Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Lời Chúa Lễ Thăng Thiên: “LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MỌI LOÀI THỤ TẠO”

 

 

„LOAN BÁO TIN MỪNG CHO MỌI LOÀI THỤ TẠO“

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)

 

 

 Lam Châu, Phước Lý

 

Lễ Thăng Thiên – Đức Giêsu lên trời, về cùng Chúa Cha, kết thúc sứ vụ trần thế của Ngài. Giờ đây, Ngài trao lại sứ vụ loan báo Tin mừng cho các Tông đồ, cách riêng sứ vụ ấy cũng được trao cho mỗi người trong chúng ta.

 

Vậy, Tin mừng mà Đức Giêsu truyền lệnh cho các Tông đồ loan báo là gì?

 

Tin mừng, theo nguyên ngữ Hy Lạp: εὐαγγέλιον, có nghĩa là tin vui, tin tốt lành. Theo Tin mừng Nhất Lãm, Nước Thiên Chúa chính là trọng tâm mà Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài rao giảng cho thế giới. Tuy nhiên, Tin mừng trong phúc âm của thánh Gioan mang sắc thái khác: Tin mừng chính là Đức Giêsu. Ngài trở thành điểm trung tâm của sự loan báo. Ngoài ra, Ngài còn mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha, về mối tương quan của Ngài với Chúa Cha và công trình cứu chuộc của Ngài.

 

Thế nhưng, lệnh truyền loan báo Tin mừng mà Đức Giêsu nhắn nhủ với các Tông đồ trong trình thuật hôm nay mang ý nghĩa Tin Mừng Phục Sinh: Đức Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu chuộc thế giới của Ngài bằng cái chết đau thương trên thập giá, đã sống lại, và giờ đây, sắp sửa về cùng Chúa Cha. Cùng trình thuật về sự kiện này, thánh Mátthêu viết: „Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ và làm phép rửa cho họ“ (Mt 28,19), có nghĩa đối tượng được loan báo Tin mừng chính là con người, vì chỉ con người mới có thể nghe rao giảng và đáp lại bằng hành động tin. Đức tin chính là lời đáp trả lời rao giảng và được liên kết với bí tích Rửa tội.

 

Tin mừng được rao giảng, nếu ai đón nhận và tin „sẽ có những dấu lạ đi theo“ (c. 17). Các dấu lạ đó là: Trừ quỷ, nói tiếng mới lạ, cầm rắn độc, chữa bệnh. Tuy nhiên, dấu lạ không đi trước đức tin, cũng không phải là một đặc ân riêng dành cho các Tông đồ, mà chính là cách Thiên Chúa chuẩn nhận cho những ai tin và trở thành môn đệ của Ngài. Dấu lạ được thực hiện nhờ „nhân danh Thầy“, tức là các Tông đồ khẩn cầu danh Đức Giêsu khi thực hiện dấu lạ.

 

Có một điều đặc biệt, trong trình thuật của thánh Marco, Tin mừng được „loan báo cho mọi loài thụ tạo“ (c. 15), có thể theo chiều hướng của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma, công trình cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô đã thành toàn và muôn loài cũng được giải thoát nhờ sự cứu chuộc đó: „Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang … dù muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, tuy nhiên, vẫn có niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát và được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rm 8,19-21). Điều này cho thấy, công trình cứu chuộc của Đức Giêsu tác động và có tầm ảnh hưởng trên toàn thể vũ trụ.

 

Sau khi truyền lệnh cho các Tông đồ đi rao giảng tin mừng, „Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa“ (c.19). Đức Giêsu được đưa lên trời, có nghĩa là Ngài được tôn vinh trên thiên quốc, gắn liền với sự phục sinh của Ngài. Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh, Đấng được tôn vinh chính là Kyrios (κύριος), tức là Đức Chúa, là Chúa tể vũ trụ. Ngài „ngự bên hữu Thiên Chúa“, có nghĩa là từ nay Đức Giêsu có tất cả quyền năng của Thiên Chúa.

 

Tuy Đức Giêsu hiện diện vô hình trong công cuộc truyền giáo của các Tông đồ, nhưng với quyền năng, Ngài soi rọi và luôn đồng hành với các ngài trên mọi nẻo đường, nghĩa là „khắp tứ phương thiên hạ“. Trong bài đọc một, sách Công vụ tông đồ cho biết „khắp tứ phương thiên hạ“ một cách cụ thể hơn: „Bấy giờ các Tông đồ sẽ là chứng nhân của Đức Giêsu tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất“ (x. Cv 1,8).

 

Cùng thực hiện sứ vụ loan báo tin mừng của Đức Giêsu, thánh Phaolô, trong bài đọc hai, khuyên các tín hữu Ephêsô: „Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại…“ (Ep 4,3). Vì, „chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa“ (Ep 4,5). Những Kitô hữu, sau khi chịu phép rửa, được tham dự vào đời sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa và họ nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho. Ân sủng đó là: „Kẻ này làm Tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ“ (Ep 4,11). Dù nhận được đặc sủng và ân huệ khác nhau, nhưng mỗi Kitô hữu đều có sứ vụ chung đó là phục vụ, xây dựng thân thể Đức Kitô, tiến tới sự hiệp nhất trong đức tin, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, lệnh truyền loan báo Tin mừng của Đức Giêsu đòi buộc chúng ta phải ra khỏi mình để đi đến với thế giới.

 

Nếu có người nào trăn trở việc phải loan báo Tin mừng như thế nào cho thế giới trong thời đại hôm nay, thì đây là câu trả lời: Trong Tông huấn „Niềm vui Tin mừng“, Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định như sau: „Tâm điểm của sứ điệp rao giảng sẽ vẫn luôn luôn là một: Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình thương vô biên của Người nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh… Đức Kitô là “Tin Mừng vĩnh cửu” (Kh 14,6); Ngài “vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 11,33), nhưng sự giàu có và vẻ đẹp của Ngài thì vô biên“ (Evangelii Gaudium, 11). Vẻ đẹp này thánh Augustino đã từng cảm nghiệm được và ngài thốt lên: „Ôi, Ngài là vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn rất mới mẻ“ (Aug. Conf. X, 27).

 

Lạy Chúa, mỗi người chúng con khi lãnh nhận bí tích rửa tội, đã nhận được sứ vụ loan báo tin mừng cho thế giới. Tin mừng đó là: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài chính là Thiên Chúa, đã làm người, chịu chết, sống lại để ban ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Xin cho chúng con luôn sống xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con và không ngừng loan báo Tin Mừng của Chúa cho toàn thế giới. Amen.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...