Hãy sám hối
Mt 4, 12- 23
Nếu như Chúa Nhật tuần trước, ta được nghe lời giới thiệu của Gioan Tiền Hô về “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”( Ga 1,29), thì Chúa Nhật III hôm nay, Đấng xóa tội trần gian đó bắt đầu “lộ diện” để thi hành sứ vụ của mình qua việc “loan truyền” và “kêu gọi”. Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ bằng việc loan truyền Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã đến gần và kêu mời người ta sám hối để đón nhận Nước Trời: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (c 17). Rồi Ngài tiếp tục kêu gọi các môn đệ đầu tiên, cộng tác với Ngài trong việc loan báo Tin Mừng và đem Nước Chúa đến cho mọi người. Ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã được chọn để sát cánh cùng Ngài. Ngài sẽ làm cho họ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá” (c 19).
1. Lời kêu gọi sám hối
Sứ mạng đầu tiên của Đấng Cứu Thế là loan báo Tin Mừng và kêu gọi người ta biến đổi nội tâm, cải tạo con người của mình để đón nhận Nước Trời mà Ngài đang thi hành.
Theo thánh Matthêu, thì Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của mình từ miền Galilê, là miền đất của dân ngoại, miền đất còn đang chìm trong cảnh tối tăm, họ cần một nguồn sáng để chiếu rọi: “…Hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (c.16). Như thế, ta có thể nhận thấy rằng, có lẽ Matthêu có hướng nhìn ưu tiên hơn cho dân ngoại về việc hưởng ơn thánh, ơn nhận biết ánh sáng chân lý của Thiên Chúa, để họ được đón nhận Nước Trời mà chính Chúa Giêsu mang đến. Do vậy, Matthêu đã thuật lại sứ vụ đầu tiên của Chúa Giêsu được thực hiện từ vùng dân ngoại giáo, là nơi còn đang chìm trong “bóng tối”, cần một ánh sáng rạng ngời chiếu soi để đưa họ bước ra khỏi cảnh tối tăm đó. Mà Đức Kitô chính là ánh sáng thật, ánh sáng muôn dân cần đến để chiếu soi bằng sự hiện diện của Ngài (x.Ga 1,9).
Sứ điệp loan báo của Chúa Giêsu được Matthêu ghi lại rất đơn giản và ngắn gọn: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c 17). Chúa loan truyền một sứ điệp rất đơn giản, chỉ cần “sám hối” để đạt được Nước Trời, nghĩa là chỉ làm ngược lại những hành vi khiến ta không thể đạt được Nước Trời mà Ngài mang đến. Hay nói cách khác, sám hối là tỏ lòng hối cải những điều xấu mình làm, những thương tích do mình gây lên, từ bỏ tà thần, và bằng đức tin trở về với Thiên Chúa để nhận ơn cứu độ của Ngài, tức là đạt được Nước Trời.
Nước Trời mà Đức Giêsu rao giảng và kêu mời người ta thực hiện hành vi sám hối, để đón nhận chính là thực tại thể hiện nơi Chúa Giêsu và đang hoạt động trong thế giới. Nước Trời có sức thu hút và làm cho con người say mê, vì chỉ có Nước Trời mới làm cho con người thỏa mãn được những khát vọng thâm sâu nhất mà thôi. Bởi vậy, con người muốn đạt được Nước Trời thì hãy đón nhận lời kêu gọi của Chúa Giêsu là hãy sám hối: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Đây không những chỉ là lời kêu gọi dành cho những người ngoại giáo miền Galilê, nhưng còn là lời kêu mời thiết thực của Chúa Giêsu dành cho mọi người, khắp mọi nơi, trong mọi hòan cảnh và qua mọi thời, kể cả thời đại chúng ta.
2. Kêu gọi các môn đệ
Có lẽ thánh sử Matthêu như nhìn thấy được sự cấp bách của việc loan truyền Nước Trời, nên sau khi ông mô tả việc Chúa Giêsu rao giảng kêu gọi người ta sám hối thì ngay sau đó Ngài đã tuyển chọn các môn đệ đầu tiên để làm cánh tay nối dài cho sứ vụ của Ngài. Bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu tuyển chọn là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Chúa mời gọi: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (c 19). Điều này có nghĩa là tác giả Matthêu đặt lời tiên tri vào Chúa Giêsu để loan báo một sự lạc quan về việc quy tụ lại dân Do Thái đang rải rác khắp nơi và kêu gọi sự trở lại của dân ngoại để nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, ta thấy rằng, sứ vụ của các tông đồ đầu tiên theo thánh Matthêu là tham gia vào công cuộc truyền giáo theo gương Chúa Giêsu mà không phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, có đạo hay ngoại giáo… (x. Gl 3, 26- 28), nhưng tất cả đều được đón nhận Tin Mừng và hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa, qua lòng nhiệt thành, trách nhiệm và sứ vụ của các ông.
Thực vậy, khi đáp lại tiếng Chúa là các môn đệ đã bước vào một khúc quanh mới của cuộc đời và từ đó bản thân của các ông được đổi khác, phải từ bỏ những thứ gắn bó với mình lâu năm. Các ông Phêrô, Anrê bỏ lại chài lưới với những gắn bó lâu năm của biển hồ miền Galilê; Giacôbê, Gioan cũng từ giã cha mẹ hăng say lên đường theo Chúa Giêsu để thực hiện chương trình của Ngài. Theo Chúa, tất cả họ được Chúa làm cho trở thành những kẻ lưới người như lưới cá, nghĩa là các môn đệ được Chúa sai đi đến với muôn dân và làm cho người ta được đón nhận Nước Trời mà Ngài đem đến: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”.
Khi lắng nghe và tìm biết ý Chúa qua các biến cố, qua các sự kiện nhưng điều quan trọng là ta có dám đáp trả lời mời gọi của Ngài hay không? Nhiều khi chúng ta bịt tai, ngoảnh mặt làm ngơ như không hề nghe thấy tiếng Chúa, để khỏi phải đáp trả, khỏi phải từ bỏ, vì có lẽ chúng ta còn quá nhiều những sợi dây vấn vương quấn chặt lấy cuộc đời, khiến chúng ta không dễ gì tháo gỡ, không dễ gì để hy sinh từ bỏ mà đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa không hiện ra trực tiếp để kêu gọi chúng ta hay truyền dạy chúng ta phải làm điều nọ, điều kia như các tông đồ ngày xưa, nhưng tiếng Chúa vẫn âm thầm gởi đến chúng ta qua các sự kiện, qua các biến cố của cuộc đời. Những biến cố, những sự kiện đó chính là một dấu chỉ của thánh ý Chúa muốn loan truyền. Vì thế, ta cần phải tỉnh thức để nhận ra ý Chúa và sứ điệp của Ngài muốn nơi chúng ta là gì? Có lẽ Chúa luôn kêu mời ta tiếp tay với Ngài để loan truyền sứ điệp của Ngài cho muôn dân là “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần.”
Minh An (Phước Lý)