Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

SAY MÊ THIÊN CHÚA – Duyên Thập Tự

“SAY MÊ THIÊN CHÚA”

 

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Viện Phụ Hội Trưởng

    Cứ mỗi lần trong cộng đoàn có những anh em tuyên khấn lần đầu hay vĩnh khấn, một câu hỏi thường đến trong suy nghĩ của tôi là tại sao những thanh niên này – những bạn trẻ này – lại dấn thân trong một nếp sống xem ra chẳng có gì là hấp dẫn và lôi cuốn. Phải chăng trong lòng họ có một điều gì hay đúng hơn Một Ai Đó đang hoạt động để họ có thể dám dấn thân như vậy?
    Cũng phải thú nhận rằng việc khám phá ra Ai Đó hay điều gì đó đang tác động trong tâm hồn của con người là khó khăn, vì chỉ những ai trong cuộc mới hiểu được sức mạnh nào đang tạo nên ảnh hưởng để họ có thể dám quyết định dấn thân. Nhưng cũng phải công nhận rằng chắc chắn nơi các bạn trẻ đó có một nỗi đam mê khiến cho họ đã, đang và sẽ còn tiến bước trên con đường họ đã quyết định.
    Trong bầu khí năm thứ nhất trong ba năm chuẩn bị Bách Chu Niên ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng trên Núi Phước (Phước Sơn) 15/8/1918 – 15/8/2018, với chủ đề “SAY MÊ THIÊN CHÚA”, tôi gửi đến anh chị em trong Hội dòng bài gợi ý của tôi cho các thành viên trong ban huấn luyện của các cộng đoàn tham dự cuộc tĩnh huấn vào đầu năm 2016 tại đan viện Phước Sơn. Mong ước cuộc đời của mỗi người chúng ta luôn được bừng ngọn lửa tình yêu và ngọn lửa đó ngày càng mãnh liệt.

            1. HAI GHI NHẬN
    Khi nói đến “say mê”, chúng ta nghĩ ngay đến một sức mạnh nội tâm thúc đẩy và một sự kiên trì đạt cho được kết quả sau bao nhiêu đầu tư công sức. Nói đến sức mạnh là đề cập đến “cường độ”. Không thể nào gọi là đam mê hay say mê, nếu không có một mức độ mãnh liệt nào đó. Nguyên từ ngữ “say mê” đã cho chúng ta hình dung một con người vừa say và vừa mê. Hình ảnh “ngọn lửa” cũng gợi cho chúng ta hình ảnh của cường độ say mê; chính vì thế mà những hạn từ như “nhiệt tâm”, “nhiệt huyết”, “nhiệt thành” được sử dụng trong mối liên hệ với những thứ bao gồm “nhiệt lượng”. Người say mê như thể có ngọn lửa thiêu đốt và thổi bùng trong nội tâm mình.
    Nhưng, cường độ mà thôi thì chưa đủ để có thể diễn tả niềm say mê, vì có những thứ “lửa rơm” bạo phát bạo tàn. Để có thể là người say mê, cần hội tụ thêm yếu tố “trường độ”, nghĩa là độ dài trong cuộc sống, trong công cuộc. Chính độ dài này làm nên khác biệt giữa những người hời hợt, nhất thời và những người đi đến cùng của lựa chọn và đạt được điều mình dấn thân vào.
    Hai yếu tố “cường độ” và “trường độ” có được chúng ta nhận ra nơi con người Cha Tổ Phụ Biển Đức không? Hành trình 53 năm (1880-1933) không phải là dài của một cuộc đời và cũng không phải là thọ -vì ngài hưởng dương, chứ không phải hưởng thọ- nhưng cường độ và trường độ được nhận ra nơi ngài, chính là mối tình thiết tha của ngài với Chúa, mối tình keo sơn gắn bó mà không có gì tách lìa được.

