Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần XVI Thường Niên, năm chẵn – 2016 (Hiền Lâm)

 

THỨ HAI TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 12,38-42
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.

 

II. SUY NIỆM
Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa Giêsu và các tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Thật vậy, Chúa Giêsu từ chối làm phép lạ khi Gioan và Giacôbê xin khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy Samari, cũng như Người không xuống khỏi thập giá khi bị các quan quân biệt phái thách thức…
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc biệt phái Pharisiêu đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ. Người đã nại đến hai chứng cớ Cựu Ước để lên án sự thờ ơ với Lời Chúa và sự cứng lòng của dân Do-thái không chịu sám hối ăn năn:

 

1. Sự thờ ơ trước Lời rao giảng
Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh nữ hoàng phương Nam khi nghe tin về sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho vua Salômon để ngài xử kiện và cai trị dân Do Thái, nữ hoàng đã tìm đến để được lắng nghe lời Salômon nói, và bà ca tụng Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan cho vua. Ấy thế mà hôm nay chính Đấng là nguồn mạch sự khôn ngoan đã ban ơn ấy cho Salômon xưa, nay Người đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt họ, rao giảng cho họ Lời Thiên Chúa mà họ vẫn bàng quang phớt lờ.
Sự thờ ơ này cũng đang là tình trạng nơi không ít người trong chúng ta, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa qua nhiều phương tiện, nhiều cách thế, và đặc biệt là trong thánh lễ, trong những lời rao giảng của các mục tử… Thế nhưng, chúng ta tỏ ra hững hờ hoặc không mặn mà gì với Lời Chúa, không có thái độ hâm mộ và yêu mến, thậm chí coi những thứ khác hấp dẫn hơn.

 

2. Không ăn năn hối cải
Ngày xưa, ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mạc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa thứ tha. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi : “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do-thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiều sai trái trong “bóng tối”. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, tìm về với Thiên Chúa qua bí tích Giao Hoà và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện.

 

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con vẫn được nghe Lời Chúa qua mọi phương tiện từ các trang tin công giáo đến cuốn Thánh Kinh trong gia đình, đặc biệt được nghe Lời Chúa và được nghe lời rao giảng trong các Thánh Lễ, nhưng có lẽ chúng con chưa thực sự để cho Lời Chúa thấm nhập và biến đổi chúng con. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi phương thế có được để tiếp xúc với Lời Chúa hằng ngày, hầu được Lời Chúa biến đổi nên xứng đáng là một Kitô hữu thánh thiện. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 12,46-50
Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? ” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

 

II. SUY NIỆM

Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giêsu xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Ngài chăng? Không phải thế, Ngài còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em của Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trở thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Kitô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Kitô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình:

1. Cưu mang Lời Chúa.
Không ai cho cái mình không có, vì nếu có cho đi nữa thì cũng là kẻ ăn cắp. Vì vậy, đừng mơ đem Chúa đến cho người khác mà tâm hồn mình trống rỗng không có Chúa ngự trong mình. Rao giảng Lời Chúa mà không có Chúa sống trong mình và kết hợp với Người, thì chỉ là sự rỗng tuếch, không phải nói lời của Chúa mà là lời của mình cùng với những toan tính riêng tư của mình mà thôi. Chỉ khi mang Chúa trong mình, thì mình mới được biến đổi và giúp tha nhân trở về với Chúa được.
Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bẳng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông.
Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên.
Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.

 

