Thứ bảy, 7 Tháng mười hai, 2024

SUY NIỆM LỄ BA CHA THÁNH ROBECTO, ALBERICO VÀ STEPHANO, PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO AI TỪ BỎ MỌI SỰ MÀ THEO ĐỨC KITÔ

PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO AI TỪ BỎ MỌI SỰ MÀ THEO ĐỨC KITÔ

(Hc 44,1.10-15; Dt 11,1-2.8-16; Mc 10,24-30) 

Cuộc sống con người là một chuỗi những chọn lựa, mà qui luật có chọn lựa là có loại bỏ. Ba vị Tổ Phụ: Roberto, Alberico, và Stephano Hardingo mà toàn dòng Xitô mừng kính hôm nay đã từ bỏ mọi sự để chọn bước theo Chúa Kitô. Do đó, các Ngài đã được hưởng lời hứa của Chúa Giêsu: “chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30). Cụ thể các Ngài đã từ bỏ những gì? Đâu là phần thưởng của các Ngài? Chúng ta cần từ bỏ những gì khi bước theo Đức Kitô?

1. Các Thánh Tổ Phụ đã từ bỏ những gì?

Từ muôn thuở Thiên Chúa đã tuyển chọn và khơi lên nơi các tổ phụ Xitô lòng khao khát nên hoàn thiện trong từng giây phút sống của mình. Rồi chính Thiên Chúa đã kêu gọi đích danh và các Ngài đã mau mắn đáp lại bằng việc từ bỏ những gì rất thân thương, đảm bảo cho tương lai như gia đình, bạn bè, sự nghiệp… để dấn thân theo Chúa trong ơn gọi đan tu.

Sự từ bỏ không chỉ ở khởi đầu đời tu nhưng là một sự từ bỏ suốt hành trình dâng hiến. Ngày ngày các thánh tổ phụ Xitô nỗ lực chiến đấu từ bỏ ý riêng, để thực thi ý Chúa, chiến đấu khép mình vào kỷ cương của dòng, không ngừng chiến đấu nội tâm để vượt qua được tính đam mê xác thịt, vượt qua tính ích kỷ để xây dựng tình bác ái trong cộng đoàn… Tóm lại là một cuộc chiến đấu trường kỳ và là một sự từ bỏ chính mình hằng ngày để bước theo Đức Giêsu (x. Lc 9,23).

Đối với các Ngài sự từ bỏ đồng nghĩa với việc đón nhận và nỗ lực trung thành với nếp sống đan tu: tách biệt khỏi thế gian, mộ mến thần vụ, giản dị trong trang phục, đạm bạc trong ăn uống, chay tịnh, nhất là những công việc lao động chân tay hằng ngày. Không những thế, các ngài còn từ chối cuộc sống tiện nghi sung túc để có thể trung thành với lý tưởng đan tu theo Tu luật thánh Biển Đức vì các Ngài xác tín: “Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống” (Mt 7,14). Như tổ phụ Abraham các Ngài đã vâng nghe tiếng Chúa rời bỏ đan viện Molesme đi đến vùng đất Xitô thiết lập Tân Đan Viện và bắt đầu xây dựng đời đan tu trong hy vọng, và tin tưởng cậy trông, chính Chúa sẽ hoàn tất những gì các Ngài đã khởi đầu.

2. Đâu là phần thưởng của các Ngài?

Thánh Phanxicô Asisi đã hát lên trong ‘Kinh Hòa Bình’: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.” Khi đi theo Chúa các thánh tổ Xitô tự nguyện hiến thân nên được lãnh nhận đan viện là gia đình, viện phụ là cha, mọi người là anh em cùng nhau chia sẻ đời sống huynh đệ cộng đoàn, nhất là được chính Chúa Giêsu làm gia nghiệp và Nước Trời làm Đất Hứa.

Vâng phục Thiên Chúa cách khiêm tốn và vâng lời tha nhân cách chân thành đã giúp các Ngài vượt qua được chính mình và luôn cảm nhận sự bình an nội tâm vì biết mình đang thực thi ý Cha (x. Ga 4,34; Dt 10,7)

Khổ chế đan tu không làm tinh thần các Ngài nghèo nàn, khô nhạt, khép mình lại với tha nhân nhưng làm cho cuộc sống thêm phấn khởi, lạc quan, đồng cảm trước những nỗi đau của nhân loại. Nhất là khi làm chủ được bản thân, các Ngài đã tìm lại được chính mình. Thật vậy, đời sống các Ngài được Thiên Chúa chúc phúc và làm trổ sinh hoa trái (x. Hc 44,11). Cũng như tổ phụ Abraham được Thiên Chúa chúc phúc và ban cho một dòng dõi như sao trên trời, cát ngoài bãi biển (x. Dt 11,12), thì cây trồng đan tu được các ngài gieo trồng và vun tưới nay đã thành cây cổ thụ tốt tươi và sinh nhiều hoa trái là 13 hội dòng trên toàn thế giới.

