Thứ sáu, 22 Tháng mười một, 2024

SỨ ĐIỆP CỦA ĐGH PHANXICÔ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CHO NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ 3, 2019

Hy vọng của người nghèo sẽ không bao giờ thất vọng

  1. Những người túng thiếu không mãi bị bỏ quên, người nghèo khó chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv9,19). Những lời của Thánh Vịnh biểu lộ một tính thời sự lạ thường. Chúng bày tỏ một chân lý sâu xa mà đức tin có thể trước hết in khắc trong tâm khảm của những người nghèo khó nhất : trả lại hy vọng bị mất đi, trước những bất công, những đau khổ và sự bất ổn của đời sống.

Tác giả thánh vịnh mô tả tình trạng của người nghèo và sự ngạo nghễ của những kẻ đàn áp họ (x. Tv 10,1-10). Ngài cầu khẩn sự phán xét của Thiên Chúa để vãn hồi công lý và đánh bại sự bất chính (x. Tv 10,14-15). Dường như trong những từ ngữ này, vấn đề đặt ra trong bao thế kỷ, ngày hôm nay vẫn còn vang vọng : làm sao mà Thiên Chúa có thể dung dưỡng sự bất công đó được ? Tại sao Người lại cho phép những người đàn áp có một cuộc đời sung sướng trong lúc hành vi của họ phải bị lên án trước những đau khổ của người nghèo khó.

Vào lúc viết thánh vịnh này, đã có một sự phát triển kinh tế, như thường xảy ra, cũng đã sản xuất ra những sự mất quân bình xã hội mạnh mẽ. Sự bất bình đẳng đã sinh ra một nhóm quan trọng người nghèo, mà tình trạng dường như còn thảm hại hơn so với sự giàu có được thực hiện bởi một số người được ưu đãi. Tác giả thánh, khi quan sát tình trạng này, đã dựng lên một bức họa vừa hiện thực vừa chính xác.

Đó là thời kỳ mà những con người ngạo nghễ và không có tinh thần của Thiên Chúa, đánh đuổi người nghèo để chiếm hữu ngay cả chút ít của cải họ có và biến họ thành nô lệ. Ngày nay cũng không mấy khác. Khủng hoảng kinh tế đã không ngăn cản nhiều nhóm người làm giàu, đó là điều nhiều khi có vẻ bất bình thường trong lúc chúng ta cụ thể nhìn thấy con số khổng lồ người nghèo đang thiếu thốn những thứ cần thiết trên đường phố trong các thành thị của chúng ta, và họ bị ức hiếp và khai thác. Những câu trong sách Khải huyền đã hiện đến trong trí tôi : “Ngươi nói : Tôi giàu có, tôi đã làm giàu, tôi chẳng thiếu thốn chi ; nhưng ngươi không biết  rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khó, đui mù và trần truồng” (Kh 3,17). Các thế kỷ đã trôi đi, nhưng tình trạng những kẻ giàu, người nghèo vẫn không thay đổi, như thể kinh nghiệm của lịch sử chẳng dạy được cho chúng ta điều gì. Những lời của Thánh vịnh như thế không liên hệ với quá khứ, mà với hiện tại của chúng ta, được đặt trước sự phán xét của Thiên Chúa.

  1. Ngay cả trong ngày hôm nay, chúng ta phải liệt kê nhiều hình thức nô lệ mới trong đó hàng triệu con người nam, nữ, thanh thiếu niên đã bị bắt buộc chịu đựng. Mỗi ngày, chúng ta gặp gỡ những gia đìnhbị bắt buộc phải rời bỏ quê hương của mình để đi tìm những phương tiện sống còn ở nơi khác ; những trẻ mồ côi đã mất cha mẹ hay đã bị chia cắt với cha mẹ một cách thô bạo để bị khai thác một cách tàn nhẫn ; các người trẻ đi tìm sự thành công nghề nghiệp, thấy mình bị từ chối sự tiếp cận với công ăn việc làm chỉ vì lý do chính trị, kinh tế mù quáng ; những nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực, từ mại dâm đến ma túy, và bị làm nhục đến tận đáy lòng. Hơn nữa, làm sao quên được hàng triệu người di dân, nạn nhân của biết bao lợi nhuận bị che giấu, nhiều khi họ bị công cụ hóa cho những mục tiêu chính trị, và họ bị từ chối sự liên đới và bình đẳng ? Và biết bao con người vô gia cư và bị gạt ra ngoài lề xã hội đang lang thang trên các đường phố trong các thành thị của chúng ta ?

