SỐNG THẾ NÀO THÌ ĐƯỢC NHƯ VẬY
(Bài Suy niệm Thứ 5 tuần II MC)
Hai nhân vật chính thu hút sự chú ý của chúng ta trong bài Phúc âm hôm nay là nhà phú hộ và kẻ ăn mày Lazarô.
Đối với nhà phú hộ, ông không chỉ mắc bệnh vô cảm (theo cách nói của Đức Thánh Cha Phanxicô) mà còn mắc tội thiếu quan tâm đến những người anh em đang sống bên cạnh mình.
Nhà phú hộ là đại diện cho tất cả những ai sống ích kỷ, tự mãn và vô tâm. Sở dĩ ông vừa mắc bệnh vô cảm vừa mắc tội là vì ông đánh mất chính mình, nói mạnh hơn ông đã tự đánh mất đi bản tính lương thiện trong con người của ông.
Có lẽ, chẳng ai ủng hộ cách sống tồi tệ của nhà phú hộ. Sự dửng dưng hay vô tâm của ông là biểu hiện của một thái độ ích kỷ, chỉ biết có mình. Việc rút mình vào vỏ ốc bản thân nhằm sống an toàn, sung sướng hay để khỏi bị phiền hà… là biểu hiện rõ nhất việc tôn thờ cái tôi của mình, vì thế vô hình dung đã tự biến mình thành gỗ đá. Trình thuật của Tin mừng cho chúng ta biết: Nhà phú hộ sống trên nhung lụa, ngày ngày yến tiệc linh đình… thế mà ông lại không hề biết ra tay giúp đỡ Lazarô, một kẻ bần cùng, luôn ngồi trước cửa nhà ông. Thái độ bàng quang lạnh lùng, sự dửng dưng coi như không có sự hiện diện của Lazarô xuất phát từ sự ích kỷ quá đáng, dẫn đến tình trạng mù quáng, thiếu trách nhiệm liên đới với tha nhân. Đó chẳng phải là một tội đáng lên án sao?
Sự ích kỷ cá nhân là mầm mống sinh ra vô cảm và muôn vàn hệ lụy khác, bởi khi sống ích kỷ, người ta không còn thấy những người sống bên cạnh mình; trái lại chỉ thấy có bản thân mình mà thôi. Một khi không nhìn thấy ai, từ chối người mình gặp gỡ, chẳng nhìn nhận tha nhân là anh chị em của mình thì cũng đồng thời không nhìn nhận Thiên Chúa là Cha. Thái độ khép kín dẫn đến vô tâm, chẳng áy náy về những hành động bất lương, tội lỗi; trái lại cứ tự ru ngủ với chính mình rằng tôi chẳng làm gì nên tội, tôi có toàn quyền sống với những gì tôi đang có.
Nhà phú hộ tự nhủ mình có tiền thì mình ăn chơi tiêu xài chứ có làm chuyện bất lương gì đâu; nhưng vì vô cảm với kẻ nghèo khổ bên mình, ông đối xử với người đồng loại của mình không bằng một con chó. Kết thúc dụ ngôn là tình trạng đáng thương đối với nhà phú hộ, ông đã tự đánh mất ơn cứu độ chỉ vì ông đã sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình và lo ăn chơi hưởng thụ đến độ không còn nhìn thấy hay giả bộ không nhìn thấy để khỏi phải trợ giúp cho Lazarô.
Thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20). Cứ theo logic tính thì vô cảm là một hình thức vi phạm điều này, một sự lừa dối Thiên Chúa, một tội phạm với đầy đủ tự do và ý thức trách nhiệm.
Chúng ta hãy tiếp tục nghe lời dạy của thánh Gioan: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 17-18). Yêu mến Thiên Chúa đúng mức phải được cụ thể hóa cách rõ ràng qua hành động cụ thể đối với những người thân cận của mình. Thật vậy, người ta ưa nói lý thuyết hay mơ tưởng thực hiện những tham vọng lớn lao nhưng dễ quên những tương giao bình dị và ra tay kịp thời khi người anh chị em của mình cần được giúp đỡ và hậu quả là tạo nên một khoảng cách, một vực thẳm trong thế giới mai sau.
Nếu như khoảng cách từ chỗ nhà phú hộ ngồi ở bàn tiệc đến chỗ Lazarô nằm rất gần thì lại có một vực thẳm không thể tới được trong thế giới mai sau khi nhà phú hộ nhìn thấy Lazarô được hạnh trong lòng tổ phụ Abraham. Chính thái độ vô cảm tạo đã nên vực thẳm dường như vô tận khiến hai thế giới không thể đến được với nhau, đó là hậu quả tất yếu của đời sống ích ỷ và tự kiêu. Người đời đã đúc kết thành qui tắc để chúng ta áp dụng rằng “sống thế nào thì được như vậy”.
Nếu Đức Giêsu dạy “hãy xót thương thì sẽ được Thiên Chúa xót thương” thì ngay hôm nay chúng ta được mời gọi phản tỉnh về đời sống bác ái yêu thương của mình, để khỏi rơi vào tình trạng của nhà phú hộ: khi ông biết hối hận thì đã quá muộn. Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã viết trong thông điệp Deus Caritas est số 18 rằng: “Chỉ khi nào tôi phục vụ cho láng giềng của tôi thì mắt tôi mới mở ra được để thấy những gì Chúa đã ban cho tôi và Người yêu tôi chừng nào”. Tương tự như thế, trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Lazarô, con người nghèo ấy, là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng qua người nghèo đang xin chúng ta hoán cải. Như thế thì Lazarô là tiêu biểu cho khả thể hoán cải Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta mà chúng ta có thể không thấy rõ. Cái mù quáng này thường được kèm theo bởi một thứ ảo tưởng kiêu hãnh về cái toàn năng của chúng ta, một thứ ảo tưởng kiêu hãnh phản ảnh một cách nham hiểm quỉ quái “các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa” (Khởi Nguyên 3, 5), nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi”.
Tóm lại: Sẽ không giải quyết được gì nếu sự vô cảm còn tồn tại, khi con người chỉ biết qui hướng tất cả về bản thân. Vì vậy qua dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay chúng ta được nhắn nhủ lo lắng đến phần rỗi đời đời của chúng ta, nghĩ đến tình trạng phải ở vực thẳm đau khổ vì xa Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ có cách ứng xử phù hợp với anh chị em của chúng ta ngay trong cuộc lữ hành trần gian này.
Mai Thi