Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT THỨ V MC, NĂM C, NHẤT TIỄN HẠ SONG ĐIÊU

NHẤT TIỄN HẠ SONG ĐIÊU

(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)

I. Giai thoại xưa : Thời Nam Bắc Triều, nước Bắc Chu có một võ tướng tên là Trương Tôn Thịnh. Nhằm giao lưu hữu hảo với các dân tộc Đột Quyết, vua Bắc Chu quyết định gả công chúa cho vua Đột Quyết Nhiếp Đồ.

Vua Bắc Chu cử tướng Trương Tôn Thịnh dẫn quân đi hộ tống. Trương Tôn Thịnh cùng các tướng sĩ trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng đã đưa công chúa đến nước Đột Quyết. Vua Đột Quyết vô cùng cảm động liền bày tiệc linh đình tiếp đãi. Khi rượu qua ba tuần, người Đột Quyết theo tập tục mở hội thi võ. Nhà vua sai đưa cho Trương Tôn Thịnh một cây cung bắn bia cách đó trăm bước. Trương Tôn Thịnh ung dung bắn một phát trúng đích, mọi người thấy vậy đều vỗ tay khen ngợi, rồi lưu họ ở lại một năm. Một hôm, vua Nhiếp Đồ trong khi săn bắn nhìn thấy hai con chim Kền Kền đang tranh mồi trên bầu trời, liền gọi thị vệ đưa cho Trương Tôn Thịnh hai mũi tên, nhưng Trương Tôn Thịnh chỉ nhận một mũi tên rồi bắn xâu chuỗi hai con chim Kền Kền rơi xuống đất. Do đó mới có câu thành ngữ “nhất tiễn hạ song điêu” (một mũi tên hạ hai con chim).

(x. https://www.maxreading.com/sach-hay/truyen-thanh-ngu-trung-quoc/nha-t-tie-n-song-dieu-41045.html).

II. Tấmlòng xót thương của Thiên Chúa dành cho con người lại được Chúa Giêsu tiếp tục bày tỏ qua bài Tin Mừng hôm nay. Câu chuyện là một giai thoại tuyệt vời để diễn tả sâu sắc chương trình và cách thức Thiên Chúa cứu độ con người: Cả những kẻ tố cáo cũng như người phụ nữ bị tố cáo đều cần được đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, như thánh Augustinô nhận xét:  “Chỉ còn lại hai:  con người yếu hèn và Đấng đầy lòng thương xót”.

Mục đích của Lề Luật được đặt ra để phục vụ con người, không phải con người được sáng tạo để làm nô lệ cho Lề Luật (x. Mc 2,27-28). Điều này, xưa kia Thiên Chúa đã gởi ngôn sứ Isaia tới với dân Israel trong nơi lưu đày để tăng niềm hy vọng cho dân, khi Người khẳng định : “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới …Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta” (x. Is 43,18-21 – x. BĐ I).

Khi thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã giảng dạy và hành động để đặt Lề Luật trở lại đúng vị trí của nó.  Cụ thể là Người đã chữa bệnh vào ngày Sa bát (x. Lc 6,6-11), dạy người ta tẩy rửa tâm hồn quan trọng hơn là rửa tay rửa chén dĩa trước khi dùng bữa (x. Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23) …  Nhóm kinh sư và Pharisêu đã chất gánh nặng Lề Luật trên vai người khác (x. Mt 23,4).  Họ đã nhân danh Lề Luật lên án những người dân tin vào Chúa Giêsu, họ bảo:  “Còn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7,49).  Tiếp đến là họ lên án những vệ binh của Đền Thờ được sai đi bắt Chúa nhưng lại trở về tay không, họ mắng:  “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?” (Ga 7,47).  Ngay cả ông Nicôđêmô, một người Pharisêu trong nhóm họ, cũng bị họ lên án khi ông đứng lên nhắc nhở họ về ý nghĩa đích thực của Lề Luật:  “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?  Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy:  không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả” (Ga 7,52). 

