ta hễ gặp sự gì trái ý cực lòng hay sự khốn khó nào, hãy dâng cho Chúa để cứu các linh hồn. Như vậy trong nhà dòng mới vui; và khi gặp sự khó mới dễ chịu, vì được dịp tỏ lòng mến Chúa, cứu các linh hồn cho Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được như vậy!”[13]
Như vậy, sau nhiều năm truyền giáo bằng lời nói và công việc, cuối cùng cha Biển Đức Thuận tìm ra một con đường, một ơn gọi: đời sống đan tu. Luôn là cộng tác viên của Thiên Chúa để đưa những người chưa biết Chúa được biết Đạo, ngài cảm thấy một sự cần thiết của cuộc sống thánh thiện sẽ lôi cuốn những người đó về với Chúa:
“Chúng ta đã biết, làm một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu. Thật là một điều rất khó, nhưng chúng ta phải khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được. Một thầy dòng contemplativi, hãm mình, trở thành một thầy dòng thánh, thì làm ích cho Hội Thánh, và rạng danh cho dòng mình… Cả ngày thầy chỉ tìm cách đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, xem ra đến nỗi chỉ một mình Chúa với một mình thầy ở thế gian này vậy, “solus cum solo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội Thánh ước ao về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội Thánh cách kín nhiệm. Ấy là chính việc của chúng ta, nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa.”[14]
2. Sự quang toả thiêng liêng
Cha Biển Đức Thuận, một khi đã ra đi để sống đời đan tu, vẫn mang trong mình ước mong nhiều người gia nhập Đạo. Nhưng, câu hỏi được đặt ra là: nếu cuộc sống của ngài chia làm hai giai đoạn, giai đoạn thừa sai và giai đoạn đan sĩ, thì đương nhiên có cái trước và cái sau – dù rằng cả hai đều có mẫu số chung là hoán cải lương dân – có chăng nơi ngài có một sự chuyển dịch về hướng nhìn, cách hành động và một sự “trở lại” sâu xa?
Điều liên quan đến việc hoán cải lương dân, cha Denis Thuận, như các thừa sai thời đó, có cái nhìn bi quan về thế giới ngoại đạo: đó là những người khốn khổ, những người thiếu thốn về mặt thiêng liêng, những người thờ lạy ngẫu tượng; vì thế, họ cần ơn cứu độ mà Chúa Kitô mang đến.
Phúc âm hoá trở thành một sự khẩn cấp đối với các vị và không cho phép các ngài nghỉ ngơi: làm việc cật lực, sử dụng tối đa mọi nguồn lực tinh thần, vật chất. Nhưng kinh nghiệm cho cha Denis Thuận biết rằng việc hoán cải lương dân gia nhập Đạo không phải là việc dễ dàng và rằng việc tăng thêm số Kitô hữu không có một nền tảng vững chắc là một chuyện nghiêm túc.
Những vấn nạn trên, có thể cha đã đặt ra cho chính mình , đã tạo nên trong ngài một sự biến chuyển lớn nào đó. Nếu ngài lập một đan viện, chính vì thiện hảo cho người Việt Nam. Điều đó có nghĩa là nơi dân tộc này, vấn đề gia nhập Đạo phải đi xa hơn.
Số lượng những người gia nhập Đạo không còn là ưu tiên số một, nhưng là chất lượng của đời sống Kitô hữu. Điều đó được hình thành nơi cha Biển Đức Thuận vào những năm sau đó, và được diễn tả trong giáo huấn cho các đan sĩ của mình:
“Chúng ta hãy cứ đức tin, theo Phúc Am mà sống, bằng không thì nhà Dòng ra hư, không đáng chi… Cha cũng mong cho đông số anh em, nhưng có đông số thầy dòng mà chẳng ra gì, thà ít mà thật là thầy dòng thì tốt hơn… Vậy chúng ta hãy xét lại và có điều chi không hợp với Phúc Am, thì lo xa lánh…”[15]
Chúng ta có thể nói được chăng là khi thành lập một đan viện trong mục đích cộng tác với Giáo Hội trong việc hoán cải lương dân, cha Biển Đức Thuận đã xác tín rằng sự hoán cải đích thực phải dẫn đưa tới một cuộc sống phù hợp với Tin Mừng?
