Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

RP. BENEDICT THUẬN (Henry Denis) _ CHA TỔ PHỤ TRONG TRÁI TIM TÔI (Maria Luca NGUYỄN VĂN BÌNH)

RP. BENEDICT THUẬN (Henri Denis)

CHA TỔ PHỤ TRONG TRÁI TIM TÔI

 

 

  Lời Tự Sự

 

   Cổ nhân thường nói: Biết Cây không gì bằng nếm trái; biết Người không gì bằng nhận biết “tam tài” của người ấy. Vâng, biết Cha Tổ Phụ không gì bằng cảm nghiệm tình yêu thương, hạnh tích của Người. Mà cảm nghiệm thì là một cái gì đó rất riêng tư của mỗi người; vì lẽ đó, sau nhiều ngày sống ơn gọi đan tu chiêm niệm – chiêm ngắm Chúa và những sự thuộc về Chúa – trong đó có tình yêu thương và hạnh tích của Cha Tổ Phụ. Hồn mọn đã mạo muội lưu bút hồng ân bằng văn vần những cảm nghiệm đầy ứ trong tim và đã trào tràn ra trong bài “Cha Tổ Phụ Trong Trái Tim Tôi”, nhằm tỏ lòng ngưỡng mộ, tri ân : một người Cha đầy lòng nhân ái, một bậc Thầy chỉ giáo đường thiêng liêng, một nhà truyền giáo nhiệt thành và là một Đấng Sáng Lập anh minh, sống vị tha quên mình: nên mọi sự cho mọi người. 

     Mặc dù hồn mọn rất ngưỡng mộ và muốn viết nhiều về Cha Tổ Phụ nhưng có điều chắc chắn là một vài trăm câu Lục Bát thì ắt hẳn chỉ có thể diễn đạt được đôi nét nho nhỏ về tình yêu thương cũng như hạnh tích của Người mà thôi. Dẫu là thế, hồn mọn cũng vẫn muốn làm một cái gì đó để biểu lộ chút lòng thành ngưỡng mộ, hiếu kính với một người Cha, người Thầy, với Đấng sáng lập; Người mà đã làm trỗi đọng trong trái tim hồn mọn những tâm tình, dấu ấn hoài niệm thánh để nhớ, để thương và để sống vui, sống thánh một đời dâng hiến.
     Vậy, trong tâm tình đơn thành, hồn mọn lưu bút hồng ân bằng văn vần những cảm nghiệm về tình yêu thương và hạnh tích của Cha Tổ Phụ, với ước mong chia sẻ mà thôi. Nếu trong bài viết có điều gì thiếu xót, xin … thương tình lượng thứ./.

Lặng thầm nhìn ngắm gương Cha
Tim con trỗi đọng bao là mến thương
Trong niềm cảm mến tri ân
Tâm con thi hứng trào tuôn dạt dào
Bao lời giáo huấn Cha trao
Gương lành “Hạnh Tích”đi vào tim con
Phước Sơn in đậm nét son
Một đời thánh hiến vẹn tròn nghĩa ân
Ơn Cha cảm mến vô ngần
Tâm tình ngưỡng mộ kính dâng Cha hiền.

 

* * * * * * *

 

  

        NHỚ VỀ THỜI NIÊN THIẾU

 

Sinh thời trang tuổi thiếu niên

Henri Denis ngoan hiền thông minh

Luôn theo lời dạy thân sinh[1]

Học hành chăm chỉ cầu kinh sớm chiều

Chúa Trời kính uý tin yêu

Nguồn Chân-Thiện-Mỹ chắt chiu từng ngày

Ơn Trời mưa móc vận may

Quý nhân [2] cho gặp phúc thay phận người

Gia đình phấn khởi khôn nguôi

Con vào chủng viện niềm vui ngập lòng

* * *

Sáu năm đèn sách nhọc công

Dùi mài kinh sử hoài mong mai ngày

Dấn thân nhập hội Thừa Sai

Ra đi truyền giáo dựng xây Nước Trời

Ước mơ thầm kín lòng người

Cao xanh thấu tỏ đáp lời nguyện xin …

Thân thưa từ gĩa gia đình

Xa lìa đất Mẹ đăng trình ra khơi [3]

Lênh đênh sóng nước thuyền xuôi

Bình minh đất Việt đón người xa quê

* * *

 

[1]  x. HẠNH TÍCH CHA  BENOIT – R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, do Viện Phụ Emmanuel CHU KIM TUYẾN biên soạn, chương I, trang 25 : Ông Denis, thân sinh của Cha tổ phụ, ngay khi Henri Denis còn bé đã hết lòng quan tâm giáo dục, nhất là dạy cho biết kính mến Thiên Chúa luôn.

