Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm – Lễ thánh BÊ-NA-ĐÔ: CUỘC ĐỜI THẮM ĐƯỢM NGÔI LỜI

TN-140-LR-lễ thánh Bênađô (20/8/2021)

CUỘC ĐỜI THẤM ĐƯỢM NGÔI LỜI

 (Kn 7,7-10.15-16 / Cr 1,26-31 / Mt 5,13-19)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Thánh Bê-na-đô sinh vào năm 1090. Vào mùa xuân năm 1112, ngài bước vào đời sống xi-tô lúc vừa tròn 23 tuổi. Ba năm sau, vào năm 1115, ngài được sai đi thành lập một đan viện mới được đặt tên là “Thung Lũng Ánh Sáng” (Claravalle). Nhiều người lũ lượt kéo đến đan viện, và ngài phải thành lập nhiều đan viện mới. Danh tiếng ngài lan rộng. Người ta nhận thấy nơi ngài hình ảnh một con người của Thiên Chúa. Vì công việc đòi hỏi để phục vụ Giáo Hội, ngài phải xuất hành nhiều. Dầu vậy, dù là con người hoạt động không ngơi nghỉ, ngài luôn là một đan sĩ xi-tô chìm đắm trong chiêm niệm sâu xa.

Hôm nay, nhân ngày lễ kính thánh Bê-na-đô, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài nét chấm phá của sự chiêm niệm nơi thánh nhân. Tôi muốn diễn tả điều đó cô động trong diễn ngữ “CUỘC ĐỜI THẮM ĐƯỢM NGÔI LỜI”. Ngôi Lời Thiên Chúa, là Chúa Giê-su Ki-tô, có một vị trí lớn nhất trong linh đạo và chiêm niệm của thánh Bê-na-đô, để chúng ta cũng sống mối tình nồng ấm với Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Tình Quân của mỗi chúng ta.

 1. NGÔI LỜI ĐẪ HẠ CỐ

Nơi thánh Bê-na-đô, chiêm niệm là một ánh nhìn kinh ngạc đưa đến sự thán phục, ngạc nhiên, sững sờ, và ngay cả đến chỗ xuất thần. Tâm hồn thánh nhân rung động và bừng cháy ngọn lửa khát khao của một tình yêu nồng thắm. Khi cử hành mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, trong niềm vui chiêm niệm, ngài đã thốt lên:

“Anh em thân mến, chúng ta vừa mới cử hành biến cố của Chúa, với tất cả tâm hồn, hớn hở với một niềm an ủi khôn tả; sững sờ vì một sự hạ cố đến như vậy, nồng ấm vì một tình yêu đến như thế!”

Trước sự hạ cố vì tình yêu của Ngôi Lời, thánh Bê-na-đô đã không cầm giữ được “dòng lệ”: “Tôi không còn có thể cầm giữ được niềm vui khi thấy Đấng Cao Cả hạ mình xuống như thế”. Đó là niềm vui chiêm niệm. Đó là niềm vui của một con tim rung động trước tình yêu lớn lao của Ngôi Lời Nhập Thể. Tình yêu đó chiếu soi ánh sáng trên thánh nhân và ngài nhận ra mình được yêu:

“Đối với tôi là kẻ đang yêu, tôi không chút nghi ngờ rằng mình được yêu, cũng không nghi ngờ rằng tôi yêu. Tôi không thể nghi ngờ sự hiện diện của Người mà tôi cảm nhận được tình yêu của Người. Bạn hỏi tôi làm sao tôi cảm nhận tình yêu của Người.”

Thánh Bê-na-đô trả lời: “Trong sự kiện là dù rằng tôi khốn nạn, thì không những Người tìm kiếm tôi, mà lại còn cho tôi lòng khao khát kiếm tìm Người, và như thế là tôi chắc chắn sẽ tìm thấy Người. Tại sao tôi lại không lại không đáp lại sự tìm kiếm của Người, tôi là kẻ đã đáp lại tình yêu của Người… Người đã tìm kiếm tôi khi tôi còn khinh chê Người, làm sao Người lại có thể xua đuổi tôi, kẻ bây giờ đang tìm kiếm Người.”

Thánh Bê-na-đô đã luôn biết “hiện tại hoá” và “cá vị hoá” những Mầu Nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa. Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời – khi được cử hành và sống – trở nên nơi của sự “nhập thể” trong chính con người của thánh nhân. Điều này mời gọi chúng ta cũng sống mầu nhiệm của Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, không phải dừng lại nơi những thứ trang trí bên ngoài như hang đá với muôn màu muôn sắc muôn ánh sáng đèn mầu, mà để “nội tâm hoá”, để mầu nhiệm “nhập thể” trong cuộc sống chúng ta. Và đó là chiêm niệm. Đó là việc cử hành đúng đắn nhất.

Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giê-su Ki-tô hạ cố làm người, để “ở cùng chúng ta”, để Người sống động trong cuộc đời chúng ta và làm cho nó năng động. Người đã đến viếng thăm chúng ta.

 2. NGÔI LỜI ĐẾN VIẾNG THĂM

Thánh Bê-na-đô trình bày những kinh nghiệm bản thân một cách hết sức đơn giản để giúp đỡ các tâm hồn. Trước hết, ngài giải thích sự viếng thăm của Ngôi Lời là gì:

“Chúng ta hãy nói Ngôi Lời là Thiên Chúa và là Đấng Tình Quân của linh hồn. Người đến với linh hồn theo cách thức Người thích; rồi sau đó, bỏ rơi linh hồn…”

Và đây là kinh nghiệm của bản thân thánh nhân: “Tôi tuyên chứng, mặc dầu cho đó là điên dại, rằng Ngôi Lời đã viếng thăm tôi và không phải chỉ một lần. Nhưng, dù Người khá thường xuyên đi vào trong tôi, dẫu vậy, không phải lúc nào tôi cũng nhận ra. Tôi đã cảm thấy Người ở đó, tôi nhớ rõ ràng Người đã hiện diện, ngay cả đôi khi tôi cũng linh cảm Người bước vào, nhưng không nhìn thấy Người bước vào cũng như Người ra đi.”

Vậy, làm sao có thể biết Ngôi Lời hiện diện trong mình? Thánh Bê-na-đô trả lời bằng chính kinh nghiệm của mình: “Chắc chắn anh em tự hỏi là làm sao tôi có thể nhận ra Người hiện diện, bởi vì những nẻo đường của Người ai dò cho thấu, và chính Người sống động và kiến hiệu. Ngay khi Người đến trong tôi, Người đã thức tỉnh hồn tôi đang ngủ mê: Người đã lay động, làm mủi lòng và gây thương tổn trái tim chai cứng và bệnh tật của tôi. Người bắt đầu nhổ, phá huỷ, xây dựng và vun trồng; tưới mát những gì là khô cằn, soi sáng những gì là tối tăm, mở ra những gì là đóng kín, sưởi ấm những gì là nguội lạnh, uốn thẳng những gì là cong queo, san bằng những gì là gồ ghề và khúc khỉu, đến nỗi hồn tôi ca ngợi Chúa, và tất cả những gì trong tôi đều ngợi khen danh thánh Người… Tôi đã không biết một chút chuyển động nào về phía Người; tôi chỉ nhận thấy sự hiện diện của Người qua một chuyển động của trái tim tôi. Tôi đã ghi nhận sức mạnh quyền năng Người hoạt động trong tôi qua việc các nết xấu đã trốn chạy và những đam mê chết đi.”

Như vậy, Ngôi Lời là Chúa Giê-su Ki-tô viếng thăm linh hồn và linh hồn cảm nghiệm thấy sự viếng thăm này qua các hiệu quả của sự hiện diện của Người. Khi Chúa đến trong tâm hồn, đi vào cuộc đời của ai đó, Người hành động để biến đổi, để hoán cải họ trở thành một “tạo vật mới”, một cung điện thánh thiện cho Thiên Chúa ngự trị. Những gì được thánh Bê-na-đô quảng diễn trên kia, mỗi chúng ta cũng cảm nghiệm thấy trong cuộc đời mình. Chính Chúa đến để biến đổi chúng ta nên thánh thiện, để có thể sống xứng đáng với tình yêu của Người. Chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Người trong chúng ta, trong sâu thẳm tâm hồn.

 3. TIỆC CƯỚI NGÔI LỜI

Thánh Bê-na-đô đã vẽ lên một lộ trình thiêng liêng của một linh hồn “thấm đượm Ngôi Lời” từ việc chiêm niệm sự hạ cố của Ngôi Lời gây nên sự ngỡ ngàng, sững sốt để xác tín được Chúa yêu thương và có khả năng yêu mến Người; đến việc Ngôi Lời đến viếng thăm và ở lại trong linh hồn để thực hiện công việc “thánh hoá” linh hồn. Hai chặng đường đó dẫn đến sự “kết hiệp mật thiết” với Ngôi Lời. Sự kết hiệp này được diễn tả qua hình ảnh ‘TIỆC CƯỚI VỚI NGÔI LỜI” hay là “hôn ước thiêng liêng” với Ngôi Lời.

