MỪNG ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Sb 15,3-4.15-16.16,1-2; 1Cr 15,54b-57; Lc 11,27-28
Hướng đến ngày lễ Mẹ Lên Trời, lời bài hát của nhạc sĩ Phan-xi-cô lại về trong đầu tôi với cụm từ, “Mẹ bay lên, Mẹ bay lên”. Chẳng ai thấy Mẹ bay lên cả nhưng tác giả muốn diễn tả Mẹ bay lên để chiếu sáng niềm tin; Mẹ bay lên để chúng ta hướng lòng lên quê hương đích thật; Mẹ bay lên để giương cao niềm hi vọng và vượt qua mọi gian truân trần thế.
Mừng ngày Mẹ về trời, về với quê hương đích thực, chắc hẳn là niềm vui và hạnh phúc tuyệt đỉnh của Mẹ, và của mỗi chúng ta là con cái của Mẹ. Người con nào lại không vui, không mừng khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc trên gương mặt mẹ mình, “hạnh phúc của tôi là được thấy nụ cười trên môi của người mình yêu”, cho dù gương mặt ấy đã hằn sâu những nếp nhăn của vất vả và thời gian. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu trong sự đơn sơ đã cầu nguyện cho mẹ của mình mau chết. Khi được hỏi tại sao? Thánh nhân trả lời : vì thương mẹ, muốn mẹ chết để được lên thiên đàng cho mẹ hạnh phúc. Muốn là thế, nhưng xa mẹ lại là một niềm đau, một sự mất mát và trống vắng. Giữa chốn lưu đày còn đầy nhiễu nhương, nhưng Mẹ về trời cũng là niềm hi vọng cho chúng ta.
Khi Chúa Giêsu về trời trước mắt các môn đệ, các ông đã mải mê nhìn trời trong sự tiếc nuối. Thiên thần đã bảo các ông : “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời!” (x. Cv 1,11). Lời Chúa hôm nay hướng mắt chúng ta nhìn lại lịch sử cứu độ và con đường mà Đức Maria đã đi là cưu mang và thực hiện Lời Chúa trong cuộc đời.
Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay được diễn tả như một cuộc rước Hòm Bia lên đền của Thiên Chúa trong sự vui mừng khải hoàn (x. 1Sb 15,3.16), Đức Maria là hòm bia đích thực cưu mang Ngôi Lời của Thiên Chúa là Đức Giêsu. Hòm Bia giao ước là niềm vinh dự, là sức mạnh, niềm hi vọng và là sự chiến thắng cho Israel, thì đây, từ lòng Mẹ Ngôi Lời Giêssu “chiến thắng tử thần” (1Cr 15, 54b.57). Vì thế, thật là phải đạo và chính đáng khi Tin Mừng hôm nay kể lại lời khen ngợi được thốt lên từ miệng một người phụ nữ nghĩ về hạnh phúc của người mẹ có được một người con như Chúa Giêsu : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Chúa Giêsu đã sửa lại câu nói ấy, đúng hơn phải nói rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Phúc được là người thân nghĩa với Chúa Giêsu không chỉ giành riêng cho một mình Mẹ Maria, nhưng nhờ Mẹ, phúc ấy đã nhập thể và nhập thế ở giữa chúng ta.
