TN-198-TUẦN XXIX-Chúa Nhật
PHỤC VỤ ĐẾN HIẾN MẠNG SỐNG
(Is 53,10-11 / Dt 4,14-18 / Mc 10,35-45)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Ngày nay từ “phục vụ” được sử dụng rất rộng rãi, phổ biến hầu như trong mọi phạm vi của cuộc sống. Vì sử dụng tràn lan, nên từ phục vụ đã mất đi khá nhiều hương vị, đến nỗi nó như được hạn định trong một thứ dịch vụ nào đó, ngay cả trong những hoàn cảnh “tế nhị”. Dầu vậy, từ phục vụ vẫn luôn là một “từ khoá” dành cho con người khi đến với nhau để mang lại lợi ích hỗ tương hay công ích của xã hội. Đó là từ ngữ quan trọng của Ki-tô hữu, của môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô.
Các bài đọc Kinh Thánh của chúa nhật hôm nay – chúa nhật (năm B) tuần XXIX mùa thường niên – đề cập đến từ phục vụ, qua chính lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em: ai muốn làm đầu anh em thì phải làm người đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,43-45). Hình mẫu của người phục vụ là chính Chúa Giê-su, Đấng đã “PHỤC VỤ ĐẾN HIẾN MẠNG SỐNG”.
1. HIẾN THÂN LÀM LỄ VẬT ĐỀN TỘI
Trong bài đọc một, trích sách ngôn sứ I-sai-a chương 53 từ câu 10 đến 11, hình ảnh của người Tôi Trung của Đức Chúa được khắc hoạ lên. Đây là bài ca thứ tư về người Tôi Trung. Hình ảnh của người Tôi Trung này mang đậm dấu ấn của những khổ đau: “bị nghiền nát vì đau khổ”, “nỗi thống khổ”, “nếm mùi đau khổ”. Những đau khổ đó diễn tả điều gì và nhắm tới mục đích nào? Và đây là câu trả lời: “Người hiến thân làm lễ vật”, để “nhờ người ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu… người công chính, tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ”.
Hình ảnh người Tôi Trung tiên báo trong ngôn sứ I-sai-a là Chúa Giê-su và cuộc khổ nạn của Chúa. Trong cuộc khổ nạn trên thập giá, Chúa Giê-su đã hiến thân làm lễ vật đền tội cho nhân loại để thực hiện ý Chúa Cha, Đấng đã yêu nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một (x.Ga 3,16). Qua lễ vật đền tội này, nhân loại được tha thứ tội lỗi, được nên công chính. Chúa Giê-su là Con Chiên gánh tội trần gian. Người hy sinh chính mạng sống mình để cứu độ nhân loại. Người đã đến phục vụ và phục vụ đến hiến dâng mạng sống mình. Người đã tự nguyện chết để nhân loại được sống. Đó là sự phục vụ của Chúa Giê-su, phục vụ cho đến chết, phục vụ bằng hy sinh mạng sống. Đây là phẩm tính cao quí của việc phục vụ. Đó không là dịch vụ, mà là trao ban sự sống cho con người bằng việc hy sinh sự sống bản thân. Việc trao ban mạng sống là kết quả của tình yêu lớn lao của Người đối với nhân loại. Đó là tình yêu cao cả nhất (x.Ga 15,13).
Khi nói đến sự phục vụ, chúng ta thường nghĩ đến một công việc nào đó, một dịch vụ nào đó. Nếu chỉ như vậy, phục vụ mới chỉ ở phạm vi bên ngoài. Hình ảnh Người Tôi Trung là Chúa Giê-su Ki-tô cho chúng ta hiểu hơn một chút về phục vụ là sự trao ban sự sống cho tha nhân, trao tặng điều quý nhất cho tha nhân – mà nơi đây là ơn tha thứ và ơn công chính – bằng chính việc hy sinh mạng sống bản thân. Như vậy, phục vụ được định vị trong chính con người và liên hệ đến điều gì cao cả nhất. Hơn là một thái độ bên ngoài, phục vụ là một cách sống chính Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô, là sự đồng hình đồng dạng của Ki-tô hữu với Chúa Ki-tô. Nếu Chúa Giê-su Ki-tô đã hiến thân làm lễ vật đền tội, chúng ta cũng được mời gọi để cũng trở thành một hy lễ dâng tiến Thiên Chúa để mang lại lợi ích cho tha nhân. Thánh Gio-an tông đồ khẳng định: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Chúng ta cũng có thể nói được như vậy về sự phục vụ: “Con Người đã phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”, thì chúng ta cũng phục vụ đến hiến mạng sống của mình cho tha nhân. Trong thế giới và trên đất nước chúng ta, nhiều người – là hoặc không là Ki-tô hữu – thực hiện sự phục vụ cao quý này. Đây là những môn đệ chân thực của Chúa Ki-tô và là những con người diễn tả ý nghĩa đích thực của việc phục vụ.
