Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

SỐNG LỜI CHA TỔ PHỤ (M.Giuse Ngọc Nữ VP)

 

SỐNG LỜI CHA TỔ PHỤ

o O o–

 

            Theo dòng thời gian của cuộc sống, đời người luôn có sinh và có tử; có hợp rồi có tan. Dẫu biết thế, nhưng những cuộc chia ly thường để lại bao ngậm ngùi, lưu luyến; nhất là những cuộc “chia ly vĩnh viễn”. Khi đó, tất cả các cử chỉ, lời nói và hành động của người sắp ra đi rất quan trọng và đáng nhớ cho những người ở lại. Trước khi về với Chúa, Cha Tổ Phụ đã để lại cho đoàn con thân yêu những lời nhắn nhủ hết sức quý báu: “…Chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ Luật Dòng…Chúa thương cha và cũng thương chúng con…vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ…” (DN 150). Sao cha không nói điều gì khác mà lại đề cập đến hai vấn đề này? Có lẽ đây là những điều cha hằng tâm niệmưu tư, cũng như cảm nghiệmtín thác. Quả thật, những điều đó luôn thể hiện bàng bạc trong cuộc sống của cha được lưu lại trong các sách Hạnh Tích và Di Ngôn.

          I.ĐIỀU CHA TÂM NIỆM VÀ ƯU TƯ

                 1.Nên thánh trong vâng phục

            Trong suốt cuộc đời, có lẽ cha chỉ tâm niệm một điều là “nên thánh” trong vâng phục. Ở đâu, lúc nào cha cũng muốn làm theo ý Chúa, dù cha cũng có ước muốn riêng như trong thư cha gửi cho bà kế mẫu: “con hy vọng sẽ được ra ngoài mở nước Chúa…Thế nhưng nếu Chúa muốn con cứ ở lại nhà trường thì con cũng rất bằng lòng; song ở đây hay ở đâu con cũng tử tế luôn”( HT tr 51, 52.). Sau năm năm làm giáo sư tiểu chủng viện An Ninh, giờ được đi truyền giáo mở mang nước Chúa cha vui thích biết bao, nhưng chỉ được năm năm Đức Cha lại gọi cha về làm giáo sư chủng viện, cha tiếc nuối vô cùng: “ con đã khóc hết nước mắt và đã trình bày với Đức Cha, song ngài không theo ý con. Cám ơn Chúa! Con đã ở nhà trường năm năm rồi, bây giờ ở mấy năm nữa? Nếu Chúa muốn thì ngàn năm, nếu đẹp ý người thì một ngày, sao cũng được”( HT tr 74).

Đó là sự vâng phục ý Chúa qua các đấng bề trên, còn khi nhận ra ý Chúa tỏ cho riêng mình thì cha luôn kiên trì, dẫu phải chịu bao cay đắng, nghi ngờ, ngăn trở…(x. HT tr 100-107). Đến khi làm nên cơ ngơi thì Chúa lại tiếp tục thử thách đức vâng lời của cha: “đang khi cha tất lực làm nhà hội chung, bỗng một thư Đức Cha gởi thư đến bảo đi Ngân Sơn coi đất xem có dời nhà dòng ra đó được không! Thơ đức cha khác nào tiếng nổ bên tai, song cha Benoit cúi đầu “Thuận” theo ý Chúa, vui lòng cất gót ra đi…” (HT tr 166, 167). Trước mỗi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống cha luôn nói: “Thánh ý Chúa luôn là nhất cho chúng con” (HT tr 168). Từ những kinh ngiệm của riêng cha, cha cũng mong cho con cái mình biết sống như thế.

                        2.Ưu tư cho đoàn con.