[2] Qúy nhân : đó là Cha Golliot, giáo sư Tiểu chủng viện thành Boulogne, bạn đồng liêu với Cha Eloy, cũng là người làng Wimille, thấy thầy thần học nhỏ của Cha Billot, nết na đức hạnh, trí tuệ thông minh, thì muốn nhận cho đi nhà trường. Cha đến tỏ bày ý kiến với ông bà Denis. Không ngần ngại, ông vui mừng tạ ơn Chúa, ký thác con cho Cha để ngài lo liệu cho nhập Tiểu chủng viện (Hạnh tích Cha BENOIT, chương III, trang 30).

[3] Sau khoa triết lý và thần học, ngày 07- 03-1903, lễ thánh Thomas, giữa cảnh huy hoàng lộng lẫy đền thờ Đại chủng viện Paris, thầy sáu Denis thụ phong linh mục. Sau khi thụ phong linh mục, cha Bề trên đại chủng viện Dòng Sai Paris viết tờ sai cha Denis qua Việt Nam, địa phận Huế. Trước khi lên đường, Cha Denis đã trở về thăm và chào từ biệt gia đình và quý ân nhân, Cha từ giã Marseille, bỏ lại đằng sau quê hương thứ nhất, để trèo sóng chém gió tiến tới quê hương thứ hai là Việt Nam (Hạnh tích Cha BENOIT, chương IV, trang 38).

* * *  

 

 

* * *  

NHỮNG NGÀY ĐẦU TRÊN ĐẤT VIỆT

 

Từ Đà Nẵng 1 khó chẳng nề

Đường về xứ Huế chân lê lối mòn

Vượt qua bao lũng sườn non

Lăng Cô điểm đến Cố Nhơn 2  đón chào

Đồng hương bùi ngọt sẻ trao

Đồng hành từng chặng 3 ví dầu đường xa

Tông Toà 4 diện kiến Đức Cha5

Niềm vui ba Cố  6 đượm đà tình thân

Đức Cha từ tốn ân cần

Quý danh là Thuận phân trần đặt cho

*****

 

Xa quê xứ lạ ngẫm lo

Kim Long học tiếng 7 uốn o từng vần

        Vì yêu chẳng ngại nhọc thân

Thơ, văn, nói, viết ân cần học chăm

Tình yêu thôi thúc tâm can

Khát mong truyền giáo nên càng tận tâm

Hán văn kiến thức uyên thâm

Tu từ, tiếng Việt âm thầm luyện tinh

Giáo sư Chủng viện An Ninh 8

Nhiệt tình giảng dạy chủng sinh quên mình

* * * 

Đa tài khắc kỵ cầu vinh

Một tìm Danh Chúa ẩn mình tu thân

Phúc Âm đọc gẫm chuyên cần

Lửa tình nung nấu tâm thần khát khao

Tin Mừng cất bước truyền rao 9 …

Lòng thành ngưỡng vọng Trời Cao thấu tình

Thi ân thoả nguyện hiền minh

Bài sai nhận xứ 10  đăng trình mút xa…

Địa danh Nước Mặn xứ Cha

Xứ nghèo dân khổ xót xa vô ngần.

* * *

[1] Từ Đà Nẵng: Cha Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng Đức Bà 1903. Cha vào nhà chung Đà Nẵng nghỉ một ngày, thâu xếp đồ đạc xin “cố” giữ việc gửi ra Huế theo chuyến xà lúp hằng tuần, vì bấy giờ chưa có xe lửa, xe hơi. Hôm sau, Cha khởi hành ra Huế, tháng hè nắng chang chang mà Cha cuốc bộ 40 cây số, vượt qua những thung lũng, những sườn đồi, từ sáng đến tối mới tới Lăng Cô, biên thùy địa phận Huế (x. Sđd chương V, trang 40).

[2] Cố Nhơn (R.P. Mendiboure), là cha sở xứ Lăng Cô, đồng hương của Cha Denis. Sau khi ở lại cùng cố Nhơn độ mươi ngày, thì Cha Denis xin cố Nhơn đưa ra Huế (x. Sđd chương V, trang 41).

[3] Đồng hành từng chặng: Từ Lăng Cô ra Huế hai Cha phải đi dịch độ, tức là phải đi từng chặng, như đến Nước Ngọt ghé thăm Cha Chánh rồi hôm sau mới đi đò từ Cầu Hai ra Huế (x. Sđd trang 41).

[4] Tông Tòa : “Vị Đại diện Tông tòa Huế lúc bấy giờ là Đức Cha Gaspar Lộc, đặt cho cha Denis tên Việt là “Thuận” và gửi Cha đến giáo xứ Kim Long để học tiếng Việt” (Trích TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN của Viện phụ Lê Văn Đoàn, trang 09).

