Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Suy niệm Tin Mừng TUẦN III PHỤC SINH (2117) – Hiền Lâm.

 

THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6, 22-29
Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

 

II. SUY NIỆM
Tuần này chúng ta được nghe loạt diễn từ của Chúa Giêsu về Bánh Trường Sinh, mà mở đầu của chương 6 Tin Mừng thứ IV là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Từ đó dân chúng muốn bắt tôn Chúa Giêsu lên làm vua và tìm theo Người để được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giêsu nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác, mà mặc khải cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh bất tử – Đó là Thánh Thể của Người.

Loài người phải sống “tay làm hàm nhai”: mối quan tâm hàng đầu của con người là bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của ăn nuôi thân thể thì sự sống chấm dứt. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.

Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giêsu không phải là trở lại như tình trạng ban đầu như sự hồi sinh của Lazarô hay con trai bà goá Naim mà Chúa cho sống lại rồi già chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giêsu là bước vào một sự sống mới, sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên bệnh tật, đau khổ và tội lỗi bị loại bỏ. Tóm lại, đó là sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn. Chúng ta không có sự sống này tự nơi mình nên đến một lúc thân xác sẽ chết, nhưng hồn thiêng mang sự sống từ nơi Chúa sẽ thường tồn, cho đến ngày cả thân xác cũng mặc lấy sự phục sinh trong ngày chung thẩm.

Đang khi còn sống trong thân xác này, con người phải lo cái ăn cái mặc, nên không lạ gì khi họ chạy theo Chúa Giêsu khi vừa được Người hóa bánh cho ăn no nê.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu phải giải thích cho họ việc tìm kiếm Người không phải vì chuyện tìm kiếm sự dễ dãi, nhưng tìm kiếm Người để tin vào Con Thiên Chúa và được ban cho lương thực trường sinh; tìm đến với Chúa Giêsu không phải ỷ lại ngồi chờ sung rụng mà là phải sống niềm tin và cộng tác vào chương trình của Chúa, để chính công việc của con người có ý nghĩa đem đến sự sống đời đời, như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).

Chúa Giêsu cũng từng nói: “Lương thực của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha”, thì đây trong câu kết của bài Tin Mừng hôm nay, Người cũng khẳng định: “Việc Thiên Chúa muốn cho con người, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
Thật vậy, ý muốn của Thiên Chúa chính là phải tin vào Chúa Giêsu Kitô, vì chỉ có Người là Đấng duy nhất đem lại sự sống đời đời. Người là sự sống và có sự sống tự nơi mình, nên ai muốn được sống đời đời phải cần có sự sống của Người, mà muốn có sự sống nơi Người phải tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống và đã ban sự sống đó cho chúng con khi cho chúng con được ăn bánh hằng sống là Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn biến đến kín múc sự sống nơi Chúa nơi bàn tiệc thánh mỗi ngày, để linh hồn chúng con được sống và mai sau chúng con được sống đời đời. Amen

 

 

THỨ BA TUẦN III PHỤC SINH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6, 30-35
Người Do-thái lại hỏi Đức Giê-su: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”
Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

 

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định Người là Bánh nuôi sống những ai tin vào Người
Mở đầu bài Tin Mừng, dân chúng đòi Chúa Giêsu một dấu lạ để tin Người là Đấng Thiên Sai. Họ muốn Chúa Giêsu cho ăn bánh không chỉ một lần như Người vừa mới hoá bánh ra nhiềuđể họ được no nê, mà muốn được ăn mãi như ngày xưa Môsê đã xin Chúa nuôi dân Israel bằng man-na suốt bốn mươi năm. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm của dân chúng về Đấng Thiên Sai, vì họ chỉ tìm kiếm một vị chúa thoả mãn sự lười biếng của họ, là ngồi chờ sung rụng không phải làm mà hàm cứ muốn nhai. Trong khi Chúa Giêsu lại muốn họ không phải chỉ tìm kiếm thứ man-na nuôi thân xác sẽ chết, mà là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng tâm hồn đạt đến sự sống đời đời.

