TN-191-TUẦN XXVIII- Chúa Nhật
QUÍ VÀ QUÍ NHẤT
(Kn 7,7-11 / Dt 4,12-13 / Mc 10,17-30)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong đời sống con người, có một điều quan trọng, đó là thiết lập bậc thang giá trị. Rất nhiều thứ và nhiều điều thuộc những lãnh vực khác nhau xuất hiện trong cuộc đời; nếu không xếp chúng trong một trật tự, thì sẽ là một tình trạng hỗn độn gây nên biết bao thiệt hại. Nhưng việc thiết lập bậc thang giá trị không chỉ dừng lại nơi tư duy, mà còn rất ảnh hưởng trên chọn lựa và hành động. Các bài đọc Kinh Thánh của chúa nhật tuần XXVIII năm B, gợi cho bản thân tôi về một thứ trật tự nào đó, một bậc thang giá trị nào đó, để giúp tôi sống cho đúng với tư cách là Ki-tô hữu. Đây là một tiến trình khởi từ điều quí đến điều quí hơn để đạt được điều quí nhất. Tôi xin được chia sẻ Lời Chúa trong nhãn quan này được gói trọn trong diễn ngữ “QUÍ VÀ QUÍ NHẤT”.
1. NHŨNG THỨ QUÍ TRÊN ĐỜI
Con người là cao quí, vì thế có những thứ quí giá hiện diện trong cuộc sống. Trong bài đọc một, trích sách Khôn Ngoan chương 7 từ câu 7 đến 11, tác giả so sánh điều quí hơn với những thứ khác. Đây là những thứ mà tác giả liệt kê: vương trượng, ngai vàng, của cải, trân châu bảo ngọc, vàng bạc, sức khoẻ và sắc đẹp, ánh sáng. Những thứ này là quí giá. Không phải ai cũng có được vương trượng ngai vàng; chỉ một số ít thôi. Của cải thì ai cũng có, ít hoặc nhiều; không ai không có, ít ra là bộ quần áo che thân hay ít thực phẩm mỗi ngày. Còn trân châu bảo ngọc, vàng bạc, dành cho những người giầu có. Sức khoẻ và sắc đẹp, ai cũng có, khoẻ ít khoẻ vừa hay khoẻ nhiều, đều là sức khoẻ. Sắc đẹp, ai cũng có, lộng lẫy hay bình thường. Còn ánh sáng thì là thứ chung cho mọi người, vì mặt trời là của tất cả. Như vậy, những thứ kia là những thứ có giá trị. Tự thân, chúng có giá trị, nhưng chỉ là giá trị “bình thường”. Hơn nữa, giá trị của chúng chỉ được tăng lên khi chúng hướng tới những mục tiêu tốt đẹp trong việc xây dựng tình huynh đệ giữa con người. Vương trượng ngai vàng quí hơn bản thân chúng, khi những ai là vua chúa, thủ lãnh, biết sử dụng chúng để mưu cầu an sinh, hạnh phúc cho dân. Của cải, vàng bạc, giàu sang, tăng thêm giá trị, khi chúng được sử dụng để giúp đỡ những người nghèo và giúp phát triển xã hội. Sức khoẻ và sắc đẹp tăng thêm giá trị khi chúng được đưa vào trong việc phục vụ, làm phong nhiêu cuộc sống tha nhân. Những thứ giá trị tự thân này được tăng thêm giá trị khi chúng được đưa đến những mục tiêu lớn hơn chúng và đưa đến việc xây dựng tình yêu thương. Nghĩa là chúng chỉ có giá trị khi phục vụ con người và xây dựng tình người. Dầu vậy, chúng cũng chỉ là những thứ vật chất và trong phạm vi thể lý mà thôi. Chúng có giá trị, nhưng là thứ giá trị được định giá là “QUÍ”. Nếu chúng là quí, thì chắc chắn còn có những thứ quí hơn.
2. ĐỨC KHÔN NGOAN CÒN QUÍ HƠN…
Cũng trong bài đọc một, trích sách Khôn Ngoan, tác giả nói đến đức khôn ngoan. Và để lượng giá sự cao quí của đức khôn ngoan, tác giả đã so sánh với những thứ quí vừa được liệt kê trên kia. Tác giả dùng cách thức so sánh “hơn” để làm nổi bật giá trị của đức khôn ngoan hay sự khôn ngoan. Vậy đức khôn ngoan này từ đâu đến?
Tác giả viết: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi”. Như vậy, đức khôn ngoan là đối tượng của sự cầu xin. Là đối tượng cầu xin, đức khôn ngoan phải là một điều gì rất quí và đáng khao khát. Một lời cầu xin của vua Sa-lô-môn với Thiên Chúa đã được thuật lại để làm nổi bật tầm quan trọng của đức khôn ngoan: “Lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế? ” Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3,7-12).