            2. XÁC TÍN CĂN BẢN
    Chúng ta khẳng định Cha Tổ Phụ là con người “say mê Thiên Chúa” và chúng ta thường nhìn vào ngài như thể chính ngài là con người đi bước trước trong hành trình của mối tình song phương này. Sự thật không phải vậy.
    Theo tâm lý bình thường, người ta chỉ say mê một điều gì khi đã cảm nghiệm, trải nghiệm hay chứng nghiệm ít ra một phần nào đó. Nghĩa là người ta cảm thấy thu hút bởi một đối tượng. Như vậy, say mê là lời đáp của một lực cuốn hút.
    Đâu là lực hút của niềm say mê nơi Cha Tổ Phụ?
    Những môn sinh đã từng sống với ngài, và qua các giáo huấn thiêng liêng được ghi lại trong cuốn DI NGÔN, đều minh chứng một điều, đó là Cha Tổ Phụ luôn nói về Tình Yêu của Chúa một cách say mê. Những kiểu nói: “Chúa yêu thương chúng ta quá lẽ”, “Chúa yêu thương chúng tôi không biết là dường nào”, “Chúa thương cha quá lẽ”… diễn tả thật dễ hiểu nhưng sâu sắc mối tình Thiên Chúa dành cho chúng ta. Như vậy, chúng ta chỉ say mê Thiên Chúa khi chúng ta cảm nghiệm được rằng Chúa yêu chúng ta bằng một mối tình say đắm. Chúng ta có dám tin như thế không? Cha Tổ Phụ đã dám tin và dám sống cảm nghiệm được Chúa yêu tha thiết, và cha đã trở thành một con người say mê Thiên Chúa.
    Có thể chúng ta chưa là con người của cảm nghiệm, những cảm nghiệm sâu xa về tình yêu thương của Chúa trên và trong đời mình, nên tình yêu Chúa chưa đủ cường độ để lôi cuốn chúng ta. Thật lòng, chúng ta đang bị những thứ gì lôi cuốn? Cha Tổ Phụ nhiều lần đã nói: “mọi sự đều vô ích chóng qua, trừ ra sự kính mến Chúa”. Với tư cách là những người đang dấn bước trong đời đan tu, chúng ta có thực sự khao khát để Chúa là Đấng duy nhất lôi cuốn chúng ta một cách mãnh liệt nhất?
    Xin nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI – và được nhắc lại rất nhiều và trong nhiều hoàn cảnh khác nhau – “ngày nay, người ta lắng nghe chứng nhân hơn là thầy dạy. Và nếu người ta tin vào thầy dạy, là vì thầy dạy đó cũng đồng thời là chứng nhân”. Chứng nhân, nói một cách đơn giản, là con người đã “thấy, đã nghe, đã đụng chạm tới” – như thánh Gioan viết trong thư của ngài – nghĩa là con người đã chứng nghiệm và có thể thông truyền cho người khác (x.1Ga 1,1tt).
    Như vậy, xác tín căn bản – xác tín chứ không phải một tuyên bố suông – là Thiên Chúa yêu thương tôi bằng một tình yêu say mê, là một điều hết sức quan trọng. Điều đó làm nên nền tảng cho sự đáp trả say mê của mối tình chúng ta với Thiên Chúa. Các Linh Phụ, Linh Mẫu Xitô đã dùng hình ảnh Đấng Tình Quân và Hiền Thê để diễn tả mối tình say đắm đó. Hiền thê, một khi đã cảm nghiệm thấy tình yêu của Đấng Tình Quân, một khi đã hưởng nếm vị ngọt ngào của tình yêu đó, đã đáp lại bằng tất cả mối tình của mình. Và khi Đấng Tình Quân ra đi, vắng mặt, Hiền Thê chỉ còn một khát khao nóng bỏng là mong gặp lại Đấng lòng mình tha thiết yêu mến. Một loại “bệnh tương tư”! Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, không diễn tả tình yêu say mê của Thiên Chúa và con người dưới ngôn ngữ của tình yêu phu thê – vì ngài biết nói với ai trong nền văn hóa nào – nhưng không vì vậy mà ngài thiếu chất “lửa” và “say” trong đời sống và ngôn từ của ngài. Những kiểu nói: “Chúa ở cùng”, “Người ngự trong chúng tôi”, “phước của chúng tôi cao trọng lắm là được chính mình Chúa”, “Người nên như cha, như bạn thiết tình thân”… Những điều đó lột tả phần nào nội tâm của Cha Tổ Phụ trước mối tình say mê của Thiên Chúa.
Nhớ về ngài, chúng ta cũng nghĩ về mình. Chúng ta đã nói trên khi đặt câu hỏi là chúng ta được lôi cuốn bởi ai và điều gì. Chúng ta cũng nói đến cảm nghiệm tình yêu say mê của Thiên Chúa đối với mình. Và chúng ta cũng tự thẩm định xem “chất lửa” của tình yêu Chúa nung nấu và sôi bỏng tâm can chúng ta hướng về Chúa không?

