Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

Suy niệm Lời Chúa Tuần IV Phục Sinh

Chúa nhật 4, Phục sinh, Năm A, Ga 10,1-10
Chúa chiên nhân lành

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

Từ dụ ngôn Chúa Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể hình dung một ràn chiên hay một chuồng chiên rất lớn, trong đó có nhiều bầy chiên do nhiều mục tử chăn dắt. Ràn chiên chỉ có một người giữ cửa. Ban đêm, tất cả chiên ngủ lại trong ràn. Sáng sớm, các mục tử sẽ đến gọi đàn chiên của mình, đưa chúng đến những đồng cỏ.
Chúa Giêsu quả quyết: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì được ơn cứu độ. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ xanh tươi”, hàm nghĩa: Chúa là cánh cửa duy nhất mở ra để cho chúng ta đến hưởng ơn cứu độ. Vì khi xưa, khi tổ tông phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa thì cửa thiên đàng đóng lại. Nhưng nay, nhờ Chúa Giêsu – Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu khổ hình, chết và phục sinh đã mở đường cứu rỗi cho mọi người
Chúa thực là người mục tử nhân lành. Chúa yêu quý từng con chiên theo cách riêng, Chúa đặt tên cho từng con một, biết đặc điểm, tính cách của từng con, và dù rằng trong đàn chiên có nhiều con đi nữa thì Chúa vẫn gọi chính xác đích danh từng con và dẫn chúng đi tới đồng cỏ xanh tươi.
Chúa là mục tử nhân lành. Còn con chiên là chính mỗi kitô hữu. Chúng ta là những con chiên cưng của Chúa. Chúng ta được Chúa yêu quý đến độ “bỏ trời mà xuống thế gian”, đi tìm và vác ta trên vai thánh của Ngài, đưa ta vào đồng cỏ xanh tươi là Hội thánh Chúa, nơi ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Ta được Chúa yêu quý đặt tên, tên thánh… và kêu vào hưởng hạnh phúc viên mãn với Ngài.
Chiên của Chúa được diễm phúc là vậy. Thế thì, ta thực có là chiên ngoan của Chúa hay không, dấu hiệu nào chứng tỏ điều đó? Thưa: Chiên của Chúa thì nghe tiếng Chúa. Chiên của Chúa thì đi theo Chúa. Vậy thì, cứ xét xem ta có nghe tiếng Chúa, nhận ra tiếng Chúa qua những sinh hoạt thường ngày hay không, ta có trung thành mến Chúa yêu người hay không mà biết ta đang là chiên của Chúa ở mức độ nào.
Một ngày kia, Chúa Giêsu đã hiện ra cùng thánh Giêrônimô và hỏi:
– Này Giêrônimô, hôm nay con có gì để dâng cho Ta không?
Thánh Giêrônimô đáp:
– Con dâng cho Chúa tất cả những bộ sách mà con đã viết và nhất là bộ Kinh Thánh con vừa mới dịch xong.
Chúa Giêsu mỉm cười chấp nhận, nhưng chưa hoàn toàn thỏa mãn, Ngài hỏi thêm:
– Con còn có gì nữa để dâng cho Ta không?
Thánh Giêrônimô không chút do dự trả lời:
– Con dâng cho Chúa tất cả những hy sinh, khổ cực con gặp thường ngày từ trước tới giờ. Con dâng cho Chúa trọn cả cuộc đời tu trì của con đây.
Chúa Giêsu chấp nhận, nhưng vẫn chưa mãn nguyện, Ngài lại hỏi thêm lần thứ ba:
– Con còn có gì để dâng cho Ta nữa không?
Lần này, thánh Giêrônimô tỏ vẻ phân vân và nhỏ nhẹ thưa cùng Chúa:
– Thì con đã dâng cho Chúa tất cả rồi, còn gì tốt đẹp nữa đâu, mà con có thể dâng cho Chúa được.
Chúa Giêsu nhìn Giêrônimô với đôi mắt nhân từ, tràn đầy yêu thương và phán:
– Giêrônimô, tại sao con không dâng cho Ta những tội lỗi, những tật xấu của con? Con giữ nó làm gì? Ta đã xuống thế, chịu chết trên thập giá là để đền tội lỗi con mà.
Thế là, Thánh Giêrônimô đã dâng cho Chúa tất cả, kể cả những tội lỗi của mình.
Câu chuyện cho thấy Chúa là mục tử nhân lành luôn luôn thương yêu chúng ta vô cùng. Xin cho chúng ta cũng trở nên những mục tử biết xót thương nhau trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Thứ 2, Tuần 4, Phục sinh, Ga 10,1-10
Chúa là mục tử nhân lành

