NGƯỜI ĐIẾC VÀ NGỌNG ĐƯỢC XÓT THƯƠNG
Is 35,4-7a; Mc 7,31-37
Nữ đan viện Phước Thiên
Có thể nói trong dòng lịch sử nhân loại, con người luôn đi tìm cho mình những câu trả lời về các vấn đề của cuộc sống. Bên cạnh những câu hỏi mang đầy tính triết học như “Con người từ đâu tới?” “Con người sống để làm gì?” và “Sau khi chết con người sẽ đi về đâu?” … còn có những câu hỏi mang tính nhân sinh như “Ý nghĩa cuộc đời là gì?” hay “Thế nào là hạnh phúc thật?” Và một trong những câu hỏi mà có lẽ nhiều người thao thức tìm cho được câu trả lời, đó là: “Đâu là ý nghĩa của sự đau khổ?” Chắc chắn Thiên Chúa không làm ra đau khổ, nhưng đau khổ dường như không vắng bóng trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nhờ đau khổ mà người ta nhận ra vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay phần nào cho chúng ta thấy điều đó.
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Nhưng đôi khi, những hình ảnh ấy chưa được trung thực vì còn phải mang một khuyết điểm nào đó trên thân thể mình. Và khiếm khuyết nào cũng hàm ý mất mát, bất hạnh, vì nó làm ngăn trở sự phát triển toàn diện con người, ngăn trở tương quan với tha nhân và với vạn vật. Dường như chúng ta bất lực trước nỗi khổ ấy của con người, nên chúng ta khao khát và mong chờ một sức mạnh thần thiêng có thể giải thoát, cứu chữa ta khỏi những khiếm khuyết ấy.
Từ xa xưa, ngôn sứ Isaia đã loan báo cho nhân loại biết Đấng cứu chữa con người sẽ đến. Khi đến, Người sẽ làm cho “mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được”, “người què sẽ nhảy nhót, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Điều đó có nghĩa là gì nếu không phải là qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa muốn nói Người là Đấng cứu chuộc con người? Người sẽ bù đắp cho con người hình ảnh tốt đẹp theo ý muốn của Chúa mà con người đáng được hưởng. Khi được bù đắp, con người được giao hòa với nhau và với cả vạn vật, nhất là với Đấng đã dựng nên và cứu chuộc con người.
Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện nơi Đức Giêsu. Trình thuật Tin Mừng Marcô kể lại khi Chúa Giêsu đến biển hồ Galilê thì “người ta đem đến cho Người một người vừa điếc vừa ngọng” để xin Người đặt tay trên người ấy. Anh ta đáng được yêu thương chữa trị. Có lẽ bản thân anh khát khao được tương giao với mọi người nên anh mới khiêm tốn để cho người ta dắt mình đến với Đức Giêsu, bất kể trên hành trình đến với Chúa có thể có người sẽ chọc gẹo, chê cười anh. Anh ta bị điếc nên chưa được nghe nói về Đức Giêsu. Anh ta bị ngọng nên không thể trình bày cho mọi người hiểu bằng ngôn ngữ. Một cách nào đó, anh bị loại trừ khỏi sinh hoạt cộng đồng. Nhưng anh đã được thương xót nhờ đức tin của những người xung quanh.
Ở đây chúng ta thấy một hình ảnh tuyệt vời về sự liên đới hiệp thông. Những con người ở miền Thập Tỉnh đã biết yêu thương đùm bọc nhau. Khi nhận ra nhu cầu cần được chữa lành của người anh em, và khi họ biết là họ bất lực thì niềm tín thác của họ vào Chúa thúc đẩy họ đưa người điếc và ngọng tới gặp Chúa.
Khi làm phép lạ và chữa bệnh, Chúa thường hỏi chính người bệnh: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10,51; Lc 18,51); “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” (Mt 10,28); “Anh có muốn khỏi bịnh không?” (Ga 5,6) hay “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?” (Mt 20,32). Trong trường hợp này thì khác. Chúa chủ động kéo anh ta ra khỏi đám đông và Người chữa lành cho anh bằng những hành động như đặt tay vào miệng anh, nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh. Anh được lành bệnh và anh trở thành hình ảnh của người nhận ơn cứu độ mà ngôn sứ Isaia đã nói tiên tri nhiều năm trước đó.
Trong đời sống đạo hôm nay, chúng ta cần nhìn vào gương của người “vừa điếc vừa ngọng” này để nhận ra tình trạng tâm hồn của mình. Chúng ta cũng bị điếc khi không biết nghe những lời hay ý đẹp; điếc khi không đón nhận những lời giao hòa; điếc khi khước từ tiếng nói của lương tâm mình. Rồi chúng ta cũng ngọng khi không thể nói những lời xây dựng hòa bình, không biết nói những lời tích cực. Chúng ta ngọng khi nói những lời làm cho anh chị em chúng ta bị tổn thương, …
Chúng ta xin Chúa cho mình được ơn hoán cải để khiêm tốn đón nhận những lời góp ý, chân thành. Xin Chúa đến với chúng ta và “mở lỗ tai và cái miệng” tâm hồn mình. Chúng ta xin Chúa ban cho mình được ơn đến với Chúa và đến với anh chị em. Đến với Chúa, chúng ta sẽ được chữa lành, được nghỉ ngơi và bồi dưỡng để nên mạnh sức mà kiên trì chịu đựng tất cả; đến với anh chị em, chúng ta sẽ nhận được hơi ấm tình người và sự liên đới chia sẻ.
Lạy Chúa, xin cho những anh chị em chúng con đang đau yếu về tinh thần hay thể lý được cảm nhận sự nâng đỡ và ủi an của Ngài. Và xin giúp chúng con cũng có khả năng nhìn ra những nhu cầu thiêng liêng của nhau mà giúp nhau đến gần Ngài hơn. Ước gì qua những nghĩa cử bác ái ấy, mọi người nhận ra chúng con là môn đệ thật của Ngài.