2. Đem Chúa đến cho tha nhân.
Chức năng làm mẹ nơi Mẹ Maria là, khi vừa được cưu mang Chúa, Mẹ đã lên đường đem Chúa đến cho Bà Elizabeth và Gioan Tiền Hô đã nhảy lên vui mừng trong lòng bà Êlizabeth vì được gặp Chúa nơi Mẹ.
Chúng ta cũng vậy, sau khi nhận ra Chúa – cảm nghiệm Chúa – cưu mang Chúa trong lòng, chúng ta mang Chúa đến cho anh chị em khác bằng những chia sẻ đơn sơ, phát xuất từ cảm nghiệm trong tâm hồn. Nhờ đó, họ cũng có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.
Hình ảnh của Hội Thánh, cách riêng các Kitô hữu, luôn làm cho Thiên Chúa được sinh ra nơi các tâm hồn, sinh ra cho thế giới mọi nơi và mọi thời, nghĩa là làm cho Thiên Chúa được muôn người nhận biết. Vấn đề này thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4, 19).
Thế giới ngày hôm nay sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí xem như Thiên Chúa không còn hiện hữu, thì bổn phận của Hội Thánh, của các Kitô hữu và cách riêng các nhà truyền giáo phải làm cho Thiên Chúa được sinh ra cho mọi người, nghĩa là làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa và ý thức sự hiện diện của Người, hầu các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và biết hướng tới những giá trị tinh thần và thiêng liêng để được cứu độ.

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa coi những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa như là bạn hữu, là an hem và là mẹ của Chúa, xin cho chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, làm cho Lời Chúa được lớn lên và lan tỏa đến mọi người. Amen.

 

 

THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,1-9
Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

 

II. SUY NIỆM
Dụ ngôn về “người gieo giống” nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người.

 

– Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giêsu Kitô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
– Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
– Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (PV 51).
– Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

 

Như vậy:
– Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
– Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô “lúc thuận tiện hay không thuận tiện”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

 

Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con mỗi khi tiếp nối ơn gọi ngôn sứ từ chính Chúa, thì cũng biết noi gương Chúa mà rao giảng Tin Mừng một cách nhưng không và quảng đại, đồng thời tín thác và hy vọng vào Chúa mới là Đấng cải hóa các thửa đất và làm cho hạt giống Tin Mừng lớn lên và sinh hoa trái, để Tin Mừng được truyền rao đến bất cứ nơi đâu trên toàn cõi địa cầu. Amen.

 

 

THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,10-17
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

 

II. SUY NIỆM
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế. Vì vậy, trong sư phạm, người ta thường dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Chúa Giêsu cũng nhiều lần dùng hình thức sư phạm này để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hôm nay, sau khi đã đưa ra dụ ngôn về “người đi gieo giống”, Chúa Giêsu cũng trả lời cho các môn đệ biết tại sao Người dùng dụ ngôn mà giảng dạy.
Trong bối cảnh của dụ ngôn “người đi gieo giống” mà Chúa Giêsu vừa kể, thì trích đoạn Tin Mừng hôm nay là lời giải thích về hai thái độ sống Lời Chúa hay từ khước Lời Chúa: Nghe và hiểu hay nghe mà không hiểu.

 

1. Nghe và hiểu
Đây là trường hợp của thửa đất tốt, khi đón nhận hạt giống đã sinh hoa kết trái dồi dào. Đó chính là cái phúc mà Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Cái phúc được nghe và được thấy trước hết phải kể đến các môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài là những “người bé mọn” và đơn sơ đón nhận, tin và đi theo Chúa Giêsu, các ngài có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu Ước đã không có được vinh dự được nghe và được sống với Đấng chính là Lời Thiên Chúa.
Kế đến, cái phúc này dành cho những ai thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta ngày hôm nay có vinh dự được đọc, được nghe Lời Chúa hằng ngày trong Thánh Kinh và được hiểu qua lời giảng dạy của các đấng bậc trong Giáo Hội mà Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta.
Mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
Chúa Giêsu còn khẳng định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12). Nghĩa là hạt giống Lời Chúa được chăm sóc thì sẽ sinh hoa trái gấp bội, nhưng bị bỏ xó thì hạt giống đó sẽ bị hư đi. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban ân sủng, đều có con tim, đều có lương tri hướng thiện, thế nhưng nếu ai đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, hướng lương tâm vào những gì trái nghịch với Thiên Chúa, thì những ân sủng Người ban cho và ngay cái mình đang có là lương tâm thánh thiện thưở ban đầu cũng sẽ bị lấy đi. Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến, nên đã có thì lại được đầy dư; còn kẻ không có nghĩa là không tin như Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích.

