TRUYỀN GIÁO LÀ NÓI VỚI THIÊN CHÚA VÀ VỀ THIÊN CHÚA
Mt 28, 16-20
“Vinh quang những bước chân đi truyền rao Tin Mừng cứu độ, cho mọi người, khắp mọi nơi…. người về nơi hang sâu, người về nơi núi cao….người về nơi thị thành. Những bước chân rộn ràng….” (Lời bài hát “Vinh Quang Những Bước Chân” của linh mục Mi Trầm)
Để những bước chân của những nhà truyền giáo rộn ràng trên khắp nẻo đường, đến với mọi người khắp mọi nơi, không chỉ thành thị, nhưng cả nơi thôn trang và hang sâu. Những bước chân đó phải có động lực. Động lực đó không được là một cái gì khác ngoài đức tin vào Đấng Phục Sinh
Trong bối cảnh “ngôi mộ trống”, các môn đệ đứng giữa hai luồng thông tin. Các thượng tế đã xếp đặt với toán lính canh để tung tin thất thiệt. Đức Giêsu chỉ là cái xác chết, tin vui phục sinh chỉ là trò bịp bợm của những môn đệ đến trộm xác rồi loan ra. Hơn nữa, về mặt tâm lý, các môn đệ vẫn chưa hết hoang mang lo sợ sau biến cố Thầy mình bị hành hình. Các ông vẫn đóng kín cửa vì sợ người Do thái. Tất cả những điều đó làm nên một mảng tối của bức tranh Phục Sinh.
Mặt sáng của bức tranh được vẽ lên bởi Đấng Phục Sinh qua các phụ nữ. Các phụ nữ được sống một kinh nghiệm có thật về Đấng Phục Sinh. Hơn nữa họ nhận được lệnh truyền loan báo cho các Tông Đồ đến Galile, Đấng Phục Sinh sẽ đợi gặp họ ở đó. Khi nhận được lệnh truyền từ những người phụ nữ, các tông đồ đã tin và họ đã đáp lại bằng hành động lên đường đến Galilie, đến ngọn núi đã được cho biết để gặp Đấng Phục Sinh.
Người truyền giáo hôm nay, và ở mọi thời đại trước hết phải là người tin vào Đấng họ rao giảng. Vì có tin thật trong lòng mới xưng ra ngoài miệng… có xưng ra ngoài miệng mới có những hành động làm chứng cho điều mình tin (x Rm 10,10). Hành động đầu tiên và luôn phải lặp lại đối với người truyền giáo chính là gặp gỡ Đấng mình rao giảng, mình tin.
Các nữ tu của mẹ Têrêxa Calcuta mỗi ngày đã chẳng cầu nguyện và chầu thánh thể, trước khi hoạt động tông đồ sao? Cuộc gặp gỡ này rất quan trọng đối với người truyền giáo. Vì qua cuộc gặp gỡ này, họ nhận được quyền năng của Đấng được giao toàn quyền trên trời dưới đất. Họ không chỉ trình bày đức tin của mình theo như những gì đã lãnh nhận từ truyền thống, nhưng còn trình bày một đức tin cá vị với Đấng mà họ đã gặp gỡ một cách cá vị. Cũng chính trong cuộc gặp gỡ này họ lãnh nhận sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người. Sứ mạng đó mời gọi họ ra đi làm nhân chứng
“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần…” Nói cách khác, các tông đồ được mời gọi làm cho muôn dân tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh nhờ Chúa Cha qua quyền năng của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó muôn dân chịu phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, đức tin lại là một hành vi tự do đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế các tông đồ cũng như các nhà truyền giáo không thể mị giáo, lại càng không thể cưỡng giáo. Các ngài chỉ có thể làm cho người ta tin bằng cách thu hút người khác bởi hương thơm đời sống của mình. Nói cách khác đó chính là cách thức truyền giáo.
Gần chúng ta có thánh Têrêxa Calcuta, mẹ đã dùng chính cuộc sống yêu thương phục vụ những người nghèo để làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Nhờ đó nhiều người đã tin vào Thiên Chúa. Xa hơn một chút, có thánh Phanxicô Xavier, người đã trở thành tông đồ của miền Á châu. Thánh nhân đã được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Cũng có một thánh nữ được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, đó là thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ một đời ở trong tu viện kín, quanh năm trong bốn bức tường, vậy mà cũng được Giáo Hội đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô Xavier. Điều này nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của việc truyền giáo không hệ tại ở sức riêng con người, nhưng chính là quyền năng Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ mùa gặt, các đan sĩ chính là những người cầu xin, khẩn cầu Thiên Chúa ban nhiều thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo. Còn các nhà truyền giáo chính là những thợ gặt trên khắp cánh đồng. Quyền năng của Thiên Chúa làm cho các tông đồ, các nhà truyền giáo có sự tin tưởng vào công cuộc truyền giáo
“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Trong mọi công việc, trong mọi hoàn cảnh trên cánh đồng truyền giáo, các tông đồ, các nhà truyền giáo luôn có Chúa ở cùng. Ngài cùng đi, cùng làm việc với họ. Chính thực tế này họ được mời gọi tin tưởng trong mọi thử thách, giữa muôn trở ngại trong công cuộc truyền giáo. Họ cũng được mời gọi tin tưởng vào thành quả của công cuộc truyền giáo, giữa những cám dỗ hiệu năng. Vì công việc này là của Thiên Chúa, và chính Ngài sẽ đưa tới sự thành toàn.
Khi nghĩ về những nhà truyền giáo, chúng ta vẫn thường nghĩ đó là những người xông pha ngoài kia. Họ là những người hoạt động không ngơi nghỉ. Nhưng đó không phải cách nghĩ đúng về họ. Trước hết, họ là những người gặp gỡ Thiên Chúa, họ nói với Thiên Chúa rồi mới đến việc nói về Thiên Chúa. Họ cũng là những người sống đời cầu nguyện, cộng tác vào công việc truyền giáo như những hậu phương vững chắc cho tiền tuyến khói lửa.
Thật vậy, công cuộc truyền giáo được thành toàn chính là nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Con người đứng vào vai trò những thợ gặt của Thiên Chúa. Cho nên không thể truyền giáo mà không cầu nguyện, nghĩa là không gặp gỡ Đấng ban quyền năng và sức mạnh.
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh