Chúa Nhật Phục Sinh
SỰ SỐNG MỚI
Đan Viện Phước Hải
Sự sống là một quà tặng vô cùng giá trị, linh thiêng mà Tạo Hóa đặt vào muôn loài. Vì vậy, mọi hữu thể có sự sống đều có cơ chế bảo tồn sự sống của mình. Đối với con người có ý thức thì họ lại càng trân trọng và khao khát sống mãnh liệt hơn. Lịch sử loài người cho thấy, có những người ao ước được trường sinh bất tử như Tần Thủy Hoàng, một đại đế lẫy lừng của Trung Hoa đã bỏ biết bao công sức, của cải, thời gian và hy sinh bao nhiêu mạng người để luyện thuốc trường thọ cho mình, nhưng cũng hoài công khi Thần Chết gõ cửa. Hỡi Tử Thần, mi là ai sao lợi hại thế? Phải chăng là không ai có thể qua mặt được nhà ngươi? Nhưng không, hôm nay Đức Kitô đã bước ra khỏi mồ, phất cao lá cờ Phục Sinh, để những ai bước đi theo Ngài dưới ngọn cờ ấy sẽ không bao giờ còn phải chết nữa.
Chúa sống lại thật rồi.
Sự kiện Đức Kitô Phục Sinh là một biến cố trọng đại đối với lịch sử nhân loại, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận và tin theo mầu nhiệm ấy. Chỉ những ai can đảm tin theo, dám bước vào mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô thì mới có thể cùng Phục Sinh với Ngài.
Cả bốn thánh sử đều tường thuật lại biến cố Đức Kitô Phục Sinh, mỗi người trình bày lại theo cách riêng với dụng ý của mình. Ở đây chúng ta tìm hiểu trình thuật của thánh Gioan, một nhà thần bí sâu sắc, người thừa nhận là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Văn phong của nhà thần nghiệm này thường mang tính biểu tượng, vì thế chúng ta phải làm nổi bật những biểu tượng ấy mới thấm thía được cái thâm thúy, sâu sắc của ông.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.” (Ga 20,1). Khởi đầu đoạn Tin Mừng là khởi đầu của một chương mới, cũng là khởi đầu của một ngày mới, một tuần mới hay rộng hơn là một thời đại mới, một kỷ nguyên mới được Đức Kitô Phục Sinh khai mở bằng chính sự sống mới của Ngài, sự sống lại sau cái chết.
Tuy nhiên, Gioan đã không khởi đầu chương mới này với tràn ngập ánh sáng huy hoàng của ngày mới, nhưng Ngài lại điểm tô nó bằng một nét tương phản, chấm phá giữa sáng và tối “sáng sớm…lúc trời còn tối”. Ánh sáng của ngày mới đã bắt đầu hé lộ, nhưng chưa sáng hẳn mà chỉ từ từ hé mở như người ta kéo tấm màn che ra, vì vậy bóng tối vẫn còn bao trùm trời đất. Cái tối tăm ở đây, không chỉ là cái tối vật lý của không gian nhưng còn là cái tối tăm của con người vẫn đang trong tâm lý ảm đạm của cuộc thương khó. Bà Maria đi ra mộ từ sáng sớm, khi trời còn tối, đi một mình mà không sự gì sao, sợ ma, sợ cướp, sợ bọn dâm tặc…? Lúc này cô như một người mất trí, không còn đủ tỉnh táo để có thể nhìn thấy những bất trắc nguy hiểm mà mình có thể gặp trên đường, cũng không cần suy tính là ai sẽ mở cửa mồ cho mình vào thăm Chúa, cô chỉ biết bước đi dưới sự dẫn đường của con tim hơn là của lý trí. Cô đến mồ để khóc thương người thầy yêu dấu. Vừa thấy tảng đá đã được lăn ra một bên thì cô vội kết luận “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”( Ga 9,2b), rồi cắm đầu chạy về báo tin cho các môn đệ, mà không hề bước vào mộ để xem xét. Phụ nữ là thế, đa số sống thiên về cảm tính hơn là lý tính. Họ dễ khóc cũng dễ cười, dễ tin và cũng dễ yêu, nên các bà thường đạo đức và đi nhà thờ đông hơn các ông là vì vậy.