Qua Mẹ Maria, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử. Giờ đây, ai phục vụ anh em mình trong bác ái và công chính là phục vụ Chúa; ai cho một trẻ thơ bỏ rơi bú mớm là cho chính Chúa, là mẹ của Chúa vậy. Cái phúc của Mẹ không chỉ dừng ở chỗ cho bú mớm, nhưng phúc vì Mẹ đã sinh và nuôi dưỡng một người con có sức giải phóng không chỉ một dân tộc mà là cả một nhân loại. Bối cảnh mà Mẹ sống là một dân tộc đang sống trong sự sợ hãi và đe dọa của một cường quốc Roma hùng mạnh, vô thần đang thống trị. Dân tộc của Mẹ cần hơn bao giờ hết một vị cứu tinh. Trước tình cảnh đó, Mẹ Maria không lồng lộn chưởi bới, nhưng âm thầm và mãnh liệt hơn trong lời cầu nguyện. Thế lực mà Mẹ cầu cứu là chính Chúa, vì Mẹ đọc và học được điều đó từ lịch sử thánh của dân tộc Israel. Một Đa-vid có thể đánh thắng tướng Go-li-át, một bà Du-đi-tha cũng có thể chặt đầu một vị tướng lừng danh, nhưng Mẹ Maria đã chọn cứu nhân loại bằng con đường cầu nguyện như hoàng hậu Es-ther. Quả thật, “cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Ngài đã lật đổ ngai vàng phường kiêu căng, nâng đỡ kẻ bị áp bức, và giải phóng kẻ nghèo hèn, cho họ được tự do (x. Magnificat).
Dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay cũng giống dân tộc của Mẹ Maria ngày xưa, dân đang sống trong cảnh hoang mang sợ hãi sự xâm lăng của một cường quốc Trung Cộng đang từng ngày lũng loạn và tạo nên nỗi sợ hãi. Trước những thế lức ấy đâu là nơi để chúng ta hi vọng? Phải chăng là các vị lãnh đạo của chúng ta hiện nay? Không, chúng ta có một nơi nương tựa đầy hy vọng là chính Chúa mà tác giả thánh vịnh 118 nhắc nhở chúng ta: “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (Tv 118, 8-9).
Mẹ Maria phận nữ tỳ, nhưng đã gánh lấy vận mệnh đất nước làm trách nhiệm của mình. Chúng ta hôm nay, là Kitô hữu, trách nhiệm nào đang mang trên mình, tâm tư nào trước đồng bào lâm nguy? Lý do nào chúng ta đang dấn thân để hiện hữu? Mẹ lên trời khơi niềm hi vọng cho chúng ta. Như hoàng hậu Es-ther trong y phục kiều diễm, Mẹ chúng ta lên trời mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, triều thiên mười hai ngôi sao làm vương miện. Mẹ diện kiến bên ngai Cha Vinh Hiển cùng với con chí ái của Mẹ là Đức Giêsu. Bên tòa Chúa, Mẹ không ngừng quan tâm đến những người con là chúng ta. Đó là lời cầu xác tín của Giáo Hội trong ngày lễ Mẹ về trời: “Lạy Chúa, Chúa đã đem Mẹ Maria ra khỏi cõi đất lưu đày này, để Mẹ luôn luôn can thiệp bên Chúa, can thiệp một cách hoàn toàn hiệu lực…”
Mẹ hiện ra ở Fatima, Bồ Đào Nha (1917) với ba lời khuyên nhủ: – Cải thiện đời sống – Lần hạt Mân Côi – Tôn sùng Trái Tim Mẹ. Đó là những đòi hỏi căn bản và cần thiết mà nhân loại cần thực hiện để thế giới được thái bình, chấm dứt lầm than, đau khổ và khốn khó. Trước sự bất an của xã hội hiện tại, Ðức Bênêđíctô XVI khuyên bảo: “Tương lai bây giờ bị lâm nguy hơn trong quá khứ, nhưng chúng ta không nên ngã lòng, đúng hơn, phải tăng gấp đôi sự dấn thân cho hòa bình”. Ngày xưa mười hai môn đệ với Mẹ Maria đã có thể thay đổi cả một thế giới, còn ngày nay bao nhiêu triệu người công giáo chúng ta có thể thay đổi vận mênh của đất nước chúng ta không? Câu trả lời tùy thuộc vào đời sống và sự kết hiệp với Thiên Chúa và với Mẹ Maria; tùy thuộc vào chúng ta có vâng nghe và thi hành lời nhắn nhủ của Mẹ. Trong ngày mừng Mẹ về trời, chúng con mượn lời của Thánh Bênađô để cảm ơn Chúa: chúng ta hãy tri ân và cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ trung gian như vậy.
Anton Nhâm-PV