CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG
(Lc 18,1-8)
Duy Khang, PL
Chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh, mọi thứ coi như đều hoàn hảo. Vật chất đầy đủ, tiên nghi và tri thức được rèn luyện, tạo nên sức mạnh trí tuệ vượt bậc. Sự hiểu biết văn minh, lối suy nghĩ cũng khác hẳn với lối sống xưa. Tuy dân trí ngày càng phát triển, nhưng cách cư xử giữa người với người không còn như trước đây, nếu không muốn nói đến sự dửng dưng giữa con người với nhau. Như vậy, trước những lời than thở, lời chia sẻ, trong tâm tình của một người bạn hay người thân, chúng ta đã quan tâm đến họ như thế nào? Chúng ta có biết lắng nghe, an ủi, nâng đỡ và hỗ trợ về mặt vật chất cũng như tinh thần đối với những người đang sống trong cơn khốn quẫn như Chúa dạy không?
Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, qua mặc khải của Đức Giêsu đã thể hiển một tình yêu tự hiến, một tình cảm sâu sắc vô biên. Tình yêu ấy được thể hiện cho nhân loại khi Ngài nói: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa nhưng Thiên Chúa thì không”, vì Ngài luôn ở với chúng ta. Ngài luôn hướng về chúng ta để lắng nghe và chia sẻ những nỗi thống khổ chúng ta đang chịu trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta hãy đến với Ngài khi chúng ta hụt hẫng, mất phương hướng trong cuộc sống để tâm sự, chia sẻ với Ngài. Biết gói ghém cuộc đời mình trong tâm tình phó thác và tin tưởng như bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay đã kiên trì đến với ông quan tòa. Dù ông chẳng kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng coi ai ra gì. Vì tránh bị quấy rầy bởi sự kiên trì kêu cứu của bà góa mà ông xử công minh cho bà vì bà kiên trì nài xin.
Đức Giêsu lấy hình ảnh của sự kiên trì bền bỉ trong lời cầu nguyện của bà góa để dạy các môn đệ phải biết cầu nguyện liên lỉ nên Ngài nói: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1), bởi vì Người luôn khắc khoải mong cho loài người được cứu độ. Thánh Gioan khẳng định: “Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Ngài” (1Ga 5,3). Như vậy, khi chúng ta cầu nguyện để thưa chuyện với Thiên Chúa, chúng ta được chia sẻ vui buồn, được Thiên Chúa nâng đỡ giúp sức vượt qua khó khăn. Chính vì lẽ đó, thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu coi việc cầu nguyện là tất cả đời chị: “Đối với tôi, cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoan” (T. Têrêxa Hài Đồng, Tự truyện).
Hình ảnh Thiên Chúa hiện diện trong lời cầu nguyện được vang lên để ca tụng, ngợi khen vinh danh Chúa và cùng với chúng ta đối diện với mọi thử thách và những khó khăn trong cuộc sống. Vì “Thiên Chúa luôn hiện diện với dân người” (Xh 17,8-13), qua lời cầu nguyện liên lỉ của dân Chúa. Đức Giêsu nói: “Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18,7-8). Thiên Chúa là Cha, một người Cha nhân ái và khoan dung lại không đoái thương đến tình trạng của con cái mình sao? Chính vì vậy, Thiên Chúa quyền năng, đại lượng, từ bi và nhân hậu, nên Ngài luôn lắng nghe và đáp lời con cái cầu xin mau chóng gấp trăm ngàn lần ông quan tòa bất lương kia. Cầu nguyện không phải là lời cầu nguyện đơn thuần là xin gì được đó, nhưng lời cầu nguyện kéo Thiên Chúa là Cha nhân hậu vào trong hoàn cảnh của chúng ta để Ngài cùng đồng hành, cảm thông và ban ơn. Bởi vì, chính lời cầu nguyện đem sức mạnh từ Thiên Chúa đến trong con người. Hơn thế nữa, chính Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của chính con người: “Lạy Chúa là Đấng ngự trên các thần hộ giá, khi trở nên giống chúng con, Chúa đã biến đổi tình trạng sa đọa của thế giới” (St. Athanasiô).
Chúng ta hãy vững tin khi cầu nguyện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bò cạp” mà mỗi người chúng ta cứ nghĩ là Chúa gửi đến cho mình, khi chúng ta cầu nguyện hết mình mà vẫn cứ gặp bao khó khăn và khổ đau (x. Lc 11,11-12). Chúng ta nên nhớ: “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học răn dạy chúng ta” (1Cr 10,6). Thiên Chúa muốn chúng ta tin tưởng vào tình thương của Chúa khi cầu nguyện để kiên trì cầu xin. Chúng ta thường cầu xin cho được như ý mình muốn chứ không phải như ý của Chúa. Theo lẽ thường, khi chúng ta gặp khốn khó thử thách, chúng ta mới vội nhớ đến Chúa và cầu cứu Ngài tiếp sức. Chúng ta quên đi “Thiên Chúa là Đấng cho ta hy vọng, và là Đấng làm cho anh em tràn ngập niềm vui” (Rm 15,13). Lòng tin yếu kém và thiếu sự trông cậy nơi Chúa, chúng ta như những mảnh đất hoang khô cằn không được chăm sóc vì thiếu sự vun trồng bằng lời cầu nguyện chân thành và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Cho nên, Đức Giêsu mới dùng cụm từ “dù Người có trì hoãn”.
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta nhưng chúng ta không nhận ra sức mạnh thánh thiêng của Ngài vì chúng ta thiếu cảm nhận trong đức tin khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta rơi vào tình trạng khô héo, phai nhòa và mất niềm tin vào Đấng Cứu độ. Phải chăng vì thế mà Đức Giêsu không khỏi lo lắng và Ngài lo sợ chúng ta không trung tín khi cầu nguyện bằng một tâm tình chân thành. Ngài nói: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8). Như vậy, chúng ta hãy sống tâm tình của thánh Phaolô khuyên nhủ: “Phải cầu nguyện luôn đừng nhàm chán” (Rm 1,10). Hãy phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa khi cầu nguyện để thưa chuyện và sống thân mật với “Thiên Chúa thành tín, chậm bất bình và giàu lòng thương xót” (Xh 34,6). Bởi vì, cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Chúng ta hãy ý thức, chuyên cần để kiên trì cầu nguyện mỗi ngày bằng những tâm tình đơn sơ để thưa chuyện và tâm sự với Thiên Chúa: “Xin đáp lời con, lạy Chúa xin đáp lời” (1V 18,37). Để “miệng con sẽ nhẩm đi nhắc lại: ‘Ngài là Đấng công chính’ và suốt ngày, con sẽ ca ngợi tán dương Thiên Chúa” (Tv 34,28). Ngài là Cha toàn năng sẽ thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ thân phận làm người với chúng ta.