Biết bao lần chúng ta nhìn thấy những người nghèo trong những bãi rác thu lượm những của phí, của thừa, để tìm được ở nơi đó cái gì để ăn, để mặc ! Chính họ đã trở thành bộ phận trong một bãi rác của nhân loại, họ bị đối xử như rác rưởi, mà không có một mặc cảm tội lỗi nào ảnh hưởng đến những kẻ đồng lõa với cái scandal này. Nhiều khi họ bị coi như những ký sinh trùng của xã hội, kể cả người ta còn không tha lỗi cho người nghèo vì cái nghèo của họ. Sự phán xét luôn rình mò. Họ không thể cho phép mình được rụt rè hay nản chí, họ được coi như là những đe dọa và những kẻ bất tài, chỉ vì họ nghèo.

Thảm họa trong thảm họa, chính là vì họ không được cho phép nhìn thấy sự chấm dứt con đường hầm của sự khốn khổ. Chúng ta thậm chí đã đưa ra cả lý thuyết và thực hành một kết cấu kỳ thị để loại bỏ sự hiện diện của họ, kể cả trên đường phố, địa điểm thù tiếp cuối cùng của họ. Họ lang thang từ khu phố này sang khu phố kia, với hy vọng tìm được một việc làm, một mái nhà, một chút tình thương… Mỗi cơ hội đưa ra là một lóe sáng của hy vọng ; tuy nhiên, dù là nơi mà công lý đã được ghi ra, thì nó cũng thường hay tấn công họ với bạo lực và ngược đãi. Họ bắt buộc phải trải qua hàng giờ bất tận dưới ánh nắng mặt trời nóng bỏng để thu hoạch trong mùa trái cây và thường nhận được một đồng lương chết đói ; họ không có một quy chế bảo đảm việc làm nào, hay điều kiện con người nào, để cho phép họ được cảm thấy mình bình đẳng với những người khác. Đối với họ, không có thất nghiệp cũng không có bồi thường, kể cả không có khả năng bị bệnh tật nữa.

  1. Tác giả thánh vịnh đã mô tả với một nét hiện thực sống sượng, thái độ của những kẻ giàu có tấn công người nghèo : “Chẳng khác nào sư tử phục sẵn trong hang, nó phục nơi ẩn khuất rình bắt người nghèo khó, lừa vào lưới nó giăng” (Tv10,9). Như thể đối với chúng, đây là một cuộc đi săn, nơi những người nghèo bị săn lùng, bị bắt và bị biến thành nô lệ. Trong những điều kiện như thế, tấm lòng của nhiều người khép lại và ước muốn trở thành vô hình đã vượt trội lên. Tóm lại, chúng ta thừa nhận có một số đông người nghèo thường hay bị đối xử bằng lời nói và bị chịu đựng bởi sự bực bội. Họ trở nên như những người biết tàng hình và tiếng nói của họ không có sức mạnh cũng như tầm quan trọng nào trong xã hội. Những con người nam, nữ đó ngày càng trở nên xa lạ với nhà cửa của chúng ta và bị gạt ra ngoài lề xã hội trong các khu phố của chúng ta.

Bối cảnh được mô tả trong Thánh Vịnh in dấu của buồn bã vì bất công, đau khổ và cay đắng, tác động đến người nghèo. Mặc dù vậy, nó cống hiến một định nghĩa đẹp của người nghèo. Người nghèo là kẻ “tin cậy vào Chúa” (x. c.11), bởi vì người đó biết chắc là hắn sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Người nghèo, trong Sách Thánh, là người tin tưởng ! Tác giả thánh cũng đưa ra lý do của lòng tin tưởng đó : hắn “biết Chúa của mình” (x. ibid.), và trong ngôn ngữ Thánh Kinh sự “biết” này chỉ rõ một quan hệ cá nhân của tình cảm và tình yêu.

Chúng ta đối mặt với một sự mô tả thật sự gây xúc động mà chúng ta không ngờ tới. Điều này, tuy thế, chỉ biểu lộ sự vĩ đại của Thiên Chúa khi Ngài đứng trước một người nghèo. Sức mạnh tạo dựng của Ngài vượt xa mọi chờ đợi của con người và được cụ thể hóa trong “ký ức’ mà Ngài có về con người cụ thể này (x. c.13). Chính lòng tin cậy vào Chúa, sự xác tin không bị bỏ rơi này, đã đánh thức hy vọng. Người nghèo biết rằng Thiên Chúa không thể bỏ rơi mình ; vì thế, hắn luôn sống trước mặt đấng Thiên Chúa đó, Đấng luôn nhớ hắn. Sự giúp đỡ của Người đi xa hơn điều kiện đau khổ hiện tại để vạch ra một con đường giải thoát làm thay đổi lòng người, vì Người nâng đỡ tận sâu thẳm trong tâm hồn.