Bất cứ linh hồn nào cũng có thể có lòng khao khát tiệc cưới với Ngôi Lời, dù họ ở trong tình trạng nào:

“Bất cứ linh hồn nào, dù đã nhiễm nhơ tội lỗi, nô lệ cho dục vọng, lưu đầy và bị giam hãm, nhốt kín trong tù ngục thân xác, chìm đắm trong bùn nhơ, lặn sâu trong vũng lầy, bị trói cột trong các chi thể, ưu tư với bao lắng lo, bận rộn với trăm công nghìn việc, ưu sầu buồn thảm, đau đớn tác hại, lầm đường lạc lối, hoang mang lo âu, nghi ngờ giao động, cuối cùng là sống trên mảnh đất của kẻ thù…cũng có thể ao ước tiệc cưới với Ngôi Lời.”

Điều thánh Bê-na-đô vừa nêu lên mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Dù chúng ta có là gì, dù tình trạng tâm hồn chúng ta ra sao, trong chúng ta vẫn còn nỗi khát khao được sống thân tình với Chúa Giê-su, Đấng Tình Quân của linh hồn. Một khi niềm khát khao đó được kích hoạt, chắc chắn Chúa sẽ dẫn đưa linh hồn vào tiệc cưới của Người, nghĩa là vào trong sự hiệp nhất, thân mật của hai tâm hồn.

“Ở cấp độ này, trái tim được thanh tẩy, linh hồn chỉ khao khát Thiên Chúa, và không điều gì khác là chính Người. Thật vậy, qua kinh nghiệm được lập đi lập lại, linh hồn học được rằng Thiên Chúa tốt lành với những ai đặt niềm hy vọng nơi Người, đối với linh hồn tìm kiếm Người, đến nỗi từ trong sâu thẳm lòng mình, với trái tim trọn đầy, họ thốt lên cùng Vịnh Gia: ‘Con còn ai chốn trời xanh, bên Ngài thế sự thật tình chẳng ham. Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn” (Tv 72,25)… Linh hồn chỉ còn một ước muốn duy nhất, tuyệt đối: đó là Đức Vua dẫn nó vào thâm cung, để nó có thể kết hiệp với Người và vui hưởng Người. Lúc ấy, linh hồn chiêm ngưỡng vinh quang của Đấng Tình Quân thần linh, và thấy mình được biến đổi nên giống hình ảnh của Người… Khi ấy, linh hồn đáng được nghe lời này ngỏ với mình: ‘Bạn tình của tôi là của tôi, và tôi thuộc về Chàng’. Thật là rạng ngời, đó là cuộc đối thoại diệu kỳ và tuyệt vời mà Hiền Thê ngỏ lời với Đấng Tình Quân.”

Đó là điểm đến của cuộc sống của chúng ta trên trần gian này, đó là kết hiệp nên một với Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Chính Chúa cũng mong ước điều đó, khi Người mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong Người”, “ở lại trong tình yêu của Người” (x.Ga 15,4.7.9-10), và đó cũng là điều Chúa cầu nguyện với Chúa Cha: “Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23).

Chúng ta mừng lễ thánh Bê-na-đô, một viện phụ cũng là một linh phụ không những cho các đan sĩ Xi-tô mà cho toàn thể Giáo Hội. Ngài là “Tiến Sĩ Mật Ngọt”, nghĩa là, qua đời sống và các tác phẩm của ngài, Tình Yêu của Ngôi Lời, Đấng Tình Quân của linh hồn, được đề cao và nhất là để được cảm nghiệm. Chúng ta được mời gọi đến thụ huấn nơi ngôi trường của “những con người của kinh nghiệm”, nghĩa là những con người đã được hưởng những kinh nghệm về Thiên Chúa, về Ngôi Lời. “Những ai chưa học biết, ước gì họ đến thụ giáo tại ngôi trường này, họ hãy hướng về đó để thấy, họ tò mò để kinh nghiệm là làm sao những điều tuyệt hảo như vậy lại được thực hiện”.

Một cuộc đời thấm đượm Ngôi Lời như cuộc đời của thánh Bê-na-đô, là một cuộc đời ướp hương Chúa Ki-tô, là một cuộc đời đậm vị tình yêu Chúa Ki-tô. Và khi như thế, cuộc đời đó mới “đậm vị muối”, mới “dậy men” cho người khác, như Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ Chúa trở nên và mang ảnh hưởng đến cho trần gian.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B, Ga 6,1-15 Bánh Nuôi Hồn

Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm B, Ga 6,1-15 Bánh Nuôi Hồn Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Trong năm phụng vụ, chúng ta đã nghe-đọc-gẫm nhiều lần...

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...