Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SUY NIỆM TIN MỪNG, PHÚC THAY AI…VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

PHÚC THAY AI…VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ

Mt 5,1-12 

Con người trong mọi thời đại đều mong ước hạnh phúc. Người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ mong sao có được hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng thử hỏi, hạnh phúc là gì? Không ai có thể định nghĩa hay liệt kê cụ thể những khái niệm hạnh phúc, bởi mỗi một người đều có cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Hạnh phúc có thể là khi cảm nhận, khám phá những điều mới mẻ từ cuộc sống, là khi đạt được những hoài bão hay khi thực hiện được những điều mình ấp ủ và ước mơ; hạnh phúc cũng có thể là khi được bảo đảm bởi những thực tại trần thế như tiền bạc, chức quyền, địa vị, danh vọng, gia đình, con cái hay tình yêu…

Trong thực tế đã có không ít người phần nào cảm thấy thoả mãn và hãnh diện về những điều mình đã chiếm hữu. Vì thế, dù cho hạnh phúc mà những thực tại trần thế mang đến nhiều khi chỉ là thứ hạnh phúc tam bợ, mong manh như giọt sương đêm đọng trên lá cỏ, sẽ tan biến nhanh khi ánh nắng vừa lên, nhưng nó vẫn ẩn chứa một sức mạnh đầy quyền lực, có khả năng quyến rủ con người không ngừng dấn thân tìm kiếm. 

Song song với niềm khao khát hạnh phúc của con người. Tin Mừng Mt 5,1-12 cũng đề cập đến những lời chúc phúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ và những kẻ nghe Ngài giảng dạy. Những lời chúc phúc đó chúng ta quen gọi là Hiến Chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc: 

  • Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
  • Phúc thay ai hiền lành, vì Chúa dành đất hứa cho họ.
  • Phúc thay ai khóc than, vì sẽ được an ủi.
  • Phúc thay ai đói khát sự công chính, vì sẽ được thỏa dạ no lòng.
  • Phúc thay ai biết xót thương người, vì sẽ được xót thương.
  • Phúc thay ai có lòng trong sạch, vì sẽ được thấy Thiên Chúa.
  • Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa .
  • Phúc thay ai bị người đời ngược đãi, vì Nước trời đã dành cho họ. 

Nếu đọc lướt qua các mối phúc người ta có thể ngạc nhiên và tự hỏi, phải chăng Chúa Giêsu chủ trương đi ngược lại với những khát vọng thông thường của con người? Phải chăng sự nghèo khó, đói khát, khóc than, sầu muộn, bắt bớ là hạnh phúc? Hay Chúa Giêsu đang cổ xúi cho cái nghèo đói, khóc than, sầu muộn và bất công? Chắc chắn sự nghèo khó, khóc than, sầu muộn không bao giờ được xem là hạnh phúc. Chúa Giêsu cũng không chúc phúc cho ai vì họ nghèo khó. Nhưng chính những con người nghèo khó là đối tượng để Chúa tỏ lòng xót thương. Ngôn sứ Isaia (61,1-3) đã khẳng định điều đó khi công bố năm hồng ân cho những con người nghèo khó, khóc than, bị bách hại. Họ chính là đối tượng được chúc phúc. Họ được chúc phúc không phải do công trạng, nhưng là do lòng xót thương của Thiên Chúa. Nên Isaia gọi đó là năm hồng ân của Thiên Chúa. 

Từ đó, chúng ta có thế hiểu rằng, sự nghèo khó, hiền lành, khóc than, đói khát, xót thương, trong sạch, xây dựng hoà bình, bị bách hại trong Tám Mối Phúc được xem như là điều kiện và là phương thế thiết yếu mà một người phải có để đón nhận lời chúc phúc và để đạt được hạnh phúc Nước Trời. Bởi vì Chúa không chúc phúc cho ai nghèo khó vì cái nghèo của họ, nhưng vì họ nghèo khó là họ có điều kiện cốt yếu để đạt được hạnh phúc. 

