Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN (Viết Huy, PL)

 

 

Suy niệm Tin mừng Thứ 3 Tuần VII TN, A

 

 

PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN

(Mc 9,30-37)

 

Viết Huy, PL

 

„Phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình… phục vụ vì Chúa Kitô“ (Mi Trầm). Lời bài hát cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay đối với những ai đang bước theo Người. 

Trên đoạn đường băng qua Ga-li-lê để về Ca-phác-na-um, Đức Giêsu lại tiên báo về cuộc khổ nạn của Người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (c. 31). Đây là lần thứ hai, Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Người với các môn đệ. Thay vì mở lòng đón nhận và đồng cảm với những gì Thầy sắp phải chịu, các ông lại tranh luận với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Các tông đồ vẫn không nhận thức được ý nghĩa lời của Đức Giêsu tiên báo. Họ vẫn còn mê muội trong hy vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian. Trong tâm thức của các tông đồ, Đức Giêsu vẫn là một vị vua mang quyền uy trần thế, chính trị, đến giải thoát dân Israel khỏi ách cai trị của đế quốc Rôma. Các ông ước mong, khi Đức Giêsu làm vua, các ông sẽ có một địa vị, chức tước trong vương quốc của Người. Chính vì vậy, các ông mới tranh luận xem ai là người có thứ vị cao nhất. 

Để đem các tông đồ ra khỏi não trạng và tư tưởng sai lầm đó, Đức Giêsu gọi các ông lại và bảo: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Đức Giêsu cho các ông thấy, cách tổ chức trong Nước Chúa khác hẳn với nước trần gian. Những vị thủ lãnh, người làm lớn trong các dân, các nước, thì họ lấy quyền mà thống trị, cai quản, áp đặt dân (x. Mt 20,25). Nhưng trong Nước Chúa thì không được như vậy: „Ai muốn làm lớn thì phải phục vụ và trở nên bé nhỏ, muốn đứng đầu thì phải làm người rốt hết, làm tôi tớ của các tôi tớ“ (Mt 20,25-27). 

Để cho các tông đồ thấu hiểu hơn ý nghĩa đức khiêm nhường mà người môn đệ phải có, Đức Giêsu đã đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy em bé và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (c. 37a). Khi nói về các em nhỏ, không thể không nói tới những đức tính như: trong trắng, đơn sơ, chân thành và tin tưởng phó thác tất cả vào người lớn… Trẻ nhỏ thường không có tham vọng, tự phụ, kiêu căng, ghen tỵ, tranh dành… nhưng luôn sống chan hòa và gần gũi với mọi người, nhất là chúng luôn tươi cười trong mọi hoàn cảnh. 

Nếu phân tích kỹ và có cái nhìn khách quan, ta thấy những người sống tinh thần trẻ thơ luôn chất phác, chân thật và lương thiện. Họ không giả tạo, không đóng kịch, không tính toán thiệt hơn, không tranh dành quyền thế. Họ luôn thấy mình bé nhỏ, thấp hèn, vì vậy chỉ biết phó thác vào Thiên Chúa. Họ không tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng tìm ích lợi cho người khác. Họ làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, nhất là cố gắng sống trọn vẹn tinh thần thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). 

Cụm từ “tiếp đón em nhỏ” cũng mang một ý nghĩa biểu tượng đó là đón nhận, thương yêu, phục vụ những người nghèo đói, người đau yếu, người thấp hèn, người yếu thế, người bị bỏ rơi trong xã hội. Đây là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải làm. Vì Nước Trời luôn thuộc về những người như họ và chính họ là hiện thân của Đức Giêsu.

Để làm gương cho các tông đồ, Đức Giêsu đã giảng những gì mình sống và đã sống những gì mình giảng. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, và sống giữa nhân loại. Đường đường là một vị Thiên Chúa Tối Cao, nhưng Đức Giêsu đến trần gian không phải là để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20,28). Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nêu gương phục vụ bằng cách cúi xuống rửa chân cho các tông đồ và dạy các ông cũng hãy rửa chân cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau trong khiêm nhường. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đảo ngược lại những giá trị của trần thế: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr 1,27-29). Đây là một nghịch lý của Kitô giáo! Thế nhưng, là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta phải dấn thân và sống cho nghịch lý đó. 

Bản năng tiềm ẩn trong con người là luôn quy về mình, xem mình là quan trọng nhất, là cái rốn của vũ trụ. Chính vì vậy, con người thường có chiều hướng tìm chỗ hơn, tìm chỗ nhất, tham quyền cố vị, muốn được người khác phục tùng hơn là phải phục tùng. Sống giữa thế giới, người người chỉ biết chạy theo tiền tài, danh vọng, tìm mọi cách trục lợi cho mình, người môn đệ của Đức Giêsu cũng không thoát khỏi huynh hướng đó! Chính huynh hướng này có thể ngăn cản không cho chúng ta bước vào đường lối của Thiên Chúa và mang lấy ách của Đức Kitô. Vì vậy, là người môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải dám dấn thân theo “con đường hẹp”, dám từ bỏ vinh hoa, phú quý trần thế, và trở nên bé nhỏ, khiêm nhường phục vụ mọi người. 

Nói thế không có nghĩa, là người theo Chúa, chúng ta phải luôn luôn khước từ mọi cơ hội thăng tiến bản thân, từ bỏ mọi địa vị hay quyền lực. Người thật sự hiến mình cho vinh danh Chúa, cần phải coi địa vị, quyền lực, danh vọng như những phương tiện để chu toàn Thiên ý, và để phục vụ con người. Nhất là luôn coi bản thân mình chỉ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa, để Người thực hiện kế hoạch của Người. Thái độ của chúng ta cần có đối với địa vị, quyền lực, danh vọng là không ham muốn cũng không tránh né: sẵn sàng đảm nhận khi thấy đó là một phương tiện để phục vụ tốt, đem lại hạnh phúc cho tha nhân và vinh quang cho Thiên Chúa, nhưng cũng dám sẵn sàng buông bỏ khi thấy mình bất xứng, hay khi có người khác xứng đáng hơn. 

Tóm lại, tranh dành chức quyền, địa vị chỉ gây ra tổn thương và đau khổ, chỉ có khiêm nhường, yêu thương phuc vụ thì mới đem lại bình an, hạnh phúc đích thực. Chính vì vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta vươn tới đỉnh cao của đức khiêm nhường cách trọn hảo và phục vụ mọi người trong tin yêu. Về phần chúng ta, tinh thần “khiêm nhường và phục vụ”, cần luôn được khắc ghi trong tim và đem ra thực hành trong suốt cuộc đời theo Chúa. Đây là điều Thiên Chúa cần và muốn thấy nơi chúng ta. 

Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng đôi tay, để có thể ôm cả thế giới vào lòng. Đừng để lòng con chật hẹp, khiến con chỉ biết nghĩ đến hạnh phúc cá nhân và sự thăng tiến của bản thân. Xin ban cho con một tâm hồn vị tha, biết dấn thân, quên mình trước những nhu cầu của tha nhân. Amen.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...