  1. Sự mô tả hành động của Thiên Chúa đối với người nghèo là một điệp khúc thường xuyên trong Sách Thánh. Ngài là Đấng “lắng nghe”, “can thiệp”, “che chở”, “bảo vệ”, “chuộc tội’, “cứu độ”…Tóm lại, một người nghèo sẽ không bao giờ có thể thấy Thiên Chúa thờ ơ hay im lặng trước sự cầu nguyện của hắn. Thiên Chúa là Đấng thực thi công lý và không hề quên (x. Tv40,18 ; 70,6) : quả vậy, Ngài là nơi trú ẩn của hắn và Ngài không quên tới giúp đỡ hắn (x. Tv 10,14).

Nhiều bức tường có thể được xây lên và những lối vào bị chặn lại để có ảo giác cảm thấy an toàn với những của cải của mình, gây thiệt hại cho những kẻ bị bỏ lại ở bên ngoài. Sẽ không mãi mãi như thế nữa đâu. “Ngày của Đức Chúa”, như các ngôn sứ đã mô tả (x. Am 5,18 ; Is 2-5 ; Ge 1-3), sẽ phá hủy các rào cản dựng lên giữa các quốc gia và sẽ thay thế sự ngạo nghễ của số ít người bằng sự liên đới của nhiều người. Hoàn cảnh bị gạt ra ngoài lề xã hội qua đó hàng triệu người đã bị ức hiếp sẽ không thể kéo dài lâu nữa. Tiếng kêu  của họ đã gia tăng và ôm lấy toàn trái đất. Như cha Primo Mazzolari đã viết : “Người nghèo là một sự phản kháng liên tục chống lại những bất công ; người nghèo là một thùng thuốc nổ. Nếu anh châm lửa, thế giới sẽ nổ tung”.

  1. Không thể nào tránh khỏi lời kêu gọi khẩn cấp mà Sách Thánh đã trao gửi cho người nghèo khó. Ở mọi nơi chúng ta nhìn tới, Lời của Thiên Chúa cho thấy người nghèo là những kẻ không có cái cần thiết để sống bởi vì họ lệ thuộc người khác. Đó là những người bị đàn áp, những người khiêm cung, những người phủ phục trên mặt đất. Và tuy thế, trước cái đám đông vô số những người nghèo túng này, Chúa Giêsu đã không sợ đồng hóa mình với mỗi người trong bọn họ : “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt25,40). Chạy trốn sự đồng hóa này có nghĩa là làm huyền bí Tin Mừng và làm loãng đi sự mặc khải. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu muốn mặc khải là như thế này : một Đấng là Cha rộng lượng, giàu lòng thương xót, và không cạn kiệt lòng nhân hậu và ân sủng của Ngài, Ngài trước hết ban xuống hy vọng cho những người thất vọng và không có tương lai.

Làm sao mà không nhấn mạnh rằng các Mối Phúc Thật, qua đó Chúa Giêsu đã khai mạc sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, đã bắt đầu bằng câu này : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20) ? Ý nghĩa của sự loan báo mang tính nghịch lý này là Nước Thiên Chúa chính là thuộc về người nghèo, bởi vì họ có khả năng tiếp nhận. Biết bao người nghèo chúng ta đã gặp mỗi ngày ! Dường như đôi khi thời gian và những cuộc chinh phục của nền văn minh làm tăng con số người nghèo thay vì làm nó giảm xuống. Các thế kỷ đã trôi qua và Phúc Thật của Tin Mừng ngày càng tỏ ra nghịch lý ; người nghèo vẫn nghèo và ngày hôm nay họ còn nghèo hơn nữa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu, Đấng đã khánh thành Nước của Người bằng cách đặt người nghèo vào trung tâm, muốn nói với chúng ta chính xác điều này : Người đã khánh thành, nhưng Người đã trao gửi cho chúng ta, các môn đệ của Người, nhiệm vụ hoàn thành tốt đẹp, với trách nhiệm là cống hiến hy vọng cho người nghèo. Ở một thời đại như thời đại của chúng ta, cần phải cho lại hy vọng và phục hồi lòng tin cậy. Đây là một chương trình mà cộng đồng Kitô giáo không thể coi nhẹ. Sự khả tín của lời tuyên bố của chúng ta và của sự làm chứng của các Kitô hữu phụ thuộc vào điều đó.