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

Ở đất nước Do thái vào thời Chúa Giêsu, nghề chăn chiên rất phổ biến. Vì thế việc trông coi, giám sát, chăm sóc cho từng con vật trong đàn là rất cần thiết, nhiệm vụ này được trao phó hoàn toàn trong tay người mục tử. Chiên sẽ được an toàn, no nê, mạnh khỏe… nếu gặp được một vị mục tử nhân lành. Nghĩa là vị mục tử đó biết tận tình lo lắng quan tâm chăm sóc cho từng con chiên. Anh gần gũi thân thiết với con chiên đến nỗi biết rõ đặc điểm tính cách, và có thể gọi tên từng con một. Anh đi trước chiên để dẫn đường, và tháo gỡ cạm bẫy, trông gai dọc đường cho chiên được an toàn. Anh sẵn sàng đương đầu với kẻ cướp hay thú dữ, và chẳng tiếc hy sinh tính mạng để bảo vệ đàn chiên.
Chúa Giêsu đích thực là vị mục tử nhân lành như thế. Còn mỗi chúng ta là những con chiên trong đàn chiên của Chúa, được chính Chúa săn sóc dưỡng nuôi bằng chính Mình và Máu thánh Chúa. Chúa là mục tử nhân lành, Chúa biết rõ mỗi người chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã và dễ đi hoang vào những đồng cỏ của thế gian đầy những cạm bẫy, cám dỗ… Cho nên Ngài đã dùng Lời của Ngài mà thức tỉnh chúng ta. Ngài đã thiết lập các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Giao hòa, nhằm chữa lành và thêm sức mạnh giúp chúng ta đủ sức tiến bước theo Chúa về nơi hạnh phúc bình an. Chúa là mục tử tốt lành vô cùng, đến nỗi chịu chết thay cho chúng ta, để chúng ta được sống dồi dào.
Suy niệm Chúa Giêsu là mục tử nhân lành. Chúng ta được mời gọi trở nên những vị mục tử nhân lành như Chúa, qua cung cách sống hiền hòa nhân ái quan tâm đến hết mọi người. Đồng thời, chúng ta hãy tĩnh lặng, hồi tâm để suy nghĩ về cung cách làm chiên của mình. Chắc hẳn, biết bao lần chúng ta đã ngỗ nghịch không thèm lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy, hay cố dập tắt tiếng Chúa nói trong lương tâm mình. Chúng ta chạy trốn, đi hoang vào trong vùng bóng tối tội lỗi và rồi nhiều lần chúng ta đã sa ngã, thất bại ê chề… Thế nhưng cho dù chúng ta có như thế nào, Chúa Giêsu vẫn cứ kêu gọi, vẫn cứ đi tìm vác và ta trên vai, vẫn cứ yêu thương, tha thứ, chờ đợi chúng ta quay về với Ngài.
Một câu chuyện lịch sử đã xảy ra tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ, nhưng cánh tay phải thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.
Người Tây Ban Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Có một tội nhân đến xưng tội với cha xứ ngay dưới cây thánh giá ấy.
Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội, vị linh mục đe dọa: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho anh”.
Nhiều tháng qua đi, tội nhân lại đến quì dưới chân linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát, và trả lời: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa”.
Nhưng lạ lùng thay, khi vị linh mục vừa khước từ tội nhân, thì bỗng ngài bàn tay phải của Chúa Giêsu rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Cùng lúc đó, vị linh mục nghe được tiếng Chúa: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cứu người này, chứ không phải con”.
Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến lãnh nhận tình yêu hải hà, lòng tha thứ vô biên của vị mục tử nhân lành.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn biết cậy trông phó thác vào Chúa và không bao giờ ngã lòng về lòng thương xót vô biên của Chúa. Amen.