Nhớ lại xưa kia, khi dân Israel đi trong sa mạc và thiếu thốn mọi thứ, Thiên Chúa ban cho họ thức ăn “từ trời xuống” là man-na. Nhưng nếu coi Thiên Chúa chỉ là ân nhân và nếu hễ đến với Người là xin xỏ cái này cái kia, thì cuối cùng con người chỉ chú tâm đến cái Thiên Chúa ban cho; may lắm là biết cảm tạ Người rồi sau đó lại tiếp tục than van kêu trách và chán ngấy. Đó là điều dân Israel đã làm, vì sau khi nhận được man-na, họ vẫn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và chết trong sa mạc. Thật vậy, những của cải vật chất, cho dù là của trời cho, chẳng làm cho chúng ta tốt hơn, vì nó không thể đem lại sự sống đích thực. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.

Vì vậy, Thiên Chúa ban một quà tặng mới: bánh từ trời xuống không phải là một vật gì đó mà là một Ai đó. Đức Giêsu là quà tặng cao quý nhất mà Chúa Cha ban tặng cho con người. Người là Bánh Sự Sống, là nguồn sống và là sự sống đích thực. Bánh sự sống đích thực này ban lại sự sống đời đời. Nhưng để nhận được bánh ấy, mỗi cá nhân cần có thái độ đáp ứng riêng của mình với Chúa Giêsu Kitô là tin vào Người.

Tóm lại:
Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trong khi tìm kiếm những của ăn nuôi dưỡng thể xác, thì cũng biết năng đến với bàn tiệc Thánh Thể để được Chúa nuôi dưỡng tâm hồn. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH
03/05: THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ
Lễ kính

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 14,6-14
Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.

 

II. SUY NIỆM
Khao khát được biết Thiên Chúa Cha là khát vọng chính đáng của con người, và cùng đích của con người chính là được đời đời chiêm ngưỡng thánh nhan Cha. Chính vì thế mà sau khi Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa Cha, thánh Philípphê – mà chúng ta mừng kính hôm nay – đã không ngần ngại thưa với Chúa Giêsu rằng: “Xin Thầy tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con đã mãn nguyện”.

Thấy Thiên Chúa Cha ư? Con mắt phàm tục không thể nhìn thấy Thiên Chúa. Đó là điều được nói đến trong Cựu Ước, rằng không ai có thể nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống: Môsê phải che mặt khi đối diện, Êlia chỉ được nhìn thấy phía sau, các tổ phụ, thẩm phán và ngôn sứ chỉ được thấy Chúa qua các thiên sứ hoặc các biến cố như mây, lửa… Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng phải nhờ Chúa Con mặc khải cho”. Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

Như thế, chỉ có Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa Cha. Câu trả lời cho Philípphê hôm nay chứng mình điều đó, đồng thời mạc khải chắc chắn về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ba Ngôi vừa hiện hữu tại thân vừa hiện hữu hướng về đến duy nhất, như Chúa Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”.

Trong lịch sử đã xảy ra nhiều lạc thuyết tìm cách tách rời tính duy nhất này và Giáo Hội đã có nhiều công đồng để lên án và tuyên tín. Về sau này và càng gần đây xuất hiện nhiều cái gọi là mặc khải tư hay sứ điệp này nọ mà ông này bà kia tự xưng là “thị nhân” “con gái yêu” nói rằng được Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần hiện ra cho biết. Giáo Hội luôn dè dặt và không ủng hộ những điều đại loại như thế, nhưng chính những thứ đó lại gây hoang mang cho nhiều người, thậm chí cả những anh chị em thuộc giới tu hành tin và phổ biến.
Điều đáng buồn là một số người người những Giáo Huấn chính thức của Giáo Hội được Chúa Kitô trao quyền bảo vệ đức tin thì không theo, lại chạy theo những thứ “chui cửa sau” mà không qua Giáo Hội.
Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, xin hãy ý thức cho rằng:
– Không phàm nhân nào nhìn thấy Thiên Chúa mà còn sống.
– Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, trừ khi Chúa Con mặc khải cho.
– Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.
– Chúa Giêsu là mặc khải tròn đầy về Chúa Cha, nên tất cả mọi mặc khải khác đều phải quy về Chúa Giêsu và vâng phục Giáo Hội.
– Chúa Giêsu làm tất cả những gì mọi người cầu xin với Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu.