[5] Diện kiến Đức Cha : cố Nhơn đưa Cha Denis lên chào Đức cha biểu hiệu Đức cha Lộc, dinh thự ngài khi ấy còn ở Phú Xuân (x. Sđd chương V, tr 41).

[6] Ba Cố : đây là Đức Cha Lộc, cố Nhơn và cố Thuận, gặp nhau trong bầu khí hân hoan vui mừng trong Chúa (x. Sđd chương V, trang 41).

[7] Ở Kim Long, Cố Thuận khát mong làm việc tông đồ nên đêm ngày cứ mải miết học tiếng Việt Nam (x. Sđd chương V, trang 41).

[8] Đức cha  Lộc (Gaspar) thấy ngài khá tiếng Việt thì bổ đi làm giáo sư chủng viên An Ninh (x. Sđd chương V, trang 42).

[9] Theo chứng thơ các cha gửi đến, thì cha giáo Thuận ước ao đi mở Nước Chúa hơn làm giáo sư chủng viện. Nhất là từ kỳ giải năm 1906, ngài theo Đức cha đi kinh lược miền rừng cho đến Lao Bảo, gặp nhiều người đồng bào Thượng chưa tòng giáo, ngài động lòng thương muốn qui thuận họ về cùng Chúa (x. Sđd chương VI, trang 50).

[10]  Chúa thấy cha giáo Thuận nhiệt tâm cứu vãn các sinh linh như vậy không thể cầm mình được, nên chẳng đợi được năm sau, bèn là vừa sang tháng giêng năm 1908, Chúa đã soi lòng cố Chính Ý đang làm bề trên địa phận bấy giờ sai cha Thuận đi coi họ Nước Mặn (Thừa Lưu) (x. Sđd chương VI, trang 52).

 

* * *  

 

 

CHỦ CHĂN SỐNG ĐỜI YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ

 

Khởi đầu mục vụ canh tân

Chia thành ba điểm từng phần thực thi

Một là giáo lý khởi đi

Dân quê chân chất học thì phân tâm

Trong thơ kính gửi song thân

Tỉ tê Cố Thuận phân trần dân con

Đàn ông chuyện thuốc lạt ngon

Đàn bà trầu cốt đỏ lòm… nhổ phun

Vì yêu Cha vẫn kiên trung

Bao người biết Chúa lệ mừng ngấn sa

* * *

Hai là tiếp cận từng nhà

Đường xa vó ngựa lặp  là lặp lên

Sáng ngày thăm họ Lập Yên

Tối mai nghỉ tại bên miền Phú Gia

Thân hành thăm hỏi từng nhà

Tinh thần phục vụ thực là vị tha

Cố Tây không chút kiêu xa

Dĩ hoà vi quý bao là mến thương

Tin Mừng hạt giống gieo tuôn

Chứng nhân truyền giáo nêu gương sáng ngời

* * *

 

Ba là cứu đói cứu người

Thêm phần cứu bệnh trao lời ủi an

Kẻ nghèo túng bấn cơ hàn

Chia cơm sẻ áo của ăn mỗi ngày

Yêu thương khánh kiệt trắng tay

Trí luôn tìm cách hầu xoay kiếm tiền

Giúp người cứu bệnh, cứu chiên

Nhiệt tâm chẳng quản ngại phiền đến thân

Cảnh nào cũng giúp ân cần

Dù cho liệm xác nhiều lần ra tay

* * *

Việc thầm đức ái ai hay

Con tim khối óc bàn tay nụ cười

Hiến dâng phục vụ Nước Trời

Xứ nghèo Nước Mặn xuân thời an vui

Đang tươi bỗng rũ ngậm ngùi

Khi nghe Cố Thuận sụt sùi báo tin

Trở về chủng viện An Ninh

Bao người lương giáo ngẫm tình lệ tuôn

Chia ly nào chẳng sầu muôn

Quý danh là Thuận Cha luôn vâng lời

* * *

1.Phương pháp thứ hai: cha giáo Thuận quen làm để giảng đạo là năng đi thăm viếng các sở. Trong thư ngài kể lại cho cha mẹ: Không khi nào con mắc việc bằng kỳ này, con phải đi thăm các họ, hôm nay ở Lập Yên, tối mai con sẽ ngủ ở Phú Gia (x. Sđd chương VI, trang 55).

2.Họ con nay phải dịch thiên thời thổ tả, chết mất mười người… Người ta thất kinh đến nỗi không ai dám liệm xác kẻ chết, chính tay con phải ôm xác bỏ vào quan tài, đậy nắp đóng đinh rồi bỏ tiền thuê người đem đi chôn  (x. Sđd chương VI, trang 56). 

3.Cha bổn sở Nước Mặn đang tiến hành công việc cách tốt đẹp, thì Đức cha cho biết ngài sẽ tái cử cha về chủng viện An Ninh. Trong thư, cố Thuận viết : con sắp đổi nơi, vì Đức cha cho biết ngài sẽ sai con về tiểu chủng viện lại. cố Thuận cho mời chức việc đến và thông báo…Trong một ngày lễ Chúa nhật giáo đân tham dự rất đông. Quá cảm động cha nói không ra lời…  (x. Sđd tr 73)

 * * *

 

 

TRỞ VỀ CHỦNG VIỆN AN NINH

 NƠI CỐ THUẬN CƯU MANG Ý TƯỞNG LẬP DÒNG

 

Ý Trời sâu nhiệm cao vời

Tình quan phòng mãi theo người Chúa thương

Nẻo đường kỳ diệu ngát hương

Đưa vào tận hưởng miên trường phúc vinh

Ai hay chính tại An Ninh

Đan tu hoài bão lửa tình nấu nung

Ý riêng đoạn tuyệt chiều cưng

Bản thân khắc kỷ uốn từng tính hư

Tu tâm dưỡng tính hiền từ

“Luật Dòng Biển Đức”  gẫm suy từng lời

* * *

Lập Dòng ý tưởng tuyệt vời

Trải bao giai đoạn ơn Trời hướng đưa

Kể ra biết mấy cho vừa

Bao là chứng cớ chứng thơ hùng hồn1

Khơi nguồn chính Đấng Cao Tôn

Đà thương phù trợ đổ muôn ơn lành

Giúp Người giữ trọn lòng thành

Vượt qua mọi nẻo chông chênh cuộc đời 2

Lập Dòng ý tưởng tuyệt vời

Thánh Thần Thiên Chúa chọn Người khai sinh

* * *

 

 1.Nhật nguyệt thoi đưa, nay đã bước sang năm 1918 các cha minh chứng: từ đây đến tháng bảy là lúc khởi sự lập Dòng, cha giáo Thuận càng ăn ở sốt sắng nhiệm nhặt, khiêm nhường. Ngài tập dậy sớm, xem sách luật dòng thánh Benedicto luôn… (x. Sđd chương X, trang 96). Lại nữa, trong việc xác định ý tưởng lập dòng của cố Thuận, thì ở phần II, chương I, trang 103 đã có lời : “Dám quyết: hẳn không. Vì ý tưởng lập dòng đã hiện tượng trong trí não ngài, ít là từ khi được bài sai sang Việt Nam, rồi từ đó ngài hằng nuôi ý tưởng ấy trong tâm khảm đợi thời giờ Chúa cho xuất hiện ra”.

2.Từ khi cha giáo Thuận mở lời xin phép lập Dòng đến khi Đức cha chuẩn y, phải trải qua một quãng thời gian dài chín năm (x. Sđd phần II, chương I, trang 105).

 * * *

 

 

 

 

LÊN NÚI PHƯỚC LẬP DÒNG

 

Khởi đầu thư viết đệ trình

Đức Cha Allys thuận tình mừng vui 1

Đồng hành ba Vị thuyền xuôi 2

Cùng lên Núi Phước tìm nơi lập Dòng

Trải bao cơ khổ long đong

Phá rừng đào gộc trọng công nhọc lòng3

Cơ chừng mái ấm tạm xong

Đường lên Núi Phước ngưỡng trông tuyệt vời 4

Vào ngày lễ Mẹ Lên Trời

Cha dâng Thánh lễ khai…đời đan tu

* * *

Phước Sơn giữa chốn hoang vu

Núi rừng lồng lộng vi vu gió ngàn

Dân làng một cõi xa xăm

Mấy ai tri mộ lên đàng tu thân

Thời gian lẳng lặng xoay vần

Cha con khắc kỷ tu thân một niềm

Lòng tin cậy mến trung kiên

Cao Xanh thấu tỏ ơn thiêng đổ tràn

Mệ thuyền 5  con cháu vua quan

Và bao Linh mục hân hoan nhập dòng

* * *

1.Đức cha già Lý (Allys), một vị giám mục nhân đức có tiếng vốn từ lâu những ước ao cho địa phận Huế có một Dòng nam khổ tu chuyên việc nguyện gẫm hãm mình, thấy cha giáo Thuận xin điều ấy , thì ngài rất vui mừng (x. Sđd  phần II, chương II, trang 107).

2.Con thuyền bì bõm, nước sông xao. Đò cập bến họ Phước Sơn. Đức cha, cha giáo Thuận và cố Chính đổ bộ ngược lên thăm đất……Thế là Phước Sơn thành hình trong lòng cha giáo Thuận 01 giờ chiều ngày 05-07-1918 (x. Sđd phần II, chương II, trang 111).