Trong mối phúc thứ nhất, điều kiện được nói tới là sự “nghèo khó” trong tâm hồn. Nghèo khó ở đây không chỉ là sự khước từ những quyến luyến với tài sản vật chất và tiền tài, nhưng tiên vàn nó là một thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa (Xc Is 66,2), là sự tự ý thức về sự thiếu thốn của mình để chỉ còn biết tín thác và cậy dựa vào duy một mình Thiên Chúa. 

Niềm tín thác này dẫn tới điều kiện thứ 2 là “Đói khát sự công chính.” Một sự khát khao trào tràn, một quyết tâm mãnh liệt thực thi thánh ý của Thiên Chúa như là điều không thể thiếu cho những nỗ lực hoàn thiện bản thân: “Tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,33). Bởi nếu anh em không công chính hơn những người Biệt phái Pharisiêu, anh em sẽ chẳng được vào nước trời đâu. 

Nỗ lực trở nên công chính sẽ được viên thành qua việc dâng trót cả tâm tư cho Chúa. Đó là một tâm hồn “trong sạch.” Sự trong sạch ở đây đối nghịch với thói giả hình và tìm cầu tư lợi. Người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, dám hy sinh tất cả chỉ cốt tìm vinh quang Chúa. 

Kế đến, sự “hiền lành” và “sầu muộn khóc than” được gắn liền với tâm hồn khó nghèo khiêm tốn như gương của Chúa Giêsu. “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”  (Mt 11,29). Người thuộc về Chúa phải là người trở nên giống Chúa trong tâm tư và hành động. Họ sẵn sàng chấp nhận thua thiệt vì lòng yêu mến Thiên Chúa. 

Cuối cùng, tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa trong mối tương quan với tha nhân bằng sự “xót thương”, sự “xây dựng hòa bình” và “chịu bách hại.” Nếu lòng thương xót đối với đồng loại là cách thế tốt nhất để giới thiệu về chân dung một Thiên Chúa xót thương thì nỗ lực xây dựng hòa bình là một hình thức biểu lộ tình liên đới với tha nhân. Tình yêu ấy còn được trãi rộng hơn nữa đối với cả những kẻ bách hại và ngược đãi mình qua hành động tha thứ. Có thể nói, sự tha thứ cho những kẻ bánh hại mình diễn tả lòng xót thương một cách anh hùng nhất. Bởi kẻ ấy noi theo Thiên Chúa xót thương. Ngài không đếm xỉa gì tới sự bội bạc của con người, nhưng không ngừng giáng phúc thi ân cho họ. 

Như vậy, đoạn Tin Mừng Mt 5,1-12 trình bày các mối phúc như là những điều kiện hay phương thế giúp con người khả dĩ đoạt được Nước Trời. Bởi nhờ những phương thế đó, họ đặt tin tưởng nơi Chúa, họ dâng hiến cuộc đời để phụng sự chương trình của Ngài, họ phản ánh đường lối cư xử của Chúa trong tương quan với tha nhân. Chính vì đặt trọng tâm của cuộc đời ở nơi Thiên Chúa, cho nên họ thâm tín rằng duy mình Chúa là đối tượng duy nhất họ tìm kiếm và chỉ mình Chúa mới mang lại cho họ hạnh phúc, một thứ hạnh phúc có tính chất vững bền và trường cửu, không bị lệ thuộc của cải vật chất chóng qua. 

Ước gì lời chúc phúc của Thiên Chúa tràn xuống trên mọi người chúng ta, không phải vì chúng ta nghèo khó hay đói khát, nhưng vì chúng ta là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa và được Chúa chiếm hữu. Vì thế, phúc cho anh chị, phúc cho em, cho các bạn, phúc cho tôi, vì được thấy Thiên Chúa, được Chúa an ủi, được xót thương, được gọi là con Thiên Chúa và được Nước Trời là gia nghiệp. Được chính Chúa, đó là niềm hạnh phúc viên mãn, một niềm hạnh phúc bền vững, vượt trên tất cả mọi thực tại trần thế.

Đức Minh

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...