Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 28 TN-B

 

CÁI NHÌN

Kn 7, 7-11; Mc 10,17-30 

  1. M. FranÇois De Sales, An Phước 

Tiền, ai không thích; nhất là được giữ và sử dụng tiền mà không phải ghi sổ và trình sổ với ai, vì dường như :

                Đồng tiền không phấn không hồ,

              Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người.

         Kinh nghiệm này làm con người đua nhau chạy theo đồng tiền, tưởng chừng như đồng tiền là tất cả. Đồng tiền có quyền lực trên tất cả không, hay là con người phải tìm điều gì khác để mình có giá trị vĩnh hằng ? Cái nhìn của anh thanh niên và cái nhìn của Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm ra câu trả lời. 

1. Cái nhìn của anh thanh niên

Anh thanh niên là một người giàu sang, có địa vị trong xã hội, được nhiều người kính nể, đời sống luân lý tốt (vì anh đã nghiêm túc tuân giữ các giới răn từ bé). Theo tiêu chuẩn thông thường, anh kể là người có đầy đủ mọi thứ để được hạnh phúc. Giờ đây của cải vật chất chưa làm anh thỏa mãn, anh vẫn thấy thiếu điều gì đó. Anh cung kính nói lên khát vọng lớn lao trong lòng với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?”

Tước hiệu “nhân lành” này dành riêng cho Thiên Chúa. Khi cung kính thưa với Chúa Giêsu danh hiệu đó, dường như anh đã nhận ra thiên chức của Chúa Giêsu rồi. Anh thật đáng được trân trọng. Anh lại càng đáng được trân trọng hơn khi nói lên khát vọng của mình là: “phải làm gì để được sống đời đời?” Một khát vọng tưởng như anh đã tìm đúng người để hỏi, và anh đã đưa ra một câu hỏi chính xác.

Nhìn thấy phong cách cung kính và lòng nhiệt thành của anh như thế, có lẽ người ta dễ nghĩ rằng anh cũng đang sẵn sàng và đầy lòng thành để thực hành điều mà Chúa Giêsu sắp hướng dẫn anh. Nhưng, câu chuyện không diễn tiến như người ta tưởng, vì sau khi nghe Chúa Giêsu đề nghị “hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”, anh đã “sa sầm nét mặt và buồn sầu bỏ đi”.

Khi nghe “hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo’ thì anh đã ‘giật mình thất kinh’. Hai tai của anh khi ấy có lẽ cũng ù lên, không còn nghe thấy câu “sẽ có một kho báu trên trời”.  Phải chăng dù đến thỉnh ý Chúa Giêsu, nhưng anh cũng đã mường tưởng ra một đáp án nào đó cho câu hỏi của anh ! Anh không thay đổi được ‘cái nhìn về của cải’ của  mình. Có lẽ cái nhìn của anh rất thực tế, giống cái nhìn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

                     Ðời nay nhân nghĩa tựa vàng mười 
                     Có của thì hơn hết mọi lời 
                     Trước đến tay không, nào thiết hỏi 
                     Sau vào gánh nặng, lại vui cười 
                     Anh anh, chú chú, mừng hơn hớn 
                     Rượu rượu, chè chè, thế tả tơi 
                     Người của, lấy cân ta thử nhắc 
                     Mới hay rằng của nặng hơn người.

                      (Của nặng hơn người)

       Nếu có một cái nhìn về của cải như thế, thì quả là một bầu trời tối đen và sụp đổ theo nét mặt sa sầm và bước chân buồn rầu bỏ đi của anh, để lại cho người nghe truyện một khoảng trống hụt hẫng! Đối với anh, ‘có tiền mua tiên cũng được’, anh đã từng trải nghiệm. Nên, lời dạy của Chúa Giêsu, anh coi là không thiết thực. 

2. Cái nhìn của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu tôn trọng tự do của con người. Ngài tiếp tục nói với những người còn ở lại : “Những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao !” Anh thanh niên có nhiều của cải đã “sa sầm nét mặt và buồn sầu bỏ đi”, và lời thông báo của Chúa Giêsu “vào Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!” Bài học nào cũng khó cả. Môn sinh đều sửng sốt.  Anh thanh niên và các người khác đều chưa hiểu ‘Nước Thiên Chúa’ do Chúa Giêsu giới thiệu là ‘Nước’ gì mà đòi hỏi tiêu chuẩn cao như thế.

