SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Ngày 29/06: THÁNH PHÊ-RÔ và PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ
Lễ trọng
A. LỄ VỌNG
1. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,15-19
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
2. GỢI Ý SUY NIỆM
Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng, sở dĩ Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô “con có yêu mến Thầy không?” tới 3 lần là vì trước đó thánh nhân đã chối Chúa tới 3 lần. Điều này không sai, nhưng có lẽ không chỉnh lắm, vì việc chối Chúa là điều nghịch với đức tin, trong khi ở đây Chúa Giêsu đang hỏi thánh Phêrô về đức mến.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta không nhằm bàn chuyện 3 lần chối tương đương 3 lần yêu, mà điều quan trọng là Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: điều kiện đứng đầu trong các điều kiện của vai trò mục tử là lòng yêu mến Chúa.
Khi thiết lập người đứng đầu Giáo Hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng 3 lần chối Chúa. Nếu xét theo cách nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô từng lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho ngài. Thiên Chúa đi tìm con chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lạc lối, nhưng điều quan trọng là: “này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
Khi đặt Phêrô làm mục tử chăn dắt Giáo Hội hoàn vũ, Chúa Giêsu chắc chắn không dựa trên tiêu chuẩn: thông minh, tài giỏi, oai phong, lợi khẩu… mà là lòng yêu mến. Chúa Giêsu chọn Phêrô vì thánh nhân đã yêu mến nhiều. Phêrô yêu mến nhiều là vì “ngài đã được tha thứ nhiều” (x.La 7,47).
Và vì yêu mến là tiêu chuẩn Chúa chọn mục tử, thì đòi hỏi mục tử cũng phải biết chăn dắt chiên bằng lòng yêu mến, chứ không phải bằng sự độc tài, quyền thế và chiếm hữu.
Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì yêu mến đoàn chiên, thì đến lượt mục tử Phêrô cũng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên như Thầy: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,18-19).
Mục tử có thể thiếu thiếu những tiêu chuẩn khác như thông minh hay lợi khẩu, nhưng mục tử không thể thiếu lòng yêu mến; có làm được mọi sự phi thường, nhưng không có lòng mến thì vô ích. Cảm nghiệm được điều này, thánh Phaolô đã nói: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi (1Cr 13,1-3).
Người Do-thái không dùng thể so sánh tuyệt đối, nhưng dùng sự lặp lại 3 lần để chỉ điều tuyệt đối. Vì thế, khi lặp lại 3 lần sự tuyên xưng yêu mến thì có nghĩa là mức độ yêu mến của mục tử là trên hết và là điều kiện quan trọng nhất trong mọi điều kiện. Cuộc đối thoại hôm nay giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô nói rõ cho biết làm Kitô hữu có nghĩa là gì. Mỗi ngày, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta có yêu mến Người một các đặc biệt và ‘trên hết mọi sự’ hay không: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Cũng như thánh Phêrô, chúng ta trả lời “có”, mặc dù chúng ta đầy những yếu đuối; và Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta bước theo Người vì tình yêu (x.Ga 19), và cùng với Người gánh vác Dân Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn thánh Phêrô làm người chăn dắt Giáo Hội vì thánh nhân đã yêu mến Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, tất cả mọi quyền bính trong Giáo Hội đều khởi đi từ lòng yêu mến, và đức mến là đồng phục của mọi Kitô hữu, để chúng con giữ trọn điều răn Chúa là: “Trước yêu mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy” Amen.
Hiền Lâm
B. LỄ CHÍNH NGÀY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,13-20
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? ” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
II. GỢI Ý SUY NIỆM
“GIÁO HỘI BỀN VỮNG”
Hôm nay chúng ta mừng kính hai vị đại thánh là cột trụ của Giáo Hội Công Giáo: Một vị được chọn khi Chúa Giê-su còn sống trên trần gian, vị kia được kêu gọi khi Chúa đã về trời. Vị này là Tông Đồ thuộc Nhóm Mười Hai, vị kia mang danh Tông Đồ dân ngoại. Vị này rao giảng về những gì đã nghe và cảm nhận được khi cùng sống và cùng ăn cùng uống với Chúa Giê-su, vị kia rao giảng những gì được Chúa dạy dỗ và cảm nhận trong thời gian sa mạc. Vị này có một quá khứ đã từng chối Chúa, vị kia từng truy tìm bắt bớ các môn đệ của Chúa. Vị này xuất thân từ làng nghèo chài lưới, vị kia có quyền công dân của Rô-ma và được học hành chu đáo bởi Galmaliel. Nhưng rồi, cả hai cùng rao giảng một Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh. Cả hai đã cũng đem Tin Mừng đến Rô-ma và đã cùng đổ máu đào để làm chứng cho đức tin vào hai thời điểm khác nhau: Phê-rô chịu đóng đinh và Phao-lô chịu chém đầu. Từ đó Rô-ma thắm máu của hai Đấng và Giáo Hội được xây nên bởi hai cột trụ Phê-rô và Phao-lô cách bền vững cho đến ngày hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên – lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ – sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo Hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa.
