CHÚA PHỤC SINH KHAI MỞ ĐỨC TIN CHÚNG TA
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)
M. Gioan XXIII Tấn, PL
Tin vào Đấng Phục Sinh cũng giống như niềm tin trọn vẹn vào Chúa Kitô. Thân thể Chúa Kitô thì không còn ở trong mồ nữa, nhưng đã phục sinh tới một cuộc sống mới, và chúng ta tin rằng, thân thể của chúng ta cũng sẽ được một lần tham giữ vào vinh quang của Ngài.
Tin Mừng Gioan kết thúc với lời công bố Chúa Giêsu chiến thắng sự chết (chương 20). Tiếp theo là phần kết (chương 21). Một lần nữa, mỗi tác giả Tin Mừng nhấn mạnh một khía cạnh khác nhau của những gì đang xảy ra. Đầu tiên Gioan thuật lại ý nghĩa của ngôi mộ trống mở ra đã trở nên rõ ràng đối với cá nhân ngài như thế nào và ngài đã tìm thấy niềm tin nơi sự sống lại ra sao.
Ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mađalêna đi đến mộ (x. c. 1), ở chỗ khác gọi là Maria Mácđala (x. Mt 28,1; Mc 16,1.9; Lc 24,10). Điều đáng chú ý là những người phụ nữ khác không còn được nhắc đến nữa, nhưng số nhiều trong phát biểu của bà Maria giả định trước sự hiện diện của họ (οἴδαμεν – chúng tôi x. c. 2). „Ngày thứ nhất trong tuần“ giờ đây trở thành Ngày của Chúa, ngày Chúa Nhật, trong Kitô giáo. Tảng đá được lấy ra khỏi cửa mộ khiến bà Maria nghi ngờ rằng, người ta đã đặt xác Chúa Giêsu ở một nơi khác. Tất nhiên, khái niệm về sự sống lại không xảy ra với bà[1]. Sự ăn năn của bà Maria với Chúa Giêsu khi sống và khi chết dựa trên lòng biết ơn của bà vì đã cứu bà khỏi ách nô lệ của Satan. Bà đã quan sát những gì đang xảy ra trên thập giá và bây giờ là người đầu tiên đến ngôi mộ của Đức Giêsu. Ngôi mộ đã được đóng lại bằng một tảng đá lớn (x. Mc 16,3-4) và được niêm phong bởi chính quyền Rôma, nghĩa là bằng ấn của tổng trấn Rôma Phongxiô Philatô (x. Mt 27,65-66). Bà Maria đã vội vàng đi báo lại quan sát của mình cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến (x. Ga 19,26). Trời vẫn còn tối. Việc xác định thời gian này nên được hiểu một cách tượng trưng[2].
Phêrô và người môn đệ kia cũng vội vã chạy đến mộ. Người môn đệ kia đến trước và nhìn vào bên trong (x. cc. 3-4). Nó không hoàn toàn trống rỗng, những băng vải vẫn còn bên trong. Suy nghĩ đầu tiên của ông có lẽ là những người phụ nữ đã sai. Ông nhìn vào bên trong (βλέπει blepei – nhìn, giám sát) … nhưng không vào (x. c. 5). Tại sao ông không vào? Có nhiều lối giải thích khác nhau: ông không vào tại vì ngạc nhiên, vì xúc động, vì sợ, hay có lẽ vì sợ bị ô uế. Nhưng có lẽ những lối giải thích như vậy là không phù hợp với hình ảnh của „người môn đệ kia“ trong Tin Mừng thứ tư[3]. Tuy nhiên, Phêrô, người đến sau ông, ngay lập tức đi vào trong mộ và thấy (θεωρεῖ theorei – quan sát, để ý, cảm nhận thấy) những chiếc khăn liệm và bên cạnh là chiếc khăn che đầu (x. cc. 6-7). Phêrô hẳn đã chết đứng trước những gì ông nhìn thấy. Nói cách khác, mặc dù Phêrô đã thấy cảnh tượng như người môn đệ kia, song chưa xác tín vào sự sống lại của Đức Giêsu. Dựa vào Kinh Thánh chúng ta có thể nói, đối với Phêrô, Đức Giêsu cần hiện ra với ông thì mới làm cho ông đạt đến niềm tin vào sự sống lại của Ngài được (x. Lc 24,34; 1Cr 15,3-5). Còn với người môn đệ kia, sau thời gian đi theo Đức Giêsu và cũng thấy (εἶδεν eiden – nhận thức, từ Hy Lạp thứ ba cho động thừ „nhìn thấy“ trong câu này) và tin. Động từ εἶδεν trong câu 8 sẽ được dùng nói về cái „nhìn“ nảy sinh đức tin[4]. Có lẽ Phêrô vẫn đang tìm kiếm lời giải thích tại sao một kẻ mạo phạm mồ mả lại bỏ quần áo và mang xác đi, nhưng người môn đệ kia ngay lập tức hiểu rõ, thi thể bị mất tích và cách sắp xếp những tấm vải liệm – chúng hẳn đã được đưa ra như thể cơ thể vẫn còn bên trong – không phải do bọn cướp. Ông hiểu rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết và để lại những tấm vải liệm Ngài. Ngôi mộ không mở vì Ngài đã đi qua lối vào, nhưng để các môn đệ và phần còn lại của thế giới có thể vào và thấy rằng Ngài đã thực sự sống lại[5]. Do đó, bây giờ tin vào Đấng Phục Sinh cũng giống như niềm tin trọn vẹn vào Chúa Kitô[6]. Thân thể Chúa Kitô thì không còn ở trong mồ nữa, nhưng đã phục sinh tới một cuộc sống mới, và chúng ta tin rằng, thân thể của chúng ta cũng sẽ được một lần tham giữ vào vinh quang của Ngài. „Chỉ nhờ Đức Kitô sống lại tiêm sức sống, thì ta dù có đi dần tới cái chết (phần xác) – cái chết này chỉ là một giấc ngủ tạm ít lâu – nhưng Ngài cấy vào trong ta năng lượng tuyệt đối, mầm sống vô tận của Ngài … để rồi một ngày kia, ta sẽ sống lại và không bao giờ còn chết nữa“[7]. Bởi vì, Ngài đã chỗi dậy từ cõi chết và mở đường dẫn chúng ta vào cõi sống (x. 1Cr 15,20).
Lời tường thuật của Tin Mừng Gioan (20,1-9) về việc khám phá ra ngôi mộ trống rõ ràng là một lời tường thuật của nhân chứng, điều này chắc chắn gây ấn tượng cho người đọc dù chỉ một chút trực giác là sự thật về mặt tâm lý và lịch sử. Ở đây, Gioan còn thêm một lần nữa rằng các môn đệ vẫn chưa hiểu Kinh Thánh nói Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết (x. c. 9), mặc dù sự kiện chính xác lúc này đã xảy ra mà Ngài đã nói đi nói lại với họ (x. Tv 16,10-11; 110,1.4; Is 53,11-12) [8].
Chúa nay thực đã phục sinh, Alleluia! Alleluia![9] – lời này đã được cộng đoàn dân Chúa hát lên trong Đêm Vọng Phục Sinh và Chúa Nhật Phục Sinh và còn hát nữa trong mùa Phục Sinh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mùa Phục Sinh là một thời gian của niềm hy vọng. Mặc dù, chúng ta vẫn còn sợ hãi, vẫn còn nhận thức đau đớn về tội lỗi, nhưng cũng có ánh sáng chiến thắng. Ở đây xảy ra cái gì nó mới mẻ, ở bên kia sự thay đổi may mắn và sự thăng trầm trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể tươi vui hiền hòa hoặc buồn bã, lạc quan hoặc bi quan, trầm lắng hoặc bất an: dòng chảy hùng mạnh của sự gần gũi với Thiên Chúa thì có chiều sâu lớn hơn những con sóng nhỏ, trong tâm trí và trái tim của chúng ta. Lễ Phục Sinh mang đến sự nhận thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay cả sự hiện diện của Ngài không được nhận thấy một cách trực tiếp. Lễ Phục Sinh mang đến thông điệp hạnh phúc, sự dữ đã được chế ngự, mặc dù, nó vẫn luôn luôn chiếu dọi những điều xấu hơn ở trong thế gian. Mừng lễ Phục Sinh chúng ta có thể chắc chắn, Thiên Chúa đi cùng chúng ta trên mọi nẻo đường, và giải thích cho chúng ta lời Kinh Thánh, ngay cả khi Thiên Chúa vẫn còn đang ở xa, và chúng ta thì vẫn còn bận rộn với rất nhiều điều nhỏ mọn. Vì vậy, ánh sáng từ nhiều tia hy vọng tác động đến đường đời của chúng ta[10].
Ước mong rằng, qua việc siêng năng đọc và suy niệm Kinh Thánh mỗi ngày, chúng ta được củng cố vững vàng trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, ngõ hầu cũng được „trỗi dậy“ với Ngài qua việc từ bỏ những nết xấu và tội lỗi của mình để được sống tinh thần mới trong Chúa Phục Sinh, điều mà thánh Phaolô nói với các tín hữu Côlôxê mà chúng ta được nghe trong bài đọc II hôm nay, là luôn biết tha thiết „tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa“ (Cl 3,1). Nhờ đó, khi nguồn sống của chúng ta là Đức Kitô đến thì Ngài sẽ đưa chúng ta vào hưởng phúc vinh quang muôn đời (x. Cl 3,4).
_________________________
[1] X. Joachim Gnilka, Johannesevangelium, Würzburg 31989, tr. 149.
[2] X. Sđd.
[3] X. Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn CSsR, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập VIII, Yêu đến cùng, NXB Tôn Giáo 2009, tr. 433-434.
[4] X. Sđd., tr. 437.
[5] X. Edwin A. Blum, Johannes, trong: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 3 2000, 337–442, đây: tr. 434-435.
[6] X. Gnilka, Johannesevangelium, tr. 150.
[7] Lm. Nguyễn T. Toàn, Tin Mừng, n. A. CN PS, tập 4/1990, trong: Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, CSsR, Đọc Tin Mừng Gioan, Tập VIII, Yêu đến cùng, NXB Tôn Giáo 2009, tr. 450.
[8] X. Blum, Johannes, tr. 435.
[9] Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là chân lý chóp đỉnh niềm tin của chúng ta vào Ngài, đã được các tín hữu đón nhận và sống như mầu nhiệm trọng tâm, được truyền lại như yếu tố cơ bản của đức tin Tông truyền, được xác định bởi các bản văn Tân ước, được rao giảng như là phần cốt yếu của mầu nhiệm Vượt qua cùng với thập giá Chúa Kitô (x. GLHTCG 638).
[10] X. Henri Nouwen, Zeige mir den Weg, Texte für alle Tage von Aschermittwoch bis Ostern, Friburg – Basel – Wien, 1990, tr. 141.