3.Tiên vàn là phải khai phá rừng, xẻ rú, đào gộc, đổ nền… Cha con phá rú năm bảy ngày, ngọn đồi xem đã quang quẻ đẹp mắt, bớt sợ hùm cọp, thì mới làm cái rạp để nhân công tạm trú… Ngày 12 tháng 08, một căn nhà hai gian, hai chái, mái tranh, vách đất đã xuất hiện: đó là ngôi nhà tiên khởi của dòng Đức Bà Việt Nam trên núi Phước, như nôi tre tróng sậy mẹ sắm để đặt con (x. Sđd phần II, chương III, trang 115).

4.Xong nhà, thì ngày 14 tháng 08, cha giáo Thuận với người môn đệ đầu tiên, thu xếp đồ đạc lên Phước Sơn khai mạc cuộc đời mới (x. Sđd tr 115).

5.“Mệ Thuyền” là cháu vua Minh Mệnh, chính danh là Hường Thuyền song gọi là mệ Thuyền bởi lẽ: nguyên vì đời Hiếu Vũ hiếm con trai, hễ sinh hoàng nam thì kiêng cữ không được gọi là “ông” mà phải gọi như là con gái. Vậy, con các  Ông Hoàng Bà Chúa thì kêu là “mệ”(x. Sđd tr 119).

 * * *

 

 

THOẠT ĐẦU CỦA CỘNG ĐOÀN TIÊN KHỞI

 

Bình minh Núi Phước rực hồng

Càng ngày ơn gọi càng đông bội phần

Có người tu tác tự tâm

Có người thiếu nhẫn dấn thân nửa vời

Ai tìm được Chúa thì vui

Đầy tràn nhiệt huyết lên ngôi cuộc đời

Còn ai gặp khó buông xuôi

Bể đời trôi dạt nhắt nhơi phận người

Đường lên Núi Phước xa xôi

Ai thời bền đỗ cuộc đời vinh thăng

* * *

Thời gian thấm thoát trôi nhanh

Nương vườn Núi Phước xanh xanh đẹp mầu

Phân lô ruộng lúa vườn dâu

Vườn cây ăn trái…hoa mầu tốt tươi [1]

Trào dâng sức sống tuyệt vời

Cộng đoàn sớm tối vang lời tụng ca

Xuân-thu nối tiếp hạ qua

Niềm vui Núi Phước như là thêm duyên

Khi Cha Tổ Phụ được tin

Đón mừng Cha Giáo Nhơn lên nhập dòng

* * *

Đời tu Cha hiểu cảm thông

Giúp anh em sống theo dòng thời gian

Chuyển từ nếp sống nuông thân [2]

Đi vào Tu Luật canh tân cuộc đời

Bấy lâu chuyện vãn nói cười

Vô tư hút thuốc nằm ngồi tự do

Bây chừ Tu Luật quy vô

Từng điều sinh hoạt phải lo chu toàn

Thầy dòng phong cách nghiêm trang

Bao lời giáo huấn Cha hằng thương trao

* * *

Đời tu thánh hiến thanh cao

Ao dòng y phục đi vào đời chung

Ao dòng tu phục đặc trưng

Biểu dương dấu chứng nội dung tu hành

Vì nghèo vui sống thanh bần

Cha chưa may đặng áo dòng như mong

Ngờ đâu Thiên Chúa quan phòng…

Quý nhân gửi tặng thoả lòng ước ao [3]

Cố Hoà chủ sự lễ trao [4]

Niềm vui thánh hiến dạt dào nghĩa ân

* * * 

 

[1] Khi ấy vườn đã làm nhiều, trồng đủ thứ : khoai, đậu, bắp mít, cà phê, đậu phụng.v.v…(x. Sđd phần II, chương IV, trang 124).

[2] Cha đã khởi sự giữ luật từ ngày 01 tháng 11 năm 1918. Song sự giữ miệng làm thinh còn hơi rộng: Nghĩa là hằng ngày còn được nói chuyện nửa giờ, Chúa nhật hai lần, lễ trọng ba lần đó là một phép rộng cha Benoit chế giảm vào luật Xitô cho hợp với tính tình non yếu của đệ tử lúc dòng mới sơ khai (x. Sđd phần II, chương VIII, trang 191).

[3] Ngay từ đầu năm 1920, cha giáo Thuận chuẩn bị cách riêng để lĩnh áo thánh. Ngài viết thơ xin Nhà Kín (Huế) giúp lời cầu nguyện, không những họ vui lòng, còn xin kiểu áo để may cho đủ bộ dâng cho ngài (x. Sđd phần II, chương V, trang 144).

