Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

NỐI KẾT – Suy Niệm Lễ Chúa Thăng Thiên – Vp. Duyên Thập Tự

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN

(Cv 1,1-11 / Ep 4,1-13 / Mc 16,15-20)

NỐI KẾT

Vp Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Thăng Thiên, Chúa về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Phải chăng khi đã hoàn tất công cuộc cứu độ trần gian, Chúa về trời là Chúa không trở lại hoặc Người vẫn hiện diện một cách nào đó trên trần gian này? Việc Chúa lên trời có để lại ảnh hưởng gì cho cuộc sống con người và cho Giáo Hội Chúa?

Khi suy niệm các bài Kinh Thánh Giáo Hội dọn cho chúng ta trong ngày đại lễ hôm nay, tôi nhận ra một trong những ảnh hưởng mà việc Chúa lên trời để lại cho người thế – nhân loại và Giáo Hội -, đó là sự nối kết. Chính Chúa lên trời tạo nên sự nối kết. Vậy, tôi xin được chia sẻ với anh chị em về sự NỐI KẾT.

1. NỐI KẾT HAI KHÔNG GIAN

Chúng ta bắt đầu suy niệm về bài Tin Mừng. Tin Mừng của lễ Thăng Thiên năm B là trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 16 từ câu 15 đến 20. Đây là những câu cuối cùng của sách Tin Mừng thứ hai (theo thánh Mác-cô). Trích đoạn kể lại việc Chúa hiện ra với Nhóm Mười Một – Mười Một vì ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã thắt cổ tự tử chết rồi và chưa có người thay thế – và trao cho các ông sứ vụ đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Chúa cũng hứa ban cho những dấu lạ đi theo sứ vụ quan trọng đó.

Thánh sử Mác-cô kết thúc sách Tin Mừng bằng những câu sau đây: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”

Như vậy, chúng ta nhận ra có hai không gian: một bên là trời, bên này là nơi (đất). Hai không gian đó: một nơi trên cao (trời ), một nơi rộng (khắp nơi). Hai không gian này có những sự hiện diện: một bên là Chúa Cha và bên này mọi thụ tạo. Hai không gian có hai chuyển động: một bên là lên trời và bên này là ra đi. Hai không gian này có hai tác nhân chính: một bên là Chúa Giêsu và bên này là các Tông Đồ. Khi phân tích hai không gian này, chúng ta nhận ra điều gì? Phải chăng là sự cắt đứt? Phải chăng là đoạn giao? Không phải vậy, mà là “nối kết”: nối kết giữa trời và đất, giữa Chúa Cha và mọi thụ tạo, giữa chiều cao và chiều rộng. Và những người giúp nối kết: Chúa Giêsu và các Tông Đồ.

Chúa Cha muốn mọi thụ tạo được nghe rao giảng Tin Mừng: các Tông Đồ, các môn đệ Chúa, sẽ thực hiện điều đó. Và “Chúa cùng hoạt động với các ông”. Chúa bên hữu Chúa Cha nhưng vẫn hoạt động nơi các Tông Đồ. Chiều cao – trên trời – gặp chiều rộng – khắp nơi: gặp nhau là do ước muốn cứu độ, là muốn đưa chiều rộng nơi con người sinh sống tiến lên trời cao. Và Chúa Giêsu là người đã mở con đường đó. Chúa vẫn dẫn đường từ trần gian lên trời cao.

Như vậy việc Chúa Giêsu Kitô lên trời là Chúa thực hiện một cuộc nối kết. Nếu Chúa không lên trời, không ngự bên hữu Chúa Cha, thì cuộc sống con người không có định hướng, và ơn cứu độ cũng chẳng có gì cao, chỉ tà tà mặt đất. Chiều cao của trời – bên hữu Chúa Cha – luôn là lời mời gọi của Đấng đã từ trời cao đã đến trần gian và từ trần gian trở về trời cao, của Đấng đến từ cung lòng Chúa Cha và nay trở về cung lòng Chúa Cha. Chúa Giêsu Kitô lên trời nối kết hai không gian.