Được báo tin “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20,3-8) Đến đây ta thấy kết luận của Maria đưa ra đã bị sụp đổ, vì nếu có kẻ đến để trộm xác Chúa đem đi thì hắn không đâu rỗi hơi mà đi cuộn, xếp những băng vải cách gọn gàng như vậy. Chính Gioan đã nhận ra chi tiết này, ông đã thấy và đã tin, vì ông là người sống gẫn gũi bên Chúa nên thường để ý và quen với nếp sinh hoạt của Ngài. Nên dù chỉ là một chi tiết nhỏ thôi nhưng đối với người tinh tế, nhạy bén như Gioan, điều đó đủ để cho thấy Thầy của mình đã sống lại thật rồi. Gioan dù được Chúa yêu, nhưng ông cũng rất khiêm tốn và tế nhị. Được tình yêu thôi thúc, ông chạy thật nhanh ra mộ, trước cả tông đồ Phêrô, nhưng ông không vào trước mà nhường bước cho sư huynh vào, ngay cả cách viết tin mừng của Ngài cũng thể hiện sự tế nhị và nhún nhường đó khi ngài thường đề cập đến tên Phêrô trước tên ngài. Ta thấy rõ Gioan có sự tôn trọng đặc biệt đối với Phêrô, người được Chúa Giêsu tuyển chọn vào vị trị đứng đầu tông đồ đoàn. Sự nể trọng Phêrô cũng cho thấy lòng kính trọng của Gioan đối với thầy mình như thế nào. Điều đó cho thấy tình yêu của ông đối với Chúa rất chân thành và trong sáng chứ không dính chút ghen tương theo kiểu tình cảm nhân loại bình thường.
Sự sống mới trong Đức Kitô.
Tất cả lý chứng được đưa ra dưới ngòi bút của Gioan đủ để chứng tỏ sự phục sinh của Đức Giêsu. Tuy nhiên sự phục sinh của Đức Giêsu có ý nghĩa gì đối với chúng ta, và nó có sức để biến đổi cuộc đời chúng ta không, hay chỉ là một tin mừng thoáng qua?
Sự kiện Đức Kitô phục sinh đã củng cố niềm hy vọng cho những ai tin tưởng nơi Ngài. Như tia sáng chiếu soi vào bóng tối sự chết, sự thất vọng, sự bất công, cũng như mọi thứ tệ hại của cuộc sống trần thế này. Ngài mở cho con người một hy vọng về một đời sống mới xứng đáng hơn, tốt đẹp hơn, với điều kiện là phải cùng Người trải qua mầu nhiệm Vượt Qua để cùng được Phục Sinh với Người. Đó là hãy chết đi cho con người cũ của ta, con người thuộc về hạ giới với những nhỏ nhen, ích kỷ, xấu xa, tội lỗi để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô, con người thuộc về thượng giới được Thần Khí hướng dẫn như lời thánh Phaolô tông đồ: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa …Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3,1-3) Sự sống mới là sự sống sung mãn hơn, trưởng thành hơn nhưng đòi hỏi ta phải can đảm chấp nhận đau đớn để được Chúa uốn nắn, biến đổi như con rắn phải chịu lột xác để lớn lên, như hạt lúa chịu mục nát để sinh ra nhiều hạt khác. (x. Ga 12,24)
Đức Kitô đưa chúng ta vào trong sự sống mới của Người nhờ Thần Khí mà Người đã hứa ban cho các môn đệ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em; Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.”(Ga 16,7), chỗ khác “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Chúng ta đã thấy sự sống mới này được thể hiện nơi các tông đồ của Ngài. Trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, các ông đều là những kẻ nhút nhát, sợ sệt, tham quyền tham chức, đố kỵ lẫn nhau… Nhưng khi Thánh Thần Chúa đến đã biến đổi các ông thành những con người can đảm, mạnh dạn, giàu hy sinh, giàu tình yêu, đầy quyền năng, có thể nói nhiều ngôn ngữ, và làm biết bao việc phi thường nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, Đấng chịu đóng đinh và chết trên thập tự nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại, thậm chí các ông dám can đảm lấy mạng sống mình để làm chứng cho những gì các ông đã tin và rao giảng.
Noi gương các tông đồ, đời sống của chúng ta cũng cần trở nên chứng tá cho đức tin và niềm hy vọng của ta vào Đức Giêsu Phục Sinh, để sau khi kiên trì chạy hết chặng đường, chúng ta giành được phần thưởng dành cho người chiến thắng (x. 2Tm 4,6-8).