[4] Ngày vui mừng đã đến, song chữ vui mừng không được tròn, vì Đức cha lâm bệnh phải cử cố Bề trên Hòa làm đại diện. Ngài chính thức chủ sự lễ mặc áo cho “thầy dòng tiên khởi”của Tu Viện Thánh Mẫu Việt Nam trên núi Phước (x. Sđd  phần II, chương V, trang 145).

 * * * 

 

 

NHỮNG THAO THỨC,

TRĂN TRỞ CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP

 

 

Và đường hướng dẫn tu thân

Cha như khởi sự từ tần số không

Vì thư ngỏ,  đợi,  mong trông

Khước từ không thể… héo hon tấc lòng

Cha đành nhập cuộc khởi công

Lòng thành ngưỡng vọng ngửa trông Thánh Thần

Dủ tình dìu dắt khai ân

Khơi nguồn sáng láng cho dân con Ngài

Đường đời thánh hiến chông gai

Chông chênh trăm ải mấy ai am tường

* * *

Trời thương ý hướng trào tuôn

Tâm hồn Tổ Phụ sáng nguồn đan tu

Tiên vàn nhìn ngắm Giêsu

Tinh thần chiêm niệm học từ Thánh Gia

Môi trường thanh vắng quả là

Cái nôi gặp gỡ giữa ta với Ngài

Như xưa thoát khỏi Dân Ai

Đi vào sa mạc It-riên gặp Ngài

Môi trường thinh lặng quý thay

Giúp hồn chiêm niệm thấm say tình Ngài

* * *

 

 

SỐNG CHIÊM NIỆM, LAO ĐỘNG VÀ CẦU NGUYỆN

 

Đời chiêm niệm sống từng giây

Lời Thiêng lắng đọng gương bày trong tim

Chính Cha đà sống anh minh

Niệm suy Lời Chúa tận tình thực thi

Bề Trên không cứ việc gì

Dọn nhà…chặt củi việc chi cũng mần [1]

Hài hoà tương trợ tương thân

Vui trong lao động tinh thần hiệp thông

Bình minh Thánh lễ cao dâng

Sớm chiều Thần vụ cử hành nghiêm trang

*****

 

[1] Việc thường nhật quanh năm, bất luận việc chi hễ anh em làm là cha không bao giờ bỏ như xay lúa, giã gạo, cuốc đất, gánh phân, đi rú.v.v… (x.Sđd trang 201). Nhất là việc vô cùng cực khổ hèn hạ, mà cha đã giữ cho mình lâu năm, đó là việc quét dọn vệ sinh (x. Sđd trang 203).

***** 

 

 

 

LỜI GIÁO HUẤN CHA THƯƠNG TRAO

 

Đông tàn én báo xuân sang

Phước Sơn nắng ấm mai vàng bên song

Lời Cha thanh thót rót lòng

Dạy đàng đức hạnh luật dòng đan tu

Ngọt ngào như tiếng mẹ ru

Nhủ rằng tiết chế khổ tu không là

Kiêng khem thịt rượu tránh xa

Đêm đêm canh thức đủ ba canh tròn

Song là sống trọn tình con

Ngôn hành đoan chính tác phong thầy dòng

* * * 

Chiều chiều Núi Phước bên sông

Lặng lờ con nước xuôi dòng êm trôi

Bên đồi chim chóc im hơi

Cộng đoàn tụ hội nghe lời Cha trao…

Cận thân cần tránh ồn ào

Giữ lòng thanh tịnh đi vào nội tâm…

Dầu Cha trầm mặc bản thân

Song Cha thương hiểu cảm thông cộng đoàn

Đưa vào hiến pháp Hội Dòng

Nửa giờ giải trí hằng tuần được vui [1]

* * * 

[1] Cha Tổ Phụ đã thăm dò ý kiến cộng đoàn: khi khấn rồi có muốn nói chuyện mỗi tuần nửa giờ hoặc giữ miệng làm thinh nhặt, dầu lễ Phục sinh cũng không được nói. Kết quả là 14 phiếu xin giữ nhặt, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ… (x. Sđd trang 192).