Khi thay đổi cách sống – từ thừa sai đến đan sĩ – cha Biển Đức Thuận minh chứng rằng, đối với ngài, sự hoán cải lương dân luôn là một công việc khẩn trương và đáng khích lệ, nhưng với điều kiện là sự hoán cải đó phải có một sự tiếp tục tốt đẹp. Và muốn được như thế, đan viện phải là nơi có sự quang toả thiêng liêng.
Sự quang toả đó, trước hết là sự quang toả của cầu nguyện. Đã nhiều lần chúng ta nói đến cầu nguyện và hãm mình như là hoạt-đồng-chìa-khoá đối với các đan sĩ để hoán cải lương dân.
Tiếp đến, là sự chọn lựa những lối sống, mà theo nhãn quan cha Biển Đức Thuận, cho phép việc gia nhập Đạo của những người Việt Nam được dễ dàng hơn. Lối sống đó phải thấm nhuần nghèo khó và giản đơn, tràn đầy bình an và niềm vui, khổ chế và hy sinh, linh động bởi tình bác ái đậm đà.
Liên quan đến sự nghèo khó và giản đơn, cha Biển Đức Thuận thấy nơi đó như là một chứng từ sống động và hữu hiệu đối với những người Việt Nam ngoài Kitô giáo. Sự nghèo khó và giản đơn được diễn tả trong mọi khía cạnh của đời sống: lương thực, y phục, cơ sở vật chất, phụng vụ (không trang hoàng cầu kỳ), v.v.
Tai sao ngài lại có những chọn lựa như vậy? Trong lá thư đề ngày 31 tháng 1 năm 1912 gởi Đức Cha Allys, cha Denis Thuận – khi còn ở Nước Mặn – đã trình với Đức Cha dự án thành lập một cộng đoàn đan tu với một nét nổi bật: nghèo khó.
“Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An-Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng của Tin Mừng không phải là một “chuyện đời xưa”, nhưng còn được hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa.
Con hết lòng ước ao các thầy Dòng Trappe đến, nhưng thành thật mà nói, con sợ họ dấu kín sức mạnh của lời cầu nguyện và việc hy sinh sau những ngôi nhà tráng lệ. Đó là một đại hoạ – một cản trở lớn cho việc tập đức. Nhưng rất tiếc là mấy ai nhận ra, và thay vì nêu gương cho mọi Kitô hữu, họ chỉ được ca ngợi bởi một số ít, tức là bởi những ai có thể thâm nhập vào trong đan viện, để xuyên qua sự giầu có của đan viện nhìn thấy một cái gì khác.
Vậy, thân lạy Đức Cha, xin ban phép cho con được sống nghèo ngay cả bề ngoài nữa, con xin hứa với Đức Cha là chúng con sẽ ở sạch sẽ.”
Tất cả đều rõ ràng. Cha Biển Đức Thuận muốn rằng cuộc sống của các đan sĩ là một gương sống đối với toàn thể dân Kitô, và còn hơn nữa, cho tất cả những lương dân Việt Nam. Nếu ngài nói đến “đại hoạ” và sự kiện “mấy ai nhận ra”, đó là vì ngài đã biết qua kinh nghiệm. Dưới mắt người ngoại, các trung tâm truyền giáo là nơi đầy ắp của cải và quyền lực. Và việc hoán cải dùng đến phương thế tiền bạc cũng đã gây nên nhiều vấn đề. Trái lại, một đan viện nghèo chứng tá cho sự nhưng không của một sự hoán cải và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa.
Sự nghèo khó và giản đơn, được sống như vậy, chỉ trở thành chứng tá nếu chúng đi theo tinh thần chia sẻ và thấm nhuần niềm vui và bình an. Đó là điều Cha Biển Đức Thuận muốn cho các đan sĩ của mình.
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng những người Việt Nam ngoài Kitô giáo rất nhạy cảm về những vấn đề đó. Phải chăng, khi thành lập một đan viện như thế, cha Biển Đức Thuận nghĩ đến chuyện tạo nên một hình ảnh sống động của đan sĩ, và qua đó, hình ảnh của chính Kitô giáo?