Như vậy, nhờ đức khôn ngoan, con người hiểu biết hơn và hành động một cách sáng suốt, minh mẫn, để mang lại lợi ích cho tha nhân. Đức khôn ngoan là nơi hội tụ của hiểu biết, của tâm hồn chính trực, của kinh nghiệm cuộc sống. Đức Khôn Ngoan thuộc về tinh thần, và được lượng giá là “QÚI HƠN” so với những thứ vật chất và thể lý trên kia. Nó quí hơn vì giúp con người hiện thực bản thân và kết dệt tương giao với tha nhân một cách có giá trị hơn. Chúng ta cần quí đức khôn ngoan hơn tất cả những thứ vật chất trên kia. Đây là một bậc thang giá trị sống động. Nhưng, dù có sự khôn ngoan, với tư cách là Ki-tô hữu, chúng ta cần tiến thêm những bước nữa để đạt tới điều quí nhất, điều ở đỉnh của bậc thang giá trị.
3. CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ LÀ QUÍ NHẤT
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 10 từ câu 17 đến 30, thánh sử trình thuật lại việc một người chạy đến hỏi Chúa Giê-su về việc phải làm gì để được sống đời đời. Người này đến với Chúa như đến với một vị thầy khôn ngoan để được chỉ bảo về con đường phải theo. Sau khi cho Chúa biết là những gì Chúa nói đến đã được anh tuân giữ từ tấm bé, anh hỏi thêm Chúa là nơi anh còn thiếu điều gì. Chúa trả lời: “Anh chỉ còn thiếu một điều, là bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Anh muốn tham vấn Chúa về điều gì đó, nhưng Chúa lại mời gọi anh đến để theo Chúa. Nhưng anh đã không theo. Thánh Mác-cô ghi nhận: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.
Chúng ta nói trên kia là của cải là tốt, nếu nó được sử dụng cho lợi ích bản thân và nhất là cho tha nhân. Chúa nói hãy bán và phân phát cho người nghèo; anh không muốn thực hiện. Hơn nữa, của cải nơi anh đã trở thành rào cản không cho anh đi theo Chúa. Anh đã đặt của cải lên trên Chúa, quí nó hơn tha nhân và nhất là hơn Chúa. Để đi theo Chúa, cần phải đặt Chúa lên trên hết, Chúa là Đấng quí nhất. Chúa phải ở trên đỉnh của bậc thang giá trị của mọi sự vật.
Theo lý thuyết, chúng ta quan niệm như thế; nhưng trong thực tế, nhiều khi chúng ta không đi theo bậc thang giá trị này đâu, không dám từ bỏ những thứ kia để đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa. Vì theo Chúa là chấp nhận phiêu lưu, như khi Chúa nói bán hết tất cả, phân phát cho người nghèo; rồi “sẽ có một kho tàng trên trời”, cho cái cảm tưởng về một điều gì đó mơ hồ, mông lung. Và đi theo Chúa cũng là đi theo con đường của Chúa, con đường đưa tới thập giá, là vác thập giá mỗi ngày; mà thập giá lại là một sự điên rồ, trái ngược lại sự khôn ngoan người đời. Thánh Phao-lô quả quyết: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và người dân ngoại coi là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Chính thánh nhân quả quyết: “Hồi còn giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Thánh nhân cũng đã viết: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi” (Gl 6,14). Chính vì thế mà thánh Phao-lô nói về sứ vụ của ngài là “rao giảng Tin Mừng và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,17). Nghĩa là không dựa vào sự khôn ngoan người đời hay bằng một thứ ngôn ngữ bóng láng nhưng vô hồn. Rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh bằng thứ ngôn từ đầy xác tín có khả năng biến đổi cuộc đời người nghe.
Đặt Chúa trên đỉnh của bậc thang giá trị của mọi sự vật, chọn đi theo Chúa vì coi Chúa là quí nhất, sống mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời như là diễn tả của tình yêu lớn nhất dành cho Chúa, không phải là chuyện dễ. Đó luôn là thách đố rất lớn! Nhưng đối với ai được Chúa gọi theo Chúa, với những ai muốn sống chân thực đời Ki-tô hữu có ý nghĩa, thì đó lại là ơn gọi và con đường cần phải đặt bước đi.
Các bài Lời Chúa hôm nay đặt chúng ta trong một tiến trình của những bước đi trên các bậc thang giá trị, không phải dừng trên lý thuyết hay tư duy thuần tuý mà là hướng tới sự chọn lựa dứt khoát và thực hành cụ thể. Đâu là thái độ cụ thể của mỗi chúng ta? Lời Chúa hôm nay “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (bài đọc hai-thư Do Thái chương 4 câu 12). Ước chi Lời Chúa hôm nay thúc đẩy chúng ta để chọn theo Chúa Giê-su Ki-tô, vì Người là “QUÍ NHẤT” của cuộc đời chúng ta.