SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
Mc 6,7-13
Thánh Âu Tinh đã từng nói: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Thật vậy, máu Đức Giêsu đổ ra có giá trị rửa sạch tội lỗi nhân loại, nhưng để được cứu độ con người cần biết chân thành sám sối và tin vào Thiên Chúa. Đây cũng là lời rao giảng qua mọi thời đại và là lệnh truyền cho các môn đệ “Người gọi nhóm mười hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một… các ông ra đi rao giảng, kêu gọi người ta hối cải; các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,7.12-13). Nội dung của bài Tin Mừng hôm nay cũng là nội dung chính của bài khai mạc sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu.
Lời rao giảng khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu
Mở đầu sứ vụ Đức Giêsu đã kêu gọi: “thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đức Giêsu loan báo thời kỳ hiện tại đã đến hồi kết thúc và một thời mới, thời cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa đã ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người. Hối cải mà Đức Giêsu muốn đề cập ở đây phải hiểu hối cải theo chủ đề Cựu Ước, cách riêng theo ngôn sứ Giêrêmia: hối cải nghĩa là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới[1]. Lấy đức tin mà đón nhận và hành động toàn diện thông điệp Người công bố nơi Hiến Chương Nước Trời, để đón nhận cuộc sống nghèo khó, hèn mọn, sầu khổ như là phương thế để phục vụ cho đức ái. Vì sống theo lời Chúa là dùng tiền của mà mua lấy bạn hữu và Nước Trời; họ đi tìm kho tàng Nước Trời mà Thiên Chúa hứa cho những ai sống theo Tin Mừng (x. Mt 6,20); đồng thời, chúng ta chỉ trông cậy vào một mình Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài như bảo đảm duy nhất (x. Mt 6,25). Cuộc sống ‘giả dối lên ngôi’, thẳng thắn thường thua thiệt, xã hội đầy ắp những bất công… nhưng vẫn luôn khao khát sự công chính đích thực là chính Chúa. Nỗ lực xây dựng tình huynh đệ nhân loại, trong đó mọi người đều là anh em cùng một Cha với nhau trong Chúa Giêsu. Sau cùng là biết đón nhận kiếp người môn đệ chấp nhận bị hiểu lầm, vu khống, và cả nguy hiểm về tính mạng để được đồng hóa với Thầy Giêsu.
Lời rao giảng Tin Mừng cho con người thời nay
Chúng ta sống trong một xã hội mà con người đang cố gắng tìm cách phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và lấy mình làm cứu cánh… Thêm vào đó, là con người tôn thờ chủ nghĩa tự do cá nhân và hưởng thụ, khiến con người trở nên vô cảm trước mọi hình thức đói nghèo của đồng loại và điều nguy hiểm hơn cả là mất cảm thức về tội lỗi, không nhận ra mình có lỗi để sám hối. Trước thực trạng đó, là kitô hữu chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho các giá trị Tin Mừng, tức là dám can đảm đi ngược lại những chọn lựa của con người ngày nay như chọn lối sống vô thần duy vật chất, chúng ta cần biết tỉnh thức để chọn Chúa là ông chủ duy nhất. Khi gian dối và lừa lọc lên ngôi, chúng ta, những người tin vào Chúa, hãy sống thật thà và ngay thẳng theo lời Chúa Giêsu dạy: “Có thì nói có, không thì nói không. Còn thêm thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5,37). Người đời sống theo chủ nghĩa tự do cá nhân, thiếu tôn trọng và yêu thương người khác, thì chúng ta hãy sống quảng đại, cảm thông, tha thứ, biết tôn trọng và yêu thương người khác như chính mình (x. Mt 22,38-39)… Chủ nghĩa duy tương đối khiến con người chối bỏ chân lý tuyệt đối là chính Chúa thì chúng ta được mời gọi trở về với các chân lý Đức tin, trung thành với các giá trị Tin Mừng và kiên nhẫn thực hành trong mọi hoàn cảnh sống của mình với niềm xác tín: ‘nắm men tuy ít nhưng cũng có thể làm dậy men cả thúng bột’.
Không có của lễ nào làm hài lòng Thiên Chúa bằng “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Có thể nói: đây là cứu cánh duy nhất của đời sống Kitô hữu. Do đó, việc thực thi lệnh truyền của các môn đệ: “các ông ra đi rao giảng, kêu gọi người ta hối cải” (Mc 6,12) phải là châm ngôn sống cho mỗi người chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng mời gọi mọi người sống theo châm ngôn đó để chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa sớm được hoàn tất.
Mai Lệ Thi
[1]x. CGKPV, Bốn Sách Tin Mừng, phần chú thích, tr 153, nxbtg Hà Nội, 2004.