3. Chúng ta cần từ bỏ những gì khi bước theo Đức Kitô?

Các thánh Tổ Phụ đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ngài (x. Lc 9,23). Là thế hệ kế thừa, chúng ta hãy dõi theo con đường các ngài đã đi. Có thể nói, sự từ bỏ này càng ngày càng đòi hỏi gắt gao hơn khi thế giới toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống con người ngày nay. Vậy để đủ điều kiện theo Đức Kitô, chúng ta cần can đảm từ bỏ những giá trị vật chất để sống khó nghèo triệt đệ và vâng phục tuyệt đối theo gương Đức Ki-tô, “Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8)… Chúng ta cần biết làm chủ bản thân, nhất là luôn sống trước sự hiện diện của Chúa, để có thể tỉnh thức từ chối những cám dỗ tinh vi của thời đại, hầu giúp chúng ta trung thành với ơn gọi của mình, hay là hoàn thành cuộc tử đạo liên lỉ của đời đan tu.

Tóm lại, ‘từ bỏ’ luôn là điều kiện tiên quyết để đi theo Đức Kitô và là yếu tố bao trùm toàn bộ đời sống đan tu. Nó như là một sợi chỉ xuyên suốt tiến trình đời sống tu của các thánh Tổ Phụ: lắng nghe, vâng phục, khiêm nhường, hy sinh, khổ chế, đón nhận đau khổ, ra đi, xây dựng và cậy trông vào Chúa. Các ngài như hạt giống chịu mục nát để làm trổ sinh Dòng Xitô xanh tốt. Các Ngài đã từ bỏ tất cả để trung thành với lý tưởng đan tu. Noi gương các Ngài chúng ta cần can đảm lội ngược dòng đời nghĩa là ‘từ bỏ những gì thế gian chọn và chọn những gì thế gian loại bỏ’. Để được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau như lời hứa của Chúa Giêsu cho kẻ từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài (x. Mc 10,29-30). 

Nữ tu Mai Lệ Thi

 

 

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

9/12 – Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

    ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI (Lc 1,26-38) M. Bảo Hạnh, Phước Lý Phụng vụ Giáo Hội bước vào tuần thứ hai Mùa Vọng, thời gian...

Chúa Nhật II MV, C, Lc 3,1-6: Cách chuẩn bị cho Chúa đến

    Cách chuẩn bị cho Chúa đến (Pl 1,4-6.8-11; Lc 3,1-6) M. Bosco, Phước Sơn      Chuẩn bị đón Chúa chính là ý nghĩa của mùa Vọng....

Chúa Nhật I Mùa Vọng, C, Tỉnh thức

    Tỉnh thức (Gr 33,14-16; 1Tx 3,12 - 4,2; Lc 21,25-28.34-36) M. Anges, Phước Thiên      Thời gian là quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta....

Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Phải chăng tử đạo vì chán đời?

  Ngày 24-11, Lễ Các Thánh Tử Đạo Tại Việt Nam Phải Chăng Tử Đạo Vì Chán Đời? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, toàn...

Mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, Lc 9,23-26

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Mừng kính các tử đạo Việt Nam là dịp...

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua?

Chúa Nhật XXXIV, Thường Niên B (Đn 7,13-14; Kh 1,5-8; Ga 18,33-37) Đức Giêsu Kitô Là Vua? Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Theo quan niệm thông...

Chúa Nhật XXXIV TN, B, Ga 18,33b-37: Vua Tình Yêu 

  Vua Tình Yêu  (Ga 18,33b-37) M. Phan Sa, PV      Những tuần qua, thế giới đã theo dõi ngày bầu cử tổng thống Mỹ khá thú...

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam: Tình yêu tự hủy – con đường của người môn đệ

  Các thánh tử đạo Việt Nam 25/11 TÌNH YÊU TỰ HỦY – CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (Lc 9,23-26) M. David, VP Khác với Tin Mừng theo...

Chúa Nhật XXXIV TN, Lễ Chúa Giêsu Kitô – Vua Vũ Trụ

  Vương Quyền của Đức Kitô (Ga 18,33b-37) M. Andre Kim Taegon Chu Văn Thường, Phước Hiệp Vào Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội cử...

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón ngày tận thế

Chúa Nhật XXXIII Thường Niên B (Đn 12,1-3; Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32) Đón Ngày Tận Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa nhật áp chót năm...

Chúa Nhật XXXIII TN, B, Mc 13,24-32: Không biết ngày giờ tận thế vẫn tốt hơn?

    KHÔNG BIẾT NGÀY GIỜ TẬN THẾ VẪN TỐT HƠN? (Mc 13,24-32) M. Eugenio Nguyên, Phước Lý Có một bí mật, mà bất cứ thời đại nào, cho...

Chúa Nhật 32 TN, B, Mc 12,38-44: Tấm lòng sẻ chia của bà góa nghèo

      Tấm lòng chia sẻ của bà góa nghèo M. Phaolô Thụy, Châu Thủy Ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng như thế nào? Bài...