Hội Thánh sống động nhờ Chúa Thánh Thần
Thứ 3, Tuần 4, Phục sinh, Cv 11,19-26

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

Lời Chúa hôm nay có các cặp tương phản rõ rệt:
Trong bài trích sách Công Vụ Tông Đồ, khi Hội Thánh non trẻ mà Chúa Giêsu vừa thiết lập tại Giêrusalem đã bị người Do Thái bách hại dữ dội, họ đã ném đá Têphanô và đang ráo riết lùng sục các kitô hữu khiến cho mọi người phải tản mác. Tưởng chừng như Hội Thánh sẽ tan rã, bị tận diệt. Ấy thế nhưng, chính trong cơn quẫn bách đó, Chúa Thánh Thần xuất hiện. Chúa Thánh Thần thúc đẩy các kitô hữu tản mác đi đến tận Phênixi, đảo Suýp, đến thành phố Antiôkia, thủ đô Syria mà rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh cho cả người Hy lạp và tại đây các môn đệ lập nên nhiều giáo đoàn kitô hữu.
Điều ấy chứng tỏ rằng Hội Thánh trong cơn bách hại chẳng những không bị tiêu diệt mà còn lớn mạnh, vươn xa đến tận những trung tâm sinh hoạt có tầm ảnh hưởng lớn của thế giới thời đó. Chẳng vậy mà rất đông đảo dân ngoại với những tập tục và tôn giáo cũ đã ăn sâu vào máu lưu truyền qua không biết bao nhiêu là thế hệ, thế mà nay tự nguyện tin đạo Chúa, đây thực là một công trình kì diệu của Chúa Chúa Thánh Thần.
Công trình của Chúa Thánh Thần thật thật hoàn mỹ, thật an vui, chan hòa tình huynh đệ; nhiều cộng đoàn được thành lập. Thế mà các cộng đoàn này không sống biệt lập, nhưng liên đới tương trợ tinh thần vật chất cho nhau, hiệp nhất yêu thương nhau trong một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Các giáo đoàn thời sơ khai này thật khác với những gì chúng ta đang thấy hiện nay tại một vài nơi ở Châu âu tại giáo hội Đức chẳng hạn, trong khi mà quyền tự do được bảo đảm thì người ta lại bỏ đạo để khỏi đóng thuế, thay vì tôn thờ Thiên Chúa thì họ lại tôn thờ tiền bạc, tôn thờ thân xác, tôn thờ cái tôi của mình. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho đời sống đạo thường ngày của chúng ta. Biết đâu chỉ vì một mối lợi vật chất nho nhỏ, chỉ vì một công việc làm ăn, chỉ vì những đam mê mà chúng ta có thể xa lìa Chúa, xa lìa Hội Thánh Công Giáo. Hay cũng có khi chúng ta ngụy biện rằng tôi vẫn tin Chúa, nhưng tôi không tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, không nghe giáo huấn của Hội Thánh, làm như vậy chúng ta đã để cho cái tôi của mình thay quyền Chúa rồi và hậu quả tai hại là đủ mọi sự chia rẽ, bất hòa, xung đột có thể xảy ra.
Xin cho chúng ta biết đau, nỗi đau của toàn thân thể Hội Thánh đối với một số chi thể chia lìa. Xin cho chúng ta tích cực xây dựng Hội Thánh của Chúa ở trần gian này bằng thái độ “Hiệp Hành”- tiến bước cùng nhau: Hiệp thông cùng nhau rao giảng về Chúa- Tham gia cùng nhau gieo rắc niềm tin yêu hy vọng vào môi trường sống- và thi hành Sứ vụ theo ơn Chúa gọi sống độc thân thánh hiến hay hôn nhân gia đình, nhờ đó mà mà nhiều người kính mến Chúa và yêu mến hội thánh hơn.
Một điểm nữa mà sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động cách nhiệm mầu trong Hội Thánh, đó là từ nay những môn đệ của Chúa Kitô ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có danh xưng là kitô hữu, nghĩa là: người tin vào Chúa Kitô, người có Chúa Kitô, và là người bạn thân thiết với Chúa Kitô. Chúng ta những kitô hữu hôm nay cần tự hỏi tôi đang sống danh hiệu này như thế nào trong cuộc sống hằng ngày. Tôi có thực là kitô hữu hay chỉ “hữu danh mà vô thực”. Bằng chứng là người ta có nhận ra tôi là người tin vào Chúa, người ta có thấy Chúa ở trong tôi, người ta có cảm nhận tôi là bạn thân thiết của Chúa hay không? Tất cả sẽ hiển hiện nơi cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy nếu các con có lòng yêu thương nhau. Amen.