  1. Trong sự gần gũi với người nghèo, Hội Thánh khám phá ra rằng Hội Thánh là một dân tộc, tản mác trên bao quốc gia, có ơn gọi là đừng làm cho bất cứ ai cảm thấy họ là người xa lạ và bị hất hủi, bởi vì mọi người đều được can dự vào con đường chung của sự Cứu Độ. Điều kiện sống của người nghèo bắt buộc chúng ta đừng xa rời Thân Thể của Chúa đang đau khổ trong họ. Đúng hơn là chúng ta được kêu gọi phải đụng chạm đến da thịt của Người để can dự cá nhân vào việc phục vụ Phúc Âm hóa đích thực. Sự thăng tiến xã hội của người nghèo không phải là một sự tham gia bề ngoài vào sự tuyên bố Phúc Âm, trái lại, nó cho thấy tính thực tế của đức tin Kitô giáo và giá trị lịch sử của nó. Tình yêu, vốn cung cấp sự sống cho đức tin vào Chúa Giêsu, không cho phép các môn đệ của Người thu mình lại trong một chủ nghĩa cá nhân ngột ngạt, được che giấu trong những khúc đoạn thầm kín thiêng liêng, không một chút ảnh hưởng trên đời sống xã hội (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, số 183).

Gần đây, chúng ta đã khóc cái chết của một tông đồ vĩ đại của người nghèo, Jean Vanier, người, với sự tận tụy của mình, đã mở ra những con đường mới cho sự chia sẻ với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, để nhắm tới sự thăng tiến của họ. Ông Jean Vanier đã nhận được từ Thiên Chúa ơn sủng cống hiến cả cuộc đời mình cho những người anh em bị khuyết tật trầm trọng mà xã hội thường có xu hướng loại bỏ. Ông đã là “vị thánh nhà bên cạnh”. Với sự hăng hái của ông, ông đã biết quy tụ chung quanh ông nhiều người trẻ, những con người nam, nữ, với một sự dấn thân hàng ngày, đã cống hiến tình yêu và cho lại nụ cười cho bao con người yếu đuối và dễ bị tổn thương, bằng cách cống hiến cho họ một “hòm bia” đích thực của sự cứu độ chống lại sự loại bỏ và sự cô đơn. Chứng ngôn của ông đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người và đã giúp cho thế giới có cái nhìn khác với những người dễ bị tổn thương và những người yếu đuối nhất. Tiếng kêu của người nghèo đã được nghe thấy và đã tạo ra một niềm hy vọng không lay chuyển được, tạo ra những dấu hiệu hữu hình và có thể sờ mó được của một tình yêu cụ thể mà chúng ta có thể đụng chạm tới bằng bàn tay chúng ta cho tới ngày hôm nay.

  1. “Sự chọn lựa những người bé mọn nhất, những người mà xã hội vứt bỏ và gạt sang bên” (ibid., số 195) là một sự lựa chọn ưu tiên mà các môn đệ của Đức Kitô được kêu gọi tiếp tục để không phản bội lại sự khả tín của Hội Thánh và cung cấp một niềm hy vọng có thực của bao con người không được bảo vệ. Lòng bác ái Kitô giáo tìm thấy trong họ sự xác định, bởi vì người thông cảm những đau khổ của họ với tình yêu của Đức Kitô, nhận được sức mạnh và sự rắn rỏi để loan báo Tin Mừng.

Sự tham gia của các Kitô hữu, nhân dịp Ngày Thế Giới Người Nghèo này, và nhất là trong đời sống hàng ngày, không chỉ gồm những sáng kiến trợ giúp, vốn đáng khen ngợi và cần thiết, mà phải nhằm tăng cường nơi mỗi người sự chú tâm tối đa đối với mỗi người đang trong cơn khốn quẫn. “Sự chú tâm vào tình yêu đó là khởi đầu của một mối lo lắng đích thực” (ibid., số 199) cho những người nghèo trong việc tìm kiếm điều thiện ích thật sự của họ. Không dễ dàng là chứng nhân của niềm hy vọng Kitô giáo trong bối cảnh của các nền văn hóa tiêu thụ và thải loại, luôn hướng tới cách gia tăng sự sung sướng bề ngoài và chóng qua. Một sự thay đổi tâm trạng là cần thiết để tái khám phá ra cái chủ yếu và làm cho việc loan báo Nước Thiên Chúa có chất lượng và sự hữu hiệu.

