ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ TÌNH BÁC ÁI
(Am 6,1a.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31)
Viết Trung, PL
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội, một thời đại được gọi là văn minh, tiến bộ nhất từ trước đến nay. Một thời đại được gọi với nhiều tên gọi khác nhau: thời kỳ công nghiệp hóa, toàn cầu hóa, thời của văn minh tốc độ, thời của kỹ thuật số, vv… Một xã hội hiện đại mang lại những thành quả tốt đẹp, nhằm phục vụ và giúp phát triển đời sống con người; nhưng bên cạnh những thành quả đó, những lợi ích đó, lại hình thành một tầng lớp người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng… Do đó, nhìn vào thực trạng hiện nay, phần lớn nhân loại đang sống trong nghèo đói, thiếu lương thực, thiếu nước sạch, kéo theo những hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, bạo hành gia đình, xì ke ma túy…, nhất là nhiều người không được sống đúng với phẩm giá của mình, bị nô lệ bởi những thế lực đen tối trong xã hội.
Tuy nhiên, dù thời đại nào đi nữa, con người cũng phải được ưu tiên và phải được đặt làm trung tâm của mọi phát triển. Nếu không, việc chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật, sẽ góp phần loại bỏ chiều kích thiêng liêng, cảm thức đức tin, đánh mất ý thức về sự công bằng và tình bác ái của chúng ta với người đồng loại. Vì thế, trong bài đọc 1, ngôn sứ Amos đã thốt lên những lời rằng: “Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ”. Qua những lời cảnh tỉnh của ngôn sứ Amos dành cho dân thành Sion và Samari, có thể mỗi ngừơi chúng ta cũng xem lại cách sống và cách cư xử của chúng ta với người sống xung quanh mình, nhất là những người nghèo và kém may mắn. Vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài, nên mỗi người đều là một ngôi vị, một ngôi vị có ý thức trong tương quan với Thiên Chúa cũng như với người khác. Như vậy, con người sẽ triển nở, lớn lên và được hạnh phúc trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô viết như sau: “Hỡi những người của Thiên Chúa, hãy gắng trở nên công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa” (1Tm 6,11). Thánh Phaolô muốn xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất và yêu thương, đầy tình Chúa và tình người. Như thế, người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến thì mới đưa tha nhân đến sự hòa hợp trong tình yêu thương.
Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu kể dụ ngôn: “Có một nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Lazaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no” (Lc 16,19-21). Chúa Giêsu muốn nói tới đức công bằng và tình bác ái làm nên phẩm giá của con người. Con người chỉ thực sự “là người” khi được ánh sáng Tin mừng chiếu soi, khi nó dựa trên nguồn cội tốt lành là chính Thiên Chúa. Sứ điệp của bài Tin mừng hôm nay thôi thúc mỗi người chúng ta nỗ lực sống đức công bằng và thực thi tình bác ái cụ thể trong môi trường mình đang sống: nơi cộng đoàn, trong giáo xứ, nơi công sở, trên đường đi…Bác ái là tâm điểm lời giáo huấn của Chúa Giêsu, là sự tóm lược toàn thể lề luật: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,40). Bác ái mà Tin mùng hôm nay nói tới còn có một ý nghĩa sâu xa cho các Kitô hữu nhận thấy ý nghĩa của cuộc sống hiện tại: “Con ơi, hãy nhớ lại suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lazaro suốt đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Lazaro được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khố khổ” (Lc 16,25).
Huấn quyền của Giáo hội thường xuyên nhắc tới mối tương quan giữa tình bác ái và sự công bằng: “Khi chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần, là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót, mà là đang trả một món nợ công bằng”[1]. Ngoài ra, các mối quan hệ của con người với con người không chỉ được xử lý bằng tiêu chuẩn công bằng. Nếu không có bác ái, người ta có thể đi tới mức chối bỏ và hủy hoại sự công bằng. Trong bất cứ lãnh vực mối quan hệ nào thì công bằng phải được điều chỉnh nhiều bởi bác ái, vì bác ái mang những đặc điểm của lòng thương xót là cốt tủy của Tin mừng và của mỗi người Kitô hữu của chúng ta.
Vì thế, mỗi thành phần trong Giáo hội: giáo dân, tu sỹ hoặc giáo sỹ được mời gọi thi hành sứ vụ này cho thích hợp với đường hướng của Chúa và Giáo hội. Trong cuộc sống, chúng ta luôn đặt ra những câu hỏi cho chính mình và tự tìm ra lời giải đáp cho riêng bản thân mình, để nhận ra giá trị của Tin mừng, để sau khi chết chúng ta không phải nói như ông phú hộ: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Lazaro đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa” (Lc 16,27-28). Tình yêu là cho đi, là dâng hiến những gì là “của tôi” cho người khác. Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, yêu thương tha nhân bằng tình bác ái, thì trước hết ta phải sống công bằng với họ. Công bằng không ở bên ngoài bác ái, công bằng không tách rời bác ái mà là ở bên trong bác ái.
Như vậy, bác ái đưa ra một giá trị thần học và ơn cứu độ cho những ai dấn thân phục vụ tha nhân một cách cụ thể như chính cuộc đời Chúa Giêsu. Ngài đã làm cho mối dây liên kết trong tình bác ái được sáng tỏ trước mặt mọi người. Như vậy, lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân thôi thúc chúng ta xây dựng một Giáo hội và một xã hội tươi sáng và lớn mạnh, con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền tôn trọng và phát triển những khả năng của Chúa ban để phục vụ tha nhân một cách hiệu quả nhất. Đồng thời con người là anh chị em với nhau, được tạo dựng do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô. Cho nên mỗi người cần được đối xử với nhau bằng sự kính trọng và yêu thương chân tình như là mục đích của bài Tin Mừng hôm nay cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. Để từ đó những người nghèo, những người kém may mắn không bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Lạy Chúa, xin soi sáng và uốn nắn tâm hồn chúng con, để chúng con biết sống quảng đại với hết mọi người và chia sẻ với tha nhân và nhất là những người đang sống xung quanh chúng con, những người nghéo khó, kém may mắn. Như vậy, chúng con mới là muối và là ánh sáng cho trần gian và là chứng nhân cho tình yêu của Chúa đang ngự trong lòng mỗi người chúng con. Amen.
_____________________
[1] Thánh Grêgôriô Cả, Regula pastoralis, 3,21.