Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Tin Mừng: Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời [M. Leo I Pháp (Chiến). Phước Sơn]

 

 

 

Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
15-8-2015

 

Suy niệm Tin Mừng: Lc 1, 38- 56

“Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao trọng, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường“.
Trong ngày lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa, để phần nào thấy được vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của Đức Maria, trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhau suy niệm về 2 điểm:
1- Đức Maria trong chương trình cứu chuộc.
2- Đức Maria, người đầu tiên: Đón nhận và loan báo Tin Mừng cứu độ.

1) Đức Maria trong chương trình cứu chuộc
Đọc lại chương đầu của Sách Sáng Thế, chúng ta nhận thấy có một tương quan logic giữa công trình sáng tạo và công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nói được rằng, sáng tạo và cứu chuộc như là một cặp phạm trù, để diễn tả tình yêu thương bao la của Thiên Chúa đối với con người; đồng thời cũng biểu lộ quyền năng, sự khôn ngoan và thượng trí của Ngài, khi sáng tạo và đặt con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ. Ngài đã ban cho họ có một hồn sống, một trí khôn suy biết và một ý trí tự do. Nhờ đó, mà họ được dự phần vào việc cai quản vũ trụ cùng với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người đã sa ngã phạm tội, đã lạm dụng sự tự do mà Thiên Chúa ban cho, để thay vì tùng phục Thiên Chúa, thì họ lại nổi loạn, chống lại và muốn lên bằng Người. Con người đã đơn phương cắt đứt mối thân tình với Thiên Chúa; vì thế, con người phải chết và phải sống dưới ách nô lệ của ma quỉ và tội lỗi. Điều gì sẽ xảy ra, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, con người có thể tự cứu được mình chăng? Thưa hoàn toàn không thể! Và thế là Thiên Chúa, bởi lòng thương xót vô biên, không nỡ để con người phải chết đời đời, đã thực hiện một công trình sáng tạo thứ hai. Đó là công trình cứu chuộc; ngay khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đã hứa ban đấng Cứu Chuộc , khi Ngài quở trách con rắn, là sa tan, kẻ đã lừa dối Adam và Eva phạm tội: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ; dòng dõi đó sẽ đạp dập đầu ngươi và ngươi rình cắn gót chân người” (St 3, 15). Người nữ được chúc phúc, được Thiên Chúa tuyển chọn từ thuở đời đời, để thực hiện chương trình cứu độ của Người đó là ai, nếu không phải là Đức Maria. Như chúng ta biết, Thiên Chúa không chỉ là Đấng Toàn năng, uy quyền tuyệt đối, nhưng Người còn là Thiên Chúa tình yêu, người cha nhân hậu. Cho nên, Người muốn biểu lộ tình thương vô cùng của mình ra bên ngoài; không chỉ dừng lại trong mối tương quan nội tại giữa Ba ngôi. Ngài đã tự tỏ mình ra, đến với con người tội lỗi, và để trở thành một con người, cũng mang lấy xác phàm yếu đuối như chúng ta, để cứu chuộc chúng ta. Đó là sáng kiến của tình yêu, Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước. Người đã sai chính Con Một rất yêu dấu của mình đến với con người. Thánh Gioan đã xác nhận điều này khi ngài viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngôi Lời, đã Nhập Thể làm người; một “Người Con” đã được ban tặng cho chúng ta, để qua người Con này, toàn thể nhân loại được cứu rỗi, được tái sinh trở thành “con người mới”, được trả lại địa vị làm con Thiên Chúa. Thế nhưng, làm sao Ngôi Lời hằng hữu, được sinh ra từ trước muôn đời bởi Chúa Cha, lại có thể vừa là Thiên Chúa vừa là người được? Nếu như Ngài không nhập thể và nhập thế; và làm sao Ngài có thể nhập thể và nhập thế được, nếu như Ngài không được sinh ra bởi một người mẹ. Người mẹ đó, chính là người nữ mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước cho Con của mình xuống thế, là Đức Maria. Công đồng Êpheso 431, đã xác quyết cách rõ ràng và minh nhiên về địa vị của Đức Maria, với danh hiệu vô cùng cao quí “Theotokos – Mẹ Thiên Chúa” (DS 251; Sách GLCG Nr. 495), để chống lại lập trường của Nestorius (+ 451), Thượng Phụ Constantinople. Ông này chủ trương tách rời Thiên tính và Nhân tính nơi Đức Giêsu; ông nói rằng: Đức Maria chỉ sinh ra Đức Giêsu về bản tính nhân loại, cho nên, chỉ gọi Ngài là “Christotokos” chứ không thể là “Theotokos – Mẹ Thiên Chúa” được (Felipe Gomez, Christologie, Tr. 252). Là Mẹ Thiên Chúa – Theotokos bởi vì, theo giáo lý của Công đồng Chalcedonia (451) tuyên tín: Nơi Đức Giêsu Kyto, có: 1 Ngôi Vị và 2 Bản tính. Một Ngôi vị là: Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa, Con Thiên Chúa; hai Bản tính là : Thiên tính và Nhân tính; không hòa nhập, không trộn lẫn, không tan biến trong nhau; nhưng đồng thời cũng không tách rời khỏi nhau. Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là Người thật – Mẹ đã sinh ra Chúa trong Bản tính loài người, và bởi vì, người ta không thể tách rời 2 Bản tính nơi Đức Ky-tô; cho nên, Mẹ được tôn xưng với danh hiệu “Là Mẹ Thiên Chúa” là điều hợp lý. Là Con Thiên Chúa, Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Cha từ trước vô cùng; Nhưng là Thiên Chúa và là Người, thì Ngài được sinh ra bởi Đức Mẹ Maria trong thời gian. Sách GLCG số 481 dạy như sau: “Đức Giêsu Ky-tô có 2 Bản tính: Thiên Tính và Nhân Tính; không lẫn lộn, nhưng hợp nhất trong một ngôi Vị duy nhất, là Ngôi Hai Thiên Chúa; Mầu nhiệm Nhập Thể, là một Mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời giữa Bản Tính Thiên Chúa và Bản Tính nhân loại trong Ngôi Vị duy nhất của Ngôi Lời”.