Các kinh sư và người Pharisêu đã sử dụng Lề Luật làm khí giới để củng cố chỗ đứng của họ, làm phương tiện đàn áp dân nghèo, và nhất là tìm cách chống lại Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời đến mặc lấy sự yếu hèn của con người, để dìu dắt con người về với Cha trên trời (x. Dt 2,11). Chúa Giêsu lấy lại “quyền lực” nguyên thuỷ của Lề Luật là phải giúp người ta thắng vượt sự yếu hèn của con người. Nên trong câu chuyện xử án người phụ nữ bị các kinh sư và người Pharisêu kết án tội ngoại tình, Chúa Giêsu diễn tả lòng nhân hậu của Thiên Chúa được nhập thể trên sự yếu hèn của con người, khác với cách thức của các kinh sư và người Pharisêu. Chúa Giêsu nói : “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”(Ga 8,11).

Câu chuyện được trình thuật chi tiết: Mới vừa tảng sáng mà các kinh sư và người Pharisêu đã lôi chị đến khu vực Đền Thờ, trước bao nhiêu con mắt của khách hành hương.  Họ đã đặt nặng vấn đề Lề Luật, nhưng lại coi thường Lề Luật, kết án trước khi nghe và tìm hiểu bị cáo làm gì (x. Ga 7,51).  Họ đã căn cứ theo Lề Luật, họ kéo theo cả ông Môsê vào cuộc. Họ còn mạnh miệng nói với Chúa Giêsu: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó”. Rồi như muốn lập thành một phe nhóm quyết chiến với Chúa Giêsu, họ thách thức: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Rõ ràng họ muốn lấy Lề Luật cứng ngắc để chống lại với Lề Luật yêu thương. 

Điều các kinh sư và người Pharisêu nói đây, thánh sử Gioan cho chúng ta thấy: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người”. Theo Luật Môsê (x. Lv 20,10; Đnl 22,22-24) những người phạm tội ngoại tình đều bị ném đá cho đến chết. Họ đang đặt Chúa Giêsu vào cái thế lưỡng nan: nếu Chúa Giêsu nói không được ném đá, hòn đá của họ sẽ ném trên Ngài vì Ngài dám xúi dân chống lại Luật Môsê; nếu Chúa Giêsu cho phép ném đá, Luật tha thứ và yêu thương của Ngài sẽ trở nên vô hiệu, vì Ngài dạy một đàng làm một nẻo. Các kinh sư và người Pharisêu tin chắc Chúa Giêsu sẽ không có lối thoát. Đáp lại họ, Chúa Giêsu làm một cử chỉ khó giải thích: Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất (x. Ga 8,6b). 

Tại sao Ngài viết và Ngài viết những gì?  Kinh Thánh không ghi lại. Có người đoán đó là thái độ của Ngài không muốn chú ý đến những người đang vây chung quanh Ngài, và là cử chỉ của Ngài từ chối không muốn nói chuyện với những người này.  Có thể thánh sử không nhắc tới, nhưng chúng ta hiểu rằng cùng với cử chỉ không muốn chú ý tới các kinh sư và người Pharisêu đang hiện diện trước mặt Ngài, Chúa Giêsu muốn họ và chúng ta hôm nay nữa, là chú ý tới điều quan trọng hơn cả việc lên án, đó là hãy lấy lòng nhân từ của Thiên Chúa mà cư xử với nhau.  Đây là điều chắc chắn Chúa Giêsu muốn mời gọi mọi người phản tỉnh xét mình nghiêm túc trước khi kết án người khác.

