Suy niệm Lời Chúa, CN XXX TN B
(Ngày thế giới truyền giáo)
Giuse Khang Tiên, CĐ Thiên Phước
“Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời và để làm duyên. Đời cho em đôi mắt màu đen, để thương, để nhớ, để ghen, để hờn. Đôi mắt em là cửa sổ tâm hồn, là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt, là tuyệt tác của thiên thu“. Lời bài hát của tác giả Xuân Hồng cho thấy giá trị vô cùng lớn lao của đôi mắt. Nếu ai trong chúng ta mất đi đôi mắt thì bất hạnh biết là dường nào. Người mù Batimê thành Giêricô cũng đang sống trong cảnh bất hạnh đó, nên khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua, anh liền kêu lên : “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavid, xin dũ lòng thương tôi”. Chúa Giêsu hỏi anh : “Anh muốn tôi làm gì cho anh”. Ngay lập tức, anh ta đáp : “Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy”. Vậy Đức Giêsu là ai mà có thể làm được điều kỳ diệu này ? Đâu là ánh sáng đích thực soi chiếu tâm hồn chúng ta ? Chúng ta phải làm gì trong ngày thế giới truyền giáo này ?
1. Lạy ông Giêsu, Con vua Đavid.
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều tước hiệu được gán cho Chúa Giêsu như : “Đấng Messia”, “Đấng Kitô”, “Đấng Emmanuel”, “Ngôi Lời”, “Con Người”… Trong bài Tin Mừng hôm nay, lại xuất hiện tước hiệu khác : “Ông Giêsu, Con vua Đavid”.
“Ông Giêsu, con Vua Đavid” được sinh ra theo nghĩa xác thịt. Thánh Phaolô viết :”Đức Kitô Giêsu xuất hiện từ dòng dõi vua Đavid, xét như một người phàm” (Rm 1,3). Theo pháp lý, Ngài là con ông Giuse thuộc dòng họ vua Đavid (x Mt 1,20 ; Lc 2,4). Ngài xuất thân trong gia đình nhân loại trong một bản gia phả. Gia phả ấy kế tiếp nhau đến tổ phụ Abraham, người được Thiên Chúa chúc phúc và ký kết giao ước tình yêu bền vững. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến lời hứa khi Nguyên Tổ phạm tội : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời tiên báo này đã cho thấy ánh sáng đầu tiên về ơn cứu độ mà Đức Giêsu Kitô sẽ thực hiện trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người.
Người Do Thái trông đợi Đấng Cứu Thế vì Lời Chúa hứa qua ngôn sứ Nathan cho triều đại vua Đavid :”Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12-13). Tác giả Thánh Vịnh cũng lặp lại ý tưởng này : “Xưa Chúa phán : Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đavid, nghĩa bộc Ta, rằng : dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ.” (Tv 89, 4-5). Vương quốc trần trần gian sẽ mai một trong thời gian, nhưng vương quốc của Đấng Cứu Thế sẽ tồn tại qua muôn thế hệ và bền vững đến muôn đời. Người Do Thái sống trong cảnh lưu đày, áp bức nên họ mong một Vị cứu tinh có thể giải thoát ách nô lệ ngoại bang. Ở đây, “ông Giêsu, Con vua Đavid” không giải thoát họ theo cách tầm thường loài người nghĩ, nhưng sẽ giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, vương quốc của ngài là cõi phúc trường sinh. Vậy khi thánh Marcô đặt trên môi miệng anh mù câu : “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavid”, đó là lời tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Thế muôn dân hằng mong đợi.
2. Sứ vụ Đấng Cứu Thế
Khi loan báo một Đấng Cứu Thế sẽ đến và triều đại thái bình của Ngài, ngôn sứ Isaia viết : “Người mù được thấy, người què được đi, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó” (Is 35, 5-6). Sự kiện anh mù được sáng, và sự xuất hiện của Chúa Giêsu trong lúc này, loan báo thời kỳ Đấng Messia đã đến trần gian. Có lẽ Chúa Giêsu Kitô xuất hiện như “một người phàm”, nên nhiều người không nhận ra ngài. Nhưng việc anh mù tuyên xưng “Ông Giêsu, con Vua Đavid” và anh được sáng mắt, chứng thực triều đại Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ.
Nơi khác, Đấng Cứu Thế được tiên báo như “vầng hồng xuất hiện viếng thăm ta” (Lc 1, 78). Chính vì thế, Giáo Hội mừng ngày Chúa Giêsu sinh ra là ngày trước đây dân ngoại thờ thần Mặt Trời. Đêm Phục Sinh, khi mọi ngọn đèn trong các nguyện đường tắt hết, ngọn nến Phục Sinh được thắp lên, linh mục hay thầy phó tế hô : “Ánh sáng Chúa Kitô”. Ánh sáng Đức Kitô không phải là ánh sáng bình thường, không phải là ánh sáng của ngọn đèn, của mặt trời và mặt trăng. Những ánh sáng này chỉ chiếu soi cho nhân loại trong chốc lát, nhưng ánh sáng của Ngài soi tận tâm hồn cho chúng ta.
Ngày nay biết bao người đang mù lòa, không phải đôi mắt thể xác nhưng con mắt tâm hồn. Họ không nhận ra mình đang trên con đường lầm lỗi, không nhận ra sự khốn khó nơi anh em để giúp đỡ. Sống ích kỷ chỉ lo cho mình, trong khi đó người anh em đang cần tấm lòng quảng đại của chúng ta. Ánh sáng Chúa Giêsu sẽ soi chiếu để chúng ta nhận ra con đường mình đang đi, nhận ra nhu cầu nơi người khác.
3. Ngày thế giới truyền giáo
Truyền giáo là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với mọi người. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong sứ điệp ngày thế giới truyền giáo viết :”Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình thương của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng : Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót của Ngài” (Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2000).
Tình thương của Chúa Giêsu được chứng thực rõ nét qua việc chữa người mù thành Giêricô. Thiên Chúa muốn chúng ta tiếp tục mang tình thương ấy đến những người chung quanh. Trong ngày thế giới truyền giáo này, mỗi người có nhận ra bổn phận của mình với những người anh chị em ta đang chung sống không ? Truyền giáo không chỉ vào lời rao giảng nhưng còn thể hiện qua thái độ và việc làm của mình. Chỉ một nụ cười, ánh mắt; chỉ một tác động như “ly nước lã” mà chúng ta cần làm cho anh em mình, đó là truyền giáo rồi.
Trong ngày thế giới truyền giáo, mỗi người chúng ta cần nhìn lại thái độ và cách sống của mình. Mỗi người cần đưa ra một chương trình sống cho mình sao cho ý nghĩa. Mỗi người cần quan tâm và nghĩ đến nhu cầu người khác nhiều hơn. Đó là điều Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta.