Thứ Ba, 19 Tháng Ba, 2024

Suy niệm Tin Mừng CN III MC, A: Đức tin tiệm tiến

ĐỨC TIN TIỆM TIẾN

(Ga 4,5-42)

Tùng Linh, PL

Tin mừng hôm nay thánh Gioan tường thuật cho chúng ta một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samari. Một cuộc đối thoại tiệm tiến đầy kiên nhẫn. Một bên khởi đầu đầy thiện chí, khiêm tốn và tôn trọng người đối diện, bên còn lại có vẻ e dè. Cuộc đối thoại này cho chúng ta nhìn thấy một tiến trình tiệm tiến của hành trình đức tin.

Trước hết tin là gì? Theo sách Giáo Lý Công Giáo, số 150: “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Kitô giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật chính đáng và phải đạo khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy”.

Mở đầu trình thuật bài Tin Mừng, thánh Gioan viết: “Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”. Lúc “mười hai giờ trưa” ở trong câu chuyện này ám chỉ đến “mười hai giờ trưa” trong Ga 19,14, đó là giờ siêu thăng, giờ ban Thánh Thần, giờ sinh ra Giáo hội.[1]

Chúng ta thử đặt câu hỏi vì sao người phụ nữ Samari lấy nước vào 12 giờ trưa. Thông thường, những người phụ nữ thường lấy nước vào khoảng 7 giờ sáng. Có thể người phụ nữ Samari này không dám đối diện với những người trong thành vì bà cảm thấy mình tội lỗi, đời sống luân lý quá tệ hại. Có thể người phụ nữ này không chịu nổi với những lời xầm xì bàn tán của mọi người nơi bờ giếng Giacóp này, và còn nhiều lý do khác nữa. Tóm lại, bà là người phụ nữ cô đơn cô độc, lầm lũi bước đi một mình và ra về một mình suốt những chuỗi ngày dài. Hay nói cách khác bà đang trong vùng đêm tối của cuộc sống, đêm tối của đức tin.

Chúa Giêsu đến bờ giếng Giacóp, Người gặp bà và mở lời trước với bà: “Chị cho tôi xin chút nước uống”. Chính Chúa đã mở đầu cuộc nói chuyện, chính Ngài đã đi bước trước để mở lòng cho người phụ nữ. Việc xin nước uống chỉ là cái cớ để Đức Giêsu bắt chuyện với người đàn bà. Mục đích của Đức Giêsu không phải là xin nước, nhưng Ngài muốn mạc khải cho bà biết những điều quan trọng về Ngài.[2] Nhưng người phụ nữ lúc này vẫn còn đề phòng và có kiểu nói xấc xược, bà nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khinh miệt[3]: “Ông là người Do thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”. Người Do Thái và người Samari sống trong tương quan căng thẳng. Người Samari coi mình là hậu duệ của các tổ phụ (x. Ga 4,12.20) và là số sót lại của Israel, vì Bắc quốc đã bị người Assyria tiêu diệt vào năm 722 tCN. Thiên Chúa của họ là YHWH, là Thiên Chúa của Israel. Họ chỉ chấp nhận năm cuốn sách của Môsê (Ngũ thư). Người Do Thái coi họ như một dân tộc hỗn hợp bán ngoại giáo (x. 2V 17,24-41), nên đã cấm họ không được tham gia vào việc tái thiết Đền Thờ sau lưu đày (x. Er 4,1-24), và lại ghét họ thậm tệ, coi họ như là dân ngu ngốc sống tại Sikhem (Hc 50,26)[4]. Nhưng Chúa Giêsu không để ý những điều đó, vì Ngài thấy người phụ nữ này mở miệng nói chuyện, dù có xấc xược nhưng Ngài kiên nhẫn bước đến bước thứ hai: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Lúc này, chị đã cởi mở hơn và nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?”. Liền lúc ấy Chúa Giêsu đã trả lời bà: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. Nghe đến thứ nước có thể làm cho mình không còn khát nữa, người phụ nữ liền thưa, có vẻ cởi mở hơn rất nhiều: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Người phụ nữ đã đưa một bước chân về Chúa Giêsu, nhưng đồng thời lại kéo mọi sự về bình diện của bà, về các nhu cầu trực tiếp của bà[5]. Nhưng nước mà Chúa Giêsu nói đến là nước hằng sống, là chính Ngài, là Thần Khí Ngài. Mặc dù lại gặp một thất bại thứ hai, Chúa Giêsu không nản lòng, không dừng lại. Người vẫn tiếp tục bằng cách dựa trên sự mở lòng nửa vời của người đàn bà[6].

