SUY NIỆM LỄ CÁC THÁNH 01-11
PHÚC THẬT…
(Mt 5,1-12)
Mai Lệ Thi, CĐ Phước Thiên
Xét về mặt ý nghĩa từ ngữ, chữ ‘Phúc’nói lên sự an lành, may mắn, hạnh phúc và tròn đầy của phận người. Do đó, mọi người đều cầu phúc và cầu chúc cho nhau trong ngày đầu năm, trong những dịp quan trọng của đời người như sinh nhật, khởi đầu sự nghiệp, kết hôn… Trong bài tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cập đến chữ ‘phúc’ trong cuộc sống mai hậu. Các thánh là những người đã đạt được “phúc” đó, vậy đâu là phương thế giúp các Thánh đạt được Phúc thật.
- Quan Niệm Của Con Người Về Chữ Phúc
Chúng ta thường quan niệm người có phúc là người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống như: khỏe mạnh, con đàn cháu đống, cuộc sống luôn thuận buồm xuôi gió, có của ăn của để, thành đạt trên đường công danh… Do đó, con người luôn nỗ lực tạo “phúc” cũng như níu kéo “phúc” luôn bên mình, bên người thân. Còn “phúc” mà Đức Giêsu đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn trái ngược với những quan niệm về “phúc” của con người. Con người luôn tìm mọi cách để thoát khỏi cảnh đói nghèo thì Đức Giêsu lại nói: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”; mọi người luôn cầu mong cuộc đời thuận buồm xuôi gió thì Đức Giêsu lại chúc “cho ai sầu khổ”; nhân loại luôn cầu cho hòa bình thì Ngài lại chúc “cho con người gặp bách hại”… Như vậy, phải chăng lời chúc phúc này mâu thuẫn với mục đích ban đầu Thiên Chúa dựng nên con người để được hưởng hạnh phúc (x. SGLHTCG 356)?
Hạnh phúc mà Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta không phải là một cuộc sống hưởng thụ, thoải mái, giàu sang, quyền lực ở đời này nhưng là Ngài muốn “hứa hẹn cho người môn đệ theo Ngài một bảo đảm an lành tâm hồn qua việc kết hợp với Ngài (Hồng Y Ratzinger chia sẻ với nhà báo Pere Seewald). Đây cũng là giá trị Tin Mừng mà các thánh đã chọn lựa.
- Các Thánh Đã Sống Tám Mối Phúc Thật Như Thế Nào?
Khi mang kiếp người vào trần gian, các thánh cũng đã mong muốn thành đạt, có địa vị trong xã hội… Nhưng xác tín vào lời chúc phúc của Đức Giêsu, thánh Phanxico Assisi đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp và sống trọn tinh thần khó nghèo. Thánh Phanxico Salêsiô suốt một đời vì muốn trở nên hiện thân của Đức Kitô hiền lành và khiêm nhường mà đã khổ luyện tập đức tính hiền lành. Gánh nặng sầu muộn của chồng con không làm thánh Monica thất vọng, nhưng càng tin tưởng vào lời Đức Giêsu chúc phúc cho những ai sầu khổ sẽ được ủi an. Ý thức được phạm tội là trở nên nô lệ cho ý riêng nên hai thánh Lucia và Goretty thà chết chứ không phạm tội để giữ mình trong trắng trước nhan Thiên Chúa. Thấy được Đức Kitô nơi người nghèo, mẹ Têrêsa đã mạo hiểm bước theo tiếng gọi của Chúa, đem tình thương của Chúa đến cho những người cùng khổ. Vì muốn làm chứng cho một Thiên Chúa tình yêu, toàn năng, chân thật mà các thánh tử đạo đã dùng chính mạng sống mình để chứng minh niềm tin đó…
Như thế, các mối Phúc là bản Hiến Chương Nước Trời, đề ra những linh đạo giúp các thánh gặp gỡ được chính Thiên Chúa (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Là Kitô hữu chúng ta cũng ôm ấp nỗi khát khao lớn nhất là được gặp chính Chúa. Vậy chúng ta cũng noi gương các thánh sống Tám Mối Phúc trong cuộc sống trần gian này. Chúng ta cần can đảm chọn lựa sống theo giá trị Tin Mừng cho dù các giá trị trần gian có bị đảo lộn. Nhưng hãy kiên vững trong đức tin và giữ tâm hồn thanh liêm. Đừng đánh mất cảm thức về tội lỗi, chạy theo những thú vui trần thế. Luôn yêu thương giúp đỡ mọi người, phần nào làm giảm bớt tình trạng vô cảm trước mọi hình thức đói nghèo của xã hội. Vì niềm tin Kitô giáo dạy ta rằng cuộc sống trần gian là tạm bợ, Nước Trời mới là quê hương vĩnh cửu, chỉ có Chúa mới là hạnh phúc đích thật.
Tóm lại, phúc thật không hệ tại ở sở hữu thật nhiều của cải trần thế (x. Mt 19,16-22), hay đạt được những điều con người trần gian cầu mong, nhưng là sở hữu được Nước Thiên Chúa, nhìn thấy Thiên Chúa, thông phần bản tính Thần Linh (x. GLHTCG 1726). Vì chỉ Thiên Chúa mới là nguồn mạch mọi điều thiện hảo và mọi tình yêu (x. GLHTCG 1723). Để hưởng phúc thật chúng ta cần xác tín vào lời chúc phúc của Đức Giêsu trong Tám Mối Phúc, hân hoan đón nhận cuộc sống trần gian và tận dụng mọi hoàn cảnh ‘nghèo’ để nên thánh. Nhất là biết noi gương các thánh can đảm đánh đổi hạnh phúc tạm bợ để được hạnh phúc mai sau là PHÚC THẬT.