Người công chính bị bách hại
Mc 9,30-37; Kn 2:12,17-20
Bosco, đan viện Phước Sơn
Thông thường người bị bắt, bị hành hạ, bị giết chết là người phạm pháp, hoặc người vì lý do nào đó bị bắt cóc. Còn Đức Giêsu bị bắt, bị tra tấn, bị giết chết chẳng phải vì Đức Giêsu có tội gì đáng chết, hay vì người ta bắt cóc để tống tiền, mà chỉ vì Đức Giêsu là người công chính. Sự kiện tương tự như thế cũng gặp thấy nơi những người môn đệ theo Đức Giêsu.
1. Đức Giêsu, người công chính bị bách hại
Bài đọc thứ nhất trích từ sách Khôn Ngoan được chọn đọc song song với bài Tin Mừng giới thiệu khuôn mặt Đức Giêsu là người công chính chịu đau khổ. Chính viên đại đội trưởng chứng kiến cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã thốt lên: “Người này quả thật là công chính” (Lc 23, 47). Người công chính không gây chiến với ai, không có ý triệt hạ kẻ vô đạo, nhưng chính cách sống theo đường ngay nẻo chính của người công chính gián tiếp làm nổi rõ lên cách sống xấu xa và sai lạc của người vô đạo. Đây là lý do làm cho người vô đạo cảm thấy mình đang đứng trước một đối thủ chống lại mình. Đối với người vô đạo, người công chính là đối tượng làm vướng chân, làm cản trở cách sống vô kỷ luật của họ. Họ cảm thấy bất ổn nếu có người công chính sống bên cạnh. Để giải quyết, họ thực hiện mưu đồ là tìm cách gài bẫy, hạ nhục, tấn công, kết án người công chính.
Hình ảnh người công chính được thấy nơi Đức Giêsu, Đấng vô tội, nhưng lại bị bách hại: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Suốt thời gian thi hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu bị chống đối, dò xét, kết án và cuối cùng là bị giết chết. Sở dĩ Đức Giêsu bị như thế là vì sự tốt lành của Người làm nổi rõ lối sống vô đạo đức của những người mà bài đọc thứ nhất gọi là phường vô đạo.
Nhìn từ bên ngoài, xem ra kẻ vô đạo là kẻ mạnh, kẻ áp đảo và chiến thắng; còn người công chính là người thất bại. Nhưng trong sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa, người công chính bị bách hại, bị giết lại là một sự chiến thắng. Với ánh sáng của sự kiện Chúa Phục Sinh soi sáng thì ngang qua việc Đức Giêsu bị nộp, bị giết chết, Thiên Chúa đã thực hiện ý muốn cứu độ của Người và ý muốn đó đã thành toàn. Mặc dù Thiên Chúa có thể cứu độ nhân loại bằng cách khác không đổ máu, nhưng Thiên Chúa đã dùng chính cái chết xem ra thất bại của Đức Giêsu để nói lên quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa qua thập giá, và cái chết của Đức Giêsu công chính là giá chuộc, là sự đền bù tội lỗi cho nhân loại.
Chúa Cha không để Đức Giêsu kết thúc công trình của Đức Giêsu bằng cái chết nhục nhã trên thập giá, mà đã làm cho Đức Giêsu phục sinh sau khi chết. Chính sự phục sinh là bằng chứng của sự chiến thắng của người công chính, không những trên sự chết mà còn trên cả sự ác của kẻ vô đạo. Đây chính là niềm hy vọng cho những ai theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người.
2. Đời sống các môn đệ họa lại đời sống Đức Giêsu
Các môn đệ đích thực của Chúa dám can đảm làm chứng cho Chúa bằng cuộc đời công chính của họ, thế là họ bị bách hại. Phêrô và Gioan rao giảng về Đức Giêsu thì bị bắt bị tra hỏi, bị ngăm đe (Cv 4,3.18), và cuối cùng bị giết. Stêphanô, một người đầy lòng tin và Thánh Thần (Cv 6,5), ông nhiệt thành rao giảng về Đức Giêsu thì bị vu khống là nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa (Cv 6,11), thế là bị chém đầu. Phaolô cũng thế, vì sống và làm chứng cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Phaolô bị bắt, phải vào tù ra khám, bị tố cáo là tên gây bạo loạn giữa người Do Thái, là mưu toan xúc phạm đến Đền Thờ (Cv 4,5-6).
Giáo Hội là Thân Mình của Đức Giêsu ngày nay cũng đồng một số phận với Đức Giêsu. Giáo Hội nói tiếng nói của Chúa thì bị không ít người chống đối. Chẳng hạn trong việc bảo vệ sự sống, bảo vệ nền luân lý Kitô Giáo, Giáo Hội không đồng ý cho phá thai, không đồng ý cho ly dị, không chấp nhận hôn nhân đồng tính; thế là bị làn sóng những người nhân danh tự do, nhân danh nền văn minh hiện đại chống đối. Họ cho rằng Giáo Hội bảo thủ, lỗi thời; Giáo Hội là bà mẹ già nua. Họ tìm đủ mọi cách để tấn công Giáo Hội nhân danh tự do và quyền lợi cá nhân.
Giáo Hội lữ hành là Giáo Hội đang bị bách hại, đang trải qua cuộc thương khó của Đức Giêsu. Những người con cái của Giáo Hội sống công chính, trung thành với Đức Giêsu ít nhiều cũng bị chống đối, bị kết án. Có khi kẻ chống đối, mà bài đọc thứ nhất gọi là phường vô đạo, lại là người trong Giáo Hội. Người môn đệ Đức Giêsu có thể trở thành người phản bội như Giuđa. Người trong Giáo Hội có thể mất lòng trung thành và trở nên kẻ phản lại Giáo Hội như Luther.
Trong giáo hội thu nhỏ là giáo xứ hay dòng tu cũng có thể xảy ra tương tự. Chuyện người tốt, người trung thành với Đức Giêsu bị những phần tử bất trung với Đức Giêsu hay thành phần đã biến chất vu khống, lên án, loại trừ. Thánh Gioan Thánh Giá vì muốn canh tân, đưa anh em trong dòng mình sống đúng với tinh thần của dòng thế là bị anh em ghét bỏ, bắt nhốt vào tù!
Đây không phải là những chuyện lạ. Chuyện bị bách hại đã được Đức Giêsu báo trước trong Tin Mừng Gioan: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Họ sẽ làm tất cả những điều ấy để chống lại anh em vì anh em mang danh Thầy” (Ga 15,18.20-21).
Giáo Hội lữ hành có bị bách hại cũng là chuyện thường. Có điều là những ai đã theo Chúa thì hãy là người công chính, đừng là người bất trung, đừng nhút nhát thỏa hiệp với phường vô đạo để khỏi bị bách hại. Trái lại, hãy can đảm, vì người sống công chính có bị bắt bớ, chống đối và giết chết đi nữa, thì càng nên giống Thầy Giêsu. Được nên giống Thầy, bị bách hại vì Thầy tuy đau khổ nhưng đồng thời là một vinh dự. Các thánh tử đạo đã nhận được vinh dự này.