            3. MỘT VÀI DIỄN TẢ
    Khi nói đến diễn tả, là nói đến cái bên trong thôi thúc diễn đạt ra bên ngoài. Nhưng đâu là những tâm tình bên trong mang dấu ấn của một con người say mê?
    Thật ra, khi nói đến ai đó “say mê Thiên Chúa”, chúng ta khó mà thẩm định, vì phán đoán và nhận xét của chúng ta cũng dễ sai lầm, và con người cũng rất có khả năng đóng kịch để che mắt tha nhân. Chúng ta chỉ có thể nhận ra một vài dấu chỉ bên ngoài có thể diễn tả một phần nào nội tâm. Cha Tổ Phụ, qua các giáo huấn của ngài, lột tả chính nội tâm của ngài, diễn đạt không theo một hệ thống, nhưng chúng ta có thể nêu lên một vài yếu tố.

    a. “Được yêu mến Chúa là một hồng ân” : “Vì lòng Người yêu thương chúng ta, nên buộc chúng ta phải yêu mến Người, để chúng ta được nhờ mà thôi. Vì khi chúng ta được xem thấy Đức Chúa Trời, thì được sung sướng toại chí phỉ lòng phỉ dạ, không còn thiếu chi nữa” (DN 112, Về đức mến, tr.134).
    Xác tín trên rất quan trọng vì cho chúng ta thấy rằng việc yêu mến Chúa là một hồng ân nhưng không. “Được yêu mến Chúa là một hồng ân”. Từ xác tín đó, chúng ta sẽ biết khiêm tốn đón nhận và chân thành cảm tạ Thiên Chúa. Đây là một hồng ân mà không phải bất cứ ai cũng hiểu và nhận được. Chính vì thế, niềm vui biết ơn – vì biết mình được cái phước yêu mến Chúa – là một diễn tả đẹp và chân thực về tình yêu say mê đối với Thiên Chúa. Cha Tổ Phụ, một con người nghiêm túc và nghiêm trang, nhưng theo chứng từ của các môn sinh từng chung sống với ngài, ngài là một con người của niềm vui. Trong các lời giáo huấn, ngài luôn nói đến niềm vui với những khía cạnh khác nhau. Phải chăng khi yêu nhau một cách say mê, người ta cảm nghiệm thấy một niềm vui dạt dào được thuộc về nhau. Đối với chúng ta, đâu là niềm vui lớn nhất của chúng ta? Phải chăng là Thiên Chúa hay điều gì khác? Chúa có là niềm vui trọn vẹn cho tâm hồn chúng ta không?

