Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Chua nhật V Mùa Chay năm C “Biến Đổi” (Quốc Vũ – Phước Lý)

Chúa nhật V Mùa Chay, năm C

GẶP GỠ & BIẾN ĐỔI

Bài đọc 1: Is 43, 16-21

Bài đọc 2: Pl 3, 8-14

Tin Mừng: Ga 8, 1-11

 

Một vài tháng trước đây, báo đài trong nước liên tục đăng loạt bài luận bàn về vấn đề “nên chăng có một dự luật công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp” như tại một số nước Anh, Đức, Hà Lan,…?. Một số ý kiến, thậm chí của một vài nhà chức trách, cho rằng đây là một dự luật khả thi, một phần để giải quyết vấn đề quản lý tệ nạn mại dâm thiên hình vạn trạng trên toàn quốc, nhất là tại các thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn; mặt khác cũng có thể bổ sung một phần lợi nhuận không nhỏ cho quốc khố, vốn đã nhiều thâm thủng. Tuy nhiên, đa số các nhà chuyên môn và người dân tỏ rõ sự bất bình, vì cho rằng đó là một sự trốn tránh trách nhiệm của Nhà Nước, thay vì lo giải quyết công ăn việc làm, tu chỉnh nền giáo dục và thăng tiến xã hội, thì lại giả thiết cho một dự luật làm băng hoại nền văn hóa truyền thống, và trực tiếp đẩy đưa số phận nhiều cô gái xuống tận cùng của vực sâu nhân phẩm, mà cho dù họ là ai, dù chủ ý hay bị ép buộc, họ đều là nhưng người đáng thương hơn là bị lên án, bởi lẽ họ chỉ là những nạn nhân của một xã hội không lành mạnh, đầy những cạm bẫy và bất công, vì không có kẻ mua thì làm sao có người bán.

Bài Tin mừng hôm nay cũng phản ánh một phần về một xã hội bất công, độc quyền chuyên chế như thế. Khung cảnh như là một phiên tòa công khai, ở đó các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một người phụ nữ mà theo họ là đã «bị bắt quả tang đang ngoại tình» (c. 4).

Tại sao lại chỉ có một mình người phụ nữ bị giải tới? Còn người đồng lõa là ai, hắn đang ở đâu? Phải chăng là một người trong số họ? … Điều này cho thấy họ không có thiện chí muốn cải tiến xã hội, mà đơn thuần, theo thánh Gioan, đó chỉ là cái cớ để họ gài bẫy Đức Giêsu «nhằm tố cáo Người» (c. 5). Bởi lẽ, nếu Đức Giêsu không cho ném đá người phụ nữ, thì nghĩa là Người đã chống lại luật của ông Môsê; còn nếu Đức Giêsu thuận theo ý họ, là Người đã tự mâu thuẫn với chính mình, vì Người vẫn rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa. Như thế, đằng sau án xử người thiếu phụ, là chính án xử Đức Giêsu.

Giữa hai ngả đường bất khả tiến đó, Đức Giêsu đã tự vẽ ra cho mình một lối đi khác: «Người cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất» (c. 6). Không ai hiểu Người đang viết gì, rồi họ đã lẳng lặng bỏ đi, bắt đầu từ những người già nhất. Có lẽ Người đang viết cho họ hiểu về một giới luật mới, Người đang vạch ra cho họ một con đường mới: con đường của lòng bao dung và sự tha thứ: «Này chị, không ai lên án chị sao? Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!» (c. 10), đồng thời Người cũng vạch ra cho người thiếu phụ một đời sống mới: «Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!» (c. 11). Như thế, Đức Giêsu không những cứu một mạng người, mà còn làm sống lại một đời người.

«Tôi không lên án chị đâu!». Không lên án, không có nghĩa là bao che, nhưng là sự cảm thông và tha thứ. Không lên án, không có nghĩa là dung túng cho tội, nhưng là mở ra con đường cho sự đổi mới: «Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!». Đức Giêsu không nhìn người thiếu phụ, bởi Người không muốn làm cho chị thêm đau khổ, thêm tủi nhục, và trên hết người không nhìn vào quá khứ của chị. Trong khi người ta đòi ném đá chị, đóng khung cuộc đời chị trong quá khứ tội lỗi, thì trái lại, Đức Giêsu lại mở ra một tương lai, Người gieo vào lòng chị niềm tin rằng chị có khả năng làm lại cuộc đời, có thể trở thành một con người mới. Quả vậy, Thiên Chúa không nhìn vào quá khứ, nhưng luôn quan tâm đến hiện tại và mở ngõ cho tương lai, Ngài không khóa chặt cuộc đời con người cũng như lịch sử nhân loại trong những vết hằn của quá khứ. Hình ảnh người phụ nữ ngoại tình ở đây đã gợi lại hình ảnh của dân Israel trong thời Cựu Ước, đồng thời cũng là hình ảnh của Giáo Hội sau thời Tân Ước.