Hy vọng cũng được truyền đạt qua an ủi, được thực hiện khi đồng hành với người nghèo, không phải chỉ trong một vài lúc phấn khởi, mà với một sự dấn thân lâu bền trong thời gian. Người nghèo nhận được hy vọng thực sự không phải khi họ thấy chúng ta thỏa mãn khi cho họ một ít thời gian, mà khi họ công nhận trong sự hy sinh của chúng ta một hành động tình yêu nhưng không mà không đi tìm kiếm phần thưởng.

  1. Với đông đảo những người thiện nguyện, có công đã cảm nhận đầu tiên tầm quan trọng của sự chú ý này cho người nghèo, tôi yêu cầu lớn lên trong sự tận tụy của họ. Thưa Quý Anh Chị Em, tôi khuyên Quý Anh Chị Em hãy tìm kiếm, với mỗi người nghèo mà Quý Anh Chị Em gặp gỡ, điều mà người đó thực sự cần thiết ; đừng dừng lại ở cái nhu cầu vật chất đầu tiên, mà hãy khám phá sự tốt lành được che dấu trong thâm tâm của họ, bằng cách tỏ ra quan tâm tới văn hóa của họ và những cách biểu lộ của họ vốn đến từ những nhãn quan ý thức hệ hay chính trị, chúng ta hãy nhìn thẳng vào điều cốt yếu vốn không cần đến nhiều lời, mà cần đến một ánh mắt tình yêu và một bàn tay đưa ra. Quý Anh Chị Em đừng bao giờ quên rằng “sự phân biệt đối xử tệ hại nhất mà người nghèo phải chịu đựng là sự thiếu chú ý tinh thần” (ibid., số 200).

Trước hết, người nghèo cần Thiên Chúa, cần tình yêu của Người được làm nên hữu hình bởi những con người thánh thiện đang sống bên cạnh họ, những người đó, bằng sự đơn sơ trong đời sống của họ, biểu lộ và làm nổi lên sức mạnh tình yêu Kitô giáo. Thiên Chúa sử dụng nhiều con đường và công cụ để đạt tới tâm hồn của con người. Đương nhiên, người nghèo cũng tới gần chúng ta bởi vì chúng ta phân phát cho họ lương thực, nhưng điều mà họ cần đi xa hơn bát cơm nóng hay khúc bánh mì thịt mà chúng ta đề nghị. Người nghèo cần đôi bàn tay của chúng ta để họ đứng dậy, cần trái tim của chúng ta để cảm thấy lại sự ấm áp của tình thân, cần sự hiện diện của chúng ta để thắng sự cô lẻ. Họ đơn giản chỉ cần tình yêu.

  1. Đôi khi chỉ cần chút đỉnh để cho lại hy vọng : chỉ cần dừng lại, mỉm cười, lắng nghe. Trong một ngày, chúng ta hãy để sang bên những con số thống kê ; người nghèo không phải là những con số hấp dẫn để khoe khoang những công trình và những dự án của chúng ta. Người nghèo là những con người phải gặp gỡ ; người trẻ hay người già, cần phải mời về nhà để chia sẻ một bữa cơm ; đàn ông, đàn bà và trẻ em đang chờ một lời thân thiện. Người nghèo cứu chúng ta bởi vì họ giúp chúng ta gặp được dung nhan của Chúa Giêsu Kitô.

Dưới con mắt thế gian, dường như là phi lý khi nghĩ rằng sự nghèo khó và sự bần cùng có thể có một sức mạnh cứu độ ; tuy nhiên, đó là điều mà thánh Phaolô tông đồ dạy bảo chúng ta khi ngài nói : “đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Ngài” (1Cr 1,26-29).

Với con mắt của người trần, người ta không thể thấy được sức mạnh cứu độ đó ; trái lại, chính với đôi mắt của đức tin thì Quý Anh Chị Em mới nhìn thấy được sức mạnh đó tác động và Quý Anh Chị Em có thể trực tiếp trải nghiệm. Giữa Dân của Thiên Chúa đang lữ hành, sức mạnh cứu độ sống động và không loại trừ bất cứ ai cả, mà thu hút mỗi người vào trong một cuộc hành hương trở lại đích thực để nhận biết người nghèo và yêu mến họ.