 

2. Nghe mà không hiểu
Đây là 3 loại đất: bên vệ đường, nơi khô cằn sỏi đá và trong bụi gai (nghe rồi bỏ qua; nghe và hiểu đôi chút vì không lo suy nghĩ và đào sâu; nghe và hiểu nhưng bận bịu nhiều thứ rồi bỏ bê).
Dân gian thường nói về thái độ của kẻ nghe mà không hiểu là: “nước đổ đầu vịt” chỉ trôi đi mà không đọng lại hay thấm vào. Nghe mà không chú ý và suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối sửa sai thì cũng như người có tai mà không nghe. Đó là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Người có tai, có mắt lành mạnh thì phải thấy và phải nghe được. Có mắt và tai lành mạnh mà không nghe, không thấy thì coi như điếc như mù.
Những người đi theo Chúa Giêsu, đã nghe Người giảng dạy, đã thấy những việc Người làm; thế nhưng họ đã dửng dưng, thành kiến, hoặc lo bận bịu với những toan tính để rồi như không nghe và bị Chúa Giêsu khiển trách: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”.
Từ nghe và thấy phải dẫn đến tâm hồn hoán cải. Nghe và thấy mà không đi vào tâm hồn thì như người thấy mà như mù, người nghe mà như điếc. Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế là coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa và khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận. Bởi “vì lòng họ đã ra chai đá”, nên không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Không ít người Công Giáo chúng ta ngày hôm nay, đôi khi xem việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật là một gánh nặng vì sợ tội, để rồi đến nhà thờ lúc đọc Lời Chúa và nghe giảng thì ngủ gật, hoặc đi trễ chờ hết phần Phụng Vụ Lời Chúa rồi mới vào. Lại nữa, nhiều bạn trẻ lại dành nhiều thời giờ cho việc tìm kiếm để xem, để đọc và để nghe những ấn phẩm không tốt cho tâm hồn hơn là tìm xem, đọc và nghe Lời Chúa, dù Lời Chúa ngày hôm nay có đầy đủ trên mọi phương tiện truyền thông và các ấn phẩm. Với thái độ như thế, xin hãy nghe Lời Chúa Giêsu hôm nay đang nói với họ: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,14-15).

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen.

 

 

THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 22/07: Lễ thánh nữ Ma-đa-lê-na, Lễ kính

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,11-18
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! ” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

 

II. SUY NIỆM 
Hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức.

Hai sự tiếp nhận này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời, nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói yêu thương hơn…

Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm lấy chân Thầy.

Trong ngày mừng lễ thánh nữ Maria Mácđala, Giáo Hội cho đọc bài Tin Mừng kể chuyện Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”

Có thể nói, tình yêu của cô Maria Mácđala mà văn chương Gioan xây dựng có một mức độ vượt trên tình cảm thông thường, gần như là một tình yêu “phái tính” khi Maria Mácđala thầm yêu Chúa như là Đấng lang quân của của cô.
Như trong sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8). Khi người ta đã từng đồng hành với nhau hay là yêu mến nhau, thì ngay cả việc không thấy, nhưng ngồi nghe tiếng chân bước hay tiếng thở… cũng đủ giúp nhận ra nhau. Một người mẹ già bị mù, nhưng người con của bà từ xa về chưa kịp đến gần bà thì bà đã nhận ra bởi tiếng nói, cử chỉ… đã ăn sâu trong ký ức của bà, nhất là đứa con lại là đối tượng yêu quý nhất của bà.
Từ việc nghe đã tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc qua nhiều, nhưng tiếng nói đầy yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được.

Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng – làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.

Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.

 

Lạy Chúa Giêsu, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

 

I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,24-30
Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

 

II. SUY NIỆM
Chỉ có duy nhất thánh sử Mátthêu kể lại dụ ngôn “Giống tốt và cỏ lùng” mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau.
Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma qủi, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, nguời ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.
Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.
Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Hội Thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội Thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội Thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giêsu quang lâm. Và Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biện phân được sự thiện ác cùng tồn tại ngay trong chính thân phận làm người của chúng con và ngay trong Hội Thánh Chúa, để chúng con cùng cộng tác với Chúa mà kiên nhẫn và giúp những tội nhân hoán cải trở về với Ngài. Amen.

 

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...