Nhưng, cái nhìn của Chúa Giêsu dành cho anh ta, bao hàm một ánh mắt nhân từ đại lượng và một tin vui :  “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”. Anh thanh niên và các môn đệ đều không nắm bắt được trọn ý Chúa Giêsu, họ quên lời “những kẻ cậy dựa vào tiền bạc” thì mới ‘khó’ vào Nước Thiên Chúa. Như thế, ‘nếu người cậy dựa Thiên Chúa’, thì “đối với loài người là không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Chúa Giêsu muốn hướng ‘cái nhìn bất toàn về vật chất’ của anh thanh niên vào ‘cái nhìn thiện hảo về tinh thần’ của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, Chúa Giêsu muốn chỉ dạy cho anh thanh niên điều khôn ngoan không như điều khôn ngoan của người đời (nhưng cái điều khôn ngoan đó lại lạ thường, vì ai lại bán đi những gì mình đang nắm chắc trong tay để theo đuổi một tương lai không có gì là bảo đảm như vậy!)  Cho nên giữa hai sự khôn ngoan, của Chúa và của trần gian, anh thanh niên đã không đủ quảng đại dấn thân chọn theo Chúa. 

Cái nhìn của Chúa Giêsu, giờ đây rõ ràng là muốn anh thanh niên hoặc bất luận ai đang thao thức về sự hoàn thiện, phải hướng lên theo cái nhìn của Thiên Chúa. Nói cách khác, đi tìm sự khôn ngoan chưa đủ, nhưng còn phải nhận chân giá trị của khôn ngoan, dám đánh đổi mọi sự để chiếm hữu được khôn ngoan ấy.  Vì sự khôn ngoan đích thực là chọn Thiên Chúa làm cứu cánh cuộc đời (x. Kn 7,7-11-Bài Đọc I; 2 Sb 1,7-12).

Chúa Giêsu chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nên Chúa Giêsu mời gọi anh thanh niên đi theo Người. Theo Chúa Giêsu để Người chỉ cho thấy cái cốt lõi của đạo không phải chỉ là nắm giữ những giới răn theo hình thức, nhưng là tìm gặp được chính Thiên Chúa nhân lành và làm điều Thiên Chúa nhân lành muốn. Không phải đồng tiền có quyền lực trên tất cả. Thiên Chúa mới là vĩnh hằng.

Phải chăng câu hỏi của anh thanh niên tự bạch một thứ tâm lý tự tôn tự mãn, ẩn mình trong cách tuân giữ giới răn ? Con người hôm nay cũng cần xét lại thái độ giữ luật của mình ? Thái độ này có nói lên tinh thần của Chúa Giêsu không ?

Khi được hỏi : “Ngài là ai ?” Đức Phanxico trả lời : “Tôi là kẻ có tội”. Đây là định nghĩa chính xác nhất. Đây không phải là một cách nói, hay một kiểu văn hoa. Tôi là một người có tội.” (x. Tạp Chí Dòng Tên America, tháng 9-2013). Đức Phanxicô đã đổi ‘cái nhìn’ về Giáo Hoàng. Từ nền tảng này, Ngài đã có ‘cái nhìn’ về Hội Thánh Chúa Giêsu. Tác giả Ray Hennessey viết : “Đức Phanxicô chống lại cái gọi “đồng tiền là vua”. Từ nền tảng Dòng Tên, Ngài muốn có một Hội Thánh nghiêm nhặt, chú trọng vào sự mộc mạc thay vì hoa mỹ. Ngài có câu nói nổi tiếng là “Ôi, tôi mong ước có một Hội Thánh nghèo cho người nghèo.” Nghèo khổ là một chủ đề dai dẳng. Dù cả đời mình, Đức Phanxicô sống theo lời khấn khó khăn của một tu sĩ Dòng Tên, nhưng không phải tu sĩ nào đã khấn nghèo cũng sống nghèo được.

Hôm nay, câu hỏi của anh thanh niên: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?” cũng là câu hỏi của mỗi người chúng ta. Xin cho chúng ta vững tin vào lời Chúa đã nói : “Thiên Chúa làm được mọi sự”.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...