Đó là tất cả những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Đó là đức tin tông truyền của Giáo Hội, vì thế không có con đường chui nào khác mà không qua Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất. Những linh đạo qua Đức Mẹ và các thánh đều quy hướng về Chúa Kitô. Mọi điều lớn lao mà các Kitô hữu làm được không phải do công chính mình, mà là do niềm tin vào Đức Kitô.
Vì Chúa Giêsu ngự bên hữu Chúa Cha để ban ơn và chuyển cầu, nên những ai tin vào Người còn làm được những việc lớn lao hơn. Cụ thể là như các tông đồ, chỉ trong một bài giảng của Phêrô mà có tới 5000 người trở lại, thậm chí có những lần khi thánh Phêrô đi qua cái bóng của ngài cũng làm cho bệnh nhân khỏi bệnh…

 

Lạy Chúa Giêsu, với niềm khao khát như thánh Philípphê chúng con mừng kính hôm nay, xin cho chúng con được nhìn thấy Thiên Chúa Cha hiện hữu trong mọi nơi mọi lúc, đặc biệt trong mọi biến cố cuộc đời, để chúng con sống trọn niềm thảo hiếu với Người. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN III PHỤC SINH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,44-51
Đức Giê-su nói với người Do-thái: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

 

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đang từng bước ngày một quyết liệt hơn để nói về Bánh Hằng Sống là chính Thịt Máu Người, và phải ăn bánh này mới được cứu độ.

– Mở đầu là lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Đây cũng là lời mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô: “…không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha.
Vì thế, đâu phải tất cả những ai tự hào được nằm trong số người theo chính đạo đều đến với Chúa Kitô. Ngay trong Hội Thánh có đủ hạng tín hữu, mà chỉ những ai được Chúa Cha ban ơn đức tin mới tìm được đến với Chúa Kitô. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa Cha ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Con của Người theo đúng chân lý. Nghĩa là, theo Chúa Kitô mà không tin tuyệt đối vào người, thì những nỗ lực không cò ý nghĩa; theo đạo trước hết phải tin đạo, sau đó mới kể đến những nỗ lực sống đạo.

– Chúa Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Nghĩa là nhiều bản văn trong sách ngôn sứ Do-thái sắp phải chuyển mình như thế nào để tiến lên. Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ mà là để kiện toàn và mặc cho một tinh thần mới. Giao Ước trên núi Si-nai đã ban những luật lệ và ràng buộc trong đạo để giáo dục lương tâm của dân Chúa. Nhưng rồi thời đại mới sẽ mở ra, khi Thiên Chúa dạy dỗ từng người. Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”, nhưng nói rõ thêm thời điểm. Đó không phải là những mặc khải phân phát đó đây, mà là ơn gọi nhiệm mầu dẫn con người đến với Chúa Giêsu. Chúa Cha ban cho con người một thái độ mới: tìm thấy mọi sự trong Chúa Giêsu; và nơi Người là tấm gương hoàn hảo phản chiếu Thiên Chúa, giúp khám phá ra ý định của Chúa Cha dành cho con người.

– Chúa Giêsu còn nói thêm: “Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”
Khác với loài người chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giêsu có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người. Như Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.
Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Nơi Người, Chúa Cha đã mặc khải tròn đầy và viên mãn cho con người, và kể từ nay, những mặc khải chân chính nhất cũng chỉ có thể làm một việc là dẫn chúng ta quay về với Người.

– Và cuối cùng, Chúa Giêsu tiếp tục lặp lại: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người chúng ta. Chúa Kitô biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người và kết hợp chúng ta vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho chúng ta sự sống ấy nhờ chúng ta ăn Mình Người, chúng ta cũng được thông phần cuộc sống đời đời.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự sống và đã ban sự sống đó cho chúng con khi cho chúng con được ăn bánh hằng sống là Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn biến đến kín múc sự sống nơi Chúa nơi bàn tiệc thánh mỗi ngày, để linh hồn chúng con được sống và mai sau chúng con được sống đời đời. Amen

 

 

THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,52-59
Người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.

 

II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu không nói úp mở hay dùng biểu tượng nữa, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh.
“Làm sao ông này lấy Thịt cho chúng ta ăn được?” Những người Do-thái đa nghi đối với Thiên Chúa trong sa mạc xưa cũng có giọng điệu như thế (x.Ds 11,4.18). Tin Mừng thứ IV vốn thích chơi chữ đã đưa vào trình thuật ở đây một ý nghĩa khác, là Chúa Giêsu muốn nói đến việc chia sẻ và thông ban sự sống phục sinh và đã được Thần Khí biến đổi.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo Hội định nghĩa bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).
Lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” Nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.
Lại nữa, Chúa Giêsu dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.