Chúng ta còn nhớ lại điều Chúa nói về con đường dẫn đến Chúa Cha? Chúa chính là con đường. Con đường luôn nối kết. Chúng ta hãy đi trên con đường Giêsu để đến cùng Chúa Cha và mọi thụ tạo. Đi trên con đường đó với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

2. NỐI KẾT HAI THỜI GIAN

Bài đọc thứ nhất, trích sách Công Vụ Tông Đồ chương 1, từ câu 1 đến 11, trình thuật chi tiết việc Chúa lên trời. Thánh Luca, tác giả sác Công Vụ Tông Đồ, tường thuật việc Chúa lên trời với những lời dặn dò trước khi Người ra đi khuất tầm mắt của các ông. Người khuyên nhủ các ông chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, đó là ban Chúa Thánh Thần cho các ông, để các ông trở thành chứng nhân cho Chúa đến tận cùng trái đất. Và đây là cảnh tượng Chúa được rước lên trời: “Nói xong, Người được cất ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

Đoạn văn miêu tả trên cho chúng ta khám phá ra hai thời gian, hai thời điểm, được đánh dấu bằng hai từ “vừa” và “sẽ”. Đây là hai thời gian: “Vừa” diễn tả quá khứ gần: chuyện vừa xảy ra. Và “sẽ” diễn đạt thì tương lai: sẽ xảy đến. Chúa Giêsu Kitô “vừa” và “sẽ”: Vừa lìa bỏ và sẽ ngự đến. Như vậy, việc Chúa được rước lên trời nối kết hai thời gian. Chúa đã về trời – như chúng ta thường nói – và Chúa sẽ lại đến trong ngày quang lâm.

Nhưng vấn đề đặt ra là chuyện “vừa” xảy ra đã trở thành quá khứ gần và theo thời gian là quá khứ xa và chuyện Chúa “sẽ” trở lại cũng là tương lai; vậy, hiện tại thì sao đây? Hiện tại có khả năng nối kết hai thì quá khứ và tương lai không? Hiện tại phải là nơi gặp gỡ của hai thì trên, của hai thời điểm trên.

Trong trích đoạn trên, Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ “chờ đợi điều Chúa Cha hứa”. Khi nói đến chờ đợi là nói đến khát khao. Người ta chỉ chờ đợi điều người ta ước muốn, khát khao. Như vậy, chính lòng khát khao của Chúa và chờ mong của chúng ta nối kết hai thời gian. Chúa khát khao trở lại và chúng ta chờ mong Chúa đến. Như vậy, việc Chúa lên trời, khuất mắt nhìn của các Tông Đồ, của các môn đệ Chúa, của chúng ta, là để chúng ta ngày càng khát khao. Chính Chúa nối kết hai thời gian bằng động từ chuyển động “lìa bỏ” và “ngự đến”.

Xin Chúa cho chúng ta thêm khát khao Chúa. Xin Chúa cho lòng chúng ta ngày càng mong chờ Chúa “cho tới khi Chúa đến.”

3. NỐI KẾT CÁC CHI THỂ

Không gian và thời gian là hai phạm trù để con người có thể tư duy. Cần hai yếu tố này để con người thi hành chức năng của lý trí. Nhưng con người, không những có lý trí mà còn có trái tim, có tình yêu và những khả năng làm nên phẩm giá cao quí nhân loại. Chúa lên trời nối kết hai không gian, nối kết hai thời gian; nhưng việc Chúa lên trời còn nối kết những gì rất sống động nơi con người, đặc biệt nơi các môn đệ Chúa.

Chúng ta vừa nói trên kia về việc Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ chờ đợi điều Chúa Cha hứa ban, đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là hoa trái của việc Chúa Thăng Thiên. Chính Chúa đã nói với các Tông Đồ “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thầy ra đi và sẽ sai Thần Thần đến với anh em.”

Bài đọc hai trong thánh lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay là trích đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô chương 4 từ câu 1 đến 13. Trong trích đoạn này, thánh Phao-lô nhấn mạnh đến chữ “một”: chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa…

Tôi muốn dừng lại nơi “một thân thể”. Thân thể đây là thân thể Chúa Kitô và là Giáo Hội của Người. Thân thể duy nhất này có một niềm hy vọng.

Chúa Giêsu Kitô đã được rước về trời. Thân thể Chúa không còn ở trần gian, mà bên hữu Chúa Cha, trên trời. Nhưng vẫn còn Thân Thể Chúa ở trần gian. Đó là điều lạ lùng, và điều đó nói đến sự nối kết. Thân thể Chúa, khi Chúa đón nhận trong cuộc nhập thể, nay được phục sinh và được tôn vinh. Nhưng Thân Thể huyền nhiệm của Chúa là Giáo Hội thì vẫn còn tại thế, trong các chi thể của Giáo Hội. Chúa là Đầu và các thành phần của Giáo Hội là các chi thể. Có sự nối kết giữa Đầu và các chi thể, cũng như có sự nối kết của các chi thể. Ai thực hiện việc nối kết đó? Chính là Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô. Chính là Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu Kitô khi lên trời, đã sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha. Như vậy, Khi Chúa lên trời và sai Chúa Thánh Thần đến để liên kết thân thể Chúa Kitô, thì việc Chúa lên trời đã là một việc nối kết rồi.