Cuối cùng, đáp lại sự hối thúc của họ, Chúa Giêsu nói:  “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.  Nghe Chúa Giêsu nói thế, các kinh sư và người Pharisêu bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Sau cùng, chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Chị trả lời: “Thưa ông, không có ai cả”. Chúa Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu đã minh chứng: Luật yêu thương tha thứ của Ngài chiến thắng khải hoàn trên Luật Môsê, vì Luật yêu thương đưa về cho Thiên Chúa một người con tưởng chừng đã mất; trong khi nếu theo Luật Môsê, chắc chắn sẽ để lại một xác chết. Thiên Chúa chẳng vui gì khi thấy một người con phải chết; nhưng Ngài vui mừng khi thấy một người con biết ăn năn trở lại và được sống (x. Lc 15,7).

 III. Chị phụ nữ bị kết án phạm tội ngoại tình trong cuộc xử án hôm ấy, không có tên tuổi.  Chị đã phạm một tội mà Lề Luật không thể thứ tha. Chị là con người yếu hèn đang phải đối phó với Lề Luật uy quyền. Có ý kiến rằng, vì trước hết thánh sử tế nhị và tôn trọng người ấy nên không cho biết xuất xứ của chị này.  Kế đến, vô danh cũng là cách để cho người đọc dễ đặt mình vào trường hợp chị này.

“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11). Những lời Chúa Giêsu nói đây, đã đủ để giúp chúng ta nhìn thấy được con tim nhân hậu của Thiên Chúa trong con người Chúa Giêsu Nazareth.  Lời đó không làm cho chị phải xấu hổ tủi nhục và thất vọng, nhưng mở ra một tương lai mới, một khởi đầu mới cho một tâm hồn tìm lại được tự do đích thực của người con Chúa. Trong lời nhắn nhủ nghiêm khắc của Chúa Giêsu, chúng ta lại cảm nhận được sự vỗ về yêu thương của người Cha nhân hậu. Chúa Giêsu đã thẳng thắn khuyên bảo chị và để cho chị một cơ hội làm lại cuộc đời. Những hòn đá ném trên thân xác người tội lỗi theo Luật Môsê chỉ giết chết con người chứ không giết được tội lỗi; nhưng lòng nhân hậu của Thiên Chúa lại có quyền năng cứu sống con người và diệt trừ tội lỗi, để tạo thành một con người mới.

Bởi vậy, Kitô hữu chúng ta cần tận dụng thời gian Mùa Chay Thánh, thời gian mà hôm nay Hội Thánh tung hô “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan” (Tv 125, 3 – x. Đáp Ca). Bí quyết tuyệt diệu là ở chỗ gặp Chúa Giêsu. Nhờ gặp Chúa Giêsu, biết chính Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (x. Pl 3,8-14) con người chúng ta mới có năng lực dễ đồng cảm và tha thứ cho người khác. Chúng ta gặp Chúa Giêsu qua việc chuyên chăm Lectio divina, chiêm ngưỡng và rước Thánh Thể Chúa Giêsu, thực tâm thực hành các việc đạo đức khác và phản tỉnh xét mình trong Mùa Chay Thánh để đến gặp Chúa Giêsu trong Bí Tích Hoà Giải, con người mới thấy ra mình cũng chẳng tốt đẹp hơn ai, chỉ có Thiên Chúa mới thấy rõ ai tội lỗi hơn ai (x. Mt 6,6), mà không xét đoán ai “để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (x. Mt 7,1-5).

 Chúng ta khiêm nhường thân thưa với Thiên Chúa là Cha chúng ta : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Vì xưa Chúa Giêsu nói với chị phụ nữ “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11), cũng là lời nói với bản thân chúng ta hôm nay. Một lời Chúa Giêsu nói, diệt được tội lỗi và tái tạo con người mới trong chị phụ nữ bị cáo buộc phạm tội ngoại tình và trong chúng ta. Đồng thời, Chúa Giêsu minh chứng gương nhân hậu phải có trong cuộc sống hôm nay. Thật là một lời quyền năng “nhất tiễn hạ song điêu” (một mũi tên hạ hai con chim).

FranÇois De Sales , O.Cist. An Phước.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...