 

Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen

 

 

THỨ BẢY TUẦN III PHỤC SINH

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,51.60-69
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? ” Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? ” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

 

II. SUY NIỆM
Hôm nay, sau diễn từ về Thánh Thể, nhiều người và ngay cả các môn đệ đã phản ứng: “Lời này chướng tai quá ai mà nghe được”. Thế rồi đã có nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa.
Với sự phản ứng này này, chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được.

Tin vào mầu nhiệm Thánh Thể thật không dễ dàng chút nào. Nếu ngày xưa nhiều môn đệ không thể chấp nhận được thịt thầy Giêsu trở thành bánh đem lại sự sống đời đời, thì con người ngày nay cũng khó có thể tin được mầu nhiệm chuyển bản thể (substantia) từ một tấm bánh vẫn còn màu và mùi vị đó lại là Thịt Chúa Kitô.
Chính vì vậy, nếu không được Chúa ban ơn đức tin, thì không thể hiểu được, thậm chí còn là cớ vấp phạm, giống như một số môn đệ xưa phản ứng: “Lời này chói tai quá”.
Phải, làm sao những người nghe Chúa Giêsu có thể tin rằng “người con của bác thợ mộc làng Nazareth kia lại từ Thiên Chúa mà đến? Và ngày nay làm sao chúng ta có thể tin rằng chúng ta cần Thánh Thể? Chúa Giêsu cho chúng ta biết tại sao Người đã đến: Con Thiên Chúa với chúng ta, để sau đó sẽ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Người đã đến từ Thiên Chúa để thông ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa, mà sự sống này sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa.

Thế giới chúng ta được đổi mới là nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa đã trở LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA, với thân xác nhân loại đã được Thần Khí biến đổi. Con Thiên Chúa đã lên trời với chất người của chúng ta. Đức Kitô là con người nhân loại đầu tiên đạt tới cõi Thiên Chúa. Khi Con Thiên Chúa đi vào vinh quang của Chúa Cha, Người mang trên đôi vai toàn thể thụ tạo mà Người đã đổi mới và thánh hiến.
Thật khó lý giải, nhưng nếu không tin vào mầu nhiệm biến đổi từ bánh thành Mình Chúa, thì cũng không thể hiểu được “con người” đi vào được cõi thần linh. Khi thân xác thần linh của Chúa Giêsu kết hợp với thân xác thụ tạo của chúng ta bằng Mầu Nhiệm Thánh Thể, thì biến đổi chúng ta và đưa thân xác thụ tạo chúng ta vào trong cung lòng Thiên Chúa.

Một số môn đệ Chúa Giêsu và người Do-thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.
Thật vậy, họ đã không hiểu được mầu nhiệm Con Thiên Chúa tự nguyện hạ mình và trút bỏ thần tính vinh quang của mình như thế. Người đã trở nên phàm nhân và chết như một tên nô lệ, để sau đó Chúa Cha đưa NGƯỜI TRỞ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Chúng ta cũng vậy, khó lòng chấp nhận được một Thiên Chúa hoạt động giữa chúng ta, và giữa thế giới đầy bất công và tội lỗi đến thế, nhưng vẫn được Thiên Chúa yêu thương, trong lòng một Giáo Hội bất xứng đến vậy nhưng vẫn được Thiên Chúa trọng dụng để thực hiện kế hoạch của Người, đặc biệt trong một lịch sử vô vọng nhưng lại là thời gian chuẩn bị cho Nước Trời.

Điểm sáng nhất mà bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy Thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn về đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông Đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo Hội.
Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác nhau giữa bánh chưa truyền phép và được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Dù sao, giữa một thế giới 5 tỉ người không tin vào Thánh Thể, thì cũng vẫn còn điểm sáng khích lệ chúng ta là có 1 tỉ Kitô hữu tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong tấm bánh miến được truyền phép trong thánh lễ mỗi ngày.

 

Lạy Chúa Giêsu, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...