Chúa Giêsu đi qua một tiến trình mới để giới thiệu cho người phụ nữ biết Ngài là ai, Ngài nói: “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây”. Người phụ nữ trả lời rằng: “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu liền nói: “Chị nói: ‘Tôi không có chồng’ là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng”. Người phụ nữ ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu đã nói rất đúng về đời tư của mình. Bà đã có cái nhìn khác về Chúa Giêsu, một cái nhìn thiện cảm và tôn trọng hơn, bà nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Khi thấy người phụ nữ đã có một cái nhìn khác, một cái nhìn như tuyên xưng đức tin, và bà đã đủ chín muồi để có thể đón nhận lời công bố long trọng của Chúa Giêsu trong tư cách Đấng Mêsia[7], Chúa Giêsu đã mạc khải cho bà biết: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Khi được Chúa Giêsu mạc khải, người phụ nữ để vò nước lại, chạy vào thành và nói với mọi người: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Những người trong thành ra đón Chúa Giêsu, khi đến gặp Người, “dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa”. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

Qua cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samari, chúng ta nhận ra cả một khoa sư phạm Chúa Giêsu đã vận dụng để đưa bà đến đức tin. Ngài đã dẫn bà một cách tiệm tiến trên hành trình đức tin. Trước tiên, Người khơi lên sự tò mò để bà tìm hiểu, qua việc nhắc đến một công việc tầm thường làm mỗi ngày, là đến giếng kín nước để giải tỏa cơn khát thể lý. Từ đó, Người gợi đến một thực tại khác, nước hằng sống. Thế rồi câu chuyện lại chuyển sang một hướng khác, khi Chúa Giêsu đề cập đến đời sống riêng tư nhất của bà, cơn khát tình yêu dường như vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Mục tiêu của Chúa Giêsu không phải là đưa bà đến chỗ nhìn vào mình, nhưng là nhìn vào Người để nhận biết Người là ai[8].

Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời[9]. Đó là nước hằng sống, nước trường sinh.

Nước trường sinh có sức mạnh tẩy rửa đời sống bên trong, đời sống nội tâm. Xoá bỏ quá khứ cuộc đời. Đào tận căn mọi gốc rễ tội lỗi của tâm hồn thống hối, ăn năn. Nước trường sinh tẩy xoá mọi tì ố, vết dơ, đố kị, thù hằn. Nước trường sinh quyét sạch tội đời bằng cách tẩy thói hư, rửa tật xấu, xoá ích kỉ, gột kiêu căng. Nước trường sinh làm mềm tâm hồn cứng cỏi, dịu cơn giận, giảm cơn đau. Nước trường sinh sưởi ấm con tim nguội lạnh, san bằng bất công, tiêu diệt áp bức, càn trước, quét sau, dọn sạch tâm hồn cho hạt giống thứ tha nảy mầm, cho tình người nở hoa. Thắt chặt tình thân ái, cảm thông, tình anh em, mở đường dẫn đến ăn năn, thống hối để nhận ơn thứ tha, giao hoà cùng Thiên Chúa và tha nhân.[10]

Tin là một cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và qua cuộc gặp gỡ đó mà nhận ra rằng, ý nghĩa của thế giới là một con người, một ngôi vị sống động[11]. Tin Mừng cũng cho ta thấy cuộc gặp gỡ của người phụ nữ Samari và Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã dẫn người phụ nữ đi trong hành trình đức tin một cách điềm tĩnh, nhẫn nại, ôn hòa, kiên trì giải thích… Ngài không nhìn người phụ nữ Samari bằng ánh mắt kỳ thị hay thiếu tôn trọng … nhưng Ngài đã nhìn xuyên thấu vào tâm hồn chị để thấy những nét đẹp tiềm ẩn nơi đó và mở ra cho chị cơ hội được đổi đời để sống bình an hạnh phúc. Chúng ta cũng hãy gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày để đổi mới đời sống đức tin của chúng ta.