Trong khi chọn sự nghèo khó như là một lối sống và như là một chứng tá cho Kitô giáo, cha Biển Đức Thuận thay đổi một cách tận căn cách thức để cảm hoá những Kitô hữu và lương dân. Khi chia sẻ với người nghèo, cha Biển Đức Thuận làm nổi bật đức ái Kitô giáo. Bằng sự quang toả niềm vui và bình an ngay trong cảnh sống khắc khổ, cha Biển Đức Thuận tỏ lộ cho thấy cái sâu xa của đời đan tu. Bằng cầu nguyện và hãm mình, cha Biển Đức Thuận cộng tác với Thiên Chúa trong việc thánh hoá trần gian.
Nói khác đi, nếu muốn là tác nhân của việc hoán cải lương dân, đan sĩ phải sống một cách trung thực Đạo của mình. Khi thành lập một đan viện hoàn toàn Việt Nam, cha Biển Đức Thuận có nghĩ rằng những đan sĩ Việt Nam thực hiện một cách dễ dàng hơn sự giúp đỡ đồng bào mình gia nhập Đạo.
THAY LỜI KẾT
Dù rằng các đan sĩ sống trong khuôn viên đan viện, giữ vai trò hậu phương – như cha Biển Đức Thuận đã minh định – điều đó không cản trở họ sống thông hiệp với Giáo Hội trong nhiệm vụ Phúc Âm hoá. Trái lại, họ thực hiện sự đồng cảm một cách sâu xa. Thật vậy, khi kết hiệp với Thiên Chúa, đan sĩ cũng phục vụ Giáo Hội. Họ chu toàn mọi hoạt động nhân danh Giáo Hội. Nếu đan sĩ chấp nhận trách vụ tông đồ này, chính là vì tình yêu của Chúa Kitô và của Giáo Hội thúc bách. Nếu có sự phong nhiêu của việc tông đồ do đan sĩ thực hiện, chính là vì sự phong nhiêu này xuất phát từ hai tình yêu trên.
Nếu cha Biển Đức Thuận, khi thay đổi nếp sống – từ thừa sai đến đan sĩ – không muốn trút bỏ công cuộc tông đồ này, trái lại, ngài tiếp tục là một tông đồ, một cách khác không kém phần kiến hiệu. Đan sĩ càng kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, thông hiệp càng mãnh liệt với Giáo Hội, thì lại càng khám phá ra những thiếu thốn nơi Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô.
Cha Biển Đức Thuận không còn chạy đôn chạy đáo, ngược xuôi, để kéo những người chưa biết Chúa vào Đạo, nhưng, khi cư trú trong đan viện, chìm sâu vào cõi thinh lặng sâu thẳm chất chứa sự hiện diện và tình yêu Thiên Chúa, thì lòng nhiệt tâm tông đồ của ngài lại mang đến nhiều hoa trái mà chỉ một mình Thiên Chúa biết được.
[1] Xem “Hương vị Lời Chúa”, Hạt Giống Chiêm Niệm, số 2, tr.70-89.
[2] Chúng tôi dùng lại những từ ngữ và những kiểu nói thịnh hành trong thời của cha Biển Đức Thuận, như “người ngoại”, “dân ngoại”, “lương dân”, v.v. Không có ý khinh miệt hay coi thường những anh chị em chưa biết Chúa, nhưng chỉ muốn đưa những kiểu nói đó trở về chính bối cảnh lịch sử.
[3] Thư gởi Đức Cha Allys ngày 28 tháng 3 năm 1908.
[4] Thư đề ngày 20 tháng 4 năm 1908.
[5] Thư đề ngày 6 tháng 5 năm 1908.
[6] Thư đề ngày 8 tháng 4 năm 1909.
[7] x. Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh Tích Cha Biển Đức Thuận, tr. 52.
[8] Thư đề ngày 23 tháng 4 năm 1908.
[9] Thư đề ngày 5 tháng 4 năm 1908.
[10] Thư đề ngày 16 tháng 2 năm 1908.
[11] “Notice sur Notre Dame d’Annam”.
[12] x. Hạnh Tích Cha Biển Đưc Thuận, tr. 195.
[13] Di Ngôn, “Cứu các linh hồn”, tr. 150-151.
[14] Di Ngôn, “Nên thầy dòng thánh”, tr. 171-173.
[15] Di Ngôn, “Khi nào gọi là nhà dòng hư?”, tr. 186-188.