 * * * 

 

 

 

CHỌN QUAN THẦY: “THÁNH GIA”

 

Bình minh chim hót không ngơi

Rạng đông Núi Phước hoa cười bên nương

Gia đình hai tiếng thân thương

Cộng đoàn huynh đệ tứ phương tụ về

Mỗi người mỗi cảnh xa quê

Cùng chung mái ấm tràn trề phúc ân

Gia đình nghĩa thiết tình thân

Lời Cha Tổ Phụ thương phân giãi bày

Noi gương ba Đấng tuyệt thay

Hội Dòng Cha chọn quan thầy Thánh Gia

* * *

 

NIỀM VUI NGÀY CHA TỔ PHỤ TUYÊN KHẤN TRỌN ĐỜI

 

Thời gian thấm thoát trôi qua

Hồng ân thánh hiến đợi đà ba năm [1]

Thân Cha rộn rã tâm can

Tiếng chuông Tu Viện ngân vang núi rừng

Nguyện đường náo nức tưng bừng

Tim Cha hồ hởi vui mừng xiết bao

Từ nay hồn xác dâng trao

Thuộc về Thiên Chúa xuân nào vui hơn

Rừng thiêng núi biếc Phước Sơn

Chứng đời thánh hiến sắt son một niềm

* * *

 

[1] Qua ba năm khấn tạm, nay ngày tận hiến trọn đời đã đến. Hôm ấy, ngày lễ thánh Benedicto (21-03-1926). Đúng tám giờ sáng, một hồi chuông ngân vang báo hiệu giờ lễ, mọi người tề tựu tại Nguyện đường Tu viện. Cố chính Giáo, đại diện Đức cha làm chủ tế nhận lời khấn. Sau bài Phúc Âm, Cha Tổ Phụ Dòng Xitô Việt Nam tiến lên trước vị đại diện Chúa, lớn tiếng tuyên thệ lời tận hiến toàn thiêu, trong bầu khí trang nghiêm và thánh thiện (x. Sđd phần II, chương X, trang 209).

* * *

 

 

XUỐNG NÚI CHỨNG ĐỜI ĐAN TU

 

Hừng đông vầng thái dương lên

Xua tan bóng tối sáng trên nương đồi

Tâm Cha thao thức khôn nguôi

Dấn thân truyền bá phúc đời đan tu

Bộ hành muôn dặm âm u

Đường ra Bắc Việt sương mù giăng giăng [1]

Trình làng quảng diễn uyên thâm

Bao người ngưỡng mộ theo chân Cha về…

Đan tu ai biết si mê

Trèo lên Núi Phước thoả thuê tấc lòng

* * *

 

[1] Cuối năm 1927 sang năm 1928, cha ra Bắc để giới thiệu bản Dòng. Tới  Hà Nội cha vào nhà thờ chánh tòa, mấy bà đầm rất đỗi ngạc nhiên trước dung mạo một cố Tây thân hình gầy guộc, ăn mặc vải thô nghèo khó đi chân không… Cuộc giới thiệu đã mang lại kết quả đẹp, nhiều người đã xin gia nhập bản dòng (x. Sđd phần II, chương X, trang 211).

 * * *

 

 

QUYẾT THEO “TIÊU-CHÍ” XITÔ

 

Tâm Cha mở rộng mênh mông

Khơi mào hiệp nhất ước mong ngập lòng

Luật dòng soạn thảo dầy công

Đặt nền hiến pháp theo Dòng Xitô

Con đường gia nhập nhiêu khê

Xitô nhặt phép ngắt nghê thỉnh cầu [1]

Hướng về chung phép Xitô

Đệ đơn gia nhập ước mơ đã thành

Thời Bề Trên cả Janssens

Tin vui Cha nhận anh em reo mừng

* * *

[1] Khi được thơ dòng Trappe trả lời không nhận, thì ngày 04-03-1930, ngài hội anh em làm đơn xin nhập Xitô Chung Phép, nhận được đơn cha Bề trên cả  Janssens vui lòng chấp thuận và bảo gửi cho ngài bản Hiến Pháp, ngài sẽ cử một Viện phụ sang tuần viếng khám xét công việc, rồi chờ Đại Hội quyết định (x. Sđd trang 216).

* * *

 

 

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI 

CỦA CHA TỔ PHỤ

 

Xa xa vọng tiếng nhạc rừng

Vầng ô khuất bóng sau lưng rặng đồi

Mai-Sen xưa dẫn Dân Người

Đến kề đất hứa… theo lời quy tiên

Nay Cha Tổ Phụ sốt liên

Bệnh tình biến chứng nơi miền đất xa

Trải qua bao nỗi xót xa

Những ngày nhập viện thực là bi thương

Dù đời nghiệt ngã trăm đường

Nhưng Cha vẫn chịu can trường tin yêu

* * *

Hoàng hôn Núi Phước tịch liêu

Muông tru,  vượn hú,  quốc kêu thêm sầu

Thân Cha đôi mắt lõm sâu

Bên trong phủ tạng quặn đau từng phần

Không hề trách phận than thân

Một bề vui chịu hiến dâng trọn tình

Bệnh nhay nhéo nhắt coi khinh

Vui trong đau khổ quên mình lo toan

Tương lai phần phúc cộng đoàn

Tình Cha vun vén vẹn tròn yêu thương

* * * 

Hoa hồng quyện gió đưa hương

Vườn nương Núi Phước đọng sương lá ngàn

Thân Cha còn chút hơi tàn

Không quên trối lại lời vàng nhủ khuyên (Di Ngôn)[1]