2) Đức Maria, người đầu tiên đón nhận và loan báo Tin Mừng cứu độ
Đức Maria là người đầu tiên đón nhận và loan báo Tin Mừng cứu độ, vì: Chính Mẹ đã cưu mang Đấng cứu độ, là Đức Giêsu Ky-tô, Con Thiên Chúa làm người. Tin Mừng Thánh Luca thuật lại như sau: “Sứ thần vào nhà Trinh nữ và nói: mừng vui lên, hỡi đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà, bà có phúc hơn mọi người nữ …Sứ thần nói tiếp: Thưa bà Maria, xin bà đừng sợ! vì bà đẹp lòng Thiên Chúa, và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu …” (Lc 1, 28-36). Lời xin vâng (Fiat) của Mẹ đã đi vào lịch sử muôn đời của nhân loại. Mẹ đã ý thức được thân phận yếu đuối, mỏng manh, bất xứng của mình, trước sứ mạng vô cùng cao cả – được làm Mẹ Thiên Chúa và đại diện cho toàn thể nhân loại tội lỗi; “xin vâng” để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc. Với lời “Xin vâng” của Mẹ, lịch sử cứu độ đã bắt đầu một trang sử mới, trang sử mà Kinh Thánh gọi là “Thời kỳ viên mãn”. Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Người” (Dt 1,1-2). Người Con này, đã đi vào trong lịch sử của nhân loại, qua sự “ưng thuận”, xin vâng của Đức Maria. Hiến chế Lumen gensium viết như sau: “Chúa Cha rất nhân từ, đã muốn sự ưng thuận của Đấng đã được tiền định làm Mẹ, phải có trước khi Chúa Con nhập thể; sự chết đã thâm nhập vào thế gian, bởi một người nữ, là Eva, thì sự sống đến thế gian qua cũng một người nữ, là Mẹ Maria” (LG 56). Eva đã vì nghe theo lời satan, con rắn dụ dỗ, bất tuân lệnh Chúa, đã đưa nhân loại đến sự chết; Thánh Ireneo nói về Đức Maria như sau: “Nhờ vâng phục, Mẹ đã trở nên nguyên nhân cứu độ cho riêng mình và cho toàn thể nhân loại”.
Mẹ đã không đón nhận và cưu mang Đấng cứu độ cho riêng mình; vì như trình thuật Tin Mừng Thánh Luca hôm nay, thì ngay sau khi được Sứ thần truyền tin, Mẹ đã vội vã lên đường, để loan báo tin vui cho bà Elisabet: “Hồi ấy bà Maria lên đường,vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Juda…Bà Elisabet vừa nghe tiếng Đức Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Chúa Thánh Thần…Bà xúc động nói: bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Em thật có phúc vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1, 39.41.43.45). Mẹ đã không giữ niềm vui cho riêng mình. Vậy chúng ta, chúng ta có sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng cho tha nhân, như Mẹ đã nêu gương cho chúng ta không? Những bước chân vội vã lên đường của mẹ năm xưa, cũng phải là những bước chân vội vã lên đường của chúng ta hôm nay, để mang ánh sáng Tin Mừng cứu độ đến cho những ai đang còn ngồi trong bóng đêm của sự chết. Lời “Fiat – Xin vâng” và những bước chân vội vã lên đường loan báo Tin Mừng cứu độ của Mẹ, đã vang vọng nơi biết bao những chứng nhân Tin Mừng qua các thời đại. Thật cảm động biết bao với lời xin vâng của cha Tổ phụ, Biển Đức Thuận; với lòng nhiệt thành cháy bỏng và khát vọng được đi truyền giáo, ngài đã mau mắn lên đường đến Việt nam, để thực hiện trọn vẹn lời “xin vâng” của ngài. Công trình của ngài càng ngày càng phát triển và thăng hoa trên mảnh đất Việt nam thân yêu này; hoa trái thiêng liêng của lời xin vâng đó là: “Dòng Đức Bà Việt nam”, được khai sinh trên “Núi Phước” vào chính ngày lễ Đức Maria Hồn xác lên trời.