2. VỊ THƯỢNG TẾ CHỊU THỬ THÁCH VỀ MỌI PHƯƠNG DIỆN
Trong bài đọc hai, trích thư Do Thái chương 4 từ câu 14 đến 16, tác giả trình bày cho chúng ta hình ảnh của vị Thượng Tế siêu phàm. Khi nghe đến danh xưng “Thượng Tế siêu phàm”, chúng ta nghĩ đến những thứ hào quang, uy nghi bao phủ quanh Vị đó. Tác giả thư Do Thái lại trình bày một hình ảnh khác. “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. Những dòng chữ ngắn gọn này diễn tả đúng bản chất của Chúa Giê-su, Vị Thượng Tế của chúng ta. Người là Thượng Tế vì Người đã dâng lễ tế. Vậy lễ tế Người đã dâng là gì? Tác giả thư Do Thái đã khẳng định: “Đức Ki-tô không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền tội thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ” (Dt 7,27). Chúa Giê-su đã dâng chính mình với tư cách là Thượng Tế khi Người dâng hy lễ trên thập giá. Như vậy, việc dâng chính mình là một diễn tả sự phục vụ của Người với tư cách Thượng Tế. Dâng hy lễ đền tội là một việc phục vụ dân để họ được thánh hoá. Trên kia, chúng ta nói đến Chúa Giê-su là lễ vật đền tội, nơi đây chúng ta đề cập Người là Thượng tế: hai danh hiệu này diễn tả sự hiến dâng của Chúa.
Như vậy, chúng ta nhận ra nơi Chúa Giê-su Ki-tô việc phục vụ với tư cách là Thượng Tế. Để chu toàn phận vụ thánh thiêng này, Người đã đi vào chính cuộc sống con người, nên giống con người trong mọi sự, trừ tội lỗi. Người phải là thánh để thánh hoá loài người. Nơi Chúa Giê-su, chúng ta lại được học thêm về ý nghĩa của việc phục vụ: không phải để được nâng lên cao với những cao sang trần thế, mà là hạ mình xuống để mang lại lợi ích thiêng liêng cho tha nhân. Như vậy, phục vụ không là một dịch vụ, mà là tác vụ thánh thiêng. Phục vụ phải mang chiều kích linh thánh; chính vì thế mà nó phát xuất từ tinh yêu tự hiến, nhưng không. Chiều kích thánh thiêng của phục vụ là một chiều kích quan trọng trong Ki-tô giáo. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi sống và thực hiện việc phục vụ với tư cách là Ki-tô hữu, nghĩa là với tư cách những người được “Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương” (Cl 3,12).
3. ANH EM SẼ UỐNG CHÉN THẦY SẮP UỐNG
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 10 từ câu 35 đến 45, thánh sử thuật lại sự kiện hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an đến xin Chúa, một người được ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả, khi Chúa được vinh quang. Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy phản ứng tức bực của các môn đệ khác đối với hai người anh em ruột này. Chúng ta không dừng lại nơi phản ứng của các môn đệ về chuyện tranh chấp địa vị, chỗ đứng, nhưng dừng lại lời Chúa nói để hiểu thêm về ý nghĩa của việc phục vụ.
Chúa nói với hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.
Chén và phép rửa là hình ảnh công cuộc cứu độ của Chúa được thực hiện qua cái chết trên thập giá. Khi hứa với hai người môn đệ này được nên giống Chúa trong việc hy sinh bản thân để mang lại ơn cứu độ cho muôn người, Chúa mời gọi hai ông hiểu thế nào là phục vụ. Phục vụ đối nghịch với sự hãnh tiến và chiếm chỗ cao để được uy thế hoặc quyền lực. Phục vụ đối nghich với thống trị. Phục vụ là đi xuống thấp, như vị trí của người nô lệ, tôi tớ. Đây phải là chọn lựa của người môn đệ của Chúa. Câu hỏi cần được đặt ra: phục vụ là đi xuống thấp để hướng tới mục đích gì? Chúa Giê-su nói đến việc “phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Điều đó muốn nhấn mạnh rằng việc phục vụ – với chiều hướng đi xuống của bản thân – là để nâng người khác lên cao. Cứu chuộc là gì, nếu không phải là trao lại phẩm giá cho các tội nhân để họ được trở thành con cái Thiên Chúa, được công chính hoá, được trở nên thánh nhân. Đó là công cuộc cứu độ của Chúa.
Như vậy, việc phục vụ của người môn đệ Chúa, của Ki-tô hữu là để cho con người tìm lại được phẩm giá cao quí. Và đó là cái giá của việc phục vụ. Hy sinh mạng sống là cái giá đắt, nhưng đó lại là cái giá đáng giá vì đưa tha nhân đến ơn cứu độ. Việc phục vụ của chúng ta với tư cách Ki-tô hữu mang chiều kích cứu độ. Và đó là điều làm nên giá trị cao quí của việc xuống thấp và hiến mạng sống.
Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa và những chiều kích của việc phục vụ. Ước gì tất cả những tác vụ chúng ta thi hành trong Giáo Hội, tất cả những công việc, dịch vụ chúng ta chu toàn trong xã hội, được thấm đượm tinh thần và phong cách phục vụ đã được Chúa Giê-su Ki-tô hiện thực. Ước gì chúng ta là những “Ki-tô Khác” dưới con mắt của người đời, để việc phục vụ của chúng ta là cơ hội để chúng ta cùng với họ khám phá ra “cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (x.Rm 12,2).