Đường nhân đức theo ý Trên

Mà theo ý Chúa phải tuân Luật Dòng

Nhủ rằng tình Chúa bao dong

Thương Cha thương cả các con vô vàn

Tâm Cha thư thái bình an

Chờ ngày diện kiến Thánh Nhan Chúa Trời

* * *

Vầng dương vừa nhú bên đồi

Phước Sơn cảnh vật bồi hồi héo hon

Cha đau hấp hối từng cơn

Trải qua ải chết dập dồn tâm can

Hướng về con cái cộng đoàn [2]

Kêu xin cầu giúp…vững vàng ra đi

Ngước trông Mẹ lúc sinh thì

Xuôi tay mạch đứng biệt ly cộng đoàn

Đi trong hương thánh dâng tràn

Một đời trung hiến vẹn tròn nghĩa ân

* * *

 

[1] Trước khi từ giã cõi trần, cha Tổ Phụ đã gọi thầy y tá kêu cha Anselmo đến lấy giấy bút ghi lại những lời mà cha đọc cho viết để tối đọc cho anh em cả nhà nghe kẻo cha không gặp chung cả nhà được nữa…(x. trang 230).

[2] Thấy các con tới, Ngài kêu: “Cha đau đớn lắm chúng con ôi! Hãy cầu nguyện cho người hấp hối, vì kẻ đã bị rồi thì không trở về được mà nói lại, đau đớn lắm các con ơi”Tay cha cứ với ảnh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng lành… (x. Sđd phần II, chương X, trang 234).

* * *

 

 

NÚI PHƯỚC LẶNG SẦU THƯƠNG

 

Nắng chiều vàng vọt trước sân

Én bay thơ thẩn tủi thân lặng sầu

Mất Cha Núi Phước chùng sâu

Cộng đoàn tâm trạng niềm đau nghẹn lời [1]

Nhưng rồi chân lý bừng khơi

Có gieo hạt giống chôn vùi… đơm hoa

Nhớ thương hình ảnh người Cha

Một Nhà sáng lập vị tha quên mìmh

Đan tu bám rễ thành hình

Trong lòng Dân Việt phúc vinh trọn niềm

* * *

[1] Một bầu khí u uất bao trùm cảnh vật. Các cha, các thầy nhìn nhau ứa lệ… (x. Sđd trang 235).

 * * *

 

 

CỘNG ĐOÀN TIÊN KHỞI

TRONG NIỀM THƯƠNG TIẾC CHA TỔ PHỤ

 

Nhớ thương hình ảnh Cha hiền

Một Nhà truyền giáo trung kiên nhiệt tình

Vì chiên vì Chúa quên mình

 Xả thân nhóm ngọn lửa tình mến yêu…

Nhớ khi nhà bị hoả thiêu

Cha quỳ như Job không kêu nửa lời

Một lòng tín thác Chúa Trời

Qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai

Hình Cha mãi mãi không phai

Cộng đoàn Núi Phước nhớ hoài trong tim

* * *

 

 

 

 

 

NÚI PHƯỚC NHỚ CHA HIỀN

 

Vầng trăng toả ánh lung linh

Trên dòng sông vắng sáng tình quê hương

Phước Sơn còn mãi vấn vương

Khắc sâu dấu ấn tình thương Cha hiền

Bậc Thầy chỉ giáo thiêng liêng

Tận tình hướng dẫn nhủ khuyên bao người

Hướng về phần rỗi đời đời

Nhiệt tâm vui sống từng lời chứng nhân

Tình Cha trong sáng vô ngần

Cộng doàn Núi Phước tri ân ngàn đời

* * *

 

 

    KẾT DÂNG

 

Mải mê suy ngắm tình Người

Hồn con lắng đọng bao lời ngọt sa

Tâm con ngời sáng gương Cha

Vui đời thánh hiến, lánh xa hồng trần

Đường thiêng vững chí tiến lên

Một niềm tin tưởng ơn trên Cha cầu

Lòng con hoài tưởng ân sâu

Tình Cha sáng mãi đẹp mầu trong con

Tài hèn sức mọn trí non

Tình thơ vụng kết kính dâng Cha hiền ./.

—–* *** *—–

                       

                                        Lưu bút hồng ân 02. 07. 2015

                               Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thuỷ

                             Đan sĩ: Maria Luca NGUYỄN VĂN BÌNH

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...