Chúa Thánh Thần nối kết mọi chi thể trong thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô trong cùng một niềm hy vọng: đó là niềm hy vọng mà thánh Phao-lô đã quảng diễn: “Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” (Co 3,4)

Như vậy, mừng ngày lễ Chúa Thăng Thiên là một dịp rất thuận lợi để chúng ta sống và kết dệt các mối tương giao nhờ Thiên Chúa Ba Ngôi: kết dệt với mọi thụ tạo trong việc thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, kết dệt với những con người sống niềm hy vọng qua mọi thời đại, và sống “gắn bó hoà thuận với nhau” (Ep 4,3) trong lòng Giáo Hội, thân thể của Chúa Kitô.

Chúng ta kết thúc với lời cầu nguyện mà Giáo Hội muốn chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa Cha trong ngày lễ hôm nay: “Hôm nay, Con Một Chúa đã lên trời vinh hiển; là thủ lãnh, Người đã đi trước mở đường dẫn chúng con vào Nước Chúa khiến chúng con là những chi thể Người nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang.”

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18: Chúa Giêsu – Mục Tử của các mục tử

Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm B, Ga 10,11-18 Chúa Giêsu Mục Tử Của Các Mục Tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để diễn tả mối...

Chúa Nhật IV PS, B, Ga 10,11-18: Đan sĩ với sứ vụ mục tử

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH ĐAN SĨ VỚI SỨ VỤ MỤC TỬ (Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18) M. Mazzarello, CĐ Phước Thiên Phụng vụ...

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48: Chúa Kitô luôn hiện diện giữa chúng ta

Chúa Nhật III Phục Sinh Năm B, Lc 24,35-48 Chúa Kitô Luôn Hiện Diện Giữa Chúng Ta Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sau khi hai môn đệ...

Chúa Nhật III Phục Sinh, B, Lc 24,35-48: Có Chúa đồng hành trong cuộc đời

CÓ CHÚA ĐỒNG HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI (Lc 24,35-48) Tùng Linh, Phước Lý Bài Tin Mừng hôm nay thánh Luca tường thuật cho chúng ta việc Đức...

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38: Xin Mẹ dạy con hai tiếng “Xin Vâng”

Ngày 25/3, Lễ Truyền Tin: Lc 1,26-38 Xin Mẹ Dạy Con Hai Tiếng “Xin Vâng” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy mỗi...

Lễ Truyền Tin – Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện

Lời đáp Xin vâng, chương trình cứu độ được thực hiện (Lc 1,26-38) Đaminh Hạnh Lê Văn Chương, Phước Hiệp Trước khi suy niệm về ngày Lễ...

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31: Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời

Chúa Nhật II – Kính Lòng Chúa Thương Xót, Ga 20,19-31 Chúa Ấp Ủ Tôi Suốt Cả Cuộc Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm...

Chúa nhật II Phục Sinh: Niềm tin của ông Tôma và niềm tin của chúng ta

CHÚA NHẬT II PS - B NIỀM TIN CỦA ÔNG TOMA VÀ NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA (Ga 20,19-31)   Lm. Vĩnh Nghiêm, An Phước Không có điều gì...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: Chúa đã sống lại thật, Alleluia!

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9 Chúa Đã Sống Lại Thật Alleluia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc các bài báo về những vụ án hình sự...

Chúa Nhật Phục Sinh, Ga 20,1-9: “Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Người đã phục sinh”

“CHÚA GIÊSU ĐÃ CHIẾN THẮNG TỬ THẦN, NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH” (Ga 20,1-9) Vp. Bảo Tịnh, Phước Lý  Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là trọng tâm...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Chúa Giêsu đã chết một cái chết đau đớn trong tâm hồn

CHÚA GIÊSU ĐÃ CHẾT MỘT CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN TRONG TÂM HỒN (Mc 14,1-15,47)  M. Galgano Trần Quốc Toàn Tin mừng hôm nay tường thuật cho chúng...

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47: Tình trung tín – Tình phản bội

Chúa Nhật Lễ Lá, Năm B, Mc 14,1-15,47 Tình Trung Tín - Tình Phản Bội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thiên Chúa luôn yêu thương con người...