Lậy Mẹ Maria! Hôm nay Mẹ được vinh thăng lên trời cả Hồn và Xác. Đây là phần thưởng vô cùng xứng đáng dành cho Mẹ (Pius XII, Tông Hiến “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời”, 1-11-1950, DS 1099). Suốt cuộc đời trần thế, Mẹ đã theo sát Đức Giêsu, Con Mẹ, để được đồng công cứu chuộc nhân loại. Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, vì Mẹ đã sinh ra Chúa về bản tính loài người; nhưng đồng thời Mẹ cũng là người môn đệ mẫu mực đầu tiên, vì Mẹ đã trung thành theo sát Chúa từ giây phút đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng, khi đứng dưới chân thập giá. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con, những người môn đệ của Chúa Giêsu,noi gương Mẹ, trung thành bước theo Chúa mỗi ngày (secula Christi). Hăng say ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, ngõ hầu được góp phần nhỏ bé của mình trong công trình cứu chuộc thế giới.

Maria, Mẹ Chúa Giêsu
Cao sang quyền phép nhân từ yêu thương
Đầy ơn Thiên Chúa phi thường
Bao gồm phúc lạ Nữ vương loài người
Được ơn làm Mẹ Chúa Trời
Tội nguyên vô nhiễm trọn đời khiết trinh
Lên trời Hồn Xác hiển vinh
Trung gian ban phát ơn lành cho ta
Ai yêu Đức Mẹ thiết tha
Chắc phần cứu rỗi miễn là trung kiên.

M. Leo I Pháp (Chiến). Ocist

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...