Thứ Tư, Tuần 4, Phục sinh, Ga 12,44-50

“Ai thấy tôi, là thấy Đấng đã sai tôi”

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

20-04-2022 Đức ông Miroslaw Wachowski, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh, dẫn đầu phái đoàn ngoại giao tòa thánh đến thăm và làm việc tại việt nam. Phái đoàn đã được các bộ ban ngành đạo đời đón tiếp rất long trọng. Chúng ta tự hỏi do đâu mà phái đoàn tòa thánh được chào đón cách trọng hậu như vậy? Thiết nghĩ không phải do danh tiếng, học vấn, hay tài đức của các ngài mà được mọi người đón tiếp như vậy, nhưng vì các ngài đại diện cho quốc gia Vatican, đại diện cho đức thánh cha Phanxicô và đại diện cho Hội thánh Công giáo hoàn vũ.
Vâng, đón tiếp người được sai đi thì cũng chính là đón tiếp chính đấng đã sai đi. Đó là điều Chúa Giêsu muốn tỏ lộ về nguồn gốc thần linh của Ngài cho người Do Thái được biết: “Ai tin vào tôi thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi, là thấy Đấng đã sai tôi”.
Thế nhưng cho đến ngày nay, người Do thái vẫn không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là đấng Mesia cứu độ trần gian, thành ra, họ vẫn cứ còn khắc khoải trông chờ Đấng Cứu Thế đến. Có thể có những lí do khiến họ không tin Đức Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến: do lai lịch Đức Gêsu, xuất thân trong một gia đình nghèo khó, chứ không phải trong cung điện giàu sang, Đức Giêsu con ông Giuse và bà Maria một người cùng làng cùng xóm bình thường như bao nhiêu người, rồi làng Nadarét nhỏ bé chẳng có điều chi hay ho… Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi là một vị vua oai phong lẫm liệt có sức mạnh giải thoát họ khỏi đế quốc Rôma đang cai trị, ngài xuất chinh đánh đông dẹp bắc, khiến các nước lân bang phải khiếp sợ. Điều họ mong đợi đó đã không được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, chính những thành kiến sai lầm cố chấp đó đã khiến họ không thể nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.
Có lẽ đôi khi trong cuộc đời chúng ta cũng chẳng hơn gì người Do thái, với những thành kiến của mình chúng ta hoài nghi không tin vào thiên chúa yêu thương. Đứng trước bao nhiêu, gian nan thử thách, thiên tai dịch bệnh côvít kéo dài, hoặc khi gặp đau khổ thử thách bệnh tật… có khi chúng ta hỏi Chúa ở đâu mà để con phải khổ sở thế này? Xin cho chúng ta có đức tin vững vàng để nhận ra chúa đang đồng hành trong những nỗi gian nan của chúng ta, ngài dẫn dắt chúng ta đi theo một đường lối kì diệu mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới.
Mặt khác suy xét bản thân chúng ta nhận ra rằng: có khi vì những thành kiến về người khác, mà chúng ta làm hỏng cuộc đời của họ, nhận xét không chính xác, vu oan, giáng họa… chính do đầu óc thành kiến mà ta hiểu sai về anh chị em xung quanh. Có một câu chuyện thế này:
Thời ấy, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.
May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Phu Tử nên đem biếu thầy trò một ít gạo… Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn việc thổi cơm thì Khổng Tử giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt rất nhiều kỳ vọng. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.
Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở phía dưới nhà bếp, còn Khổng Tử thì đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống… thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại từng nắm… Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, dừng chốc lát… rồi từ từ đưa nắm cơm lên miệng…
Nhìn thấy hành động của đệ tử, trong suy nghĩ của Khổng Tử cảm thấy thất vọng và thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”.
Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về… Nhan Hồi lại luộc rau… Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ…
Một lát sau rau chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xới cơm.
Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …
Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa com đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy… cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?
Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”
Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình trung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em … Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong, hiểu rõ ràng sự việc, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Vâng. Bệnh thành kiến có thể khiến ta thất vọng về Thiên Chúa toàn năng. Bệnh thành kiến cũng cố thể khiến ta đánh giá sai về tha nhân. Xin Chúa giúp chúng ta biết gạt bỏ mọi thành kiến để có thể mến Chúa và yêu mọi người với tấm lòng chân thành hơn. Amen.

