Thứ Hai, 5 Tháng Sáu, 2023

Suy niệm Tin Mừng CN VI PS, C: “THẦY ĐỂ LẠI BÌNH AN CHO ANH EM”

 

 

 

“THẦY ĐỂ LẠI BÌNH AN CHO ANH EM”

(Ga 14,23-29)

 

Minh Triệu, PL

 

Sinh ra trong đời, hầu như mọi người dù muốn dù không đều phải trải qua những cung bậc cảm xúc rất người về sự bất ổn trong tâm hồn như băn khoăn, xao xuyến, lo lắng và sợ hãi trước những biến cố của cuộc đời, nhất là trước những rủi ro trắc trở nằm ngoài mong đợi. Ngay cả trong những trường hợp có được điều kiện sống tốt đẹp như có tiền của, sức khỏe, địa vị, vợ đẹp con khôn, cũng không vì thế mà tâm hồn hoàn toàn tránh khỏi những dao động. Chính vì thế, mong ước được bình an trở thành một nhu cầu căn bản của cuộc sống; trở thành nỗi khát khao với tất cả mọi người, mọi nơi, mọi thời và trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và hơn một sự mong ước, người ta nỗ lực đi tìm như thể đây là phần quan trọng nhất của kiếp nhân sinh. Nhưng thử hỏi, con người có thể tự mình tìm kiếm và trao cho nhau bình an hay phải cần ai đó mang lại? Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta nhận ra điều đó.

 

Trước hết, ta tìm hiểu ý nghĩa của từ bình an. Thông thường ta hiểu bình an là bên ngoài không gặp những biến cố trở ngại còn trong tâm hồn không bị dục vọng tham, sân, si chi phối, trái lại ít nhiều đạt đến một tình trạng an toàn, một cảm giác thư thái. Cao hơn, bình an là thực trạng lục căn thanh tịnh mặc cho những nghịch cảnh của cuộc đời vẫn luôn diễn ra. Bình an như thế, trong trải nghiệm cuộc sống của mỗi người mặc dù vẫn luôn là một lý tưởng nhưng ít nhiều có được không thể phủ nhận nỗ lực của bản thân. Giống như người học sinh nhờ chăm chỉ học tập mà đạt được thành quả sau nhiều năm gian khổ; hay như một văn sĩ nhờ khổ công mài mực mà đạt đến sự tinh tế trong từng nét bút như lời trong Đệ nhất hồi tiền thi của Tào Tuyết Cần đã diễn tả: “Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết, Cay đắng mười năm khéo lạ lùng”. Bình an cũng vậy, trước sóng gió cuộc đời, tuy ta không điều khiển được hướng gió nhưng có thể điều khiển được cánh buồm giúp con thuyền cuộc đời lướt trên “biển cả”, vươn xa và cập bến trong yên bình. Không chỉ đạt được bằng nỗ lực mà còn có thể trao cho nhau bình an qua những cử chỉ đầy thân thiện bằng ánh mắt, nụ cười, bằng lối hành xử đầy nhân ái, làm cho những người xung quanh cảm thấy cuộc sống luôn yên bình, vui tươi và hạnh phúc, một cuộc sống chan chứa tình người.

 

