Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

NỖI ĐAU – Suy niệm Chúa Nhật XIV TN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-092-TUẦN XIV-Chúa Nhật

NỖI ĐAU

(Ed 2,2-5 / 2Cr 12,7-10 /  Mc 6,1-6)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Ai trong chúng ta cũng muốn đời sống mình được chất đầy và tô điểm bằng niềm vui. Niềm vui là điều con người hằng mơ ước trong mọi phạm vi đời sống, trong mọi mối tương giao. Nụ cười tươi là biểu lộ của niềm vui. Nhưng cũng có một thực tế, là đời sống con người không thiếu những nỗi đau. Người ta vẫn thường nhắc lại câu nói của Đức Phật: “Đời là bể khổ”. Nếu đời là bể khổ, thì đời cũng là đại dương của những nỗi đau.

Trong mối tương giao với Thiên Chúa, trong việc sống đời ki-tô hữu, chúng ta mong muốn đạt đến “niềm vui Tin Mừng”. Đó phải là khao khát của những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô. Nhưng trong thực tế của việc sống đạo, nước mắt lại không thiếu về nhiều phía, vì có sự chối từ tình yêu, chối từ cứu độ, vì có việc không tin, không chấp nhận. Có thể nói, thực tế phũ phàng đó đã làm cho trái tim Thiên Chúa tan nát, làm cho Thiên Chúa đau lòng. Có thể nói đến “nỗi đau” của Thiên Chúa không? Có thể nói đến “nỗi đau” của Chúa Giê-su không?

Các bài đọc Kinh Thánh chúa nhật thứ XIV năm B, như mở ra trước mắt tôi những hoạt cảnh mà trong đó Thiên Chúa diễn tả nỗi đau của Người trước thái độ của con người với tình yêu của Người. Tôi xin được chia sẻ về “NỖI ĐAU CỦA CHÚA”.

 1. NỖI ĐAU TRƯỚC SỰ PHẢN NGHỊCH

Trong trích đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en chương 2 từ câu 2 đến 5, Thiên Chúa phán với ngôn sứ – nghĩa là người được sai đến với dân Ít-ra-en để nói cho họ lời Thiên Chúa – về một sự thật của dân này. Chúng ta nghe lại những lời của Thiên Chúa một lần nữa: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày hôm nay”. Khi nghe những lời này của Thiên Chúa, chúng ta nghĩ gì? Một Thiên Chúa yêu thương, luôn sai các ngôn sứ đến với dân để nói lại lời Người, để hướng dẫn họ sống trong đường ngay nẻo chính, tại sao họ lại chống đối? Khi chống đối các ngôn sứ là chống đối chính người đã sai là Thiên Chúa. Khi chống đối lời của ngôn sứ là chống đối chính lời của người sai các ngôn sứ, vì ngôn sứ nói lại lời của Thiên Chúa. Tại sao lại phản loạn, chống lại Thiên Chúa, chống lại những điều hướng dẫn cuộc sống ngay chính? Đây là mầu nhiệm của tội lỗi. Người ta thích bóng tối hơn, như chính Chúa Giê-su đã khẳng định. Nhưng tại sao lại thích bóng tối? “Vì các việc họ làm đều xấu xa” (x.Ga 3,14). Những ai đang làm những điều xấu xa để thoả mãn đam mê tội lỗi của mình, thì ghét những người mang ánh sáng đến, vì họ sợ các việc làm xấu xa bị lộ ra và họ bị chê trách. Thiên Chúa nhận ra là họ chống đối phản loạn đối với Người. Chắc chắn Thiên Chúa rất đau lòng về họ, về cuộc sống của họ, về thái độ hung hăng chống đối của họ. Và Thiên Chúa như bất lực trước thái độ thù ghét này của họ. Người cho họ tự do và cả cái tự do chống đối Người. Thật đau lòng! Đây là nỗi đau của Thiên Chúa và các ngôn sứ của Người trước những con người và cuộc sống dẫn họ đi vào diệt vong, nhưng họ không biết tỉnh thức. Họ chống đối phản loạn, nghĩa là họ ngoan cố trên con đường xấu xa, tội lỗi. Thiên Chúa không buồn với nỗi đau bị chống đối cho bằng nỗi đau thấy họ không trở về, không hoán cải.

Như vậy, vị ngôn sứ cũng cần ý thức sự thật đó khi được sai đến, như Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng”. Ngôn sứ phải ý thức công việc của một ngôn sứ rất thách đố, rất thử thách, rất cam go. Đó không phải là một cuộc dạo chơi picnic, hay một thứ chính trị mị dân, mà là một sức mạnh giúp hoán cải. Sau này, Chúa Giê-su cũng đã nói với các môn đệ: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,30). Như vậy, ngôn sứ phải dám lên tiếng, và cả tiếng nói cảnh tỉnh, phê phán, để diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa, như Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Còn chúng, vốn là loài phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng”. Ngôn sứ phải lên tiếng, dù bị chống đối, đừng như những thủ lãnh bất xứng, những ngôn sứ giả, bị Thiên Chúa nhắc đến trong ngôn sứ I-sai-a: “Những người canh gác Ít-ra-en, đui mù hết, chẳng hiểu biết gì; cả bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa, chỉ mơ mộng, nằm dài và thích ngủ thôi. Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử, thứ mục tử chẳng biết phân biệt gì. Cả bọn – chẳng trừ ai – mạnh ai theo đường nấy, chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình.” (Is 56,10-11). Thật là nỗi đau của Thiên Chúa!