___________________________

[1] gpcantho.com, Lm Ignatio Hồ Thông

[2] giaophanmytho.net, Lm. Anthony Trung Thành

[3] giaophanmytho.net, TGM Ngô Quang Kiệt

[4] Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, Lm Vũ Phan Long, p 135

[5] Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, Lm Vũ Phan Long, p 144

[6] Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, Lm Vũ Phan Long, p 144

[7] Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, Lm Vũ Phan Long, p 147-148

[8] Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, Lm Vũ Phan Long, p 151

[9] giaophanmytho.net, Lm Anton Nguyễn Văn Độ

[10] giaophanmytho.net, Lm. Vũ Đình Tường

[11] Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, p 79

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chúa Nhật VI PS, Năm A, Ga 14,15-21: Chúa Thánh Thần – Đấng Bảo Trợ

CHÚA THÁNH THẦN - ĐẤNG BẢO TRỢ (Ga 14,15-21) Tùng Linh,...

Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Nghệ thuật sửa lỗi

NGHỆ THUẬT SỬA LỖI (Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt...

Chúa Nhật XXX TN, A, Mt 22,34-40: Điều răn quan trọng nhất

ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (Mt 22,34-40) M. Matthêu Lê Văn...

Suy niệm Lời Chúa Lễ Hiển Linh: Trở nên ánh sao của Thiên Chúa

TRỞ NÊN ÁNH SAO CỦA THIÊN CHÚA (Is 60,1-6; Ep...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thánh Giuse giáo dân (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lễ Thánh Giuse 19.03.2024 THÁNH GIUSE GIÁO DÂN 2 Sm 7,4-5a.12-14a.16; Rm 4,13.16-18.22; Mt 1,16.18-21.24a Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt Nếu đưa ra câu hỏi: Ai là...

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria : Thánh Giuse Uy Quyền

Ngày 19-3, Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria, Mt 1,16.18-21.24 / Lc 2,41-51 Thánh Giuse Uy Quyền Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Hợp với Hội Thánh...

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33: Hạt lúa đơm bông cánh đồng rạng rỡ

Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm B, Ga 12,20-33 Hạt Lúa Đơm Bông Cánh Đồng Rạng Rỡ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khi nhìn thấy đồng lúa...

Suy niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – B: Chết để được sống

Suy Niệm Chúa Nhật V  Mùa Chay Năm B CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG (Ga 12,20-33) Mai Anh, CĐ Phước Thiên Vì yêu thương nhân loại từ ngàn xưa,...

Lễ thánh Giuse 19/3 – Việc làm to lớn của thánh Giuse

Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria  (Mt 1,18-24) Cha M. Gioan Bosco Nếu nói Tin Mừng hay kể chuyện lạ thì chuyện về Giuse là...

Chúa Nhật IV Mùa Chay, B, Ga 3,14-21: Đấng bị treo lên thập giá

ĐẤNG BỊ TREO LÊN THẬP GIÁ (Ga 3,14-21) Tùng Linh, Phước Lý Chuyện kể rằng: “Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng...

Chúa Nhật III MC, B: Thanh tẩy Đền thờ

THANH TẨY ĐỀN THỜ "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân" (Tv 68.10) M. Jos. Ba, PV      Với...

Chúa Nhật III Mùa Chay, Năm B, Ga 2,13-25: Thanh tẩy Đền thờ

Chúa Nhật III Mùa Chay, năm B  (Ga 2,13-25)   Trong tất cả các tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, người ta tin rằng nơi đây...

Chúa Nhật II Mùa Chay, B, Mc 9,2-10: Biến hình với Chúa

BIẾN HÌNH VỚI CHÚA (St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10) Tùng Linh, Phước Lý Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô tường thuật sự kiện Chúa Giêsu...

Chúa Nhật II Mùa Chay, B, Mc 9,2-10: Hai mẫu gương quảng đại

CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY NĂM B HAI MẪU GƯƠNG QUẢNG ĐẠI FM. Giacobe Nguyễn Vĩnh Nghiêm, AP      Trong lịch sử cứu độ, chúng...

Chúa Nhật II Mùa Chay, B: Sống thân mật với Chúa (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Nhật II mùa Chay năm B SỐNG THÂN MẬT VỚI CHÚA Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mc 9,1–9 Hôm ấy, Chúa...

Chúa Nhật II Mùa Chay, B: “Hãy vâng nghe lời Người” (Đan viện Fatima, Thụy Sĩ)

Chúa nhật 2 MC - B "HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI" Đv. Đức Mẹ Fatima, Thụy Sĩ Bài Tin Mừng của thánh sử Marco nói về việc...