Tuy nhiên, lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Ngài trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27a) lại mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa thần học. Quả vậy, theo ngôn ngữ Gioan, “bình an”, “sự thật”, “ánh sáng”, “sự sống”, “niềm vui” là những từ mang nghĩa ẩn dụ để diễn tả các phương diện khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu đã mang từ Chúa Cha đến cho con người. Ân huệ đó là giá trị cứu độ. Với ý nghĩa như thế, câu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27) là một cách nói khác so với cách nói trong Ga 10, 28a: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Vậy, “bình an” trong câu 27 của Tin Mừng hôm nay là một với thực tại sự sống vĩnh cửu. Sự sống ấy không do con người, dù nỗ lực đến mấy nhưng hoàn toàn do Thiên Chúa mà có. Theo đó, con người không thể tự mình tìm kiếm nhưng phải hoàn toàn cậy nhờ vào Đức Giêsu Kitô ngang qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Đừng quên bản văn Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn từ cáo biệt thứ nhất loan báo về sự “ra đi” của Thầy Giêsu (x. Ga 13,31-14,31). Một sự “ra đi” có sức giải phóng con người toàn diện, đem lại sự bình an đích thực cho nhân loại. Một sự “ra đi” không đồng nghĩa với chia ly để lại sự thổn thức giữa hai đầu nỗi nhớ nhưng đem lại sự gắn kết hoàn hảo có sức đưa con người đi vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa. Và chính sự hiệp thông là cơ sở vững chắc cho bình an. Một sự bình an không theo kiểu thế gian nhằm kết thúc sự căng thẳng về tâm lý nhưng là thực tại về sự sống đời đời. Như vậy câu nói: “Thầy để lại bình an cho anh em” không dừng lại như một lời động viên, một câu cầu chúc mà Thầy Giêsu dành cho các môn đệ trước khi từ biệt thế gian này, nhưng là một mặc khải về ân ban cứu độ. Ân ban ấy một khi chúng ta nhận ra thì tất cả đều vui mừng khôn xiết như lời đã nói trong câu 28b “…hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha…”.

 

Nội dung ý nghĩa của từ “bình an” trong Tin Mừng hôm nay là thế, nhưng làm sao để có được?

 

Chúng ta biết rằng, không chỉ cỏ cây mới cần điều kiện sống mà đến như con người, tuy là một hữu thể “linh ư vạn vật” cũng không đi ra ngoài quy luật ấy. Trên bình diện tự nhiên đã rõ nhưng trên bình diện siêu nhiên cũng không khác gì, phải cần có Chúa và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa mới có thể nhận được sự sống và bình an đích thực cho tâm hồn, vì Thiên Chúa là nguồn mạch bình an (x. Rm 15,33; Pl 4,9; 1Tx 5,23; 2Tx 3,16), ngoài Ngài ra chẳng thể tìm đâu ra sự an toàn vững chắc (x. Tv 4,9b). Đến đây điều quan trọng là làm thế nào để có thể kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa để bình an không còn là một mơ ước vẫn hoài ước mơ nhưng hóa thành hiện thực. May thay, bản văn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một sợi dây liên kết vô cùng quan trọng. Sợi dây ấy chính là tình yêu. Một tình yêu được sinh động và cụ thể hóa qua việc “giữ các lời Người”. Đây là cơ sở vững chắc bởi được chính Thầy Giêsu truyền dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (c.23). Và một khi được Chúa đến và ở lại trong tâm hồn thì hệ quả tất yếu là mọi mối bận tâm, lo lắng và sợ hãi sẽ tan biến như bóng tối trước bình minh. Một ngày trời đẹp nắng mở ra trước mắt chúng ta về một thế giới vắng bóng sự bon chen với đời, thay vào đó là sự thanh bình êm ả. Một sự thanh bình vốn đã được Vịnh gia diễn tả cách sinh động bằng những từ ngữ vừa gợi hình gợi cảm lại vừa gần gũi thân thương: “Chúa ban xuống lòng con nhiều hoan lạc hơn khi thiên hạ được mùa lúa rượu đầy dư. Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ…” (Tv 4,9).

 

Như thế, qua những gì đã tìm hiểu, chúng ta nhận thấy bản văn Tin Mừng hôm nay có ba yếu tố rất quan trọng: tình yêu, sự hiệp thông và bình an. Cả ba liên kết mật thiết với nhau. Tình yêu dẫn đến hiệp thông và sự hiệp thông là cơ sở của “bình an”. Bình an theo đó là hoa trái của tình yêu và sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, là một với sự sống đời đời, sự sống ấy là một ân ban đến từ Thiên Chúa. Ân ban cứu độ.

 

Nhận thức như thế nhưng trong thực tế ngày nay không thiếu những người tìm kiếm bình an bên ngoài Thiên Chúa. Một số kẻ đặt niềm tin vào tiền, tài, danh vọng như nền tảng của sự bình an; một số khác lại tìm kiếm bình an theo lối “vào chùa niệm kinh pháp”. Đó là một điều hết sức sai lầm và nguy hiểm vì sự thật hiển nhiên rằng rốt cuộc điều họ nhận được chỉ là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, thậm chí còn là“Dã tràng se cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Vậy hơn bao giờ hết, là người Kitô hữu, chúng ta phải xây dựng đời mình trên sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng để có được, chúng ta phải tha thiết xin Chúa Thánh Thần dạy dỗ và làm cho chúng ta nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã nói để tình yêu nơi chúng ta không hão huyền nhưng có sức dẫn đưa chúng ta đi vào trong sự kết hiệp mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch bình an chân thực, là hạnh phúc viên mãn.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi, Năm A, Ga 3,16-18: Thiên Chúa yêu con người vô cùng

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi, Năm A, Ga 3,16-18 Thiên Chúa yêu con người vô cùng Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Chúa Nhật IX TN, A – Lễ Chúa Ba Ngôi: Đặc nét của tình yêu Thiên Chúa

ĐẶC NÉT CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA (Xh 34,4b-6.8-9;2Cr 13,11-13 Ga 3,16-18)   FM. Bosco Hùng, PS Thánh Gioan gọi “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Và...

Ngày 31, Tháng 5, Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth, Lc 1,39-56: Theo mẹ lên đường

Ngày 31, Tháng 5, Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth, Lc 1,39-56 Theo mẹ lên đường Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lịch sử nhân loại đã ghi...

Lễ Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth, Lc 1,39-56: Vũ điệu tương giao

VŨ ĐIỆU TƯƠNG GIAO (Xp 3,14-18a; Rm 12,9-16a; Lc 1,39-56) M. Têrêsa, CĐ Phước Thiên Nếu có thể coi cuộc sống này như một khán đài mà...

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23; Cv 2,1-11: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23; Cv 2,1-11 Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. “Thánh Thần Chúa chan...

Chúa Nhật Chúa Thành Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23: Thần Khí sáng tạo và canh tân

THẦN KHÍ SÁNG TẠO VÀ CANH TÂN (Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13; Ga 20,19-23) M. Michael Hội, Phước Lý “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên...

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23: Đổi mới trong Thần Khí

ĐỐI MỚI TRONG THẦN KHÍ (Ga 20,19-23) M. Anna Huyền Trang, VP Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều bị ràng buộc bởi những bất toàn và...

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Ga 20,19-23: Thánh Thần – Đấng bị lãng quên?

                                               ...

Chúa nhật Chúa Thăng Thiên, Năm A, Mt 28,16-20: Làm cho mọi người thành môn đệ Chúa

Chúa nhật Chúa Thăng Thiên, Năm A, Mt 28,16-20 Làm cho mọi người thành môn đệ Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trước khi lên trời ngự...

Chúa Nhật VII PS – Lễ Thăng Thiên, Mt 28,16-20: Đức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha

ĐỨC GIÊSU LÊN TRỜI NGỰ BÊN HỮU CHÚA CHA (Mt 28,16-20) Tùng Linh, Phước Lý Hôm nay toàn thể Giáo hội long trọng mừng lễ Chúa lên...

Chúa Nhật VII PS, Năm A, Ga 17,1-11a: Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu

LỜI NGUYỆN HIẾN TẾ CỦA CHÚA GIÊSU (Ga 17,1-11a) M. Marcellino Nguyễn Đình Minh, Phước Hiệp Cầu nguyện là để kết hiệp với Chúa. Trong cuộc đời...

Chúa Nhật VII PS, Năm A, Ga 17,1-11a: Nhận biết Thiên Chúa

NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA (Ga 17,1-11a) M. Aelredo Nguyễn Văn Mạnh, PV “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân...