“Anh em là muối, là ánh sáng cho trần gian”
(Mt 5,13-16)
Tùng Linh, PL
Một ngày nọ, có một vị khách đến thăm ngôi nhà mà Mẹ Têrêsa dành cho người nghèo và người hấp hối ở Calcutta. Khi ông vừa tới thì các nữ tu đưa vào một vài người đang hấp hối từ ống cống về, mình dính đầy bụi đất và đang đau đớn. Một chị đang chăm sóc cho người sắp chết mà không để ý đến người đang quan sát mình. Chị tắm rửa và mỉm cười với người ấy.
Nhìn thấy thế, ông khách quay lại với Mẹ Têrêsa và nói: “Hôm nay, khi đến đây, tôi đã không tin Thiên Chúa, vì lòng tôi đầy thù hận. Nhưng giờ đây, tôi ra về với lòng tin Thiên Chúa. Tôi đã thấy tình yêu của Thiên Chúa đang hoạt động. Qua đôi bàn tay của chị nữ tu kia, qua sự dịu dàng, qua cử chỉ đầy thương yêu của chị đối với người bất hạnh ấy, tôi đã nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa xuống trên người ấy. Bây giờ thì tôi tin.” Chị nữ tu đã làm đúng như lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay là trở thành Muối và Ánh sáng cho trần gian.
“Các con là ánh sáng thế gian“, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Bài Tin Mừng Mt 5,13-16, Đức Giêsu mời gọi chúng ta phản chiếu một phần ánh sáng của Người qua chứng tá việc lành phúc đức của chúng ta. Người nói như sau: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Những lời nói này làm nổi bật sự việc người ta có thể nhận biết chúng ta là môn đệ đích thật của Đấng là ánh sáng trần gian, không phải bằng lời nói, mà bằng các việc chúng ta làm.
Việc lành phúc đức của chúng ta là gì? Theo ngôn sứ Isaia, đó là: “Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,7).
Chúa Giêsu nói: “Các con là muối cho đời” (Mt 5,13). Như chúng ta đã biết, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, không ai nói là tôi không cần đến muối. Vì muối rất quan trọng trong cuộc sống, người ta dùng muối để bảo quản thức ăn khỏi hư thối và tăng hương vị. Muối làm cho thức ăn thêm đậm đà; người ta cũng dùng muối để trị bệnh, sát trùng và diệt khuẩn; muối còn có chức năng giúp tiêu hóa tốt, dung hòa i-ốt trong cơ thể, và ngăn ngừa bệnh tật. Muối là một trong những khoáng chất quan trọng của con người và súc vật.
Khi ví người môn đệ như là muối ướp, Đức Giêsu muốn nói đến bản chất của người môn đệ là phải mặn. Người môn đệ phải mang trong mình vị mặn của tình yêu, tha thứ, bao dung và liên đới. Nếu không có vị mặn như thế thì không còn đóng giữ vai trò của mình nữa.[1] Nếu nó không còn mặn thì chỉ còn nước đổ ra đường cho người ta chà đạp lên mà thôi.
Khi nói người môn đệ phải có trách nhiệm ướp đời, Đức Giêsu ngầm muốn nói đến một xã hội đang bị hư hỏng vì sự bê tha, suy đồi và trụy lạc về luân lý… Vì thế, để khỏi hư thối, người môn đệ phải trở nên muối mặn của nhân đức: Để ngăn ngừa cho thế gian bớt cảnh bất công, người môn đệ phải có vị mặn của sự công chính; để ngăn ngừa cho thế gian bớt sa đọa, người môn đệ phải có vị mặn của lòng trong sạch; để cho thế gian đỡ phải chứng kiến những cảnh thương đau, người môn đệ phải có vị mặn của lòng thương xót. Và nhất là phải mang trong mình “vị mặn Giêsu” thì mới mong ướp cho đời được. Có thế, người môn đệ mới hy vọng đem lại cho xã hội một mùi vị thơm ngon… thay cho lạt lẽo, gian dối.[2]
Cũng như những hạt muối được làm từ một khối nước biển tràn vào ruộng muối thế nào, thì người môn đệ cũng phải biết đón nhận nguồn “vị mặn Giêsu”, để rồi trở nên muối và góp phần ướp cho đời như vậy. Nếu hạt muối phải tan chảy ra thấm nhập vào từng thớ thịt, con cá… để tăng hương vị, để khỏi hư thối thế nào, thì người môn đệ cũng phải hòa mình vào trong cuộc sống nhân loại như vậy.[3]
Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.[4] Đó là cách thức hiện diện của muối: tác động một cách ẩn giấu, không thể quan sát được, nhưng có chức năng rất quan trọng.
Giống như muối, chúng ta hiện diện khiêm tốn, hòa nhập, tác động từ bên trong, biến đổi âm thầm. Cũng như muối, người môn đệ Chúa sống trong xã hội, có sứ mạng giữ gìn xã hội cho sạch, tẩy xóa những xấu xa, dơ bẩn và biến xã hội, đời sống con người nên tốt hơn, nhân bản hơn, lành mạnh hơn theo các giá trị Tin Mừng. Sự ảnh hưởng này không nhìn thấy, nhưng lại rất cần thiết. Đây là sự biến đổi nên tốt lành và công chính từ bên trong lòng con người và xã hội[5]
Hình ảnh của ánh sáng đi song song với hình ảnh muối, vì ánh sáng cũng ảnh hưởng trên cuộc sống của con người. Không có ánh sáng, thì không thể có sự sống, mọi sự sẽ chìm vào trong bóng tối và trở nên hỗn độn (x. St 1,1). Frank Mihalic đã viết rất hay về ánh sáng như sau: Ánh sáng là một tác phẩm quan trọng đến nỗi Thiên Chúa đã làm ra nó trước cả trời và đất. Khi đã có ánh sáng thì mọi sự khác xuất hiện theo. Ánh sáng còn là thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh và tiêu diệt nhiều thứ độc hại.