Chúng ta hãy sống sao cho Thiên Chúa đừng phiền lòng về cuộc sống chúng ta. Chúng ta phạm tội, vấp ngã; nhưng mỗi lần té, lại đứng lên. Mỗi lần phạm tội, hãy xin Thiên Chúa thứ tha, vì Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Nhưng, đừng bao giờ “cứng đầu cứng cổ”, “lòng chai dạ đá”, và đừng ngoan cố, chống đối phản loạn. Vì phản loạn, chống đối, là đưa tới chỗ diệt vong cho chính bản thân. Đừng để cuộc sống tội lỗi và cách phản ứng tiêu cực của chúng ta trở thành nỗi đau cho Thiên Chúa và cho Giáo Hội Chúa. Trái lại, hãy trở thành niềm vui cho Thiên Chúa và Giáo Hội qua cuộc sống ngay chính và thánh thiện.

 2. NỖI ĐAU TRƯỚC SỰ TỪ KHƯỚC

Như chúng ta nói trên kia, Chúa Giê-su có nỗi đau không? Là con người, Chúa cũng có những nỗi đau liên quan đến cuộc sống. Nhưng hơn thế nữa, với tư cách là Thiên Chúa, nỗi đau của Chúa còn sâu và mạnh hơn rất nhiều so với những nỗi đau nhân loại.

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 6 từ câu 1 đến 6, thánh sử thuật lại sự kiện Chúa Giê-su trở về quê quán và có các môn đệ đi theo. Ngày Chúa ra đi rao giảng công khai, Chúa đi một mình, nhưng sau một thời gian, Chúa trở về với nhóm môn đệ. Đây là dấu chỉ bên ngoài của sự thành công của Chúa, nghĩa là có những người đi theo làm môn đệ. Đó phải là niềm vui và hãnh diện của những người đồng hương của Chúa chứ. Nhưng họ lại phản ứng khác.

Họ chỉ nhìn Chúa với những chi tiết của “sơ yếu lý lịch”: tên tuổi, nghề nghiệp, cha mẹ, anh em. Từ những điều họ biết, họ thấy Chúa cũng rất ư bình thường, và đúng hơn, là tầm thường nữa. Tầm thường như chính họ, vì “chị em của ông ta không phải là bà con lối xóm của chúng ta sao?”. Những điều họ nói diễn tả thái độ coi thường Chúa và những lời Người nói. Từ những yếu tố lý lịch bên ngoài, họ đánh giá thấp về con người và giáo lý Người dạy. Họ không đi xa hơn cái nhận định quá ư nhân loại của họ. Và như thế, thật đáng tiếc cho họ, vì họ đánh mất một con người đồng hương quí giá.

Chúa cũng đã trích câu tục ngữ, để nói lên tâm trạng của Chúa: “Ngôn sứ bị rẻ rúng tại chính quê hương mình, giữa đám bà con thân thuộc và trong gia đình mình”. Ngôn sứ bị khinh chê. Có một chi tiết làm Chúa cũng bất ngờ: “Người lấy làm lạ vì họ không tin”. Chúa cảm thấy đau vì bị khước từ và vì thế họ khước từ cả những gì tốt nhất dành cho họ, “Người không thể làm được phép lạ nào tại đó”. Chúa buồn với nỗi đau bị khinh chê không bằng chính nỗi đau là họ mất đi cơ hội tốt với những gì tốt nhất dành cho họ. Chúa cũng muốn ưu tiên cho quê quán mình, cho những đồng hương; nhưng chính sự từ chối – tức là không tin – đã cản trở tất cả. Họ đã dựng lên những chướng ngại vật để Chúa không tiếp cận họ, lòng dạ họ và cuộc sống họ. Đây là nỗi đau mất mát: mất mát những gì gần gũi, mất mát những gì muốn trao ban mà không thực hiện được. Đúng như thánh Gio-an, trong lời tựa của sách Tin Mừng, đã nhận định: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Và người nhà là dân tộc của Người cũng đã khước từ, đến nỗi Người khóc lên trong nỗi đau: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tụ họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (Lc 13,34-35). Chúa đau vì nhà của họ sẽ bị tan hoang, cuộc sống họ sẽ bị diệt vong. Đau lắm! Trái tim của Chúa quặn đau!

Trong đời sống ki-tô hữa, vẫn có cám dỗ khước từ Chúa Giê-su. Đó là một thực tế. Vẫn có đó cách đối xử với Chúa như một người xa lạ, không có mối liên hệ nào. Mang danh ki-tô hữu, nhưng là “hữu danh vô thực”, không có thực chất vì không có tình yêu và mối tương giao thân tình. Có thể vẫn tham dự thánh lễ, đón nhận các bí tích, thực hành một vài việc đạo đức, nhưng chúng chỉ ở bên ngoài, không đi vào bên trong tâm hồn và không ảnh hưởng trên đời sống. Đừng để Chúa phải lên tiếng: “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta” (Mc 7,6).

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật hôm nay là một tiếng nói cảnh tỉnh chúng ta để chúng ta xem xét lại đời sống ki-tô hữu và cách sống của chúng ta. Chúng ta có thật sự đón nhận Thiên Chúa, Chúa Giê-su với tất cả lòng khao khát, tình mến và sức lực của chúng ta không? Chúa có thực sự là sự sống của chúng ta, như khẳng định của thánh Phao-lô: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20-21).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...