Thứ 5, Tuần 4, Phục sinh, Ga 13,16-20
Vẽ dung nhan Thiên Chúa

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

“Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lơn hơn người được sai đi”. Chúng ta có thể hiểu chủ là Chúa Giêsu, người sai đi là Chúa Cha và chúng ta là tôi tớ và là người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng bằng cách nào đây? Thưa, bằng đời sống yêu thương phục vụ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau”.
Có một cuộc thi vẽ chân dung hoàng đế một cách trung thực nhất. Nhiều họa sĩ danh tiếng từ khắp nơi đổ về. Các họa sĩ mang theo đủ thứ chất liệu quý như vàng, bạc, đá quý… mong tạo nện một kiệt tác để đời, người Hy lạp chỉ mang theo một khối cẩm thạch. Hoàng đế đi đến tưng phòng trần trồ khen ngợi càng ngày càng đẹp hơn. Đến gian phong của người Hy lạp ai mấy sững người chỉ thấy một khối cẩm thạch chặn ngay trước mặt, điều tuyệt vời ờ ở chỗ khối cẩm thạch được nghệ nhân đục đẽo trà mài đến mức sáng bõng như gương. Hoàng đế soi mình vào và thất dung nhan nhìn một cách trung thực nhất. Người Hy lạp đạt giải vì đã vẽ chân dung hoàng đế một cách trung thực nhất.
Chúng ta là môn đệ của Chúa chúng ta sẽ vẽ chân dung của Chúa bằng cách nào đây? Để có được một bức chân dung trung thực nhất, người điêu khắc đã phải kiên nhẫn, đầu tư biết bao công sức tài năng gọt đẽo đục mài những sần sùi dơ bẩn… Phần chúng ta để vẽ được chân dung của Chúa trung thực nhất trong cuộc sống của mình thì chúng ta cũng phải đẽo gọt lột xác con người của mình, nghĩa là mỗi ngày bỏ bớt đi những thời hư tật xấu và mài lên những, làm sáng lên những hành vi bác ái yêu thương. Chỉ khi sống tình yêu thương chúng ta mới có thể vẽ dung nhan Thiên Chúa một cách trung thực nhất trong cuộc đời của mình.
Dĩ nhiên, tự sức chúng ta không thể yêu thương hoàn hảo được, và như thế cũng có nghiã là không thể vẽ dung nhan của Chúa cách trung thực. Cho nên, chúng ta cần khiêm nhường để Chúa vẽ nên hình ảnh của Ngài trong chúng ta, qua đời sống cầu nguyện tựa như Môsê mỗi lần đàm đạo với Chúa thì gương mặt được sáng lên. Và nhờ ơn thánh Chúa ta mới có thể yêu thương mọi người, chính khi yêu thương ta vẽ dung nhan Thiên Chúa một cách trung thực nhất, vì Thiên Chúa là tình yêu (Ga 4,8.16).

Thứ 6, Tuần 4, Phục sinh, Ga 14,1-6
“Anh em đừng sao xuyến”

Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

Tin Mừng ngày Thứ 6, Tuần 4, Phục sinh đưa chúng ta trở về bữa ăn tối sau cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, nhằm củng cố niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục sinh. Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu sau khi rửa chân cho các môn đệ và nói những lời từ biệt các ông.
Trong cuộc sống thường ngày, có lẽ chúng ta đã từng chứng kiến sự “ra đi” của ông, bà, cha, mẹ hay những người thân quen với chúng ta. Trước lúc ra đi họ thường dặn dò khuyên nhủ con cháu ở lại hãy sống kính mến Chúa, đoàn kết yêu thương nhau và nhớ cầu nguyện cho họ…
Trước lúc “ra đi về cùng Thiên Chúa Cha”, Chúa Giêsu cũng để lại cho các môn đệ những lời trăn chối đầy an ủi: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Chúa Giêsu biết rõ sự ra đi của Ngài sẽ làm cho các môn đệ buồn sầu xao xuyến. Đối với các môn đệ, sự ra đi của Chúa Giêsu thực là một mất mát quá lớn không gì có thể bù đắp được. Các môn đệ mất đi chỗ dựa mà không ai có thể thay thế được. Quãng thời gian 3 năm chan chứa ân tình cùng chia sẻ vui buồn bên Thầy, được Thầy động viên dạy dỗ, những vụ khó khăn đã có Thầy giải quyết… Thế mà, bây giờ Thầy ra đi thì ai sẽ giúp các ông?
Thêm vào đó, sự ra đi của Chúa Giêsu làm tiêu tan “mộng vàng” của các môn đệ được ngồi bên hữu, bên tả khi Ngài làm vua. Bởi vậy, các ông thật sự hoang mang lo sợ không biết tương lai mình rồi sẽ ra sao.
Chúa Giêsu biết rõ nỗi lo âu xao xuyến của từng môn đệ, nên Ngài ân cần nhắn nhủ các ông hãy vững vàng, đừng ngã quỵ. Bởi vì sự ra đi của Ngài không phải là tàn lụi vĩnh viễn mà là sự ra đi dọn chỗ ở vĩnh cửu cho các ông, trong nhà Chúa Cha, để các ông được sống hạnh phúc đời đời với Ngài. Còn lời nào an ủi và khích lệ hơn cho các môn đệ giữa lúc buồn sầu: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.
Những lời an ủi của Chúa Giêsu cho các môn đệ năm xưa cũng là lời an ủi cho chính chúng ta, những môn đệ đang tin Chúa hôm nay, nhất là khi gặp thử thách gian nan, đau khổ bệnh tật…và cái chết. Những lúc đó chúng ta cảm thấy Chúa đã “ra đi”, Chúa không còn hiện hữu nữa, Chúa không còn thương tôi nữa… thì Lời Chúa hôm nay khích lệ chúng ta Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Kitô. Tin Thiên Chúa yêu thương và quyền phép vô cùng có thể làm được mọi sự nên tốt đẹp vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Như thế đức tin là một hành trình vượt qua bóng tối, những lúc không thấy, không hiểu được thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúng ta cần kiên vững trong niêm tin vì chắc chắn rằng Chúa sẽ cứu giúp chúng ta, như em bé trong câu chuyện sau:
Có một gia đình nọ sống giữa đồng không mông quạnh. Vào một đêm kia, căn nhà bốc cháy dữ dội. Cha mẹ, con cái vội chạy ra ngoài sân và đứng bất lực nhìn ngọn lửa thiêu rụi tổ ấm gia đình họ.
Bỗng mọi người chợt nhận ra còn thiếu mất đứa con út. Thì ra cậu bé cũng chạy ra với mọi người, nhưng chưa tới cửa, thấy lửa cháy dữ quá, cậu sợ hãi nên lại chạy trở lên lầu.
Trong lúc cả gia đình hốt hoảng không biết phải làm sao để cứu cậu bé năm tuổi, vì lửa cao ngút tứ phía, bỗng cửa sổ trên lầu mở toang, và cậu bé kêu khóc inh ỏi. Cha cậu bé gọi lớn tên con, rồi nói:
– Con nhảy xuống đây!
Cậu bé nhìn xuống dưới chỉ thấy khói mù và lửa cháy, nhưng nghe tiếng cha kêu, cậu đáp lại:
– Ba ơi, con không trông thấy ba đâu hết!
Người cha trả lời giọng cương quyết:
– Cứ nhảy đi, có ba trông thấy con là đủ rồi!
Và cậu bé leo lên cửa sổ, liều nhảy xuống, rơi vào vòng tay yêu thương vạm vỡ của cha mình một cách bình an vô sự.
Vâng, để có thể sống an vui tiến bước giữa dòng đời chúng ta cần tuyệt đối tín thác vào Chúa trong cầu nguyện không ngừng, như triết gia Pascal cảm nghiệm “bạn hãy quỳ gối cầu nguyện, và bạn sẽ có đức tin”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Ánh trăng” trong đan viện

“ÁNH TRĂNG” TRONG ĐAN VIỆN Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Thuở...

“Ngươi phải thờ cha kính mẹ” – Suy niệm Lời Chúa Thánh Lễ Mồng Hai Tết

“NGƯƠI PHẢI THỜ CHA KÍNH MẸ” Suy niệm Lời Chúa:...

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm)

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng...

29-6 Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, Mt 16,13-19: Hai cách làm chứng

29-6 Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, Mt 16,13-19 HAI...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...