Đọc lại lịch sử dân Israel ta thấy đó là một lịch sử lập đi lập lại một chu kỳ “tội-phạt-hối-cứu”. Kể từ khi Thiên Chúa lập giao ước với Abraham, mặc dù được chiêm ngưỡng và thừa hưởng những kỳ công của Thiên Chúa như Lụt Hồng Thủy, Xuất Hành khỏi Aicập, dân Israel vẫn phản bội Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại lai và thờ bò vàng. Đó chẳng khác gì một cô vợ ngoại tình, đàng điếm sao?: «Đức Chúa phán với Hôsê: ngươi cứ đi yêu một người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình, cũng như Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác» (Hs 3, 1). Trái lại, Thiên Chúa luôn trung thành với giao ước đã lập, Người sẽ lại thực hiện những điềm thiêng dấu lạ trong cuộc xuất hành mới để đưa dân ra khỏi cảnh lưu đày tại Babylon: «Đây là lời Đức Chúa: các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát» (Bài đọc I, cc. 19-20).

 Lịch sử Giáo hội cũng không thiếu những kinh nghiệm của sự vấp ngã và được thứ tha. Một Phêrô sau ba lần chối Chúa đã trở lại mạnh mẽ hơn nhờ ánh nhìn cảm thông của Thầy: «Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy» (Mt 16,18). Một Phaolô hung hăng tàn bạo đã bị quật ngã trên đường đi bách đạo, để rồi khi trở lại đã thật sự xác tín: «Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi» (Bài đọc II, c. 8). Với thánh Phaolô, được biết Đức Kitô là một điều tuyệt hảo, và được kết hiệp với Người lại còn tuyệt hảo hơn, đến nỗi có thể khiến Ngài đánh đổi tất cả, cho dầu đó là chức vị và bổng lộc đế quốc: «Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hiệp với Người» (cc. 8-9).

Gặp gỡ và biến đổi. Đó là sự gặp gỡ bất đắc dĩ của người phụ nữ mang tội chết, là cuộc gặp gỡ đớn đau của Phaolô ngã ngựa, hay cuộc gặp gỡ đầy ác ý của nhóm kinh sư và đám đông hiếu kỳ,… để kết quả cuối cùng đều là một sự biến đổi. Sự biến đổi nơi người phụ nữ là từ bỏ quá khứ để làm lại cuộc đời, sự biến đổi nơi Phaolô là sự xác tín «không lấy gì làm hơn Chúa Kitô», và sự biến đổi nơi đám đông là sự phản tỉnh tâm hồn, là hành trình biến đổi từ thái độ hung hãn trở nên lặng lẽ bước đi, và từ đây họ đã biết nhìn vào chính mình trước khi lên án người khác, đó là một cú hồi mã thương đáng giá mà Đức Giêsu dành cho họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Bài Tin Mừng c. 7).

Tôi thật sự cần một cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu? Và cuộc gặp gỡ theo cách nào? – Có lẽ chưa bao giờ tôi đặt mình trong vị trí của những kinh sư? Bởi tôi không thiển cận như họ, không ác tâm như họ, và nhất là tôi không muốn ném đá ai bao giờ?. Thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới đầy dẫy những kẻ ném đá, những người thích phê bình, chỉ trích bất cứ ai không có cùng chính kiến với mình, và sẵn sang lên án bất cứ ai lầm lỡ.

Người Anh có câu ngạn ngữ: «Ai đang sống trong nhà bằng kính thì đừng nên ném đá». Chúng ta đang sống trong những căn nhà bằng kính đời mình “mỏng giòn và dễ vỡ”, vì thế nếu tôi giơ tay ném đá cũng là tự ném vào chính mình: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi». Trước mặt Thiên Chúa, không ai không là tội nhân, như thánh Gioan nói: «Ai bảo mình không có tội là kẻ nói dối tự lừa dối mình» (1Ga 1, 8). Tự thâm tâm, tôi cần những khoảng lặng để nhìn lại chính mình, để gặp Chúa, để cho lời Ngài thức tỉnh và biến đổi trong đời sống mới. 

Mùa chay đã bước vào tuần thứ năm. Những ngày đại thánh mừng cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô đã gần kề. Thiên Chúa đang rộng mở bàn tay đón chờ và mời gọi tôi đến với Ngài để lãnh nhận ân phúc. Ân phúc là được mời gọi sống đời sống mới qua việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải: giao hòa với Thiên Chúa và hòa giải với tha nhân.

Quốc Vũ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...