1. Lời tuyên xưng đức tin đúng đắn.
Tin Mừng thuật lại những ghi nhận của những người Do-thái về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa:
– Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
– Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
– Là Gioan Tẩy Giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
– Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Riêng thánh Phêrô, dù lúc này ngài chưa hiểu hoàn toàn về con người và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng do mặc khải của Chúa Cha mà thánh Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Vâng, “Con Thiên Chúa” này bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, là một Đức Giê-su Ki-tô Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ con người.
Tuyên xưng vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống là tuyên xưng một Đức Giêsu là Chúa, nghĩa là Đức Giêsu quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giêsu đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giêsu rao giảng ơn sám hối (Gioan Tiền Hô), một Đức Giêsu chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…
Như vậy, tính “Tông Truyền” của mọi sự tông truyền chính là Giáo Hội phải tuyên xưng và sống điều mà thánh Phê-rô đã tuyên xưng vào một Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống đã tử nạn và phục sinh. Chỉ như vậy, Giáo Hội mới tồn tại và bền vững.
2. Giáo Hội bền vững.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Theo truyền thống Cựu Ước, khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là để chuẩn bị cho họ một sứ vụ, thì đây, Chúa Giêsu ngay từ đầu đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là đá. Đá ở đây không phải vô tri vô giác, nhưng nói lên một kết cấu nguyên khối và bền vững. Để rồi, trên tảng đá Phêrô, Chúa Giêsu xây Giáo Hội của Người một cách duy nhất và kiên vững, hầu quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Chúa Giêsu đã từng ví dụ về sự khôn ngoan hay khờ dại giống như người xây nhà mình trên đá hay trên cát. Nhà xây trên đá thì dù mưa sa nước chảy, gió thổi bão lay cũng không sao. Đó là hình ảnh Giáo Hội Chúa Kitô trải qua bao thế kỷ, gặp bao nhiêu thử thách, yếu đuối, bách hại và phải đương đầu với bao thể chế, lý thuyết, ý thức hệ, ly lạc giáo, sự tục hoá… thì trên nền đá Phêrô, Giáo Hội vẫn kiên cường bảo vệ đức tin và chuẩn mực đạo lý Kitô giáo cho mọi dân tộc.
3. Năng quyền Giáo Hội.
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19).
Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền, và trách nhiệm. Chúa đã tin tưởng thánh Phêrô, trao cho người quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.”. Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.
Việc Chúa Giêsu trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô cũng được hiểu như là biểu tượng Giáo Hội gìn giữ kho tàng ơn thánh và ơn cứu độ được đem đến qua Giáo Hội. Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17), và chỉ có Giáo Hội mới nhận biết đúng đắn nhất về Chúa Kitô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Theo nghĩa rộng, chìa khóa Nước Trời còn là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người.
Từ cổ đến kim, nhiều lạc giáo đã tìm cách chối bỏ năng quyền này của Giáo Hội và bất phục với các đấng kế vị thánh Phê-rô, nghĩa là họ chối bỏ lời Chúa Giê-su dạy trong Tin Mừng hôm nay. Quá khứ bao nhiêu lạc giáo đã tự suy tàn, nhưng hiện tại đang manh nha có nhiều thứ lạc giáo mới, chung quy lại cũng đều truyền bá việc bất phục Đức Thánh Cha và các mục tử trong Giáo Hội, chúng đã lập ra những website và group facebook để lôi kéo các thành viên. Điều đáng tiếc là nhiều thành viên Công Giáo đã bị chúng mê hoặc. Chính vì thế, nhân lễ thánh Phê-rô và Phao-lô hôm nay, chúng ta cùng ý thức mình và cầu nguyện cho những ai lầm lạc biết hoán cải.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá là thánh Phêrô, Chúa cũng trao cho các đấng kế vị thánh Phêrô quyền bảo vệ đức tin, mối dây hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho mọi người chúng con luôn biết quy phục Đức Thánh Cha, nhiệt thành xây dựng và làm phát triển Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân theo phận vụ của mình, để Nước Chúa ngày một lan rộng khắp nơi. Amen.
Hiền Lâm