  1. Chúa không bỏ những người đi tìm kiếm Ngài và kêu cầu Ngài ; “tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv9,13), bởi vì tai Ngài rất chú ý đến tiếng nói của họ. Niềm hy vọng của người nghèo thách đố những tình trạng của sự chết, bởi người đó biết được Thiên Chúa đặc biệt thương yêu và người đó chiến thắng sự đau khổ và sự loại trừ. Tình trạng nghèo khó của người đó không lấy mất đi của hắn phẩm giá hắn đã nhận được từ chính tay Đấng Tạo Dựng ; người đó sống trong sự xác tín rằng nhân phẩm của hắn sẽ được chính Thiên Chúa trả lại đầy đủ cho hắn, Người không thờ ơ với số kiếp của các con cái Người, những kẻ yếu đuối nhất ; trái lại, Người thấy những vấn đề của họ và những đau đớn của họ và đón lấy trong tay Người và ban cho họ sức mạnh và lòng can đảm (x. Tv 10,14).

Hy vọng của người nghèo được tăng cường bởi sự xác tín được Chúa đón nhận, tìm được nơi Người công lý đích thực, được thêm sức trong lòng để tiếp tục yêu thương (x. Tv 10, 17).

Điều kiện, để các môn đệ của Chúa Giêsu trở thành những người đi rao truyền Phúc Âm nhất quán, là phải gieo trồng những dấu hiệu cụ thể của hy vọng. Với tất cả các cộng đoàn Kitô giáo và tất cả những ai cảm thấy sự đòi hỏi phải mang lại hy vọng và ủi an cho người nghèo, tôi yêu cầu họ hãy làm việc để cho Ngày Thế Giới Người Nghèo tăng cường nơi nhiều người, ý chí hợp tác hữu hiệu để không còn một ai cảm thấy bị lấy đi sự gần gũi và tình liên đới. Mong rằng chúng ta được tháp tùng bởi những lời của ngôn sứ thông báo một tương lai khác : “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3,20).

Vatican ngày 13 tháng 6 năm 2019

Lễ nhớ thánh Antôn thành Padova

PHANXICÔ 

© Librairie éditrice du Vatican

Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit

Nguồn: baigiangdtc.dk

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận

    Đức Thánh Cha thiết lập ngày lễ các thánh, chân phước, những người thánh thiện của các giáo phận Trong lá thư được công bố...

Trí tuệ nhân tạo & giảng thuyết

      TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & GIẢNG THUYẾT  Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm Từ một năm nay, trí tuệ nhân tạo là đề tài nóng không chỉ...

Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta”

      Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Thông điệp thứ tư, “Người đã yêu thương chúng ta" Vatican News Ngày 24/10/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban...

Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2024

    THỐNG KÊ VỀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NĂM 2024 Vatican News Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có...

Thư mục vụ năm 2025 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”

    HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM THƯ MỤC VỤ 2025 GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA “CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG” Anh chị em thân mến, Chúng tôi, các...

Sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm 2024 – “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh (Is 40,31)

    SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA  CHO NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI  Lần thứ 39, ngày 24/11/2024 „Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh“ (Is...

Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu biểu tượng (Logo) chính thức

  HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GIỚI THIỆU BIỂU TƯỢNG (LOGO) CHÍNH THỨC Ngày 04 tháng 08 năm 2024 Trong Hội nghị thường niên kỳ I/2024 từ...

Ơn toàn xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ tư

  Ơn toàn xá nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ Tư Nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao...

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Vatican: Truyền thông Công giáo phải tạo nên hiệp thông và mang lại hy vọng

    BỘ TRƯỞNG BỘ TRUYỀN THÔNG VATICAN: TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO PHẢI TẠO NÊN HIỆP THÔNG VÀ MANG LẠI HY VỌNG Vatincan News   Ngày 21/6/2024, phát biểu vào...

Quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HÔN PHỐI ÁP DỤNG CHO TOÀN GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM Để giúp các mục tử...

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Biên bản Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I NĂM 2024 (14 - 18/4/2024) BIÊN BẢN Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội...

Số tín hữu Công giáo tăng từ 1,376 tỷ trong năm 2021 lên 1,390 tỷ vào năm 2022

  SỐ TÍN HỮU CÔNG GIÁO TĂNG TỪ 1,376 TỶ TRONG NĂM 2021 LÊN 1,390 TỶ VÀO NĂM 2022 Hồng Thủy - Vatican News Theo tài liệu...