    b. “Lòng khao khát” là một diễn của tình yêu say mê. Tất cả chúng ta đang trên hành trình để thuộc về Chúa. Chúng ta chưa đạt tới đích là chiêm ngưỡng Chúa như các thánh. Chính vì thế, lòng khao khát luôn thúc đẩy chúng ta sống trọn vẹn trong hiện tại và vươn tới tương lai để yêu Chúa tha thiết hơn nữa cho đến ngày hoàn toàn được Chúa chiếm trọn và kết hợp mật thiết với Chúa. Trong cuộc sống hiện tại, sự kết hiệp với Chúa vẫn được hiện thực với cường độ của tình yêu, nghĩa là thiết tha yêu mến Chúa. Cha Tổ Phụ, trong cuộc sống và qua các giáo huấn, luôn nhấn mạnh đến sự kết hiệp một lòng một trí với Chúa. Ngài giải thích đó là sống thân tình với Chúa, một cách hết sức cụ thể và gần gũi như sống tình cha con, anh em nghĩa thiết với nhau. Để có thể đạt tới điều đó, ngài nhất mạnh đến lòng khao khát Chúa và thuộc về Chúa, đến nỗi khao khát thiên đàng, nghĩa là được thật sự gặp Chúa một cách trọn vẹn.
    Trong tình yêu nhân loại, lòng khao khát là một diễn tả của tình yêu thật sự. Khi không còn yêu nhau, người ta sẽ hờ hững, sẽ lạnh nhạt và chắc chắn sẽ không còn những khát khao, chưa nói là những khát khao mạnh mẽ. Và chúng ta? Chúng ta hãy tự chất vấn mình xem mình có thật sự khát khao Chúa không? Thánh Augustino đã nhận định rằng lòng khát khao đã là tình yêu rồi. Chúng ta đang khát khao gì nhất đây? Và chúng ta đã, đang đầu tư sức lực, trí khôn và tâm hồn cho điều gì đây? Kho tàng ở đâu thì lòng ở đó, và kho tàng ở đâu thì lòng khao khát cũng ở đó.

    c. “Làm vui lòng Chúa” là một diễn tả sống động và chân thực của tình yêu say mê. Làm sao có thể yêu say mê, nếu không muốn và thực sự làm vui lòng nhau. Có thể nói, người yêu trở thành duy nhất đối với mình, và mọi hành vi, ngôn hành đều sẽ chỉ có mục đích là làm cho người yêu vui. Niềm vui của người yêu là niềm vui của chính mình. Điều đó đòi hỏi hay đúng hơn lột tả một sự “vượt qua bản thân”, nghĩa là quên mình đi mà chỉ hướng về người yêu. Người yêu là tất cả. Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu, Đấng luôn làm vui thỏa lòng Chúa Cha và chu toàn mọi việc để Chúa Cha được vinh danh.
    Chúng ta có thể nói cuộc đời của Cha Tổ Phụ in đậm dấu ấn của khát khao làm vui lòng Chúa. Và cuộc sống của ngài thật sự đã diễn tả điều này. Ngài không tìm kiếm bản thân ngài như thể bản thân là trung tâm hay mục tiêu, nhưng là Chúa. Trong các giáo huấn, khi đề cập đến các khía cạnh của đời sống thiêng liêng hay huynh đệ hoặc bất cứ vấn đề nào được nêu lên, ngài luôn khuyên – và đương nhiên là ngài đã sống – phải lợi dụng mọi hoàn cảnh đó để thêm lòng yêu mến Chúa, thêm lòng sốt sắng (nghĩa là thêm cường độ của tình yêu). Những kiểu nói “chịu khó hằng ngày vì mến Chúa”, “vui lòng chịu đau khổ hiệp với sự thương khó của Chúa”, “tìm Chúa, kết hợp với Chúa, nói khó với Chúa”… diễn tả điều duy nhất là muốn làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự.
    Chúng ta cũng cần trở về với lòng mình để tự xét xem chúng ta có thật sự ước muốn làm đẹp lòng Chúa trong mọi sự không? Thánh Gregorio đã viết về thánh Biển Đức “Ngài chỉ muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa”. Nhưng làm đẹp lòng Chúa không phải là tình cảm chóng qua hay chỉ là những cảm xúc nhất thời, đây là một định hướng, và chính định hướng này mới giúp chúng ta sống cái thường nhật và cả cuộc đời có ý nghĩa. Nhưng ước muốn làm đẹp lòng Chúa cũng hết sức thực tế, đó là những công việc chúng ta thực hiện, những ngôn từ chúng ta sử dụng, với ý hướng nào? Nguy cơ đi tìm bản thân một cách ích kỷ và kiêu ngạo vẫn luôn rình rập chúng ta.

            4. NHỮNG HOA TRÁI
    Nói đến hoa trái là nói đến sự phong nhiêu. Một tình yêu chân thật và say mê luôn là một tình yêu chứa đựng những hoa trái trong chính mình. Cũng như trong đời sống hôn nhân, một tình yêu nồng thắm dành cho nhau sẽ trổ sinh nhiều hoa trái cho hạnh phúc gia đình, cho con cái và chuyển động đến các thế hệ. Tình yêu say mê của Thiên Chúa hay đối với Thiên Chúa cũng đương nhiên là mang lại nhiều hoa trái. Có rất nhiều hoa trái của một tình yêu say mê không thể nào liệt kê hết được. Xin được nêu lên một vài hoa trái mà Cha Tổ Phụ đã chỉ cho và muốn chúng ta trổ sinh trong đời sống đan tu Xitô Thánh Gia này.

           a. “Kẻ gặp được Chúa thì yêu anh em lắm lắm!”
    Cha Tổ Phụ luôn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ. Điều này không có gì mới vì đó cũng là chính giới luật yêu thương của Chúa. Thánh Gioan đã nhấn mạnh đến mối tương quan kép này của tình yêu. Ở đây, chúng ta không phân tích tình yêu anh em, tình huynh đệ là gì và thực hiện như thế nào. Chúng ta chỉ nêu lên sự kiện là tình yêu say mê đối với Thiên Chúa sẽ dẫn đến sự say mê trong đời sống cộng đoàn, đến việc sống mạnh mẽ tình huynh đệ.
    Điều mỗi chúng ta cần nêu lên cho chính mình, đó là đời sống cộng đoàn có phải là nơi chúng ta sống mối tình say mê với Thiên Chúa. Nghĩa là đời sống cộng đoàn với những mối tương giao huynh đệ có thật là môi sinh lành mạnh cho mối tình chúng ta sống với Chúa? Điều này cũng giả thiết là chúng ta gắn kết “sống chết” với cộng đoàn, với anh em mình. Nhưng chúng ta cũng tự vấn xem tâm hồn của chúng ta có thực sự thuộc về cộng đoàn không? Và cộng đoàn, đời sống cộng đoàn có thật sự giúp chúng ta đào sâu và sống chân thực mối tình say mê với Thiên Chúa?
    Cha Tổ Phụ nói là “gặp Chúa”, nghĩa là một cuộc gặp gỡ thật sự, có âm hưởng mạnh mẽ đến nỗi chúng ta sẽ biết yêu thương những anh em sống chung trong đan viện – và trong Hội Dòng – bằng một sự gặp gỡ thật sự. Nhưng thế nào là gặp gỡ thật sự?

            b. “Kẻ gặp được Chúa thì khao khát linh hồn người ta”
    Hoa trái thứ hai lớn hơn hoa trái thứ nhất, hay đúng hơn, hoa trái thứ nhất phải dẫn đến hoa trái thứ hai. Cha Tổ Phụ đã khuyên các môn sinh là không những yêu thương những anh em cùng chung sống dưới một mái nhà mà còn yêu thương mọi người. Nhưng yêu thương như thế nào và bằng cách nào?
    Chúng ta biết là Cha Tổ Phụ đã là một thừa sai thuộc Hội Thừa Sai Paris. Lòng nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, truyền giáo, thấm tận xương tủy ngài. Cho nên, khi lập dòng đan tu chuyên sống đời chiêm niệm, ngài không bao giờ quên những người chưa nhận biết Chúa. Những người chưa nhận biết Chúa được ngài yêu mến một cách hết sức mãnh liệt. Chính vì thế, trong Hiến Pháp ngài soạn thảo, trong các lời giáo huấn và qua cuộc sống của chính ngài, lòng khao khát các linh hồn như là hoa trái của mối tình say mê đối với Thiên Chúa.
    Một lần nữa, chúng ta nhắc lại từ “gặp” – người gặp Chúa thì khao khát linh hồn người ta – diễn tả một điều gì thật mạnh mẽ và đến nỗi thúc đẩy đến gặp người khác, gặp “linh hồn’ người khác, không phải bằng sự hiện diện thể lý mà trong sâu xa của một mối tình say mê. Bằng lời cầu nguyện và hy sinh – như được nêu lên trong Hiến Pháp – nhưng còn trong mọi hoàn cảnh cuộc sống, để đan sĩ luôn biết sử dụng các cảnh huống đó để hướng tới những tâm hồn chưa nhận biết Chúa. Chúng ta có thể nói tình yêu say mê đối với Thiên Chúa luôn tỷ lệ thuận với lòng khao khát linh hồn người ta. Đây cũng là một điều chúng ta cần tự vấn lương tâm mình.

            c. “Vui sướng vì người ta yêu mến Chúa”
    Xin được nêu lên hoa trái thứ ba là vui sướng vì người ta yêu mến Chúa. Điều này được Cha Tổ Phụ nói lên khi viết thư cho song thân kể chuyện ngài dạy giáo lý và người ta vui sướng khi được dạy về lòng yêu thương của Thiên Chúa. Họ tròn xoe đôi mắt với tất cả ngạc nhiên khi được nghe nói về một Thiên Chúa yêu thương, vì xưa nay, khi chưa được học giáo lý để theo đạo, người ta sợ đủ thứ thần minh và nhìn thấy đe dọa ở khắp nơi có các ông thần hiện diện. Điều này cũng được chân nhận khi ngài cảm thấy rất vui sướng khi anh em hết lòng yêu mến Thiên Chúa và ngày càng tiến bộ trong tình yêu.
    Vui sướng vì người ta yêu mến Chúa là một hoa trái rất cao quí của một tình yêu say mê. Thật vậy, khi say mê Thiên Chúa – với một tình yêu chân thật – người ta cũng rất mong muốn Thiên Chúa được yêu mến, say mê bởi rất nhiều người. Đây chính là tâm tình và thái độ của thánh Gioan Tẩy Giả đối với Đức Giêsu, và chắc chắn cũng là của các thánh, đặc biệt các thánh Tổ Phụ các dòng tu.
    Chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ niềm vui sướng đó. Nhưng điều đó chỉ có nghĩa khi chúng ta cũng thực sự vui sướng yêu mến Chúa một cách say mê. Đôi khi và có thể nhiều khi chúng ta cứ muốn được người ta yêu mến, có khi hơn cả Chúa nữa! Nếu thật sự yêu mến Chúa, thì cũng sẽ vui sướng khi thấy nhiều người yêu mến Chúa.

 

            THAY LỜI KẾT : Chỉ Một Thiên Chúa Mà Thôi
    Để đóng lại một vài suy niệm trên, tôi bỗng nhớ lại một bài hát mà nhạc sỹ Ân Đức – của Hội Dòng Xitô Thánh Gia chúng ta – đã sáng tác với tựa đề “CHỈ MỘT THIÊN CHÚA”. Không bàn đến giai điệu bài hát, tôi chỉ muốn trích lại một vài ca từ mà nhạc sĩ đã sử dụng để diễn tả niềm say mê Thiên Chúa.
Chỉ một Thiên Chúa mà thôi, con xin dâng trái tim này, tâm tư mộc ước vơi đầy.
Chỉ một Thiên Chúa mà thôi, con xin dâng hết cuộc đời, bao nhiêu ơn nghĩa cao vời.
Chúa là đối tượng duy nhất đời con, là cùng đích con hằng vươn tới, là lẽ sống muôn đời..
Chỉ một Thiên Chúa con hằng thao thức khôn nguôi.
Chúa là sản nghiệp kho báu đời con, là ngọc quí con hằng tìm kiếm…
Chúa là mối tình con vẫn ngợi ca cuộc đời con đi vào tìm Chúa…
Chúa là khát vọng, thao thức của con, là binh an khi đời xao xuyến..
CHỈ MỘT THIÊN CHÚA : ĐỐI TƯỢNG CON MUỐN SAY MÊ !

 

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...