            Qua những lời giáo huấn của cha để lại cho thấy nỗi ưu tư của cha đối với con cái là việc “nên thánh”. Điều này cha thường xuyên nhắc đi nhắc lại, có thể nói đây là việc duy nhất và cần thiết nhất của người đan sĩ: “kẻ vào dòng không phải cốt ý để lo học hành hay làm vườn, làm ruộng. Một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi”( DN 138). Mà việc này không thể chần chừ, cũng không thể tự dưng mà có được, nhưng phải lo cấp bách: “còn được chút thời giờ bao lâu đang sống, thì hãy lo nên thánh cho mau kẻo hết giờ” và phải có ước muốn mãnh liệt “ chúng ta phải ước ao nên thánh”( DN 109, 120).

 Vậy phải nên thánh lúc nào? Cha bảo phải nên thánh trong mọi lúc vui, buồn, sướng, khổ trong cuộc sống: “Chúa cho chúng tôi vui, chúng tôi cũng vâng. Chúa để chúng tôi buồn, cũng dạ. Chúa cho gặp những trái ý nghịch lòng, cũng vâng. Dẫu phải lâm những điều khốn cực lắm, cũng xin vâng hết thảy. Như vậy mới kể là hiệp một lòng một ý với Chúa”( DN 134). Chẳng những lo nên thánh lúc bình thường, mạnh khỏe, sốt sắng…, mà phải lo nên thánh cả lúc đau bệnh nữa: “Chúng ta bây giờ còn lành mạnh, hãy lo tập nhân đức cho vững chắc, hầu lúc đau ốm, được làm nên một thầy dòng đau cho hẳn hoi”( DN 127). Việc nên thánh không phải là chuyện chung chung làm cũng được, không làm cũng không sao, hay chỉ là việc của riêng cá nhân ta, mà là một bổn phận: “bổn phận của chúng ta là trở nên thầy dòng thánh là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa và lo cho thêm số những người kính mến Chúa”( DN 135).

Cha Tổ Phụ nhắc con cái mỗi khi thấy cộng đoàn sa sút: “Khi chúng ta thấy trong nhà xem ra sút kém sự nọ điều kia thì phải làm sao? Chúng ta ai nấy phải lo hãm mình, cầu xin Chúa ban lại sự sốt sắng ngày xưa. Nếu có sức sửa lại điều chi thì lo sửa, nhất là ra sức lo giữ Luật Dòng cho kỹ càng chín chắn hơn, để làm gương cho kẻ khác. Đó là thầy dòng tốt, thầy dòng thánh”( DN 142). Đây không những là bổn phận của mà còn là mối phúc cho chúng ta: “Phước chúng ta là hằng tìm gặp Chúa, chuyện vãn với Chúa, kính mến Chúa và kết hiệp với Chúa”( DN 141a ). Sự nên thánh này không phải do ước muốn của riêng ta, mà “Chúa muốn ban ơn cho chúng ta hơn là chính chúng ta ước ao cho chúng ta”( DN 141b ). Như thế cho thấy Chúa thương chúng ta quá lẽ. Đó cũng là điều mà Cha Tổ Phụ luôn cảm nghiệm trong suốt cuộc sống của ngài.

             II.NHỮNG CẢM NGHIỆM VÀ SỰ TÍN THÁC.

                  1.Cảm nghiệm tình yêu Chúa.

            Đọc những bút tích cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận để lại, ta thấy tình thương Chúa trải dài trên cuộc đời cha. Cha cảm nghiệm tình thương Chúa dành cho cha trong mọi sự, kể cả khi bị cháy nhà cha cũng nói: “ mọi sự xảy đến là do Chúa thương yêu”( DN 47; 52; HT. tr150-151; 158-159). Từ đó cha luôn xác tín: “Chúa là ông chủ tốt nhất hạng, làm tôi chúa không thiệt bao giờ”( DN 38; 47; HT. tr132; 150-151). Chẳng những Chúa là ông chủ tốt, mà Chúa còn là Cha nhân lành của chúng ta: “cha trên trời giàu có vô cùng, luôn thương yêu quan phòng mọi sự”( DN 9; 23; 38; 41; 64; 104; HT tr54-55; 76-77; 135-136; 173). Ta hãy xem Chúa tốt lành, rộng rãi đến mức nào? Cha nói: “Chúa rộng rãi với chúng tôi, không nói sao xiết. Chúng ta dâng Chúa một chút, Chúa ban lại bằng mười bằng trăm. Chúng ta rán bước tới Chúa một chút, Chúa liền vội vã chạy lại bồng ẵm chúng ta vào lòng người”( DN 146). Chúa thương yêu quan  phòng chẳng những ban cho ta dư đầy phần vật chất mà còn ban cho phần hồn ta những ơn cao trọng hơn: “ Phước chúng tôi cao trọng lắm, được Chúa ban ơn nghĩa và ban chính mình Chúa cho chúng tôi”( DN 108; 109; 130). Không chỉ ban ơn bên ngoài, mà “Chúa ở cùng chúng tôi, Người ngự trong lòng chúng tôi”( DN 109; 141).

