CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Ds 11,24-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43.45.47-48
Phẩm Chất Môn Đệ Đức Giêsu
Sr. M. Pio Mến – Vĩnh Phước
Sau khi Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ hai, thánh sử Máccô ghi lại thái độ của các môn đệ “không hiểu lời đó” và “sợ không dám hỏi lại” (9,32). Tuy nhiên, giữa các ông với nhau vẫn xảy ra tranh luận sôi nổi, ai là người lớn nhất và còn ngăn cản ai khác, không thuộc nhóm lại trừ quỷ nhân danh Thầy mình. Thấy vậy, Đức Giêsu đã chỉ cho họ biết thế nào là phẩm chất của một người môn đệ.
Rộng mở
Môn đệ Đức Giêsu là người có tâm hồn luôn rộng mở, không cục bộ, khoanh vùng hay phân biệt phe nhóm. Câu hỏi của Gioan cho thấy các môn đệ đã « cố ngăn cản » ai đó không thuộc Nhóm Mười Hai mà trừ quỷ (c.38). Điều này cũng đã xảy ra tương tự trong sách Dân Số, khi Giô-suê xin Mô-sê ngăn cản hai kỳ mục phát ngôn mà không đến Lều Hội Ngộ. Tuy nhiên, cả Mô-sê và Đức Giêsu đều không tán thành cách cư xử này: « Đừng ngăn cản người ta » (Lc 9,39; Ds 11,24-29). Não trạng cục bộ, phe nhóm của các môn đệ được chuyển hướng sang lối rộng mở, bao la: « ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta » (c.40). Phương pháp « thâu nhận hơn loại trừ » của Đức Giêsu làm cho nhóm « chúng ta » ngày thêm lớn rộng và phổ quát. Với sự cởi mở đầy lạc quan này, chúng ta không loại trừ những người không đồng đạo, nhưng chân nhận « tất cả những gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm hồn con người, hoặc trong những nghi lễ và văn hoá đặc thù của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh » (Ad gentes số 9).
Chia sẻ
Người môn đệ Đức Giêsu không chỉ rộng mở tâm hồn mà còn cả tấm lòng: “Ai cho anh em uống một chén nước …, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (c.41). Chia sẻ, bác ái là một trong những phẩm chất trổi vượt của người Kitô hữu, vì “đức tin không có hành động, nào ích lợi gì?” (Gc2,14). Hành động cho một chén nước, một viên thuốc, một gói mì … không là chi trong mùa đại dịch covid, nhưng đó những là nghĩa cử ấm áp yêu thương, là chất tố cho ta được “chúc phúc” (Mt 25) và “không mất phần thưởng”. Cuộc sống luôn trong sự tương tác, do đó, cả người cho và nhận đều cần cảm thấy mình có phúc, bởi “bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận?” (1Cr 4,7). Và như vậy, đối với người môn đệ Đức Giêsu, “nhận nhưng không và cho nhưng không” (Mt10,8), há chẳng phải là điều nên sống và đáng làm?
Dám hoàn thiện (oser être parfait)
Người môn đệ Đức Giêsu, theo bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, không chỉ dừng lại nơi những điều nên sống, mà còn phải « dám làm ». Dám làm là dám hy sinh, dám nên hoàn thiện: « Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục » (c.43 tt). Thật tuyệt vời, nếu ta đọc những lời này theo lối « biện chứng Tin Mừng »: Mất để được (Mt 10,39); Chết để sống (Ga 12,24)… Tất cả những gì làm cho ta « sa ngã » đều làm ta thiệt thân, không tốt đẹp, không hoàn thiện. Vậy, khi ta dám dứt bỏ, dám không làm điều « sa ngã » thì bấy giờ, ta mới không gây cớ vấp phạm cho cộng đoàn, mới trở nên tốt đẹp và hoàn thiện.
Trong bối cảnh « Con Người sẽ bị trao nộp vào tay người đời » mà bài Tin Mừng hôm nay được đặt vào, người môn đệ Đức Giêsu cần lắm một sự hiểu biết về phẩm chất chân thật của mình, để sống những điều Thầy mình dạy. Là môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta xin Chúa giúp chúng ta luôn biết sống rộng mở, chia sẻ và dám nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48).