ĐƯỜNG KHỔ NẠN
Lc 22,14-23,5
Bài Phúc Âm hôm nay kể ra một chuỗi diễn biến bất ngờ. Mới chỉ một tuần trước, các vị lãnh đạo tôn giáo còn tỏ vẻ dè dặt đối với Chúa Giêsu, nay họ ra mặt tố cáo Ngài, đích thân bắt bớ Ngài, công khai kích động quần chúng ghét bỏ Ngài, cương quyết tiêu diệt Ngài. Với chỉ vài ngày trước, đông đảo dân chúng đã tràn ra đường để đón rước Chúa Giêsu, chúc tụng Ngài là con Vua Đavít, nay họ bừng bừng sắt khí kéo vào sân tổng trấn Philatô, hò hét yêu cầu giết chính Đấng họ mới hoan hô. Họ coi Ngài còn xấu xa nguy hiểm hơn một tên cướp. Ngay cả những người môn đệ của Người, vừa nhận lãnh hồng ân nơi Người, thì nay kẻ dùng nụ hôn làm dấu hiệu bán Người, kẻ thì từ chối Người, kẻ lại bỏ rơi Người.
Coi như cả một rừng cây đổ xuống. Cá nhân đổ và tập thể đổ. Cấp dưới đổ và cấp trên cũng đổ. Một sự sụp đổ kinh hoàng đầy bất ngờ. Trong khi đó lại xuất hiện những người tốt mới bất ngờ. Đâu có ngờ trên quãng đường nặng nhọc nhất, kẻ vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu lại là một người đi qua đường! Đâu có ngờ trong giờ phút đen tối nhất, kẻ tuyên xưng Chúa Giêsu và được Ngài hứa phúc thiên đàng, coi như được chính Ngài phong thánh, lại là tên trộm cướp bị đóng đinh bên hữu Ngài! Đâu có ngờ, trong cảnh đổ vỡ của niềm tin, kẻ đã chúc tụng Chúa Giêsu và tin vào sự công chính của Ngài lại là một sĩ quan ngoại đạo, đã vâng lệnh đóng đinh Ngài! Đâu có ngờ, trong lúc bối rối đầy sợ sệt, kẻ đã ra mặt lo chôn cất Ngài và dâng cúng cho Ngài một ngôi mộ đào sẵn của mình, lại là một nghị viên!
Trước đây, tất cả những người ấy kể như xa Chúa, nhưng trong hoàn cảnh bi đát nhất của Chúa, họ đã xuất hiện như những người tốt. Một sự xuất hiện bất ngờ! Nhưng cái bất ngờ nhất đối với chúng ta chính là những lựa chọn của Chúa Giêsu. Ngài có thể tránh khỏi cuộc tử nạn, nhưng Ngài đã tự nộp mình. Ngài có thể lợi dụng dịp may có đông đảo quần chúng quy tụ với sự hiện diện của các cấp lãnh đạo chính quyền và tôn giáo để làm một vài phép lạ, gây uy tín cho đạo Ngài, và lấy lại thanh thế cho chính Ngài, nhưng Ngài lặng thinh. Ngài có thể đổi lòng đám đông đang chống đối Ngài một cách điên cuồng, thành làn sóng người nhiệt tình ủng hộ Ngài, nhưng Ngài cam lòng chịu đựng cô đơn. Ngài có thể khiến muôn vàn thiên thần từ trời bay xuống để bênh vực Ngài, nhưng Ngài để mình bị hành hạ, xỉ vả và kết án.
Ngài như kẻ quá yếu, và yếu một cách như ngu dại. Ngài như kẻ bị thua và thua một cách đầy nhục nhã. Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Giêsu rất mạnh. Ngài mạnh ở chính thái độ tưởng như “yếu” của Ngài, khi Ngài thắng vượt mọi thử thách đớn đau, để luôn trung thành với tình yêu. Dù như bị Đức Chúa Cha bỏ rơi, Ngài vẫn mến yêu cậy tin phó thác. Ngài kêu: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”.
Dù bị bao người xỉ vả, hành hạ, Ngài vẫn yêu thương họ. Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Tình yêu Ngài đã thắng. Tình yêu Ngài mạnh hơn sự chết. Tình yêu Ngài mạnh hơn tất cả mọi tội lỗi nhân loại. Chính tình yêu ấy đã cứu độ loài người. Tình yêu ấy chính là tình yêu cứu độ chúng ta.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là bài học để chúng ta nhìn lại mình. Chúng ta có can đảm chấp nhận Thánh giá? Chúng ta có quảng đại với những người hại mình? Chúng ta có tin tưởng, phó thác nơi Người những biến cố trong cuộc đời mình?… Ngài chịu chết để đem lại ơn cứu độ cho con người. Cùng với Ngài, chúng ta cũng hãy đón nhận cuộc khổ nạn đó trong vinh quang Phục Sinh.
Nữ đan sĩ Gioan Baptista