Chúa yêu thương ban cho chúng ta tất cả để ích gì cho ta và Chúa đòi hỏi điều gì nơi ta? Cha trả lời rằng: “Vì yêu chúng tôi và để chúng tôi được phước, Chúa dạy chúng tôi phải kính mến Người”( DN 112). Một khi cảm nghiệm được tình Chúa yêu như thế, cha không còn ngần ngại gì một tin tưởng, phó thác hoàn toàn mọi sự trong tay Chúa.

                 2.Sự tín thác tuyệt đối.

            Nhìn vào cuộc sống của Cha Tổ Phụ, ta có thể nói cha là con người sống niềm tin trong mọi biến cố cuộc đời. Cha luôn tin tưởng, phó thác vào Chúa từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn; từ vật chất đến tinh thần, kể cả sự thành bại của việc lập dòng. Thời gian đầu mới lên núi Phước, đời sống thật khó khăn, trong nhà tiền bạc không có nên chi tiêu rất dè sẻn, vậy mà sự khó cứ chồng chất, cha cũng không nản chí, vẫn bền lòng cậy trông: “Đã hai tuần nay gió nam thổi mạnh, hại mái tranh quá lẽ, nhất là hại nến sáp…làm một lễ hao tốn nến sáp bằng ba bốn lễ. Sáp thì mắc, chúng con thì nghèo, thế có cực không! May phước, có Cha chúng ta ở trên trời giàu có vô cùng, chúng ta cứ trông cậy Người luôn”( DN 38; HT tr132).

Trong việc trồng trọt, canh tác cũng thể hiện niềm tín thác của cha qua thư gửi cho bà kế mẫu: “Chúng con trồng: rau, đậu, khoai môn, sắn, mít, dâu nuôi tằm và nhiều thứ khác… Cám ơn Chúa, chúng con trồng, xin Chúa cho nó mọc”( DN 40; 41; HT tr135-136). Hoa màu thì mới trồng chưa thể dùng được cũng như chưa có thu nhập gì, cha tâm sự: “Không bao giờ con phải đi ăn mày từng nhà, song nay chúng con cực quá, hết tiền hết gạo nên con phải đi “khất thực” thôi. Tây cho được 105 đồng, Nam cho được 228 đồng. Với số tiền đó chúng con có thể làm xong nhà thờ. Còn sáu chục thùng lúa thì dùng được hai tháng. Hết hai tháng rồi thì sao? Chúa sẽ liệu, chúng con trông cậy Người” ( DN 39; HT tr 133-134). Quả thật, Chúa chẳng bao giờ để cho cộng đoàn phải thiếu đói cả, như có lần cha kể: “…lẽ ra chúng con chết đói lâu rồi, song Chúa làm phép lạ, chúng con hằng được no ấm trong tay Người. Hôm nay chúng con có đủ mọi sự cần, còn ngày mai thì mai sẽ hay, muôn năm Chúa! Chúng con đây thật có phước hơn hết mọi người”( DN 41; HT tr 135-136).

Từ kinh nghiệm của riêng mình, cha đã nhắn nhủ hậu thế qua bản hiến pháp mà cha đã soạn: “Bề trên đừng quá bận tâm về của cải vật chất”( DN 104). Đó là sự tín thác về mặt vật chất, còn về việc lập dòng càng gặp khó khăn bao nhiêu cha càng tín thác bấy nhiêu: “Nếu việc xuôi thuận là tại Chúa”( DN 77; HT tr 183-184). Nhưng không phải lúc nào ta cũng dễ dàng nhận ra ý Chúa và tín thác nơi Người. Bởi thế,cha Tổ Phụ mới nói: “Trí khôn chúng tôi quá thấp hèn, đức tin chúng tôi quá non nớt, nên trong những việc xảy ra hằng ngày, chúng tôi không hiểu thánh ý Chúa nên khóc luôn” ( DN 52; HT tr 158-159). Thật vậy, thánh ý Chúa nhiệm mầu và thường trái nghịch với cái nhìn thông thường của con người,nhưng cha Tổ Phụ luôn lấy ý Chúa làm trên hết: “việc gì Chúa muốn thì con muốn, Chúa không muốn con cũng không ưng”( DN 48; HT tr 145) và “Ý Chúa là nhất cho chúng con. Trong hết mọi sự hãy thưa cùng Chúa: Dạ, cám ơn Chúa”( DN 54; HT tr 160-161).

 Có thể nói việc lập dòng là việc trọng đại và là tất cả tâm huyết của đời cha cũng được vững bền trong niềm tín thác cậy trông.Nên khi bị người ta gửi thư nặc danh bảo rằng nhà dòng sẽ tan ,thì cha liền nói: “Nếu Chúa nhân lành muốn vậy thì còn chi mà sợ” (DN 58; HT tr 167)và rằng: “Hãy để Chúa làm việc Chúa, vì Chúa là Cha tốt lành, ta đừng sợ”( DN 72; HT tr 179-180), đồng thời cha nhắc lại lời xác quyết của thiên thần Gaprien: “Chúa phép tắc có thể làm được”( DN 64; HT tr 173). Từ đó, cha yên tâm tín thác vào Chúa cho đến cuối đời và lời cuối cùng biểu lộ đức tin mạnh mẽ của cha là câu nói trong lời trối: “Chúa thương cha và cũng thương chúng con; cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con vì Chúa là Cha thương chúng tôi quá lẽ”( DN 150).

            Như thế, có thể nói rằng: “Lời trối” chính là bản tóm lược niềm tin và tất cả những điều cha đã sống. Là con cái của Cha Tổ Phụ, sau khi đọc những bút tích có liên quan đến cuộc sống của cha và nghiền ngẫm “ lời trối” của ngài, tôi cảm thấy rất được phấn khích và hăng hái tiếp tục dấn bước trên hành trình ơn gọi đan tu, dẫu biết phía trước còn nhiều trở ngại đang chờ đón. Điều cha tâm niệm cũng là đích nhắm của cuộc đời tôi; nhưng hành trình nên thánh như một con thuyền bơi ngược dòng, có lúc tiến mà cũng có khi lùi, tôi chỉ còn biết cậy trông vào ơn phù giúp của Chúa. Điều cha ưu tư cũng là điều tôi hằng thao thức, nhưng tôi nhìn lại thì thấy mình chưa đóng góp được gì cho việc nên thánh của cộng đoàn; trái lại có khi tôi còn kéo trì cộng đoàn vì những yếu đuối, giới hạn của bản thân.

Những cảm nghiệm về tình yêu Chúa trong cuộc đời mình, tôi cũng đã có; nhưng đôi khi tôi chưa đọc được thánh ý Chúa qua những biến cố của cuộc đời. Có lẽ vì thế mà sự tín thác của tôi vào quyền năng và tình yêu Chúa còn bấp bênh, yếu ớt. Dẫu biết thế, nhưng tôi vẫn cố gắng vươn lên và bắt đầu lại mỗi ngày để tiếp tục bước theo dấu chân Cha Tổ Phụ kính yêu với ước mong có thể được giống cha phần nào vì: “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”.

– Giuse Ngọc Nữ VP –           

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...