“Các con là ánh sáng thế gian“, sự sáng này không phải do chúng ta tạo nên, nhưng phát xuất từ Chúa Kitô: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Chúa Giêsu muốn chúng ta như tấm gương phản chiếu ánh sáng của Ngài, cho mọi người và cho mọi nơi. Do đó, ánh sáng được chiếu tỏa không phải cho chúng ta được vinh danh, nhưng cho vinh quang của Thiên Chúa.
Khi Chúa Giêsu nói: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Chúng ta biết rằng ánh sáng là công trình đầu tiên của Thiên Chúa Sáng Tạo và là nguồn mạch sự sống. Chính Lời của Thiên Chúa cũng được so sánh với ánh sáng, như tác giả Thánh Vịnh công bố: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho đi” (Tv 119,105).
Ánh sáng đây không phải là ánh sáng của các lời nói, cũng chẳng phải là ánh sáng của chân lý lý thuyết, nhưng là ánh sáng của “các việc tốt”, như Đức Giêsu đã đề cập đến (Mt 4,23-25) và đã làm (Mt 5,3-11) và sẽ còn nhắc đến (Mt 7,23; 25,31-46) trong các diễn từ của Người[6].
Từ ánh sáng Chúa Kitô, đến lượt chúng ta cũng được mời gọi trở nên ánh sáng cho người khác, để soi chiếu cho họ thấy ánh sáng sự thật, ánh sáng ơn cứu độ và hạnh phúc đích thực; đồng thời chúng ta phải giúp họ chống lại những bóng tối tội lỗi, sai lạc và bất hạnh của con người[7].
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta sống biến chất Kitô, chúng ta không còn vị mặn của muối, ánh sáng của chúng ta đã tắt tự bao giờ. Như Gandhi đã nói về cách sống đạo của những Kitô hữu trong xã hội của ông: “Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Ðức Kitô, thì họ chẳng cần phải mất công rao giảng, toàn Ấn độ sẽ trở thành Kitô hữu hết”.
Thật vậy, còn biết bao người như Gandhi rất mộ mến Ðức Giêsu, nhưng cứ nhìn thấy cách sống của những người Kitô hữu chung quanh họ, là họ cảm thấy chẳng cần phải vào Kitô giáo làm gì. Vì người Kitô hữu nói chung cũng chẳng hơn gì họ: cũng ích kỷ, cũng ăn gian nói dối, cũng bất công, cũng lặng im trước bất công, cũng sống chẳng có tình nghĩa bao nhiêu. Làm sao họ có thể tin được những người chẳng tốt hơn họ, đôi khi kém họ lại được Thiên Chúa ân thưởng chỉ vì là Kitô hữu, còn họ cũng sống như vậy thậm chí tốt hơn thì lại bị phạt. Chẳng lẽ chúng ta lại giới thiệu với họ một Thiên Chúa bất công và vô lý như vậy qua cách sống của chúng ta?[8]
Cuộc sống hôm nay đang trở nên nhạt thếch vì thiếu tình người. Xã hội hôm nay có những khoảng tối do lòng ích kỷ, gian dối và bạo lực. Những ai theo Chúa hãy cố gắng mỗi ngày để đem cho cuộc đời vị mặn của tình thương và ánh sáng của lòng tốt.[9] Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI đã nói: “Quả thật, lời rao giảng và chứng tá cho Tin Mừng là công việc phục vụ đầu tiên mà những người Kitô có thể cống hiến cho mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, xét vì những người Kitô là những kẻ được mời gọi thông truyền cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa Cha, được biểu lộ trọn đầy nơi Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế Duy Nhất của thế giới” (Diễn văn tại Ðại Học Truyền Giáo Roma 11/3/2006 nhân dịp kỷ niệm bốn mươi năm của Sắc Lệnh Về Truyền Giáo “Ad gentes” của Công Đồng Vatican II).
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Lời Chúa trong những ngày đầu năm mới này thực sự là ánh sáng soi đường cho mỗi người chúng ta trong suốt năm nay. Lời Chúa cũng mời gọi mỗi người ý thức bổn phận phải trở thành ánh sáng và muối cho chính họ và những người xung quanh được bước vào vùng ánh sáng thật. Và phải quyết tâm hướng đến những giá trị linh thánh và sống bác ái yêu thương một cách cụ thể.
__________________________
[1] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A.
[2] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A.
[3] www.simonhoadalat.com. Ngọc Biển, Suy niệm Chúa Nhật V TN Năm A.
[4] Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt, Muối Cho Đời.
[5] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Muối Cho Đời, tr. 189.
[6] Lm. Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, tr. 125.
[7] Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương, Muối Cho Đời, tr. 191.
[8] www.simonhoadalat.com. Nguyễn Chính Kết, Suy niệm Chúa Nhật V Thường Niêm, Năm A.
[9] Gm Giuse Vũ Văn Thiên, Thương Người Như Thể Thương Thân.